Dự thi Tiệm sách khu đường tàu

Dự thi  Tiệm sách khu đường tàu

Thằng Phôn trở mình, tiếng ầm ầm quen thuộc vang lên bên tai kéo nó ra khỏi giấc mơ. Thường những gì đẹp nhất sẽ kết thúc rất nhanh trong thế giới ảo mà cơn mộng mị mang lại. Và việc nó thấy cảnh mình cầm tay Su – cô bạn cùng dãy nhà – là một trong những điều như thế.

Nắng chiếu xuyên qua cửa sổ, đặt lên mặt Phôn một khoảng sáng vàng nhạt. Nó ngửi thấy mùi ẩm mốc của áo quần chưa giặt. Cảm giác bắt đầu một ngày mới, với nó giờ đây không còn chán nản như cách đây tầm năm năm về trước – khi nó mới chuyển đến đây trong bộ dạng một thằng vô gia cư, đen nhẻm và rách rưới. Thay vào đó, Phôn bật dậy rồi tranh thủ vệ sinh cá nhân, úp bát mì tôm ăn lót dạ rồi bê thúng bánh ra chợ giúp bà. Hồi đêm qua, nó thức canh chảo bánh tiêu trong khi tranh thủ đọc nốt cuốn “Hảo hán nơi trảng cát”, một tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Brazil.

Sáng cuối tuần, trời cao vòi vọi không một gợn mây. Không gian trong vắt như một dòng suối mát lành đang trôi qua trước mắt. Gió lười nhác, uể oải thổi những chiếc túi nilon trên đường khiến chúng bay lên cao rồi nhẹ nhàng hạ xuống. Mùa đông đến lặng lẽ không ai hay. Ẩm ương, đỏng đảnh như cô gái mới lớn.

- Nay ngoại định bán bao nhiêu? – Phôn cất tiếng hỏi.

- Bốn mươi bánh tiêu. Với lại hôm qua, ngoại còn dư gần chục bánh bò nữa.

Bà Ích chậm rãi đáp, tà áo bà ba nâu khẽ phất phơ. Ngoại của nó năm nay gần bảy mươi tuổi, nhìn bề ngoài có vẻ gầy guộc, xanh xao nhưng lại vô cùng tinh anh, nhanh nhẹn. Ngày nào cũng thế, sáng ngoại bán bánh ở chợ Bến Ngự. Chiều lại ra mảnh đất nhỏ sau nhà, hái mớ rau cải và ớt rồi mang bán ở lề khu đường tàu. Rau tươi xanh nên hôm nào người ta cũng mua hết. Buổi tối, bên ánh đèn dầu, ngoại lại ngồi bóc tỏi thuê cho một quán nhậu gần đó. Thằng Phôn ngoài những lúc đi học ra, nó vẫn thường phụ ngoại công việc nhà, quét dọn và vun xới mảnh vườn. Nó nghe lời và rất thương bà. Hai người một già một trẻ sống nương tựa nhau ở khu xóm đường tàu. Trong những ngày mùa đông như thế này, hơi ấm tình thân càng quan trọng với những người như bà cháu nó.

Đặt thúng bánh xuống, Phôn gác chiếc ghế gỗ cạnh bức tường căn phòng của ông bảo vệ đường tàu. Một người đàn ông trung niên, tóc chỉ còn lơ thơ trên mái đầu hói. Ngày qua ngày, nắng mưa bất chợt hay hẹn trước, ông vẫn miệt mài làm nhiệm vụ nâng lên hạ xuống thanh chắn barie hai màu đỏ trắng mỗi khi có tàu đi qua. Có lẽ, phân nửa cuộc đời mình, hai âm thanh quen thuộc nhất với ông là tiếng tàu chạy trên đường ray và tiếng dịch chuyển của thanh chắn. Ở khu này, không ai biết tên ông và cũng hiếm khi, có ai thấy ông giao tiếp với những người quanh đây.

Tiếng chuông nhỏ xíu kèm theo sự rung nhè nhẹ của chiếc 1280 trong túi quần báo tin nhắn đến. Phôn rút điện thoại ra. Màn hình xanh nhạt hiện lên dòng tin nhắn, tên hiển thị “Su khểnh”.

“Chỗ cũ chứ?”

Phôn liếc góc trên bên phải màn hình. “8h35”. Nó bấm phím trả lời.

“Nhưng tôi chưa đọc xong.”

“Thì lấy cuốn của tôi.”
– Tin nhắn trả lời đến ngay tức thì.

“Cuốn gì đấy?”

“Bọn làm bạc giả - Andre Gide”


Phôn thoáng mỉm cười, nhanh chóng hồi đáp.

“Ghê nhỉ! Đọc sách kinh điển cơ đấy.”

Chiều tin nhắn bỗng ngưng lại, tầm gần năm phút sau mới thấy tin đáp lại của Su.

“Hơi bị khinh nhau đấy!”

Phôn bỏ điện thoại vào túi, đoạn quay sang bảo bà ngoại.

- Con đi đây một lát. Trưa con quay lại nghe ngoại.

- Ừ. Mày đi đi. Nhớ về sớm con nhé.


Phôn rảo bước về phía con hẻm vuông góc với đường ray, cạnh quán cà phê cóc của anh Cu Cá. Mọi người quanh đây gọi anh chủ là Cu Cá, phần vì ngoài việc mở quán cà phê, anh còn quản lý một vựa cá ở chợ Bến Ngự. Người anh lúc nào cũng nồng mùi hải sản, dù không rõ rệt nhưng vẫn nghe loáng thoáng khi đứng gần. Dưới mái hiên che bởi hàng cây bàng khẳng khiu, lác đác vài người phu xích lô ngồi uống cà phê, hút thuốc và đánh cờ tướng. Thấy Phôn đi ngang qua, anh Cu cất tiếng gọi.

- Ê Phôn! Chú đi đâu đấy? Vào làm ván cờ.

Phôn xỏ hai tay vào túi quần, ngước mặt lên đáp ra chiều thích thú.

- Em xin ạ. Hôm nay có tí việc rồi, hẹn chiếu tướng anh hôm khác.

- Á à. Thằng này được.
– Anh Cu đáp rồi cười tươi rói trước câu đùa “hỗn láo” của Phôn.

Nó rẽ cuối hẻm, xuyên qua dãy nhà trọ tập thể sinh viên, chậm rãi tản bộ dọc theo con kênh Lò Rèn. Không khí lạnh càng lúc càng rõ rệt. Cái rét chậm chạp thấm qua lớp áo len mỏng của Phôn, chạm vào da thịt, mân mê chốc lát rồi biến mất. Từng đợt nối tiếp nhau, từ tốn nhắc nhở về những dấu hiệu đầu tiên của mùa đông. Nó thở nhẹ một cách khoan khoái, hít căng tràn lồng ngực luồng khí buốt giá như đánh thức toàn bộ giác quan trên cơ thể. Tầm hơn chục bước nữa, Phôn nhác thấy bóng dáng quen thuộc của Su đứng đợi nó dưới gốc cây trứng cá. Đây là điểm hẹn quen thuộc của hai đứa suốt từ bé đến giờ.

- Lạnh nhỉ! – Phôn cất tiếng.

Đang ngẩn ngơ nhìn đâu đâu, Su quay mặt lại khi nghe tiếng của nó. Như một thói quen được lập trình sẵn, cô nàng nở nụ cười khoe chiếc răng khểnh đáng yêu. Tim của Phôn như chiếc đồng hồ lên giây cót. Thoáng bất động rồi lại đập đều đều. Bạn thân với nhau, học cùng trường cùng lớp suốt từ lúc lớp năm cho đến bây giờ. Vậy mà, Phôn chưa bao giờ chống cự được sức hút kì lạ đến từ nụ cười của Su. Mặc cho, nó vẫn luôn ra vẻ không quan tâm bằng những trò trêu chọc, khiến cô nàng phải bực mình.

- Sách của ông đâu? – Su hỏi.

- Hồi nãy tôi bảo rồi còn gì, tối qua mới đọc hơn một nửa thôi. – Nó đáp.

Su ném cuốn sách vào người Phôn mà không báo trước. Cũng may nó phản ứng nhanh, hai tay đỡ lấy vừa kịp lúc sách chạm vào người trước khi rơi xuống. Tiểu thuyết “Bọn làm bạc giả” cũ sờn, bìa ố vàng màu thời gian. Dòng chữ màu nâu đậm nét “Andre Gide” vắt ngang qua phía dưới.

- Chán ông ghê. Đã hẹn như thế rồi cũng không hoàn thành được. – Su nói giọng thất vọng.

Su nhặt một viên đá cuội ở dưới chân, ném ra phía xa trên dòng kênh trước mặt. Viên đá vút lên cao trước khi rơi xuống nghe “tõm”. Những gợn sóng nhỏ lăn tăn tỏa đều ra theo hình tròn từ vị trí ấy.

- Thì cũng phải từ từ chứ, đọc sách phải nghiền ngẫm chứ nhanh như kiểu mì ăn liền của bà thì ai chả đọc được. – Phôn gắt.

- Gì cơ? Một tuần rồi đó Phôn ạ. Hơn nữa, mình đã hứa với cụ Hào được thì phải giữ lời.

- Kinh nhỉ! Dạo này lên mặt dạy đời người khác cơ đấy.
– Phôn nói mỉa.

Nói vậy nhưng Phôn biết nó sai, Su luôn nắm chắc mọi thứ và đi trước nó một bước. Cụ Hào là chủ tiệm sách cũ ở ngã tư đường tàu giao nhau với đường Trần Phú, chỗ đi thẳng lên phía nhà thờ Phú Cam. Tiệm có hàng nghìn đầu sách các loại khác nhau từ văn học, lịch sử, nghệ thuật cho đến tôn giáo, kinh doanh, tâm lý học hay truyện tranh giải trí. Đặc biệt, ở mảng nào, cụ Hào cũng sở hữu rất nhiều cuốn thuộc vào hàng kinh điển, nổi tiếng thế giới. Bên cạnh đó, ngoài việc bán sách, cụ còn cho mượn không lấy tiền đối với những người sống quanh đấy. Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Cụ cho hai đứa mượn với những điều kiện nhất định. Thứ nhất, thời gian mượn tối đa một tuần lễ. Đến hạn, dù đã đọc xong hay không, sách vẫn phải trả về lại cho tiệm rồi mới được mượn tiếp. Thứ hai, mỗi đầu sách chỉ được mượn một lần và không có ngoại lệ. Đó cũng là lí do vì sao mà Su thất vọng về nó.

- Dạy cái đầu ông ấy. – Su cốc đầu nó một phát rõ đau.

- Thôi nào. Anh hứa sau này sẽ không như vậy nữa, em đừng giận anh nhé. – Nó lém lỉnh.

Lại trò cũ rích nó vẫn hay xài mỗi khi Su giận. Chẳng là, trong lần sinh nhật thứ mười bảy của Su, sau khi chở cô nàng đi chơi về bằng chiếc xe đạp mượn được của anh Cu Cá, Phôn đã tỏ tình với Su. Nó vẫn nhớ rất rõ, sau khi nói ra ba từ “Tôi thích bà” cũng vừa lúc chuyến tàu đêm chạy ngang qua. Tiếng ầm ầm làm át đi câu trả lời nhưng nó vẫn thấy được cái gật đầu khe khẽ của cô ấy. Cũng từ lúc đó, sau này mặc dù vẫn xưng hô “tôi và bà” nhưng để lãng mạn một tí, thỉnh thoảng Phôn vẫn xưng “anh và em” ngọt lịm như các cặp đôi khác.

- Gớm! Em nào đấy? Ông đừng có diễn phim ngôn tình ở đây nữa. – Su lườm nó.

Phôn chạm nhẹ vào mái tóc của cô nàng, đoạn “thả thính” như học thuộc lòng trả bài cũ.

- Em Su dễ thương chứ ai vào đây nữa.

Không thể giận quá năm phút, Su cố gắng tỏ vẻ lạnh lùng trước đó nhưng khi thấy cử chỉ dịu dàng của Phôn cô nàng liền mỉm cười nguýt yêu nó. Su nhéo một cái thật mạnh vào mạng sườn Phôn. “Ái! Đau”. Nó thốt lên.

- Cho chừa thói lười biếng nhé. Thôi tới tiệm trả sách cho cụ Hào rồi còn chọn cuốn khác.

Su bỏ đi trước. Phôn vội vàng rảo bước theo, nắm lấy tay cô nàng. Mặt Su nóng bừng, hai má ửng hồng dưới ánh nắng nhạt mùa đông. Gương mặt nhìn nghiêng thấy rõ cánh mũi tròn xinh xắn, khóe miệng khẽ cong lên một chút.

- Thôi. Đang đi trên đường đó, cầm với chả nắm.

- Ơ kìa! Bọn trẻ ranh thời nay mới tí tuổi còn xưng hô vợ chồng cơ đấy? Huống hồ tụi mình.
– Phôn nói tỉnh bơ.

Su gặng hỏi, dù đã biết câu trả lời.

- Tụi mình thế nào? Ông làm như mình lớn lắm ấy nhỉ.

Phôn dùng vai huých nhẹ rồi giả vờ ngẩng mặt lên trời, dõng dạc.

- Xin thông báo với toàn thể khu đường tàu, Hoàng Bảo Trâm – biệt danh Su “khểnh” – là người yêu của Nguyễn Kiên Trung, thường gọi là Phôn đẹp trai.

Su phì cười.

- Ối giời! Đẹp trai phết nhỉ? Kinh quá đi.

Hai đứa vừa cười nói, đi bộ đến tiệm sách cụ Hào. Con đường đất, cỏ mọc um tùm kéo dài đến ngã rẽ ra đường ray tàu hỏa. Chỗ này không có nhà dân, nằm phía sau dãy nhà trọ của các hộ kinh doanh tạp hóa. Thấp thoáng công trình xây dựng dang dở, bỏ hoang nằm lại trong khoảnh sân trống đìu hiu, lạnh lẽo.

80599205_1459846840851321_1917813630510825472_n.jpg

- Tiệm sách khu đường tàu -
Kì Phong

Tiệm sách cụ Hào có cái tên nghe khá cổ xưa. “Bách Thư”. Nằm lọt thỏm giữa một bên là bệnh viện tư nhân Hoàng Viết Thắng, bên còn lại là cửa hàng gạo xuất khẩu, Bách Thư trông như một gã lùn xấu xí sở hữu trí óc vượt trội so với hai gã hàng xóm to xác, bóng nhẫy. Mái ngói phủ đầy rêu, những dây leo không rõ tên gọi buông hững hờ như tấm màn che xanh mướt thích mắt. Cửa chính bằng gỗ đã phai màu, hai bộ cửa sổ hai bên sơn màu xanh đậm nổi bật trên nền tường chính diện màu vàng đất. Trong cơn gió lạnh sớm mai, tiệm sách lặng lẽ, trầm ngâm như một người già suy tư đứng giữa lòng thành phố. Và có lẽ, cụ Hào chỉ thiếu mỗi bộ râu bạc phơ để trở thành ông bụt bước ra từ trong truyện cổ tích nữa mà thôi.

- Đọc xong chưa mà trả đấy?

Cụ Hào đang ngồi uống trà, cất tiếng hỏi khi thấy Phôn và Su bước vào. Cụ năm nay ngoài bảy mươi tuổi, mái tóc đã điểm bạc luôn được chải gọn gàng phía trên gương mặt vuông vức hình chữ điền. Đôi mắt sáng quắc bên dưới đôi lông mày rậm hình cánh cung. Những nếp nhăn tuổi tác không che mờ được nét tinh anh toát ra từ một người từng trải phong ba, kinh nghiệm sống phong phú.

- Dạ xong rồi ạ. Hôm nay ông cho chúng cháu mượn cuốn khác với nhé.

Su ghé tai thì thầm.

- Bốc phét.

Cụ Hào cười thành tiếng, đặt chén trà xuống bàn.

- Con Su thầm thì cái gì đấy? Lại có đứa nào nói dối ông phải không?

Phôn nói lảng.

- Dạ không ạ. Su nói cháu là hôm nay ông đẹp lão quá. Râu tóc cứ thế kia thì cụ bà nào gặp cũng phải mê ạ.

- Ơ kìa Phôn. Tôi nói vậy hồi nào. Ông ơi, Phôn chưa đọc xong sách đấy ạ.


Cụ Hào giơ tay ra hiệu không tranh cãi.

- Được rồi. Đứa nào nói dối tính sau. Giờ hai đứa tới đây, ngồi uống với ông chén trà rồi hẵng mượn sách nhé.

Phôn nhanh nhảu kéo hai cái ghế cho cả nó và Su, ngồi cạnh chiếc bàn gỗ thông được đẽo gọt rất đẹp. Hầu như hôm nào đến đây vào buổi sáng, nó đều thấy cụ Hào ngồi uống trà ở chiếc bàn này. Thỉnh thoảng, bên cạnh còn có tờ báo Pháp Luật số ra vào giờ sớm.

- Ông có chuyện này muốn hỏi hai đứa đây.

- Chuyện gì vậy ạ?
– Phôn và Su đồng thanh hỏi.

Cụ Hào mỉm cười trêu hai đứa. Không ngờ lại nói ra y chang một câu như thế.

- Ông thấy hai đứa mày sau này dễ thành một đôi lắm đấy.

Su đỏ mặt, cúi gằm không nói gì. Phôn lại liến thoắng.

- Ôi. Ông thấy thế thật à? Vậy thì quả là may mắn cho Su rồi?

Cụ bật cười to trong khi Su lườm nguýt nó.

- Ai may mắn vậy? Tôi cho ông nói lại.

- Thôi được rồi. Hai đứa bây cứ như chó với mèo suốt ngày thế à? Nghe ông hỏi nè.


- Vâng ạ. Bọn cháu nghe đây.

Cụ Hào nhấp ngụm trà rồi từ tốn nói.

- Ông thấy hai đứa mượn sách ở tiệm cũng khá lâu rồi. Sách thì có rất nhiều, dễ bây đọc tới già cũng chưa hết. Nhưng mà ông hỏi thật, hai đứa mượn về đọc vì thích hay là sao?

Nghe xong câu hỏi, Phôn đột nhiên ngưng bặt. Nó liếc mắt ra hiệu Su trả lời thay, những câu nghiêm túc như thế này thường không phải sở trường đối đáp của nó.

- Chả giấu gì ông, chúng cháu đã hạ quyết tâm từ năm ngoái. Cả hai đứa nỗ lực hết mình cho giấc mơ trở thành nhà văn đấy ạ.

- Thật sao? Giỏi, có ước mơ là tốt lắm rồi. Vậy hai đứa nghĩ để trở thành nhà văn cần phải làm những gì nào?
– Cụ Hào hỏi, tỏ vẻ thích thú với ý định của hai thiếu niên đang ngồi trước mặt mình.

Su nhẹ nhàng trả lời.

- Dạ chúng cháu nghĩ rằng, trước hết phải có năng khiếu văn chương từ nhỏ. Và nhất là cần đọc nhiều sách để thu nạp thêm kiến thức, làm giàu vốn từ và phong cách viết.

“Xuất sắc”. Phôn nghĩ thầm trong bụng. Su trả lời miễn chê, không hổ là học sinh giỏi văn của trường.

Cụ Hào im lặng nhìn hai đứa, gật gù đáp.

- Không tệ. Nghĩ được như vậy là biết có ý thức làm gì rồi đấy. Thấy hai đứa có đam mê văn chương, ham đọc sách, ông muốn kể cho hai đứa nghe một chuyện. Nghe xong, hai đứa mượn sách rồi về cũng chưa muộn.

Lần này, Phôn đỡ lời thay Su. Nó lễ phép trả lời.

- Dạ vâng ạ. Hôm nay chủ nhật nên chúng cháu không bận gì đâu ạ.

- Vậy thì quá tốt.


Thế rồi, trong sáng mùa đông hôm đó, khi những cuốn sách chất đầy các kệ xung quanh đều thức dậy dỏng tai lên nghe. Phôn và Su cũng dần chìm vào câu chuyện trong giọng kể ấm áp của cụ Hào. Cả hai đều không biết, đó là bước ngoặt nhỏ bé dẫn đến sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn sau này.

* * *​

Tôi sinh ra, lớn lên ở Vân Cù - một ngôi làng nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố Huế chuyên về làm bún và đan nón lá. Người dân ở đây chân chất, hiền lành, quanh năm luẩn quẩn nơi lũy tre làng, sống với sợi bún thơm mềm và chiếc nón bài thơ đã trở thành nỗi niềm trong tâm hồn người cố đô. Ở đây, buổi sáng đến sớm hơn khi các hộ làm bún dậy từ trước lúc gà gáy để nhóm lò, đun nước cho mẻ bún đầu tiên trong ngày. Buổi chiều lại kết thúc rất muộn, thậm chí đến khi bóng tối buông xuống trên dòng sông Triều, người dân mới thu dọn những tấm lá đã phơi trong ngày vào nhà. Lá phơi qua nắng, thêm nhiều lần gia công mới có thể đem ra đan để tạo thành chiếc nón.

Cũng như bao thanh niên khác trong làng, khi đến tuổi trưởng thành, con trai sẽ nối nghiệp nhà, gìn giữ nghề truyền thống của gia đình và dòng họ. Ấy thế nhưng, cuộc đời chưa bao giờ đi theo lộ trình mà chúng ta sắp đặt. “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Và có lẽ, trong rất nhiều biến cố sau này, sự việc xảy ra ngày hôm đó đã trở thành vết thương đau đớn nhất với tôi.

Một chiều mùa đông cuối năm 1967, khi những cơn gió lạnh khô khốc thổi qua hàng tre trước ngõ, quằn lên từng đám lá khô xào xạc dưới mặt đất, rít trên mái nhà tranh từng hồi ai oán, bố mẹ tôi từ ngoài đồng trở về nhà với bộ dạng âu sầu, mặt tái xanh như tàu lá. Nghe lỏm hai ông bà nói chuyện, tôi tình cờ biết được một tin chẳng lành. Giặc Mỹ sắp mở cuộc càn quét quy mô lớn vào các khu vực ngoại vi thành phố Huế. Làng Vân Cù nằm ở phía Đông, trong tầm đánh bom của máy bay địch. Nội trong vài ngày tới, chưa xác định thời gian cụ thể, chúng sẽ tổ chức các đợt tấn công cả trên không lẫn đường bộ. Bà con thôn xóm trong làng đang lên kế hoạch tản cư, di chuyển đến những nơi an toàn tránh giặc. Ba mẹ tôi vô cùng lo lắng, chưa biết làm thế nào.

Tối hôm ấy, khi đang tụ tập làm đèn kéo quân bên nhà thằng Rốt con bác Hai, mẹ qua gọi tôi về nhà. Nghe bà bảo bố có chuyện cần dặn dò, tôi đã linh cảm chẳng lành. Vì mọi hôm, chưa bao giờ tôi đi chơi trong làng vào ban đêm phải cần tới mẹ đi gọi như thế. Lúc ngồi trên phản bên ngọn đèn dầu, tôi lặng lẽ nhìn bố, chờ đợi một điều gì đó từ ông. Mẹ tôi, người phụ nữ tròn trịa nhưng xanh xao, cũng ngồi bất động bên ánh sáng hiu hắt từ ngọn lửa. Chốc chốc, tiếng dế “réc réc” ngoài vườn vang lên từng tràng dài, nghe xao động bóng tối êm ả. Không biết rằng, sự bình yên đó sẽ sớm bị phá vỡ trong thời gian sắp tới.

Bố tôi chợt cất tiếng.

- Hào này, con năm nay cũng mười bảy rồi. Chẳng mấy chốc mà bố mẹ phải đi hỏi vợ cho con đấy nhỉ?

Tôi cười, khẽ khàng đáp.

- Vâng ạ.

- Giờ bố hỏi nhé. Nếu được lựa chọn học tiếp lên cao hơn và theo bố mẹ học nghề để nối nghiệp, con sẽ đi theo hướng nào?


Tôi đáp mà không cần suy nghĩ.

- Dạ, dĩ nhiên là phải nối nghiệp rồi ạ.

- Vì sao?
– Bố hỏi.

Ngẫm nghĩ chốc lát, tôi đáp.

- Bố thấy đấy. Làng mình xưa nay truyền thống vẫn là nghề làm bún và đan nón. Nó là máu thịt, linh hồn của làng, của quê hương. Thanh niên sức dài vai rộng, không nối được nghiệp nhà thì có lỗi lớn lắm.

Bố nhấp chén trà, liếc nhìn mẹ tôi. Bà lên tiếng.

- Con nghĩ được vậy là tốt! Nhưng bố mẹ có chuyện này, bất đắc dĩ phải nói để con hiểu Hào ạ.

- Vâng ạ. Con đang nghe đây mẹ.


Dạ dày tôi chợt đánh thót một cái. Hẳn là liên quan đến điều tôi nghe lỏm được hồi chiều khi bố mẹ nói chuyện.

- Làm bún và đan nón là máu thịt của quê mình, con nói đúng. – Bố bảo – Nhưng tương lai của con quan trọng hơn nhiều. Bố mẹ già rồi, phải bám làng để gìn giữ hương hỏa ông cha. Nhưng con mới lớn lên, đường tương lai còn dài rộng, phải tìm nơi thích hợp để phát triển hơn nữa.

Tôi cúi đầu im lặng. Dường như trong giọng điệu của bố, ông đang nhấn mạnh đến một sự thay đổi lớn lao của truyền thống gia đình. Các thế hệ đi trước, chưa có ai rời làng ra đi dù giặc đánh dữ như thế nào, thiên tai địch họa khắc nghiệt ra sao. Nhưng vì sao? Vì sao đến lúc tôi sắp đủ vững vàng để gánh vác trọng trách, bố lại muốn tôi khăn gói đi nơi khác? Ông không tin bản lĩnh của tôi, hay là còn lí do nào nữa?

- Có lẽ con đủ lớn để hiểu điều bố sắp nói đây. Tin tình báo từ Ủy ban mặt trận Tổ Quốc đưa về, quân Mỹ sắp càn quét quy mô lớn nhắm vào các khu vực ven tỉnh. Làng Vân Cù chúng ta nằm ngay trung tâm nhánh phía Đông, chắc chắn không tránh khỏi đổ máu. Bố mẹ sẽ ở lại, cùng dân làng cố thủ, giữ được thứ gì hay thứ đó. Lực lượng dân quân đã sửa lại các hầm trú ẩn và boong-ke đầu làng.

- Vậy con cũng ở lại. Con lớn rồi, không lẽ giương mắt nhìn bố mẹ mình đương đầu với giặc mà hèn nhát bỏ trốn hay sao?
– Tôi nói, thoáng chút ấm ức.

Bố mẹ im lặng. Ngọn đèn chập chờn, in lên tường vách những bóng đen lả lướt theo cơn gió mùa đông luồn qua khe cửa. Một bàn tay nhẹ đặt lên vai tôi. Mẹ vuốt mái tóc dày, cứng như rễ tre của con trai rồi nhẹ nhàng bảo.

- Bố mẹ già rồi, có mệnh hệ gì cũng không nuối tiếc vì đã sống quá đủ cho một đời. Nhưng con, bố mẹ biết ước mơ của con không nằm ở ngôi làng này. Bóng đen gia phong, truyền thống phủ lên đời bố mẹ là quá đủ, con phải đi khỏi đây. Phần tránh giặc giã, phần cố gắng xây dựng và hoàn thành ước mơ của mình. Chẳng phải trước đây, con vẫn hay nhắc về khát khao làm chủ một trang trại chăn nuôi hay sao?

Tôi ngẩn ra một chốc. Đúng là, đã đôi lần tôi vui miệng nói với hai ông bà, sau này nếu có điều kiện sẽ xây dựng một trang trại. Ở đó, tôi sẽ gây giống và nuôi những loài động vật hoang dã. Nhưng tôi không ngờ, bố mẹ lại tôn trọng những lời nói đó. Hai người không hề xem nhẹ, ngược lại còn ủng hộ hết mình.

Bố thêm vào ít dầu hỏa, vặn lại ngọn đèn. Ngọn lửa đang bé như hạt đậu chợt bùng lên, tỏa sáng cả góc nhà.

- Khuya ngày mai, con sẽ đi với chú Lâm, anh Đoan và gia đình chị Ngọ về tản cư ở làng Phò Trạch, cách làng mình tầm trăm cây số. Chỗ đấy heo hút, vắng vẻ nhưng bù lại thiên nhiên ôn hòa, dễ khai khẩn làm ăn.

Biết không thay đổi được gì, tôi lặng lẽ gật đầu đồng ý. Bố chậm rãi hút thuốc, từng vòng khói nhè nhẹ tỏa ra trên vành môi khum lại của ông. Chúng trôi chầm chậm giữa thinh không rồi tan biến mất dạng. Mẹ ôm lấy tôi, mùi đất, mùi dầu mỡ trên áo bà phảng phất. Đêm ấy là một đêm dài, tôi không ngủ được. Trằn trọc giữa khuya, nằm ở buồng trong, tôi lắng nghe những tâm sự, thu xếp của bố mẹ mà lòng quặn thắt. Nước mắt trào ra ướt đẫm chiếc gối.

Ngoài trời, gió vẫn rít lên từng hồi. Mùa đông chưa bao giờ lạnh lẽo như thế.

* * *​

Những giá gỗ cao đến trần nhà, chất đầy những cuốn sách dày cộp. Một lớp bụi mỏng bám trên gáy sách, tựa hồ như được dát mịn bằng bột mì. Đôi chỗ, có dấu vết ngón tay con người chạm vào nhưng số đó vô cùng ít. Phôn biết đó là giá sách về lĩnh vực thiên văn học và lịch sử. Ở khu đường tàu này, số người đọc sách đã ít, người đọc các mảng kiến thức khó và khô như vậy càng không nhiều. Họa hoằn, đôi ba lần, nó thấy ông bảo vệ đường tàu ghé qua tiệm, trao đổi vài câu với cụ Hào rồi chọn lấy một cuốn trên giá này. Tiếng nói của Su kéo nó quay lại với câu chuyện ông chủ tiệm sách vừa kể.

- Sau đó, ông có đi tản cư không ạ?

Cụ Hào gật đầu, khẽ đáp.

- Ừm. Ông đi một lần và từ bấy đến nay, không bao giờ quay về nữa.

- Sao vậy ạ? – Phôn buột miệng hỏi.


Ánh mắt cụ Hào bỗng trở nên xa xăm, đăm đăm nhìn vào một điểm vô định nào đó trước mắt.

- Bố mẹ ông mất trong đợt càn của giặc năm đó. Ông chỉ nghe kể lại qua lời của một người bà con. Lúc giặc tràn vào làng, chúng tấn công bất ngờ ngay giữa đêm, lực lượng thanh niên và dân quân chống cự dữ dội nhưng không làm được gì. Dân làng bỏ chạy gần hết. Một số người dính phải bom của máy bay thả, qua đời ngay sát miệng hầm trú ẩn, chưa kịp chui xuống bên dưới. Trong đó, có bố mẹ của ông.

Su và Phôn im lặng liếc nhìn nhau. Cái nhìn ý tứ, tự bảo nhau nên làm gì khi nghe chi tiết này. Một giọt nước mắt, chưa kịp lăn ra nhưng đã ứa lên, đọng lại nơi khóe mi cụ Hào. Có lẽ, trong khoảnh khắc này, kí ức năm xưa hiện về rõ mồn một hơn bao giờ hết. Trong tiệm sách cũ kĩ, trước mặt là hai đứa trẻ, thời niên thiếu của cụ chợt sống lại những khát khao, ước mơ thuở ấy.

- Ông kể với hai đứa chuyện này cũng vì muốn khuyên hai đứa một điều.

Su nhìn cụ, lễ phép đáp.

- Vâng ạ. Chúng cháu xin nghe.

- Ừm. Ước mơ của đời ông là làm chủ một trang trại chăn nuôi động vật hoang dã. Nhưng rồi, khoảng thời gian sau đó, quá đau buồn trước sự ra đi của bố mẹ, ông đã không đủ dũng cảm để vượt qua. Sống một mình không thân thích, chỉ dám nương nhờ vào những người bà con trong làng lúc cùng đi tản cư, khi ấy ông cảm giác chới với, không có định hướng. Mất bố mẹ, ông mất luôn cả mảnh linh hồn thuần khiết nhất của chính mình.


Một thoáng ngập ngừng trong giọng kể, rồi cụ tiếp tục.

- Từ bấy đến nay, ông làm rất nhiều nghề để sinh sống. Mỗi nơi đi qua, ông lại học thêm nhiều điều mới mẻ. Mỗi nghề từng trải, ông lại góp nhặt thêm từng chút kinh nghiệm. Và rồi, ông hiểu được giá trị cuộc đời trong lần gặp một cô gái.

Su dè dặt hỏi.

- Có phải vợ của ông không ạ?

- Đúng vậy. Ông gặp bà ấy khi đã gần ba mươi tuổi. Nhưng một tai nạn xe hơi tám năm sau đó đã cướp bà và con gái khỏi cuộc đời ông. Bản thân ông cũng bị thương nặng, đứt dây chằng đầu gối khiến về sau không thể làm việc nặng.


Phôn dần hiểu ra, có lẽ cuộc đời mỗi người luôn đối diện với những ngã rẽ bất ngờ mà không ai có thể đoán trước. Đôi khi, biến cố ấy khiến ta phải thay đổi cả ước mơ, khát vọng và niềm tin mãnh liệt đã từng có trước đó.

- Hai đứa thực sự muốn trở thành nhà văn à? – Cụ Hào chợt hỏi.

- Dạ vâng. Chính xác là cháu và Phôn đều mong sau này có thể viết được những tác phẩm cho riêng mình. Phôn thậm chí còn mơ sẽ đạt giải Nobel ấy ông. – Su đáp rành rọt.

Cụ Hào bật cười to sảng khoái. Tiếng cười trầm, mạnh mẽ âm vang cả căn phòng nhỏ trong tiệm.

- Khá lắm. Thằng này thế mà khá. Không ai đánh thuế ước mơ đâu. Mày đọc hết sách của tiệm ông dễ có khi trở thành bác học đó Phôn ạ.

- Hì hì. Vậy thì cháu càng phải tới đây thường xuyên hơn rồi.
– Phôn cười nhăn nhở.

- Ông nói hai đứa này. Có ước mơ, khát vọng là tốt nhưng phải luôn nỗ lực hơn nữa nhé. Càng lớn hơn, bọn cháu sẽ càng đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn. Nhiều lúc, chúng sẽ hạ gục các cháu khiến bản thân không thể gượng dậy nổi. Những lúc đó, phải kiên cường bước tiếp, tìm cách giải quyết vấn đề. Ông tin một ngày nào đó, hai đứa sẽ thành công.

Phôn và Su lễ phép cảm ơn rồi mang sách vào trả lại chỗ cũ. Đứng trước giá sách văn học kinh điển thế giới, chưa bao giờ Phôn cảm thấy bị choáng ngợp đến như vậy. Từ Baudelaire, Balzac, Victor Hugo đến Hemingway, Faulkner, Steinbeck, những tác gia nổi tiếng nhân loại nằm ngay trước mắt hai đứa với đứa con tinh thần mà họ đã viết nên bằng tất cả tâm huyết. Trước đó, Phôn chưa bao giờ cảm nhận được áp lực khủng khiếp của ước mơ mang lại. Nhưng giờ đây, sau khi nghe câu chuyện của cụ Hào, nó bỗng thấy bản thân nhỏ bé và sự viễn vông trong khát khao của chính mình. Su nhẹ nhàng nắm tay nó, cô ấy siết chặt lòng bàn tay rồi nói.

- Tôi biết ông đang nghĩ gì. Tôi cũng thế. Nhưng ông hiểu lí do vì sao cụ Hào kể mình nghe câu chuyện đó không?

Phôn lắc đầu.

- Là vì cụ không muốn mình bỏ cuộc và nản chí dù ước mơ có khó thực hiện như thế nào đi nữa. Cụ muốn ta cứ tiến lên, học tập và trải ngiệm, dù kết quả có ra sao thì khi nhìn lại con đường đã đi qua, ta vẫn thấy hài lòng – theo một cách nào đó.

Phôn im lặng. Trước mắt nó, bìa màu xanh tiếu thuyết “Giết con chim nhại” của nhà văn Harper Lee nằm gọn vào một góc bên phải giá sách. Nó sáng lên dưới ánh mặt trời chiếu xuyên qua khe cửa.

Cụ Hào tháo cặp kính đặt xuống. Nhìn hai đứa trẻ đang chọn sách bên trong, lòng cụ cảm thấy ấm áp lạ thường. Một sự quen thuộc nào đó kết nối giữa tâm hồn già nua của cụ với khát khao cháy bỏng của bọn nhỏ. Cụ mỉm cười. Có lẽ, vào một lúc nào đó, ở một thế giới khác, người ta sẽ thấy một trang trại chăn nuôi động vật hoang dã với rất nhiều loài thú rừng quen thuộc. Có sao đâu, ai đó vẫn bảo con người luôn có kiếp sau mà.

Mùa đông năm đó vẫn lạnh lẽo như thường lệ. Chỉ khác là, trời trong và cao hơn. Một tiếng còi tàu vang lên rồi kéo dài mãi.

Ảnh: Kì Phong
Truyện ngắn dự thi cuộc thi viết "Chuyện của mùa đông"
Tác giả: Kì Phong
 
Sửa lần cuối:
911
4
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.