Dự thi Nguôi

Dự thi Nguôi

Tấm
Tấm
  • Thành Viên 27
Những ngày này, bầu trời dường như chẳng buồn thức dậy, uể oải, lười biếng, trốn mình sau những đám mây u ám, xám xịt. Sương mù dày đặc, phủ trắng xóa. Gió bấc thi nhau ùa về, đập mạnh vào thành cửa sổ, rồi nghịch ngợm luồn qua thân cây bàng trơ trọi lá.

Bà An khẽ thở dài, hơi thở liền biến thành những khối sương trắng. Năm nay trời rét muộn, gần tháng mười hai mới rét. Mà hôm qua trời vẫn còn oi ả, vậy mà tối đến, đài báo rét là rét được ngay.

Trời rét quá, buốt đến thấu xương. Bà An ngồi co ro cuối đường, mặc mỗi hai tấm áo mỏng, vạt áo trắng bên trong còn dài hơn áo trước. Mặt bà buồn tiu nghỉu, hai gánh rau xanh mơn mởn nhưng sáng giờ bà chưa có vị khách nào. Ấy vậy mà độ hơn chín giờ, công an xã đi tuần tra, bao nhiêu người bán hàng bị tịch thu đồ vì lấn chiếm lòng đường, trong số đó có cả bà. Bà khổ quá, già rồi, tay chân vụng về, không được nhanh. Người ta hô hán có công an, bà liền đặt đôi quang gánh lên vai đi được dăm ba bước thì loạng choạng. Thế là, cả bà cả rau đều bị người ta đưa lên phường. Người ta bảo bà nộp phạt đôi trăm thì người ta trả đồ cho, nhưng chỗ rau này cả vốn còn chẳng đến trăm ngàn ấy chứ. Xin xỏ mãi chẳng được, tức mình, bà bỏ cả rau, lững thững đi về nhà. Trước khi đi, bà không quên lấy mẩu bánh mì nhét dưới mớ hành, trông nó khô queo, được cất trong túi ni lông sạch sẽ, sáng bà mới ăn một nửa, còn một nửa, vốn định để dành đến trưa.

Khi bà gần tới nhà, tiếng bước chân tuy khẽ nhưng đủ để người bên trong nhận ra bà đã về. Tiếng xích va vào nhau, rất mạnh và liên tục như thể ai đó đang dần mất kiên nhẫn. Sau cùng là những âm thanh lộn xộn, inh ỏi. Bà An vội chạy mở cửa, miệng cằn nhằn:

“Đây rồi, đừng có phá nữa”

Người bên trong phòng lập tức ngoan ngoãn, liền không phát ra tiếng động nào.

Bước vào sân rộng, đi tới trước căn phòng nhỏ mười mét vuông, bà An mở cửa sổ. Ánh sáng từ ngoài hắt vào, trông rõ bên trong những vết ẩm mốc sau những ngày mưa, rồi trời chuyển đông, mãi chẳng có nắng.

Người trong căn phòng bị ánh sáng đột ngột chiếu vào mắt, vội đưa tay lên che mặt có chút sợ sệt, tay còn lại ôm chặt con búp bê. Nhìn kỹ mới thấy đó là một người phụ nữ, phía dưới cô ấy còn có một chiếc xích quấn quanh cổ chân.

Đó là Hoa, cháu gái của bà.

Bà vốn chỉ định đem cho Hoa chiếc bánh rán bà vừa mua ở đầu hẻm, nhưng một mùi hôi thối bốc ra khiến bà cảm thấy vô cùng khó chịu. Nhìn quanh một lượt căn phòng, liền phát hiện Hoa đại tiện ngay trên giường, không khác gì một đứa trẻ. Bà tức tối, đánh liên tục vào người Hoa, vừa đánh bà vừa khóc:

“Trời ơi, mày có để tao sống nữa không?”

Vậy mà đáp lại bà chỉ toàn những âm thanh vô nghĩa: “Hà hà hà…hà…hà hà”

Bà An năm nay đã gần bảy mươi tuổi, làn da nhăn nheo, bám chặt lấy đôi tay trơ xương, gầy đét, đầy vết đồi mồi. Chẳng ai biết được, hồi còn trẻ trông bà cũng xinh xắn lắm. Nhưng số phận hẩm hiu, bà lấy chồng bộ đội đang công tác gần nhà, lúc sinh hạ được Lan - cô con gái đầu lòng thì ông đi biệt tăm, không liên lạc được nữa.

Một mình nuôi con, bao nhiêu vất vả, đêm hôm sớm tối, ngày nắng, ngày mưa,... cũng đâu phải một hai ngày, cũng đâu thể vài câu nói là vơi bày nỗi vất vả.

Vậy mà, con dại cái mang. Khi Lan hai mươi tuổi, đang độ tuổi đẹp nhất, học đại học, tương lai rộng mở. Thì một ngày chớm đông, se se lạnh, bà An nhớ rõ khi ấy Lan còn đeo trên cổ một chiếc khăn len nhung, Lan từ thành phố trở về với chiếc bụng bầu bảy tháng. Bà cũng không hỏi cha đứa nhỏ là ai, vì bà biết, có là ai thì người ta cũng không chịu trách nhiệm với con cháu của bà.

Sau khi sinh, Lan đưa Hoa cho bà chăm sóc rồi lên thành phố tiếp tục đi học.

Nhưng rồi chuyện xấu vẫn liên tục xảy ra.

Khi Hoa gần hai tuổi, bác sĩ chuẩn đoán Hoa bị tự kỷ và không có khả năng biểu đạt ngôn ngữ. Mà Lan thì lấy chồng, dấu nhà chồng chuyện có một người con gái là Hoa, cả năm may ra Lan về thăm nhà được ngày tết. Cũng chỉ chốc lát ngày hai chín hoặc ba mươi, Lan mua cho bà cặp bánh chưng, đôi gà, mua cả cho Hoa bộ quần áo mới. Mặc dù chẳng mấy lần gặp Lan, nhưng dường như Hoa hiểu được thế nào là tình mẫu tử, Hoa vui vẻ, cười ngây ngốc.

Thoáng cái, cũng đã hơn ba mươi năm rồi, gần đây Lan cũng chẳng về thăm bà nữa. Lan bận chăm cháu trai, mà đó cũng là chắt của bà. Bà muốn lên thăm chắt lắm, mà Hoa thế này, bà chẳng đi được đâu.

Nghĩ ngợi nhiều, bà lại buồn, nhìn đống chăn màn do Hoa gây ra, vừa nãy bà mang ra tiệm nhưng người ta chê bẩn, phí sẽ đắt. Tiếc tiền, bà lại đem về nhà tự giặt. Mà tay bà yếu, có vắt nổi đâu.

Giặt được chỗ chăn màn, thì quần áo trên người cũng ướt một nửa. Vừa lạnh, vừa buốt.

Hoa ngồi trong phòng, nhìn qua ô cửa sổ, thấy quần bà ướt sũng, khoái chí cười khanh khách.

Còn bà, bà nhìn nụ cười ngây ngô của Hoa, trong lòng nặng trĩu. Bà nghĩ, bà nhiều tuổi rồi, nhỡ có làm sao … Thôi, bà chẳng buồn nghĩ nữa.
Nửa đêm, gió bấc càng thi nhau vỗ mạnh vào thành cửa sổ, kêu rầm rầm. Bà An khẽ trở mình, vội kéo chiếc chăn bông kín mít.

Trong tiếng gió rít, tiếng những chiếc lá rơi xào xạc, thấp thoáng tiếng Hoa rên “hừ hừ”. Bà An giật mình, vội vàng đi đến căn phòng nhỏ, tiếng rên ngày một gần, bà càng luống cuống.

Trong căn phòng, Hoa cả người uốn cong về phía trước, tay và chân co gập lại, miệng rên “hừ hừ”, sau đó sùi bọt mép. Bà An hoảng loạn, vội tháo bỏ dây xích, nghiêng đầu Hoa sang một bên, nới lỏng quần áo và để Hoa nằm trong tư thế thoải mái nhất.

Khi Hoa qua cơn co giật, bà An thở phào nhẹ nhõm, nhưng chưa kịp an tâm thì Hoa lại vùng vẫy chạy trốn khỏi căn phòng. Mà bà già rồi, chạy theo không kịp. Vậy là đêm đó, Hoa không về.

Khi Hoa trở về thì đã là trưa hôm sau, vì đói nên Hoa về. Về trong trạng thái quần áo xộc xệch, một vài chiếc cúc còn bị bung khỏi áo, để lộ ra vòng eo nhỏ nhắn, trắng ngần. Hoa đứng trước cổng, gương mặt xanh xao, môi tím lịm, cả người co rúm.

Thấy Hoa, bà An bàng hoàng. Cả đời bà, từ lúc bị chồng bỏ lại, lúc con cái dại dột đang đi học thì mang thai, đến cả lúc thấy máu mủ nhà mình chẳng được sống như một cuộc đời bình thường,... bà cũng chưa một lần nào trách giận. Vậy mà hôm nay, bà nhìn khắp cơ thể Hoa đều có vết tích của đàn ông, bà giận, bà đứng giữa đường, hô hoán:

“Thằng tệ bạc nào… mày có còn là người không? Chúng mày mất dậy đến cỡ nào mà lại làm một đứa ngố đần ra nông nỗi thế… Chúng mày…thằng nào… chúng mày bước ra đây…”

Bao nhiêu người nghe tiếng ồn ào đều chạy ra xem, nhưng tuyệt nhiên không một ai trả lời bà. Bà bất lực, nhìn lên trời:

“Ông trời ơi, ông có mắt hay không? Nếu ông có mắt, sao ông để hết bao nhiêu tủi nhục lên cháu tôi thế này? Ông nhìn đi, nó lớn tồng ngồng, đã ba mươi tuổi, không học không hành, không biết mặt cha không được gần mẹ, không có gì cả… mà sao ông lại ác với nó thế. Nếu lỗi lầm gì, ông đổ hết lên thân già tôi đây này…”

Càng nói, bà càng không giữ được bình tĩnh, chân tay run rẩy, gục xuống đường. Hàng xóm xung quanh thấy bà ngã ra đó, vội vàng đỡ bà lên.
Hoa lần đầu thấy cảnh đông người, tưởng mọi người đang chơi trò chơi, vừa cười vừa vỗ tay, nói ngây ngốc: “Hà hà hà hà…hà hà…hà”

Những ngày cuối đông, trời có lúc ửng nắng, lúc òa cơn mưa bất chợt, chút lưa thưa gió rét rồi lại nồng nàn chói chang.

Trong căn bếp, bà An nhóm lửa đun liu riu nồi cá kho tộ, thơm nồng vị giềng, lá gừng, chút mắm, hạt tiêu. Hương bay khắp ngõ, chú mèo đang cuộn tròn sưởi nắng ngoài kia cũng khẽ kêu meo một tiếng rồi chạy đến dụi đầu vào chân bà nũng nịu. Bà khẽ cười, lấy chút cơm nguội trộn nước cá kho cho mèo con ăn, còn cưng chiều vuốt ve bộ lông mềm mượt của nó.

Xong, bà chọn khúc cá giữa, béo ngậy, vài miếng dưa chua cùng một bát cơm nóng mang cho Hoa.

Vào mùa đông, ăn cơm cá kho thì hao cơm biết mấy. Nhưng Hoa lúc này vô cùng khó chịu, mùi tanh tanh của cá khiến Hoa cảm thấy buồn nôn. Bà An nhìn Hoa, bất giác trong lòng truyền đến một cảm giác bất an lạ thường.

Sáng sớm hôm sau, trên tay bà An cầm que thử thai hai vạch đỏ chót, gương mặt bà thẫn thờ. Rõ ràng là hôm đó, sau khi biết chuyện bà đã cho Hoa uống thuốc tránh thai. Vậy mà,...

Bà khẽ hít sâu một hơi, cầm chiếc điện thoại bấm tên một người con thân thuộc mà lâu rồi bà chưa gặp, cũng chẳng mấy lần hỏi thăm. Những hồi chuông kéo dài, càng khiến lòng bà thêm nhức nhối, vậy mà phải đến cuộc gọi thứ hai người bên kia mới đồng ý trả lời.

“Mẹ…”
“Mi có… về nhà được không? Cái Hoa xảy ra chuyện… rồi” - Giọng bà An nghẹn ngào.
“Chuyện gì vậy mẹ, đợt này cuối năm, con con nó bận buôn bán, mà thằng cu con phải chăm nom nên cũng khó đi lại mẹ ạ….”
“Vậy cái Hoa có phải con mi đứt ruột đẻ ra không?”
“...”

Những ngày chớm xuân, nắng nhạt hanh hanh vàng, nhưng gió đông vẫn lưu luyến thì thoảng lại ùa về một cơn rét lạnh khiến những chiếc lá dưới sân kêu xào xạc, bà An cầm chổi, quét chúng gọn lại một nơi, chất thành đống.

Ngoài sân, những chú chim vui vẻ hót mừng xuân về, cây cối cũng phủ trên mình màu xanh non mơn mởn, hương bưởi cũng quất quýt với gió bay khắp ngõ,.. Chỉ có căn nhà của bà An vốn đã ảm đạm, giờ còn trống trải hơn.

Nhanh thật, chẳng mấy mà lại hết năm rồi.

Bà An vào nhà, thắp lên ban một nén hương, khói hương rải khắp căn phòng, không biết do hương làm cay mắt hay vì tâm tình khiến bà xúc động.

Hoa đi rồi, đi lúc còn trẻ quá, đâu ai nghĩ được xâu xa nên chẳng có nổi một tấm ảnh thờ.

Mới hôm kia thôi, bà vẫn thấy Hoa ở trong căn phòng kia nói nói cười cười, vậy mà giờ đây, Hoa đã nằm ở một nơi lạnh lẽo.

Than ôi, máu mủ nhà bà, nếu chẳng phải bà cũng đến tuổi gần đất xa trời, nếu chẳng phải vì Hoa không được khôn ngoan như bao người bình thường khác, hay… nếu Lan có thể đưa Hoa về chăm sóc. Thì bà đâu phải chứng kiến cảnh Hoa cắt bỏ giọt máu của mình đến mất cả tính mạng.

Hôm nay là bốn chín ngày của Hoa, cũng là ngày ba mươi tết. Khác với nhiều gia đình ngoài kia, họ trang trí cành đào, những ngọn đèn sáng lấp lánh, thơm thơm mùi lá rong, nồng nàn vị mít sấy,.. Bên này, bà An sắp mâm cơm cúng lên bàn, 15 sấp tiền vàng, hai đến ba bộ quần áo cùng một ít đồ vàng mã cần thiết.

Xong, tiếng chuông điện thoại kêu, bà suy nghĩ một hồi, vẫn quyết định nghe máy. Đầu dây bên kia ấp úng:

“Mẹ ơi, chiều nay con không về được đâu … Con…”
Lời còn chưa dứt, bà An đã trả lời: “Ừ” - Sau đó liền tắt máy.

Bà ra ngoài, rửa tay chân thật sạch, cũng thay cho mình bộ quần áo mới. Xong, bà thắp ba nén nhang, quỳ xuống chiếu, tay lật từng trang quyển kinh phật, vừa gõ mõ vừa tụng kinh.

Hơn 11 giờ đêm, ở thành phố Bắc Cạn.

Gió bỗng rít ào ào, đập vào thành cửa sổ, tấm rèm bay vút lên cao, truyền đến một đợt lạnh nổi hết gai ốc. Lan chợt thức giấc, đắp chăn cho đứa cháu nhỏ, xong liền dậy kéo thành cửa sổ.

Đến khi Lan quay lại giường, đắp lên mình chiếc chăn bông ấm áp thì gió liền đập cửa tuột mất thanh móc cài, khiến căn phòng một lần nữa trở nên lạnh buốt. Lan cau mày, chợt nghĩ: “Đài báo năm nay tết nắng ấm, mà sao đêm nay gió rít thế này”.

Khi Lan đứng dậy cài then chốt cửa một lần nữa, tiếng ai đó cười khúc khích cạnh ngăn góc tủ khiến Lan giật mình.

Nụ cười ấy giống như ngày xưa, mỗi lần Lan nói dối chồng về quê thăm mẹ và “đứa em” dại khờ, khi trông thấy Lan về thì Hoa vui biết mấy.
Hoa ngờ nghệch, cả đời này chẳng nói được một tiếng mẹ nhưng mỗi lần thấy Lan đều nũng nịu đòi ôm. Hoa ngờ nghệch, chẳng hiểu chia xa là gì nhưng cứ mỗi chiều chủ nhật, thấy Lan rời đi liền ngồi nhìn ngây ngốc. Hoa ngờ nghệch, dù ba tuổi hay ba mươi tuổi, thích nhất là mỗi lần Lan về, liền nắm lấy tay Lan chỉ vào góc tường, tỏ ý muốn Lan quay mặt lại còn mình thì đi trốn…

Nhưng có lẽ lần này, Lan mãi mãi không tìm thấy Hoa nữa rồi.

Hoa liền vẫy vẫy cánh tay, nụ cười ban nãy giờ đã thay bằng những giọt nước mắt.

Lan cũng giật mình tỉnh dậy trong giấc mộng, vô thức đưa tay lên gương mặt đã ướt đẫm, ánh mắt tìm kiếm một bóng hình dẫu biết chẳng thể gặp lại. Miệng vẫn không ngừng run rẩy, khẽ gọi một tiếng: “Con ơi…!”

/…/
Chỉ còn vài tích tắc nữa là sang canh, bầu trời đêm nay khác với mọi đêm không còn huyền ảo tĩnh lặng, bầu trời đêm nay sẽ sáng bừng với những bông pháo nở rộ hình cánh hoa, đủ sắc màu, rực rỡ. Khắp nơi nghe đâu cũng thấy tiếng nhà nhà người người đoàn tụ, sum vầy chuẩn bị cùng nhau đón khoảnh khắc xuân sang.

Bà An ngồi trước hiên, trên tay bà là chiếc khăn len đan dở. Vốn định làm nó cho Hoa, từ đợt chớm đông mà giờ còn chưa xong nữa.
Con mèo nghịch ngợm, chân với lấy cuộn len, mà bà mắng thế nào nó cũng không chịu trả len cho bà. Bỗng một cơn gió nhẹ thổi qua, con mèo sợ sệt liền kêu lên một tiếng. Như có linh cảm ở phía sau, bà khẽ quay lại nhìn về phía căn phòng nhỏ. Thời khắc sang canh, pháo bông nở rầm rộ. Bà mơ màng thấy Hoa vẫn giống như xưa, mỗi lần thấy pháo bông liền khoái chí cười thích thú.

Cho đến khi pháo bông tắt dần, cũng là báo hiệu năm mới xuân sang, bà An bần thần, bóng dáng người cháu nhỏ liền không thấy đâu nữa.
Bà khẽ lắc đầu, nghĩ bản thân già thật rồi, xong… khóe mắt bà rưng rưng.

Bà vào nhà, thắp một nén nhang. Rõ ràng là đau đớn đến từng thớ thịt, nhưng vẫn tự nhủ với lòng, nói một câu: “May mà mi chết trước, ta còn lo được cho mi mồ mả. Giờ ta có khuất đi cũng an lòng rồi…”

Ngoài kia, một vài người đã ngủ, cũng có vài người đã đến nhà nhau chúc tụng mừng xuân sang. Bên này, trong căn nhà nhỏ gần cuối ngõ, gió khẽ thổi đung đưa, bay bay tấm vải đen đằng sau ô cửa. Trong tiếng gió khẽ thì thầm qua ngọn cỏ, mơ hồ nghe một tiếng xót xa, cứ lặp đi lặp lại:
“May mà mi đi trước…”
“May mà mi đi trước…”
“May mà….”
Dự thi Mùa Tết - chủ đề 2: Chậm/ Diễn đàn Văn học trẻ
Tác giả: Tấm​
 

Đính kèm

  • bà.png
    bà.png
    253.3 KB · Lượt xem: 344
Sửa lần cuối:
581
6
1

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Đọc truyện của bạn xong, không thể vào giấc ngủ. Những câu chuyện tương tự như thế, mình đã xem phim không biết bao nhiêu lần. Vậy mà không thoát được nỗi buồn của sự đồng cảm. Thương bà An, thương Hoa và thương cả Lan.
 
  • Like
Reactions: Phong Cầm

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top