Dự thi Những ngày hè đáng nhớ

Dự thi  Những ngày hè đáng nhớ

Tôi sinh ra nơi miền quê nông thôn quanh năm suốt tháng gắn bó với ruộng đồng nhưng lớn lên lại ở cái phố thị dân cư đông đúc, sầm uất đêm ngày. Nơi tôi ở, nhà cao tầng chọc trời nối dài từ con phố này qua con phố khác. Phố xá, cảnh sinh hoạt thường ngày đã ăn sâu vào trí nhớ tôi tự bao giờ. Nhưng kỉ niệm tuổi thơ của tôi lại gắn bó nhiều với nông thôn hơn thành phố. Nhất là những kỳ nghỉ hè và những khi lễ tết. Dường như miền kí ức làng quê sâu đậm không thể nào quên được đối với tôi và quê nội tôi ở đấy.​
Chạy nhảy.jpg

(Chạy nhảy, vui đùa - Văn Học Trẻ - Ảnh internet)​
Tình cảm nhà quê chứa chất vị nồng say của những ngày tôi cùng các em và bà nội sinh sống. Tuổi thơ tôi lẫn trong hương thơm của ruộng đồng, thân quen đường làng, ngõ xóm đến khó quên. Lối sống giản dị, mộc mạc khác hẳn với đô thị, họ không có sự bon chen giữa dòng đời mưu sinh kiếm sống. Cuộc sống yên bình, thoáng đãng xen từng thôn xóm, góc quê rất đỗi thân thương giấu trong nếp nghĩ, nếp làm chan chứa thấm vào lời ăn, tiếng nói chân thành, mộc mạc, giản dị mà gần gũi đầy tình làng, nghĩa xóm.
Tôi cứ mong năm học kết thúc thật nhanh để được bố mẹ cho về quê nghỉ hè và sống cùng bà nội với các cô, chơi đùa thỏa thích với thằng Linh đen con cô Lan em gái kế bố, thằng Thảo lùn với cái Hiền móm con cô Hảo là em út bố tôi. Bao nhiêu viễn cảnh ở quê nội cứ hiện lên trào dâng với tuổi thơ. Nơi miền quê ấy, tôi được các em với lũ trẻ cùng trang lứa trong làng rủ nhau tắm ao làng, ngụp lặn, vùng vẫy dưới nước chán chê bao nhiêu giờ đồng hồ, uống nước no nê, mắt đỏ hoe tựa mắt cá chày đến phát sốt mà vẫn cứ hứng thú. Hết bơi lội lại nhảy cầu dừa cho thỏa chí anh hùng rơm. Chơi các trò chơi dân gian như: nhảy cò bẹp, ô ăn quan, đánh chuyền, đánh chắt, rồng rắn lên mây…Thích ơi là thích! Cứ anh nào rủ chơi trò chơi nào thì tôi cũng nhào tới để thắng thua mặc dù chẳng hiểu ất giáp gì.Tôi cứ bắt cặp với các em tôi để có thua trận chúng nó còn cứu trợ cho bớt xấu hổ. Hình như có tôi thì ván thắng ít hơn ván thua. Chúng hờn dỗi với thái độ không hài lòng về mách bà:
“Bà ơi, ngày mai không cho anh đi theo chơi nữa đâu, anh chả biết chơi, làm hư bột hư đường hết bà ạ. Cháu không chơi với anh nữa.”
Thằng Thảo mếu máo khi buổi chơi mỗi chiều kết thúc rồi lên mặt giận hờn tôi. Thấy vậy, bà tôi bênh vực tôi rồi gọi nó vào động viên như năn nỉ:
“Cháu cho anh chơi với, anh người thành phố chứ đâu phải nhà quê như mình đâu mà hiểu hết được các trò chơi ở quê. Cháu dỗi anh tội nghiệp. Cho anh chơi với nhá!”
Thảo bực bội nhưng nghe bà nói cũng thương anh:
“Anh chơi thua chả thắng được ván nào.”
Thằng Thảo nước mắt nhoè nhoẹt trông cũng tội nghiệp. Những lúc như thế, tôi cảm thấy thương nó quá nhưng trẻ con mà giận rồi lại quên ngay.
Mới về quê mấy ngày, nước da trắng trèo của tôi đã sạm đen đi nhiều. Suốt ngày ra nắng, tắm ao rồi rong ruổi với các em nhà các cô tôi ở ngoài đồng ruộng. Đi chơi nhiều mệt thở không nổi, tôi cũng phải chạy theo chúng nó. Hôm sốt nóng, bà tôi lo lắng sợ tôi ốm. Thế rồi mấy ngày sau đó, tôi không được chạy nhảy đi chơi. Khi khỏe lại, tôi muốn đi cùng các em và lũ trẻ hàng xóm ấy nhưng bà không cho.
“Người nhà quê khác người thành thị cháu ạ. Họ ra nắng quen rồi. Ít bệnh tật lắm. Cháu theo không kịp đâu, cháu bệnh thì bà biết ăn nói với bố mẹ ra sao? Thôi ở nhà với bà.”
Thấy bà đượm buồn. Tôi ngoan ngoãn làm theo lời bà dạy nhưng ở nhà chán lắm. Cứ thấy chúng nó nhao nhao đâu đấy, tôi lại muốn co cẳng chạy theo cho vơi nỗi buồn. Tôi mông lung nhớ bạn bè tôi nơi phố thị chật hẹp cũng vui đùa nhưng không thỏa thích bằng ở quê. Tôi nhớ bố mẹ gồng mình đi làm ca lúc sáng, lúc khuya. Tôi buồn không ăn uống gì, bà lo lắng quá đánh điện cho bố về. Bố bận công việc cơ quan. Lúc nào cũng đi công tác xa. Thương bố vất vả, tôi bảo bà:
“Do cháu ốm nên thấy cháu buồn bà lo hả bà? Ngày mai, bà cho cháu đi chơi với thằng Thảo, thằng Linh, cái Hiền là cháu hết ốm liền.”
Bà nhẹ tênh lòng:
“Ừ bà sẽ cho cháu đi chơi.”
Đúng là ốm đau buồn thật. Người lớn lo lắng, thấy cháu không thèm ăn uống gì, bà tôi cũng nhịn luôn. Mặt bà lúc nào cũng buồn thiu, ngồi chăm sóc cháu mà thi thoảng bà thở dài não nuột. Bà thở dài là bà lo cho mình đấy, tôi mong nhanh hết bệnh cho bà vui. Rồi cơn bệnh cũng qua, bà cháu lại vui vầy. Lúc nào cũng vang tiếng cười. Thằng Linh, Thảo, cái Hiền và các cô tôi vui lắm. Anh em lại chơi đùa thỏa thích với nhau. Bà cũng vui lây, thấy cháu khỏe và ăn nhiều bà lúc nào cũng dỗ dành, yêu thương. Tôi thủ thỉ với bà:
“Bà ơi, cháu thích ở đây với bà mãi mãi bà ạ. Quê mình cái gì cũng vui không như nơi thị thành nhà cháu.”
Thấm thoắt mùa hè trôi. Tôi lại phải rời xa nội và các cô cùng các em về lại thành phố. Đi rồi mà cứ nhớ cái ruộng đồng thoảng mùi bùn rơm rạ, cơn gió đồng man mác thổi liên miên. Nhớ cái ao làng tặng cho mấy ngày lên cơn sốt làm cho bà thấp thỏm lo âu. Con đường đất in hằn bàn chân bé xíu tuổi thơ tung tăng chạy nhảy, nô đùa. Văng vẳng những tràng cười, trận khóc của các em khi thắng thua trò chơi đuổi bắt. Và tất cả những gì mà quê nội tôi có…Ngày hè ơi! Ta nhớ mãi không quên.
Và mùa hè...tiếp nối những mùa hè...tôi về quê thăm bà chỉ còn là hoài niệm. Tôi thẫn thờ nhìn nấm đất tròn cỏ mọc lún phún xung quanh mà đôi mắt đỏ hoe ừng ực nước. Nhác nhìn xung quanh rồi thầm gọi: “Bà ơi, cháu về nghỉ hè thăm bà đấy!” Lòng nao nao khi cơn gió thoảng bay qua phả hơi nóng của trưa hè. Làn khói trầm hương uốn lượn sà vào đất mát lòng người thiên cổ.​

Bài của Phùng Văn Định
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
kí ức mùa hè quê nội tuổi thơ
674
2
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.