Phận Người Con Gái - Bến Đục Hay Trong?

Phận Người Con Gái - Bến Đục Hay Trong?

Tôi là con gái miệt vườn, từ nhỏ đến lớn chưa một lần sống xa nhà, chỉ chơi với đám bạn cùng ấp. Năm tôi 18 tuổi, nhiều người dạm hỏi nhưng tôi quyết không ưng, vì không nỡ xa bà nội và đứa em gái còn nhỏ dại. Qua mai mối, tôi gặp anh đúng hai năm sau đó.
Anh là con trai thành thị, con nhà khá giả, có học thức nên bà nội tôi thấy cũng ưng bụng: “con gái lớn là phải theo chồng, tao có sống đời với bay được đâu”. Họ hàng, bạn bè của tôi ai cũng hài lòng. Riêng tôi lúc đầu còn e ngại, cứ đắn đo mãi. Nhưng nghĩ lại thấy nội tôi ngày càng già, muốn bà được vui… tôi đã gật đầu ưng thuận, dù lòng chẳng chút yêu thương. Ngày anh đem trầu cau đến hỏi cưới tôi làm vợ, cũng là ngày đầu tiên tôi và anh gặp mặt.
Sau ngày cưới, tôi phát hiện anh có quá khứ không tốt, bài bạc, tửu sắc đều đã trải qua. Má anh chỉ trông anh đi cưới vợ cho xong. Anh đã thú nhận tất cả với tôi và bảo: “anh thật tâm muốn làm lại từ đầu. Em hãy tin anh!” Buồn khổ, tôi muốn buông xuôi tất cả. Nhưng hồi ấy con gái mới về nhà chồng được ít hôm mà xách đồ về nhà thì còn gì là danh giá nữa, nên tôi giấu nội, giấu em cố nuốt nước mắt vào lòng cho anh một cơ hội. Những ngày đầu về làm dâu cực khổ trăm bề, lòng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Hễ sai một chút là má lại quở phạt. Bà vì chuyện trước kia của anh nên nên không mấy hài lòng với vợ chồng tôi. Anh biết việc nên thường xuyên ở nhà giúp việc này việc kia. Nhà có của ăn của để, nhưng má anh buộc ngày nào cũng phải lội bộ về vườn trồng dưa cà…
Lúc ấy tôi đã có thai được hai tháng nên rất thèm chua, nhưng thấy anh đi một mình thì tội quá, tôi xin theo. Đường dài gần chục cây số, anh nhịn khát, lấy tiền mua khóm cho tôi. Có hôm đi ngang nhà người bạn, anh tạt vào xin mấy trái me cho tôi. Nhìn anh đổ mồ hôi mồ kê lã chã, kiến vàng bám đầy trên tóc, tôi vừa giận vừa thương. Phải chi ngày trước anh không ăn chơi lêu lổng, thì má đâu bỏ mặc anh như bây giờ. Khi đứa con đầu lên hai tuổi, vợ chồng tôi phải ở riêng. Lúc ấy anh gom hết tiền dành dụm cũng chỉ đủ mua lá lợp nhà, số còn lại nhờ bạn bè giúp đỡ. Anh xin vào làm ở hợp tác xã, tôi ở nhà trông con. Gia đình tôi bắt dầu cuộc sống mới từ hai bàn tay trắng… Tháng lương đầu, anh mua về một xấp vải rồi cười bảo: “Lâu lắm rồi anh mới có thể tự tay mua cho em một món quà. Em may mặc cho đẹp”. Năm ấy nhà tôi đón một cái tết đơn sơ nhưng thật ấm cúng.
Những lúc nhìn anh chơi đùa với con, tôi thấy lòng mình vui hơn bao giờ hết. Buổi sáng đi làm anh dẫn con đi học lớp mầm gần hợp tác xã, chiều lại đón con về. Tôi có thêm thời gian trồng trọt và chăn nuôi, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Anh lại dành tiền mua sắm đồ trong nhà, mua quần áo cho tôi và con. Còn anh vẫn mặc đi mặc lại mấy cái áo bạc màu. Ngoài giờ làm ở hợp tác xã, ai thuê mướn việc gì anh cũng làm thêm. Mọi việc nặng nhọc trong nhà đều do một tay anh gánh vác. Anh vẫn thường thủ thỉ: “Anh cực khổ sao cũng được, miễn mẹ con em được hạnh phúc là anh vui rồi!”
Khi đứa con đầu lên 5 tuổi, tôi mang thai đứa thứ hai. Hợp tác xã giải thể, anh xin vào làm công nhân cầu đường. Ngày tôi chuyển dạ, mình anh túc trực ngoài bệnh viện. Cả ngày trời tôi vẫn chưa sinh được em bé, anh nóng lòng khấn nếu mẹ con tôi được bình an anh sẽ ăn chay một tháng. Cuối cùng, tôi cũng được mẹ tròn con vuông, suốt một tháng anh ăn cơm với tương, chao, và dậu hũ… thương anh lắm nhưng tôi biết làm sao.
Giờ thì hai dứa con của chúng tôi đã khôn lớn. Một đứa vào đại học và đứa kia có việc làm ổn định. Ngôi nhà nhỏ của chúng tôi lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Nghĩ lại, tôi thấy mình may mắn vì đã tìm được một bến nước trong.
 
  • 118246457_2904854749615617_5724632877855261025_n.jpg
    118246457_2904854749615617_5724632877855261025_n.jpg
    48 KB · Lượt xem: 228
555
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.