Hình tượng người lính trong Nỗi buồn chiến tranh

Hình tượng người lính trong Nỗi buồn chiến tranh

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Nỗi buồn chiến tranh là những ám ảnh từ trong tâm thức, chiến tranh súng đạn, chết chóc đã qua nhưng tổn thương về tâm lí, những hồi ức khó quên thậm chí là khốc liệt tới mức không thể quên mới là di chứng nặng nề nhất. Có những thứ không phải chỉ cần biến mất là mọi thứ sẽ trở lại bình thường.

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH TRONG “NỖI BUỒN CHIẾN TRANH” CỦA BẢO NINH
5444

Nếu hình tượng người lính trong “Tây Tiến” của Quang Dũng hiện lên với vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn, bi tráng của âm hưởng văn học thời chiến, thì đến văn học hậu hiện đại, người lính trở về cuộc sống, không khỏi khắc khoải trước những nỗi ám ảnh của chiến tranh. Viết “Nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh đã khai thác theo một cách rất riêng: không còn âm hưởng sử thi, anh hùng ca hào hùng, những con người quật cường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mà tập trung vào phần yếu đuối của họ. Trở về với cuộc sống hàng ngày, họ phải nỗ lực gấp trăm lần. Đây cũng chính là tiểu thuyết đầu tiên viết về chiến tranh với nguồn cảm hứng chất chứa giá trị phản tỉnh và một kỹ thuật tự sự mới lạ.

1.Vài nét về tác giả và tác phẩm

Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh năm 1952. Bút danh của ông lấy từ tên xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình của quê ông. Là nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng kinh qua nhiều trận mạc, Bảo Ninh được mệnh danh là một trong những tác giả đem văn học Việt Nam ra thế giới, nổi bật nhất là tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”.

Tác phẩm được coi là một cột mốc sáng chói của văn học thời kỳ Đổi mới. Xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam có tên là “Thân phận của tình yêu”(1990), nhưng một năm sau, tác phẩm được tái bản với tên nhan đề “Nỗi buồn chiến tranh” và nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Ngoài ra đây cũng là tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đông đảo bạn bè thế giới biết đến.

2.Những mạch ngầm văn bản


Nhân vật chính trong tác phẩm là Kiên. Đối với Kiên, một người sống sót qua những khủng khiếp của cuộc chiến, sống nghĩa là mang món nợ với những người đã khuất. Trong chiến tranh, anh may mắn hơn thời bình vì anh đã được sống, chiến đấu, trưởng thành lên bên những người đồng chí thật tốt. Tuy nhiên, giá của sự may mắn ấy là anh đã lần lượt mất hết những người bạn, người anh em, người đồng đội chí thiết nhất. Họ bị giết ngay trước mắt Kiên hoặc là đã chết trong vòng tay anh. Nhiều người đã chết để gỡ cho tính mạng Kiên. Nhiều người hy sinh bởi lỗi lầm của anh.

Và như vậy, đối với Kiên, sống gắn liền với trách nghiệm nói thay lời trăn trối của những người đã chết trong chiến tranh, những đồng đội thân yêu và ruột thịt, vô số và vô danh, những liệt sĩ của lòng nhân, đã làm sáng danh đất nước này và đã làm nên vẻ đẹp tinh thần cho cuộc kháng chiến, để làm cho tiếng nói chung của một thời đại đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người không bị chìm vào quên lãng và sự vô tình của nền hòa bình thản nhiên hậu chiến. “Thiên mệnh” ấy chính là sức mạnh duy nhất duy trì cuộc sống thời hậu chiến của Kiên, là sức mạnh níu kéo anh lại với cuộc đời trong những phút giây cận kề cái chết và sự suy sụp tinh thần. Đó chính là con đường khiến cho Kiên trở thành một nhà văn tồn tại đến trót đời với thiên chức là một cây bút của những người đã hy sinh, là nhà tiên tri của những năm tháng đã qua đi, người báo trước thời quá khứ. Có thể nói, đối với Kiên, thiên chức văn chương cũng chính là thiên chức cuộc đời.

3 Nhân vật Kiên và tình người thời hậu chiến

Có ba tuyến nhân vật chạy song song trong cuộc đời của Kiên: những người phụ nữ, những người đồng đội và những người thân (cha, mẹ, dượng). Đa phần trong số họ hiện diện trong hình hài của những ký ức, không tiểu sử, thậm chí, có những nhân vật chỉ là những tiếng nói vang vọng trong lương tâm của Kiên. Trong hành trình tâm tưởng của Kiên, ký ức về những người đồng đội luôn gắn liền với cái chết. Cái chết phản ánh bản chất hai mặt của chiến tranh. Nó gắn liền với bạo lực, thứ bạo lực tăm tối hủy diệt con người.

Ở phương diện đó, vết thương khủng khiếp nhất mà chiến tranh để lại không chỉ là sự thương tổn và cái chết cụ thể mà quan trọng hơn, là sự chà đạp lên nhân tính. Ở một phía khác, cũng chính cái chết của những người đồng đội phản ánh một phương diện khác của chiến tranh: cái đẹp của tình người. Những con người xứng đáng hơn ai hết quyền được sống trên cõi đời này nhưng đã lẳng lặng chấp nhận quy luật đơn giản của chiến tranh: mình chết thì bạn mình sống!

Tiếng nói, kỷ niệm và những hồi ức của những đồng đội đồng vọng vào dòng tâm tư của Kiên, chiếu rọi vào hiện thực tàn bạo của chiến tranh, làm phát lộ nỗi đau đích thực của con người trong chiến tranh – nỗi đau của nhân tính - và làm ngời sáng vẻ đẹp của tình người trong chiến tranh.

Đi qua chiến tranh với hành trang là những kỷ niệm có thể là êm đềm, có thể là tác hại, Kiên trở thành người bị cầm tù của quá khứ với một thứ “thiên mệnh” thiêng liêng - ngược về quá khứ. Anh cũng phải trải qua những vật vã trong sáng tác và những đau đớn trong cuộc đời hiện tại như cha mình. Và hành động cuối cùng trong cuộc đời nghệ sĩ của anh cũng là một nghi lễ thiêu huỷ toàn bộ sản phẩm tinh thần của cuộc đời mình. Hành động đó mang một ý nghĩa hai mặt. Với Kiên, hoàn thành cuốn tiểu thuyết đồng nghĩa với việc hoàn tất một thiên chức, thiên chức kể lại, viết lại, làm sống lại những linh hồn đã mai một, những tình yêu đã phai tàn, bừng sáng lại những giấc mộng xưa, thiên chức nói thay lời trăn trối của những người đã khuất về sự nghiệp liêng đau khổ của người lính chống Mỹ, để cho tiếng nói của “cả một thế giới, một thời đại, cả một lịch sử không bị vùi xuống lòng sâu đất ẩm cùng với thân xác vô danh của những người lính. Vượt qua những kinh hoàng và bạo hành của chiến tranh, vượt lên trên cái sức mạnh huỷ diệt của chiến tranh, cái còn lại, cái sức mạnh thực sự làm nên vẻ đẹp tinh thần của cuộc kháng chiến, cái bất tử mà chiến tranh không thể huỷ diệt nổi chính là bất diệt những tình người. Chỉ khi thức nhận được chân lý bình dị nhưng cũng đau đớn đó, Kiên mới có thể giải thoát khỏi gánh nặng của những ám ảnh đen tối của quá khứ. Hình tượng Kiên và người cha của anh trước hết cần được hiểu như những số phận dị thường, những thực thể cô độc và cá biệt mà một thứ thiên mệnh vô danh, thiêng liêng và cao cả, song tuyệt đối bí ẩn đã buộc họ phải trải qua những cảnh huống đầy trái ngược của lịch sử.

Chính bởi thiên mệnh ấy mà anh có một tuổi thơ như thế, một tuổi hoa niên, một thời chiến trận như thế và tóm lại, một cuộc sống như đã sống suốt bốn chục năm qua với những đau khổ và hạnh phúc như thế. Cũng vì mang trong đời một định mệnh huyền cơ nào đấy nên anh mới có thể sống sót qua cuộc chiến tranh với những hoàn cảnh mà bình thường ra không thể có cơ hội thoát chết. Ánh sáng trong suốt và hình bóng vô hình của một thiên mệnh như thế thực ra đã từng biểu hiện trong đời anh nhưng thoảng lướt và bất chợt đến nỗi không bao giờ anh kịp hiểu, không bao giờ kịp níu giữ.

Vị thế cô độc và số phận dị thường ấy giúp họ nhìn thấy được những góc khuất của lịch sử. Cái nhìn của họ không phải là sự phản chiếu cái nhìn cộng đồng về lịch sử mà nó là một cái nhìn, một suy nghiệm cá nhân về lịch sử. Chỉ có điều, nếu như cha của Kiên sau khi đã thấu thị những đe dọa của một thời đại mới đối với cái đẹp, ông dừng lại ở bên này cánh cửa của lịch sử thì Kiên lại dấn thân vào chiến tranh, trải nghiệm những cảnh huống kinh hoàng của chiến tranh và ra khỏi chiến tranh với gánh nặng của những kỷ niệm đau đớn. Sự thức nhận của nhân vật chính trong thời điểm kết thúc cuộc hành trình tâm tưởng của anh trong những ngày hậu chiến phản ánh một dạng thức của chủ nghĩa anh hùng: đối diện với sự thật đau thương của chiến tranh để chạm đến ý nghĩa đích thực, đẹp đẽ và cao cả của cuộc chiến – một thứ chân lý cao cả được giác ngộ từ những trải nghiệm đau đớn. Ở đó, anh nhận ra cái bản chất hai mặt của chiến tranh: “Những ngày đau thương nhưng vinh quang. Những ngày bất hạnh nhưng tràn ngập tình người.”

Chính vì vậy với Kiên, trở về với những hồi ức của chiến tranh không chỉ là trở về với những ám ảnh kinh hoàng của trận mạc mà còn là cuộc hành trình trở về để được sống trong mùa xuân của những tình cảm mà ngày nay đã biến mất, đã già cỗi hoặc biến tướng… về gần với tình yêu, với tình bạn, tình đồng chí, những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua ngàn nỗi đau đớn của chiến tranh. Và bay bổng trên cuộc hành hương ngược về quá khứ, trên sự thức nhận nhọc nhằn, đau đớn nhưng tuyệt đẹp đó là nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn của những con người đã đi qua và trải nghiệm chiến tranh, đã chứng kiến sức mạnh huỷ diệt của chiến tranh, chứng kiến sự trỗi dậy của cái ác trong chiến tranh, chứng kiến những gì tốt đẹp nhất bị giết chết trong chiến tranh, chứng kiến những người ưu tú nhất, tốt đẹp nhất, xứng đáng hơn ai hết quyền được sống trên cõi dương bị tước đoạt sự sống trong chiến tranh. Nhưng cũng chính sự dai dẳng của nỗi buồn ấy cũng là minh chứng cho một cái gì không thể bị huỷ diệt bởi chiến tranh: Nhân tính và Tình người. Đó chính là cảm giác mà Người trần thuật khái quát trong điểm kết thúc cuốn tiểu thuyết:

“Nhưng chúng tôi cùng chia sẻ chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mông, nỗi buồn cao cả, vượt lên trên mọi niềm hạnh phúc, mọi nỗi bất hạnh. Nhờ có nó, chúng tôi đã sống sót qua cuộc chiến, thoát khỏi cảnh giết chóc triền miên, thoát khỏi sự bao vây đau đớn của súng đạn, lưỡi lê, sự ám ảnh của bạo hành để trở về, mối người theo một con đường khác nhau, với cuộc đời, một cuộc đời, không chắc đã hạnh phúc hơn,… nhưng đó là cuộc đời tốt đẹp nhất mà chúng tôi có thể mơ ước, cuộc sống trong hoà bình.”

Người lính bước ra từ khói lửa đạn bom với sự cay đắng và cô đơn, với sự sám hối trước những món nợ của chiến tranh, với sự dằn vặt, suy tư về phẩm tính và nhân tính. Để rồi “một thứ chân lý cao cả, được giác ngộ từ những trải nghiệm đau đớn”, đó là sự “vĩnh cửu những tình người”. Đây chính là ý nghĩa sâu xa của cuộc chiến tranh không gì vùi lấp nổi. Soi chiếu hiện thực chiến tranh từ điểm nhìn hậu chiến, có thể nói “Nỗi buồn chiến tranh” đã phơi bày bộ mặt thật, đã nhận thức lại các giá trị đạo đức của đời sống xã hội và con người bằng tâm thức hậu chiến. nói lên tiếng nói cảnh báo về những hiểm hoạ của chiến tranh để lại thế hệ sau. Nhưng đồng thời, tác phẩm cũng góp phần phục dựng lại hình ảnh của những con người bằng sự chịu đựng và sức mạnh anh hùng đã thực sự làm nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến, tái sinh lại những khát vọng nuôi dưỡng cả một dân tộc trong chiến tranh.

(Nguồn: PGS.TS Phạm Xuân Thạch)
 
Từ khóa
bao ninh hình tượng người lính hinh tuong nguoi linh trong noi buon chien tranh noi buon chien tranh
  • Like
Reactions: Vanhoctre
1K
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top