Chia Sẻ  “Nỗi buồn chiến tranh”, một cách viết khác về chiến tranh

Triều Anh
Triều AnhTriều Anh đã được xác minh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Bảo Ninh là bút danh - ngoài ra còn rất nhiều bút danh khác như Nhật Giang, Mã Pí Lèng…. Ông sinh ngày 18 tháng 10 năm 1952 tại Nghệ An, tên thật là Hoàng Ấu Phương, là nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang lớn, trong đó thành công nhất là Nỗi buồn chiến tranh. Cùng VHT đọc bài viết sau đây để hiểu thêm về Bảo Ninh và Nỗi buồn chiến tranh.


Bao-Ninh-vhsg3.jpg

Ảnh sưu tầm


Đã hơn 30 năm từ ngày tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (tên ban đầu là Thân phận của tình yêu) của nhà văn Bảo Ninh (tên thật là Hoàng Ấu Phương, quê Bảo Ninh, Quảng Bình) ra đời và nổi tiếng khắp thế giới. Nó được xem là “cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam”, “cuốn sách chạm vào mẫu số chung của nhân loại”, “thành tựu lớn nhất của văn học Đổi mới”… Tiểu thuyết đã được dịch ra 15 thứ tiếng, và có những thứ tiếng có 2 phiên bản, giới thiệu ở 18 nước trên thế giới. Trên tờ quảng cáo bản dịch tiếng Trung ghi rõ “Bốn lần được đề cử giải Nobel”. Nhiều người đã đem Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đặt cùng hàng với Phía Tây không có gì lạ của Remarque, Người đọc của Bernhard Schlink (Đức), Người đua diều của Khaled Hosseini (Ba Tư). Đã có rất nhiều bài phê bình và cả những luận văn, luận án về tác phẩm này, hầu như không còn gì để viết nữa.

Dẫu vậy, số phận Nỗi buồn chiến tranh vẫn chưa xong xuôi, vẫn còn những ý kiến trái chiều. Tác phẩm sau khi xuất bản đã nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, rồi bị cấm từ năm 1993 đến 2005, đến 2006 lại được phép xuất bản trở lại. Sau năm 1991 đã có nhiều nhà văn có tên tuổi viết bài phê bình Bảo Ninh. Tôi nhớ tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8, 2010, tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã tiến ra giữa hội trường xin lỗi nhà văn Bảo Ninh vì đã viết bài phê phán ông. Năm 2011 sách được Giải thưởng châu Á của Nhật Bản (Nikkei Asia Prize). Nhưng ở Việt Nam cho đến nay tác phẩm vẫn chưa lọt vào Giải thưởng Nhà nước, mặc dù theo tôi, nó đã xứng đáng từ lâu, vì nó đứng vào hàng kinh điển thế giới. Một số trường đại học ở Mĩ đưa Nỗi buồn chiến tranh vào loại sách bắt buộc phải đọc. Nhà văn Diêm Liên Khoa (Trung Quốc) cũng liệt vào sách phải đọc đối với học viên lớp sáng tác mà ông phụ trách.

Bảo Ninh là nhà văn cựu chiến binh, quê Quảng Bình, sinh năm 1952 tại Nghệ An, trong một gia đình nhiều đời nho gia, bố là nhà ngữ học nổi tiếng Hoàng Tuệ, từng làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nghiên cứu về chuẩn tiếng Việt và nhiều vấn đề liên quan đến chính sách ngôn ngữ của Nhà nước. Sau năm 1975, Hoàng Ấu Phương được giải ngũ, học Trường viết văn Nguyễn Du khóa III, bắt đầu viết văn từ năm 1987. Thời đi bộ đội, Phương từng đọc tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ của nhà văn Erich Maria Remarque (1898 - 1970) viết về Thế chiến thứ nhất. Hòa bình, thân phụ nhà văn sau chuyến đi Pháp có mang về tập tiểu thuyết Cuộc đời và số phận của Grossman (1905 - 1964), viết về cuộc sống người dân Xô-viết trong chiến tranh chống phát xít. Cả hai cuốn sách có tính phản tư về lịch sử đều có ảnh hưởng đến tư tưởng và nghệ thuật của Bảo Ninh. Khi viết Nỗi buồn chiến tranh theo kiểu phản tư, không phải Bảo Ninh không biết trước những hiểm nguy đang chờ đợi ông. Nghệ thuật của ông có tính chất dấn thân và suốt thời gian hơn 30 năm, trước bao dư luận, ông vẫn giữ thái độ im lặng bình thản. Từ đây ta thấy ý thức nghệ thuật và tinh thần dũng cảm của nhà văn Bảo Ninh.

Nỗi buồn chiến tranh thuộc loại tiểu thuyết chỉ có một nhân vật chính xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Các nhân vật khác đều là phụ, xuất hiện thấp thoáng trong các tình tiết. Kiên là nhân vật chính mang ba vai. Là người chiến sĩ sống sót sau chiến tranh của một đơn vị, không thể tự giải thoát khỏi các hồi tưởng về cuộc chiến tranh vừa qua và về các đồng đội đã mất như một chứng bệnh trầm cảm. Là người đánh mất mối tình đẹp đẽ của mình. Là người viết tiểu thuyết với ý thức sứ mệnh. Với ba vai đó, tiểu thuyết thể hiện ba nội dung cơ bản: cuộc chiến tranh khốc liệt với vô vàn chết chóc; chiến tranh và sự hủy diệt hạnh phúc đời thường; ý thức về chuyện viết văn về đề tài chiến tranh, muốn vượt qua truyền thống cũ.

Vấn đề đầu tiên đối với nhà văn là viết về chiến tranh như thế nào. Khi bắt đầu tiểu thuyết Kiên đã tự nêu câu hỏi: “Vì sao anh lại chọn chiến tranh và vì sao nhất thiết phải là nó?” (Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Trẻ, 2011, các trích dẫn về sau đều lấy từ nguồn này). Anh chọn nó chính là để thay đổi nó. Vấn đề chính là ở cách nhìn về chiến tranh. Cuốn sách đã đi ngược lại với truyền thống thể hiện chiến tranh đã thành công thức. Một số người cho rằng, viết như thế là “xúc phạm” người đã khuất, vì không viết họ như những anh hùng. Nhưng chiến tranh là một đề tài rộng lớn, mà các hành động anh hùng trong chiến đấu chỉ là một phương diện. Chiến tranh còn là chết chóc, là hủy diệt, là mất mát đau thương... - những điều không thể không viết. Đất nước ta ở vào một vị trí địa chính trị thế nào đó mà thường phải đương đầu với chiến tranh và buộc phải sống còn. Sau tất cả, hòa bình thật quý giá. Đó cũng là tư tưởng của Hồ Chí Minh khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, 19/12/1946. Từ cuộc kháng chiến chống Pháp, sang cuộc kháng chiến chống Mĩ, tiểu thuyết về chiến tranh ở Việt Nam ra đời trong nhu cầu giáo dục truyền thống anh hùng. Trần Đăng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Nguyễn Văn Bổng, Võ Huy Tâm, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh, Chu Lai, Nam Hà… và biết bao nhà văn Việt Nam khác đã sáng tác tiểu thuyết về chiến tranh như thế. Trước đó đã có biết bao tác phẩm phản ánh chiến tranh vệ quốc của Liên Xô, Trung Quốc cũng nhằm giáo dục truyền thống anh hùng. Các tiểu thuyết chiến tranh, do yêu cầu tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng, đều thể hiện nhất loạt ta thắng địch thua, ta chính nghĩa địch phi nghĩa, ta dũng cảm địch hèn nhát, ta là người địch là thú vật, ta chính nghĩa thì hi sinh là chuyện lương tâm và tất yếu... Đó là công thức chung.

Là nhà văn, Bảo Ninh nghĩ: “Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn tự xem mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm và có ham thú đúc kết nhân tình thế thái đặng tìm ra cho bản thân mình và bạn đọc của mình những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người, một đời sống tuy ngắn ngủi và khá là ảm đạm, nhiều buồn đau và bất hạnh, song lại cũng hàm chứa vô cùng tận những lẽ đời đáng sống, những giá trị cao quý, những vẻ đẹp tuyệt vời, hạnh phúc và niềm vui.” Cái khó ở đây là ở chỗ, đối với “những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng”, nhiều người chỉ thấy mặt cố định, mà không thấy sự đổi thay của chúng.

Là người lính đi qua chiến tranh, nhà văn Bảo Ninh, sau khi chiến tranh kết thúc, đã nói lên một tiếng nói khác, có phần ngược lại: “Nỗi buồn chiến tranh”. Là nhân chứng của chiến tranh, là người đã chứng kiến biết bao chiến sĩ của ta đã hi sinh, ông đã thấy những giá trị đổi thay. Nỗi buồn chiến tranh là tiểu thuyết đã vượt lên chiến tranh. Ở đây chiến tranh chỉ là bối cảnh, còn nội dung tiểu thuyết là nỗi buồn đau triền miên mà chiến tranh để lại. Đó là nỗi buồn của chết chóc hủy diệt, nỗi buồn của tuổi trẻ phôi pha, nỗi đau của tình yêu tan vỡ. Viết về chiến tranh là viết về thể nghiệm đời sống đau đớn của những người trải qua chiến tranh, đó là quan điểm nhân văn. “Dằng dặc trôi qua trong hồi ức của Kiên vô vàn những hồn ma thân thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi đau buồn chiến tranh.” Nhà văn Kiên “thâm tâm luôn muốn viết về chiến tranh sao cho khác trước”. Bảo Ninh không miêu tả, kể chuyện về cuộc chiến, không kể lại bất cứ trận đánh nào, mà kể về suy nghĩ, cách ứng xử về cuộc chiến. Hiện lên trước mắt ta là nhân vật Kiên, người lính trinh sát năm xưa nay đi tìm và quy tập hài cốt các đồng đội đã hi sinh, với vô vàn hồi tưởng về những đồng đội và những cái chết, những biến thái tâm lí, những cơn điên dại, hồi tưởng về người yêu và tình yêu đã mất, với khát vọng viết lại “nội dung của lời trăng trối” của người lính chống Mĩ. Ông từ chối chi tiết điển hình trong quá trình phát triển của lịch sử, để viết theo dòng chảy của hồi ức và tâm trạng. Chi tiết hiện thực của ông rất nhiều, nhưng không sắp xếp theo thứ tự lí tính. Truyện của ông không có cốt truyện, không có trật tự thời gian tuyến tính, không có kết cục rõ ràng. Nhân vật của ông không sống với thời đại mới sau chiến thắng chấn động địa cầu, mà sống với quá khứ. “Không phải là cuộc sống mới, thời đại mới, không phải là những hi vọng về tương lai tốt đẹp đã cứu giúp tôi, mà trái lại, những tấm thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi...” Người kể chuyện trong tiểu thuyết của ông không điều khiển được cái viết: “Không phải là anh, mà là một cái gì đấy đối lập, thậm chí thù nghịch với anh đang viết, đang không ngừng vi phạm, không ngừng lật ngược tất cả những giáo điều cùng tất cả những tín niệm văn chương và nhân sinh sâu bền nhất của anh. Và hoàn toàn không cưỡng nổi, mỗi ngày Kiên một dấn mình thêm vào vòng xoáy của nghịch lí hiểm nghèo ấy của bút pháp.” “Trong từng chương một, Kiên viết về chiến tranh một cách rất tùy ý như thể ấy là một cuộc chiến tranh chưa từng được biết tới, như thể cuộc chiến của riêng anh.” “Ngấm ngầm anh tin mình tồn tại ở đời với một thiên mệnh vô danh, thiêng liêng và cao cả, song tuyệt đối bí ẩn.” Kiên là một trường hợp điển hình của chứng PTSD (chứng rối loạn tâm lí hậu chấn thương), và nhờ hồi tưởng, nhờ viết tiểu thuyết mà vượt qua cơn bệnh. Nhưng Kiên vẫn không phải là người đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết, mà phải là một người khác tỉnh táo hơn, bởi Kiên không thoát khỏi nhân vật để thành tác giả. Khi được hỏi mối quan hệ giữa nhân vật Kiên và Bảo Ninh như thế nào, thì tác giả Nỗi buồn chiến tranh trả lời: “Kiên là nhân vật hư cấu, hoàn toàn không phải tôi, đời sống và chiến đấu của anh ta cực kì khác tôi, nhưng Kiên cũng chính là tôi.” Kiên là nhân vật hư cấu, nhưng Kiên cũng chính là Bảo Ninh. Bảo Ninh đã thay đổi cách viết về chiến tranh. Những ai đã đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh sẽ không thể nào viết lại chiến tranh theo kiểu cũ được nữa.

Toàn bộ tiểu thuyết được kể bằng ngôi thứ ba với điểm nhìn duy nhất của Kiên, và nhiều khi Kiên gạt bỏ luôn ngôi thứ ba để đứng ra kể chuyện xưng “tôi” theo ngôi thứ nhất, nhất là khi nói về cách viết tiểu thuyết. Chỉ có chương cuối cùng là lời của một người đọc đặc biệt xưng “tôi” biên tập lại bản thảo dang dở và đánh giá đúng bản thảo. Cái “tôi” này cũng chẳng phải ai xa lạ, rất có thể là cái “tôi” đã xuất hiện trong văn bản. Người đọc xưng “tôi” này đã vượt qua các định kiến của những người hàng xóm, coi Kiên là “nhà văn phường”, một kẻ dị biệt, thị dân, tiểu tư sản, cực đoan, bạc nhược, để hiểu được “có chung một Nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ”. Toàn bộ tiểu thuyết được thể hiện bằng những hồi tưởng đứt đoạn của Kiên. Bảo Ninh thích dùng lối tạt lùi (flashback) để nhớ lại một chi tiết ngắn của quá khứ, làm cho cả tiểu thuyết được dệt bằng các đoạn hồi tưởng ngắn và suy ngẫm. Sẽ là ngây thơ nếu ai đó tin vào lời của nhà văn Kiên trong truyện, để tin rằng tiểu thuyết viết lộn xộn, tuỳ tiện vô thức. Chính những tạt lùi ngắn ngủi đã băm vụn cuộc chiến, để không tái hiện hoàn chỉnh nó nữa, vì ai cũng đã biết hết, mà chỉ tái hiện các mảnh vụn, những mảnh ghép làm nên “cuộc chiến của riêng Kiên” và nỗi buồn của anh mà mọi người chưa biết. Điểm nhìn của nhân vật Kiên và của người kể chuyện Kiên không trùng khít, bởi điểm nhìn sau hàm chứa một thái độ phản tư, phân tích những gì đã nhìn thấy và hồi tưởng, một điểm nhìn hậu chiến, điểm nhìn của người đã ra khỏi cuộc chiến và suy tư về nó, vượt lên nó. Nhìn bề ngoài, tất cả các chương của cuốn tiểu thuyết đều song hành trên một mặt bằng thời gian, bất cứ lúc nào Kiên đều có thể trở đi trở lại với những thời điểm quen thuộc với anh trong cuộc chiến, như thể thời gian không trôi qua. Nhưng đọc kĩ, sẽ thấy, cốt truyện chủ yếu là câu chuyện viết tiểu thuyết của Kiên. Từ chuyện đi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, Kiên nảy ra ý muốn kể lại lời trăng trối của những người đã mất, rồi tiếp theo là chuyện viết, cách viết, viết thâu đêm, viết rồi bỏ, chuyện vô vàn cái chết, chuyện gia đình của Kiên, chuyện tình tan vỡ của Kiên, chuyện Kiên bất lực với câu chuyện và biến mất, và kết thúc bằng một ai đó biên tập tiểu thuyết và tiểu thuyết đã hoàn thành. Một siêu tiểu thuyết (metafiction), trong tiểu thuyết hàm chứa một tiểu thuyết, tiểu thuyết về ý thức đổi mới cách viết một đề tài. Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh mang một chủ đề kép. Nó không chỉ nêu một cách nhìn khác về chiến tranh, mà còn đề xuất một cách viết khác về đề tài chiến tranh, đề xuất một đổi thay về phương pháp sáng tác nữa.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh còn là một tiểu thuyết xuất sắc về ngôn ngữ văn học. Toàn bộ tác phẩm không phải lời kể chuyện thông thường, mà là lời độc thoại của nhân vật do người kể chuyện mượn để làm điểm tựa, lời của nhân vật Kiên. Vì thế đọc tiểu thuyết như là đọc lời bộc bạch, trữ tình, tâm sự của một tâm hồn. “Giấc mơ lay thức tâm hồn Kiên. Thì ra, anh, Kiên cũng có một thời trai trẻ trung, cái thời mà giờ đây khó lòng mường tượng lại được nữa, cái thời mà toàn bộ con người anh, nhân tính và nhân dạng, còn chưa bị bạo lực của chiến tranh hủy hoại, cái thời anh cũng ngập lòng ham muốn, cũng biết say sưa, si mê, cũng trải những cơn bồng bột, và cũng ngốc nghếch ngẩn ngơ, cũng từng tan nát cả cõi lòng vì tình yêu thương đau khổ, vì ghen tuông tủi hờn và cũng đáng được ưu ái như các bạn anh bây giờ. Chao ôi, chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người!” Câu văn dài với nhiều thành phần phụ, với các từ trùng điệp, lặp lại, ngân nga như thơ, như ru người đọc vào hồi tưởng mà chìm ẩn trong nhịp điệu ấy là nỗi niềm tiếc nuối vô hạn và nỗi buồn sâu thẳm. Nhà văn Diêm Liên Khoa, người đánh giá cao và giới thiệu tiểu thuyết này với độc giả Trung Quốc tỏ ý tiếc là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh giàu chất trữ tình quá. Theo ông có lẽ phải viết với lời văn giễu nhại. Ý kiến đó theo tôi không hợp. Người ta có thể giễu nhại một cuộc đại nhảy vọt, cuộc cách mạng văn hóa kệch cỡm như chính Diêm Liên Khoa đã làm trong các tiểu thuyết của ông, nhưng khó mà giễu nhại một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Nhưng khúc trữ tình với khúc ai ca tuy gần mà cũng có khác nhau. Nỗi buồn chiến tranh vẫn chỉ là nỗi buồn, nỗi đau, mà chưa phải là thể loại khúc ca, bài ca. Dịch là Chiến tranh ai ca có thể làm giảm nhẹ sức suy nghĩ hàm chứa trong tiểu thuyết. Tất nhiên bản dịch của dịch giả Hạ Lộ là một đóng góp lớn đối với văn học Việt Nam, rất đáng quý.

Mới đây, Hội Văn học nghệ thuật Danube và Nhà xuất bản AB ART của Hungary đã quyết định trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube 2022 cho nhà văn Bảo Ninh, thêm lần nữa củng cố và khẳng định vị trí của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh trên văn đàn thế giới.​
...............................................
Tác giả: Trần Đình Sử
(Triều Anh sưu tầm)
 
Từ khóa Từ khóa
bao ninh cách viết khác về chiến tranh noi buon chien tranh nỗi buồn chiến tranh cách viết khác về chiến tranh trần đình sử
920
7
3
Em có đọc tiểu thuyết này từ hồi sinh viên, h đọc lại vẫn thấy hay. Quả là một kiệt tác chị ah.
 
Không phải câu chuyện nào cũng có thể được xướng ngôn. Không phải câu chuyện nào cũng có thể được diễn ngôn. Không phải câu chuyện nào được chứng thính cũng phản ánh được hoàn toàn bản chất thật đang ẩn núp đằng sau vẻ ngoài mộc chân. Nó phải được kể bằng một tâm hồn thấu cảm.

Câu chuyện “Nỗi buồn chiến tranh” của chú Bảo Ninh là một minh chứng như thế. Thật sự, việc cảm nhận được phần gai góc của nhân vật chính, một người còn sót lại và cũng bị bỏ lại sau chiến tranh, là không dễ dàng giả như việc tiêu thụ thức ăn với nhiều hạt sạn hoà lẫn và khi nhai cứ răng rắc đến mức khó chịu. Bên cạnh còn có Phương, một kiểu người sinh ra giữa đương thời nhưng tâm thức bị mắc kẹt lại ở thế hệ cũ của cha cô, của mẹ cô và cô đã bỏ mặc số phận của cuộc đời mình đến tận cùng ranh giới của trắng và đen, của hư và thực, của sống và chết.

Tâm tư đan xen của nhiều lớp người bị cuộc chiến làm cho tha hoá đến mức ngây dại đã khiến họ trở nên ngờ vực, xem thường và nhục nhã với chính bản thân mình. Sống lại trong đó là những kí ức về đạn bom, khói lửa và máy bay cao xạ cứ gầm rú ầm lên và lia dội liên tục khắp mặt trận kháng chiến từ miền đồng bằng lên Tây nguyên và sang tận biên giới các nước bạn. Người may mắn sống sót trên sự hy sinh của những người nằm lại phải trải qua sự đấu tranh, giằn vặt và sâu xé tâm trí trong suốt quãng đời còn lại và liên tục là những cơn mê mộng mị ùa về hằng đêm

st
 

Địa phương TOP

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.