Dự thi SỬA NHÀ

Dự thi SỬA NHÀ

Thời tiết giờ khác xưa nhiều quá, hay tại con người đã làm thời tiết thay đổi. Ngày trước đâu đến nỗi thế này, từng mùa chia nhau mang lại sự xanh tươi nõn nà cho cuộc sống nơi đây. Mùa xuân lúng liếng khoe áo mới thơm lừng hương vị ngày tết, hương hoa ngào ngạt khắp vùng. Mùa hạ chở nắng, chở cả tiếng ve, chở những buổi trưa hè dìu nhau ra bờ sông tắm mát. Cây thay lá, gió heo may lùa từng cơn từng cơn báo hiệu một mùa thu đẹp lộng lẫy. Mùa đông chồm lên phà hơi lạnh đi muôn nơi như muốn chứng tỏ sự mạnh mẽ trong giá lạnh của mình. Ấy vậy mà.

Đợt này hạn hán lâu quá anh Cẩm ạ, đã gần nửa năm nay rồi cơ đấy. Để tôi tính cho anh xem, từ bận cuối tháng mười năm ngoái đến ngấp nghé nửa tháng tư năm nay mà đã thấy mưa được trận nào đâu cơ chứ. Thế này thì nhà tôi, nhà anh, nhà hàng xóm và cả cái làng này nữa đến chết mất thôi. Vườn cà phê nhà tôi héo queo, héo quoắt, héo như thằng nghiện ý. Lại còn mấy xào dâu, lá cứ vàng khè khè, quăn tít, thân cây thẳng đứng, lác đác vài lá trên ngọn thì cũng chỉ đủ đôi bữa nữa cho vài nong tằm ăn rỗi thôi anh ạ, thiếu dâu là cái chắc. Đấy là còn chưa nói đến năm công lúa mượn ruộng cấy thuê nữa, lúa đương thì con gái mà lại đỏ lòm lòm ra nom cứ như bị suy dinh dưỡng, vợ chồng tôi vất vả đêm hôm mò mẫn tát từng tý mạch nước róc rách trong con lươn để kịp cho lúa trổ đòng. Thiếu gì thì thiếu chứ thiếu nước là tôi thấy bất an lắm.

Ờ, thì đúng rồi. Nhà tôi năm ngoái vét ao, mở rộng, đào sâu thêm hoăm hoắm mà có đủ nước để chăm sóc tưới tiêu đâu. Mà hạn hán thì cả cái làng này cùng hạn cơ mà, đâu chỉ riêng gì nhà tôi với nhà chú. Ông Cẩm và ông Hai vừa nói vừa lững thững đi từ trong ngõ ra ngoài ngã ba rẻ rách xóm cây đa lúc xế chiều.

Từ bận hay qua lại với nhau đến giờ, ông Cẩm ngày nào cũng thế, đôi ba lần, đều lắm, đều như luống mạ người ta vừa mới cấy, thường thì vào buổi tối kiểu gì cũng đến nhà ông Hai làm đôi chén trà, nói ba câu chuyện tầm phào xong rồi mới chịu về. Nhà ông Hai hễ có việc gì là không thể thiếu ông Cẩm được, mà có thiếu thì chỉ là lúc ông Cẩm bận việc hoặc đi đâu vắng nhà mà ông Hai không liên lạc được thôi. Hai ông là người miền bắc nhưng đều vào nam, vào vùng đất Lâm Hà này lập nghiệp. Gian truân và vất vả vô cùng.

Những ngày cuối mùa khô, khi mà mọi công việc đồng áng, tằm tơ đều đã thu hoạch và an nhàn thảnh thơi thì ông Hai mới nhớ đến cái việc mà bao năm nay ông cứ định rồi lại thôi. Đó là sửa lại ngôi nhà mà gia đình ông đang ở để chuẩn bị đón mùa mưa cận kề, với lại thằng con cả đã nhớn mà không biết nó sẽ lấy vợ lúc nào. Nó đi làm trên phố, ở trọ trên đó luôn, lâu lâu nó mới về đôi bận.
Hôm nay điện đóm cứ nhập nhoằng thế nào ý, đến chập tối thì điện cúp hẳn, mà điện thì mắc nhờ người ta nên nhiều khi cũng không tiện. Cái nóng làm trời cứ oi oi bí bách hết cả lên, chẳng có cơn gió nào lùa qua.
Sau khi cơm nước xong xuôi, ông Hai túc tắc xuống dưới bếp mồi lửa, bắc ấm nước nóng để pha trà. Trong nhà luôn có một cái phích bằng sắt, màu vàng đất để đựng nước ấm. Độ nửa tiếng là xong, ngồi xuống bàn và châm ngọn đèn dầu lên rồi trầm ngâm mọi nhẽ.

Tiếng xe đạp cành cạch, cái đèn xe được gắn dưới má phanh chiếu vào tận cửa, con chó nằm bên hông nhà bắt đầu dộc dậy sủa lên vài tiếng rồi thôi, hình như nó nhận ra ông Cẩm, một mùi vị của người thân quen, nó không cắn nữa rồi lại nằm xuống ngay chỗ cũ.
Cạch, tiếng chân chống xe dựng xuống. Ái chà, mày lại dám sủa cả tao nữa cơ à, ông Cẩm nói to như quát, rồi cười khà khà đi thẳng vào nhà.

Trong căn nhà tôi tối, thâm thấp, bức tường loang lổ lỗ chỗ những mảng vôi vữa, nền nhà láng lớp xi măng cũng sứt mẻ cũ kĩ. Bên cái bàn gỗ xoan lâu ngày được phủ tấm ni lông úa nhàu là cái đèn dầu to đã được thắp sáng, phích nước, bật lửa nhồi bông gòng tẩm dầu, và một vài vật dụng thường dùng để tiếp khách. Ấm trà đặc đã được pha từ sẵn, chỉ chực chờ người bạn tâm giao tới thôi. Nước trà được rót ra hai chiếc cốc thủy tinh đã ngả màu có hoa văn là những bông hồng màu đỏ, một ly để bên ông Hai, một ly để sang bên phía đối diện nơi ông Cẩm ngồi.

Anh Cẩm à, tôi đang tính thế này. Cái nhà mà tôi đang ở đây này, nó cũ kĩ và tồi tàn quá rồi, mùa nắng thì không sao chứ mùa mưa là tôi thấy bực mình lắm, dột tòn tọt, nước ướt nhẹp đầy trong nhà. Chỉ còn phòng ngủ, ban thờ và gian trước nơi tôi và anh đang ngồi là thoáng và không dột, mấy gian kia trông nhớp nháp lắm. Mưa nho nhỏ thì không sao cứ động mưa to một tý là tọt tọt những hạt mưa rơi xuống như đang giày xéo tôi. Ức ách nhất là những đêm đang say nồng lại phải lật đật dậy lấy từng chậu nước mà hứng. Tôi phải sửa lại anh ạ.

Vừa nói, ông Hai vừa lấy sợi lông gà thông lại cái nõ điếu cày, lật tìm bao thuốc rồi ve mấy sợi thuốc lào lại, lấy cái đóm quẹt quyẹt vào thân điếu xong đưa lên ngọn đèn dầu châm lửa, kéo một hơi. Cái điếu kêu giòn tan, ông Hai phà khói vào không trung, cất cái điếu vào vị trí cũ, làm hớp trà trong sự khoan thai. Ông Cẩm mắt lim dim, đầu gật gù như đang lắng ghe gì đó.

Ông Hai lại nói.
Chả là căn nhà này, chính tay tôi gói gém được ít tiền mà xây lên. Cũng tự tay tôi và anh em hàng xóm đến giúp đỡ. Những viên gạch cháy cạnh, người ta gần như là bỏ đi, tôi mua về với giá rẻ, xe cát thì được hút lên từ dưới sông pha lẫn bùn đất, hạt to tướng chẳng được như bây giờ thỉnh thoảng lại dính vài hòn đá to như nắm đấm. Móng và dầm nhà được rải những hai cây sắt sáu và một đống đinh mười cũ kĩ, những miếng tôn bờ lô được bố mẹ tôi mua cho. Thời buổi ấy như vậy với tôi là tốt nhất rồi. Làm được nửa chừng nào tôi còn đồng tiền nào, vay mượn khó khăn lắm, đâu ai cho đâu. Lúc ấy nhà tôi lại nghèo cơ bản là kinh tế yếu kém, có đâu mà để người ta tin tưởng, mà cũng may là được ông bà Xê đầu xóm cho vay chỉ vàng. Thế là tôi có tiền để hoàn thiện ngôi nhà cùa mình, có chỗ chui ra chui vào và là tổ ấm của vợ con tôi nữa. Căn nhà ấy là hiện thân của gia đình tôi đấy, nó cũ kĩ quá rồi. Tôi phải sửa còn xây mới thì từ từ, tôi gọi thợ rồi và cũng nhờ mấy anh em làng xóm nữa, mai là người ta sang làm rồi đấy. Anh qua phụ tôi với nhé, tôi đang tính làm thịt con chó đãi công thợ với anh em láng giềng gọi là. Con chó nhà tôi nó cắn gà ghê lắm, cứ hở ra đàn nào là nó xơi hết đàn đấy, nó xơi luôn cả gà hàng xóm, người ta nói. Phiền hà lắm.

Ông Cẩm trợn mắt, nói ngay. Ờ, sửa là đúng rồi, phải sửa ngay, mà có khi chú cứ phá luôn đi rồi mình xây cái mới, tốn kém một tý cũng chẳng sao. Nhà xây lâu rồi, mưa nắng lâu ngày, gạch ngói, tôn nó mục hết đi, xây cái mới, vừa đẹp lại vừa an tâm chú ạ. Chú cứ nghe tôi là phải. Còn con chó thì để đấy từ từ hẵng tính, nuôi mãi mới được mà thịt thì hơi tiếc. Với lại có nó để giữ nhà, cũng được việc lắm đấy.

Ông Hai thở dài một cái. Tôi biết chứ, có phải tôi không biết đâu. Mà anh thấy đấy, nhà tôi cũng đâu khá giả gì, cà phê mỗi năm thu chưa đạt một tấn, giá cà thì bấp bênh. Còn tiền chăm bón, phân do, đủ thứ tiền phải chi tiêu. May có lứa tằm tăng thêm ít chi phí thì bù vào ăn uống hàng ngày và tôi cũng để dành được một ít, vay bên chi hôi phụ nữ mười bảy triệu, hội cựu chiến binh mười triệu nữa, tính sửa thôi chứ xây thì hơi hoang anh ạ. Giá cả vật liệu xây dựng nó leo thang theo từng ngày, đắt đỏ lắm. Tôi cũng muốn có một ngôi nhà khang trang ấm áp cho vợ và cho con và cho sự rực rỡ ở cái làng nãy nữa chứ. Mà khổ, tiền đâu, mai này thằng cu nhớn nó lấy vợ thì tôi lại tính tiếp, chứ bây giờ mà đập đi xây lại tôi thấy hơi tốn kém.

Cô chú nhất trí thế thì cứ tiến hành thôi, tôi hoàn toàn đồng ý, thiếu thốn quá thì tôi sẽ gắng giúp một ít gọi là. Ông Cẩm chậm rãi nói rồi ngụm hớp nước trà đánh ụp một cái, xục xục bên trong rồi nuốt, chép chép cái miệng, một tay lau quanh mép, mép ông đầy râu ria, đen xì, cứng ngắc. Thì người nhà quê là thế, cái nét văn hóa ấy nó ngấm vào máu rồi.

Ấm nước trà đã thay đến nước thứ bốn và nguội dần, đêm cựa mình giải mỏi, tiếng dế đang ca hát những bài hát chớm hè, cú đêm thỉnh thoảng kêu lên vài tiếng như đồng hồ báo hiệu giờ ngủ đã đến. Ông Cẩm lại túc tắc đạp xe đạp ra về, tiếng chó sủa vang xa thưa thớt. Ông Hai dọn dẹp, vặn nhỏ ngọn đèn dầu lại rồi cũng lui vào phòng ngủ nghỉ. Nào đã ngủ được đâu, ông lại nằm gác tay lên trán, suy tư, lăn qua lăn lại, lo nghĩ, lo nghĩ về cái ngày đầu tiên mình làm được căn nhà cho riêng mình, cái căn nhà ấy là cả hàng ngàn kỉ niệm từ khi ông lấy vợ và lập nghiệp trên mảnh đất quê hương này. Nó khiến ông trằn trọc. Bà Hai vợ ông cũng thế, bà là người vợ sớm tối cùng ông gánh trên vai tháng ngày nặng nhọc của cuộc đời. Mặc dù bà cũng muốn san sẻ nhưng bà biết tính ông nên ít tham gia. Ông là người nóng tính, bảo thủ, nói ra chỉ chực cãi nhau mà thôi. Đêm đen ngòm, hai ông bà mơ màng rồi ngủ thiết đi lúc nào không rõ.

Nửa tháng sau.
Buổi sáng tinh mơ, những chú chim sâu hót chíu chíu, chạy nhảy, bắt sâu trên cây sung trước cửa. Hạt sương long lanh trên từng tán lá thỉnh thoảng rớt xuống làm tan tành, rơi vãi từng hạt nước bắn tung tóe. Mặt trời soi gương nhô lên phía đỉnh núi làm lộ những tia nắng ban mai sương sớm nhẹ nhàng nhảy múa. Từng đàn bướm không biết ở đâu di cư bay ngập trời, à thì ra là sắp tới thời kì sâu róm. Ngày mới chào đón ông bà Hai trong căn nhà đã được sửa sang, hoàn thiện nom đẹp đẽ và cơ bản là tường xây vôi ve bóng mượt, nền xi măng cũ kĩ được ốp gạch hoa, mái tôn bờ lô được thay bằng những tấm tôn công nghệ. Vật dụng trong nhà cũng tươm tất hơn.

Quá trưa một dạo, trời bỗng trở mình ôm mây đen mang theo sấm sét làm cơn mưa trút nước xối xả, mưa lã chã những hạt nước to nặng tràn trề lên mái nhà, ngoài sân, ngoài đường rồi lan rộng ra xóm ra làng và lan cả một vùng trời này nữa. Cơn mưa đầu mùa báo hiệu mùa mưa. Cả làng reo mừng phấn khởi và như đang chung vui niềm hạnh phúc đón nhà mới sửa cùng gia đình ông bà Hai.

Mưa cho mùa bội thu xanh tốt
Mưa cho làng nhộn nhịp hân hoan
Mưa cho say tình ái ngút ngàn
Mưa cho đất bụng sình sinh nở.

Ông bà Hai đi một vòng quanh nhà rồi đứng bên cửa sổ nhìn ngoài trời mưa với vẻ đắc ý và vui mừng khôn xiết, trên đôi môi là nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc vô cùng. Thằng cu nhớn cũng nhìn mưa xa xăm rồi tủm tỉm, trong suy nghĩ của nó chỉ duy nhất một điều. "Năm nay mà không lấy vợ thì đợi đến khi nào nữa". Nay thằng cu nhớn nó về, nó về đúng hôm mưa.

Truyện ngắn của Hà Lâm
IMG_20210924_091059.jpg
 
Sửa lần cuối:
421
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top