Thư - Trên Bầu Trời Đêm, Tìm Ánh Sáng Ở Đâu?

Thư - Trên Bầu Trời Đêm, Tìm Ánh Sáng Ở Đâu?

Nếu “Hung Khí Hoàn Mỹ” hồi hộp đến nghẹt thở, “Trái tim của Brutus” kích thích óc suy luận từ chuỗi tiếp tay thực hiện án mạng theo trình tự A B C, trong khi “Vụ Án Mạng Ở Nhà Khách Núi Hakuba” đánh thức khả năng giải mật mã và bí ẩn về căn phòng kín thì “Thư” – Higashino Keigo lại nhấn chìm người đọc dưới bầu không khí u ám, ngột ngạt, bức bách, đầy phẫn nộ. Từ điểm nhìn của Naoki, cuộc sống được khắc họa như một lăng kính màu vỡ vụn, đâu đâu cũng đầy rẫy sự bất công.

Nhan đề chỉ độc mỗi một chữ Thư nhưng lại mang ý nghĩa hàm súc, bao quát toàn bộ nội dung của tác phẩm. Tegami – Thư là câu chuyện về những lá thư mà người anh Takeshima Tsuyoshi – một tên cướp của giết người gửi đến em trai mình là Naoki. Oái oăm thay, khi Takeshima Tsuyoshi cố gắng níu lấy sợi dây liên kết với thế giới bên ngoài thì cậu em Naoki lại tìm cách chối bỏ nó. Bởi lẽ, những lá thư có in hình bông hoa anh đào chính là minh chứng cho quá khứ đen tối, cho những ký ức đau thương, cho cả những định kiến mà xã hội dành cho cậu – người nhà của phạm nhân.

Giống như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các tác phẩm của mình, Thư – Higashio Keigo không đặt nặng yếu tố trinh thám. Ở đây, vụ án xuất hiện đóng vai trò là tiền đề, là chất xúc tác cho câu chuyện phát triển. Thẳm sâu bên trong 407 trang sách là cách kể chuyện nối tiếp của tác giả, từ lá thư cho đến những thay đổi trong diễn biến tâm lý của nhân vật. Qua đó, Higashino Keigo tạo ra một bức tranh xám xịt cho cuộc đời của Naoki, khéo léo lồng ghép những triết lý nhân văn sâu sắc. Một câu chuyện vô cùng ám ảnh, day dứt, kéo người đọc xuống vũng bùn lầy rồi để họ từ từ chịu chung số phận với nhân vật, không tài nào thoát ra được.

Cốt truyện của Thư hết sức đơn giản. Đó là hai anh em nhà Takeshima mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sau khi đấng sinh thành qua đời, Takeshima Tsuyoshi thay họ gánh gác phần trọng trách nặng nề - thực hiện hóa ước mơ vào Đại học của Naoki. Để có tiền trang trải cuộc sống, cho em đi học, Takeshima Tsuyoshi đã làm lụng vất vả, cật lực đến sức khỏe kiệt quệ. Tưởng chừng chỉ cần cố gắng hết mình thì sẽ được đền đáp nhưng Takeshima Tsuyoshi vẫn không thể đảm bảo được lời hứa với em trai. Vì vậy, trong lúc tuyệt vọng vì thất nghiệp, anh nghĩ đến việc đột nhập vào nhà bà Ogata để ăn trộm. Kết quả, Takeshima Tsuyoshi phạm tội “Cướp của giết người” và nhanh chóng bị bắt. Trong thời gian ở tù, theo quy định pháp luật, Takeshima Tsuyoshi được phép gửi thư cho người nhà mỗi tháng một lần. Việc bị giam lỏng giữa bốn bức tường suốt mười lăm năm trời khiến Takeshima Tsuyoshi trở thành một “người lạc hậu”, không hay biết gì về thế giới bên ngoài. Có lẽ, Takeshima Tsuyoshi gửi thư với mong muốn trò chuyện với Naoki để vơi bớt nỗi cô đơn, để tiếp tục thực hiện sự quan tâm, lo lắng mà một người anh phải làm. Vậy mà, chính người viết thư như Takeshima Tsuyoshi lại quên mất việc mình là một kẻ giết người, Naoki là em trai của kẻ giết người. Chính vì vậy, những lá thư sau khi thoát khỏi sự ràng buộc của chốn ngục tù liền trở thành một bóng ma đeo đuổi cuộc đời của Naoki không dứt, rắc lên đó biết bao nhiêu sự xui xẻo và bất hạnh. Naoki có mong gì hơn ngoài chuyện có một công việc nuôi sống bản thân, có một chỗ ngủ để ngả lưng. Thế nhưng cái ước mơ tưởng chừng như đơn giản ấy lại bị “tay sai” của Takeshima Tsuyoshi dìm Naoki đến không thể ngóc đầu lên được, cậu cứ thế mà lầm lũi với cuộc đời lạnh nhạt.



Hình tượng nhân vật Takeshima Tsuyoshi và Naoki được Keigo miêu tả rất đậm nét. Dù gần như không thấy bóng nhưng Takeshima Tsuyoshi lại thể hiện mình trong mỗi lá thư. Anh kể về cuộc sống trong tù, hỏi thăm Naoki, cùng lời nhắn gửi đến gia đình nạn nhân Ogata. Người ta cho rằng anh ngây thơ, hào hứng, phấn khởi khi nói về sự thay đổi của bản thân nhưng như vậy liệu có đúng không? Dù Takeshima Tsuyoshi không hiện hữu trực tiếp với thế giới bên ngoài nhưng anh vẫn chứng minh mình tồn tại. Sự tồn tại đó đến từ những lá thư gửi định kỳ mỗi tháng một lần cho Naoki.

Có lẽ với Takeshima Tsuyoshi viết thư là cần thiết nhưng anh có từng nghĩ tới cảm nhận của Naoki – người nhận lá thư đó hay không? Có lẽ… chưa từng. Lúc Takeshima Tsuyoshi đang trả giá cho tội ác của mình thì Naoki ở đâu, làm gì? Cậu cố gắng tốt nghiệp hết cấp ba, từ bỏ ước mơ vào Đại học, đi làm bất cứ công việc gì miễn là có tiền để nuôi sống cái bụng đói của mình. Có những lúc cậu tìm thấy được một chút ánh sáng, một chút hy vọng nhưng nó liền vụt tắt ngay sau đó. Takeshima Tsuyoshi có thể yên bình sống trong bốn bức tường nhưng Naoki thì không. Cậu như một con cá mắc cạn, cố gắng vẫy vùng, cố gắng lê thân mình đến bên bờ biển để tìm chút sự sống mỏng manh còn sót lại. Nhưng người đời không cho Naoki có cơ hội được trở mình. Qua mỗi ngày, nỗi đau của cậu lại càng bị khắc sâu thêm, tương lại đã tăm tối nay còn mù mịt hơn. Naoki không có thời gian nghĩ tới việc ngày mai phải sống như thế nào khi hôm nay cậu còn đang dò dẫm từng bước chân. Vì lẽ đó, Naoki lại càng hận Takeshima Tsuyoshi nhiều hơn. Cậu chuyển nhà, đổi số, cắt đứt liên lạc để rũ bỏ mối liên hệ huyết thống với Takeshima Tsuyoshi. Cậu muốn một sự công bằng của xã hội, điều đó có gì sai? Đương nhiên ước mơ không sai nhưng sai ở chỗ dù cố chối bỏ đến đâu thì cậu mãi mãi không thể thoát khỏi cái mác “em trai kẻ giết người”. Chỉ năm chữ đó thôi, Naoki hoàn toàn không có tư cách để cầu xin Thượng đế công bằng với mình. Ở đời, cái quan trọng nhất là gia đình, bất hạnh nhất cũng từ gia đình mà ra.

Đến tận trang sách cuối cùng, Keigo vẫn để người đọc trong trạng thái lửng lơ. Ông không nói về tương lai của Naoki, không đề cập đến cuộc sống của Takeshima Tsuyoshi nữa. Cứ như vậy, kết thúc mở để người đọc tự suy ngẫm. Nhưng có lẽ, không cần nghĩ đâu, bởi lẽ, cuộc sống của hai anh em nhà Takeshima Tsuyoshi làm gì có ngày mai.

Trong cuốn “Bạch Dạ Hành”, Higashino Keigo có viết: “Trong một ngày, có lúc mặt trời lên cao, cũng có lúc mặt trời lặn xuống. Đời người cũng thế, có ban ngày thì phải có đêm đen, chỉ là không giống như mặt trời kia, lúc lặn lúc mọc theo định kỳ”. Tiếc thay, cuộc đời của Naoki làm gì có ban ngày. Cuộc sống của cậu vẫn vậy, cứ trôi mãi vào trong đêm đen vô tận.


* Nguồn: Internet
 
  • Thư-Higashino-Keigo.jpg
    Thư-Higashino-Keigo.jpg
    124.3 KB · Lượt xem: 221
1K
2
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.