Baivanhay Nghị luận về đức hi sinh

Baivanhay  Nghị luận về đức hi sinh

Để có được một cuộc sống thành công, hữu ích và hạnh phúc, con người cần hình thành và rèn luyện cho mình nhiều phẩm chất tốt đẹp. Một trong những phẩm chất cần có ấy là đức hi sinh.
Cùng mình nghị luận về đức hi sinh nhé!


5807


Nghị luận về đức hi sinh

Đạo đức truyền thống của chúng ta đề cao đức hi sinh ở người phụ nữ, có mục đích giáo dục đức hi sinh ở người phụ nữ, và có ý thức đòi hỏi đức hi sinh ở người phụ nữ, nhưng lại không có những biểu hiện tương tự đối với nam giới. Tại sao vậy?

Điều này đã làm dấy lên không biết bao nhiêu cuộc tranh luận giữa chúng ta, đặc biệt là trong giai đoạn gần đây khi tư tưởng bình đẳng nam nữ ngày càng được quan tâm và phổ biến trong xã hội. Những cuộc tranh luận diễn ra giữa người nam và người nữ, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới, giữa người trẻ với người già… Nhưng hầu hết những cuộc tranh luận đều không đi đến sự thống nhất tổng thể hay những giải pháp cụ thể và toàn diện, bởi chúng ta đã không nhìn nhận từ gốc rễ của vấn đề.

Trước hết, cần phải hiểu thế nào là “Đức hi sinh”. Chúng ta vẫn thường cho rằng hi sinh là sự mất mát, nhưng đó là một cái nhìn phiến diện, hẹp hòi. Hi sinh là một sự đánh đổi, đánh đổi những lợi ích trước mắt để lấy cái lợi ích lâu dài, đánh đổi cái niềm vui nhỏ bé để được cái ý nghĩa lớn lao, đánh đổi sự thỏa mãn của một bộ phận để đảm bảo sự ổn định của toàn thể… Người ta sẽ cảm thấy hi sinh là sự mất mát chỉ khi không nhìn thấy được cái lợi ích lâu dài, không cảm nhận được những ý nghĩa lớn lao, không ý thức được cái trường tồn của toàn thể.

Một người mẹ dành nhiều thời gian, tâm huyết và tiền bạc để nuôi dưỡng và giáo dục đứa con của mình sẽ được nhìn nhận là gì? Sẽ nhìn nhận đó là sự hi sinh nếu người mẹ đó không cảm nhận được niềm vui khi chứng kiến đứa con mình ngày một trưởng thành, không thấy trước được viễn cảnh đứa bé kia sẽ trở thành một con người hoàn thiện và đẹp đẽ. Sẽ nhìn nhận đó là sự đánh đổi tích cực nếu người mẹ đó hiểu rằng chỉ cần 1/3 thời gian trong 1/3 cuộc đời của mình thôi cũng đã tạo ra được một cuộc đời mới, một con người mới, một nhân cách mới hoàn chỉnh. Và sẽ là hạnh phúc khi người mẹ đó có tình yêu với đứa con của mình, với gia đình của mình, với người chồng của mình, nhìn nhận việc nuôi dạy đứa trẻ cùng chồng như là một sự tận hưởng tình yêu và trải nghiệm cuộc sống.

Đức hi sinh không phải là sự hi sinh. Đức hi sinh là ý thức sẵn sàng hi sinh, khả năng sẵn sàng hi sinh được tích lũy trong tâm thức ở mỗi con người. Nó có thể được tích lũy dưới dạng những cảm xúc thiêng liêng được vun đắp từ nhỏ, hay là sự lựa chọn của những suy nghĩ thấu đáo.

Một con người có Đức hi sinh có khả năng coi việc hi sinh những lợi ích của mình cho một giá trị nào đó xứng đáng như là một điều hết sức tự nhiên, như là một bổn phận hay trách nhiệm, như là chính ý nghĩa sự tồn tại của mình, như là chính niềm vui, là hạnh phúc của mình. Và bởi vì thế, đức hi sinh không phải là một gánh nặng, một trách nhiệm, mà là một sự cứu rỗi cho cảm xúc, cho nhận thức, cho tâm hồn của họ.

Chúng ta, dù ít hay nhiều cũng đều hiểu và tin vào luật nhân quả, rằng ở hiền thì gặp lành, ác giả thì ác báo. Đều tin rằng cuộc sống này vốn công bằng và không ai chỉ cho đi mà không được nhận lại, hay chỉ biết nhận mà không phải cho đi. Chúng ta cũng biết rằng sự cho đi là tiền đề để xây dựng những mối quan hệ, những tình cảm, những giá trị sống đẹp đẽ… Thế nên, có được ý thức sẵn sàng cho đi đã là một sự may mắn, bởi khi đó con người không phải nuối tiếc khi phải cho đi mà vẫn có cơ hội tận hưởng niềm vui khi nhận lại. Sẽ còn may mắn hơn nếu như con người biết dành sự hi sinh cho những điều xứng đáng, bởi khi đó họ có cơ hội nhận lại gấp nhiều lần. Và, hạnh phúc thay, khi những người cho đi kia nhìn nhận sự cho đi như là một niềm hạnh phúc, khi ấy, cuộc sống của họ sẽ ngập tràn hạnh phúc, và chúng ta nói rằng những con người ấy có đức hi sinh.

Vậy tại sao lại gọi là “Đức hi sinh” mà không gọi bằng một cái tên khác như “Dám đánh đổi”? Là bởi vì trước kia phụ nữ vốn không được học hành nên nhận thức bị hạn chế, cộng thêm với cuộc sống khó khăn đã giam hãm năng lực cảm nhận của họ nên họ khó có thể hiểu được những điều phức tạp, trừu tượng. Sẽ là khó khăn hơn để giúp một người phụ nữ không được học hành hiểu rằng những gì họ đang cho đi là một sự đánh đổi giữa hiện tại và tương lai, giữa cái cụ thể và cái khái quát, giữa cái bộ phận và cái bao hàm. Họ không được trang bị hoặc không dễ được trang bị những năng lực nhận thức để nhìn ra những điều đó, để hiểu rằng việc nuôi dạy con cái là một bổn phận với xã hội, với giống nòi, rằng việc chăm sóc cho chồng là vun đắp cho gia đình, cho tương lai, rằng việc yêu thương, bao dung và tha thứ với người khác là làm đẹp cho môi trường xã hội mình đang sống… Nên, sẽ phù hợp hơn với họ khi gọi tên đức tính đó là đức hi sinh.

Nhưng đạo đức truyền thống vốn khôn ngoan và công bằng. Truyền thống khôn ngoan vì đã khéo léo ca ngợi đức hi sinh của người phụ nữ bằng cách gọi tên bổn phận của họ là những thiên chức, bằng cách gợi lên ở người chồng, người con trong gia đình những tình cảm trân trọng và yêu thương, bằng cách vẽ lên hình ảnh người vợ, người mẹ thật đẹp đẽ trong tư tưởng hay văn hóa xã hội, bằng cách xây dựng những ngày lễ quan trọng để ngợi ca những đức tính, những con người này… Những điều ấy là những gì mà cuộc sống, mà xã hội hay gia đình bù đắp cho cảm xúc của người phụ nữ, động viên và thúc đẩy người phụ nữ rèn luyện và bồi đắp đức hi sinh cho mình. Trong mô hình truyền thống hoàn chỉnh, mọi sự tương tác giữa người với người đều hết sức nhân văn và đẹp đẽ.

Truyền thống công bằng vì truyền thống cũng đòi hỏi ở người nam giới những sự hi sinh tương tự, nhưng được gọi tên bằng những ngôn từ khác đi, đó là sự cao thượng, sự che chở, sự tranh đấu, sự dựng xây, là trách nhiệm dòng tộc, trách nhiệm quốc gia xã tắc… Ẩn bên trong những giá trị đạo đức này vẫn là sự đánh đổi, đánh đổi giữa cái ngắn ngủi trong hiện tại để lấy cái bền vững ở tương lai, đánh đổi nhu cầu của một bộ phận để lấy cái ổn định của toàn thể.

Nhưng người nam giới đã được giáo dục nhiều hơn để hiểu ra bản chất và sự cần thiết của những đức tính ấy, nên có thể gọi tên những đức tính ấy bằng những ngôn từ cụ thể và chính xác hơn, thích hợp với từng bổn phận và trách nhiệm với từng đối tượng và sắc thái hơn.

Cao thượng là sự đánh đổi những lợi ích của bản thân để đạt được sự tồn tại cho một giá trị nào đó của cái chung, của tập thể. Che chở là sự hi sinh những nhu cầu của bản thân để thỏa mãn những nhu cầu cấp thiết và quan trọng hơn đối với những người khác. Tranh đấu là hi sinh sự an toàn của bản thân để đổi lấy những nền tảng thuận lợi cho xã hội. Dựng xây là sự đánh đổi những nguồn lực của hiện tại để đạt được những thành tựu lâu dài và bền vững trong tương lai.

Bởi thế, “Đức hi sinh” là đức tính cần thiết ở tất cả mọi người, cần được khơi gợi và bồi đắp ở tất cả mọi người. Và để quá trình này được thuận lợi, thì đã đến lúc để bất cứ ai cũng nên được hiểu, được nhìn nhận về nó một cách rõ ràng hơn, tường tận hơn. Như thế, bản thân mỗi người mới có thể tự mình bồi đắp cho mình và không bị những hiện tượng hay xu hướng nhất thời làm cho nản chí.

Đức hi sinh là một giá trị đạo đức, là sự khôn ngoan của tâm hồn. Và vì thế nó luôn mang lại những điều tốt đẹp cho con người, hay cho mối quan hệ giữa người với người. Đức hi sinh chỉ gây ra đau khổ khi người ta không hiểu đúng về nó, không cảm nhận được nó, hay không sử dụng nó đúng cách.

Từ trước đến giờ, con người chỉ đau khổ vì hi sinh cho những gì không xứng đáng để hi sinh, con người chỉ đau khổ vì hi sinh mà không cảm nhận được tình yêu thương và lẽ công bằng trong sự hi sinh đó. Từ trước đến giờ, con người chỉ đau khổ vì sự ngu dốt của mình mà thôi.
 
Từ khóa Từ khóa
yeu thuong đức hi sinh
710
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.