Dự thi Tiếng khèn đẫm sương

Dự thi  Tiếng khèn đẫm sương

Truyện ngắn dự thi "Mùa yêu đầu":

TIẾNG KHÈN ĐẪM SƯƠNG

Cái trời bữa nay dở chứng hay sao mà đột nhiên mưa ngang chừng không báo trước, không thể đi xe, Pó đành gửi lại xe rồi bám theo con đường chênh vênh trơn trượt để về bản. Trời đã tạnh nhưng vẫn âm u, nặng như chì, rình rình như chực trút nước xuống bất cứ lúc nào. Con đường về bản chỉ còn mấy khúc quanh nữa là đến, nhưng không phải là dễ đi. Pó cắm cúi đi, lúc ngẩng lên đã thấy phía trước một bóng người phụ nữ khoác trên lưng túi đồ lồng phồng, tay dắt theo đứa bé cặm cụi bước trên con đường dốc lô nhô đá, trơn trượt, hai ống quần của cả hai người lớn bé đều vương bùn đất đỏ quạch…Nhìn dáng thì là người lạ, không phải người của bản, lạ từ cách ăn mặc, từ dáng đi, cách búi tóc…Ở bản Pó còn lạ gì những người phụ nữ quen thuộc suốt ngày gặp mặt. Hay là cô giáo mới, Pó nghe đâu hình như dưới huyện mới phân công giáo viên về bản dạy cho đám trẻ con. Đã lâu lâu rồi chưa có giáo viên về bản, phần vì lũ trẻ đi học ít quá, phần vì toàn giáo viên vùng xuôi lên, nhiều người ở một thời gian không chịu nổi cái vất vả nơi đây lại xin về xuôi. Trẻ con được học bữa đực, bữa cái nên cũng chán, hầu như bỏ về lên nương hết cả. Nếu đúng là cô giáo mới Pó phải giúp cô giáo mới được. Pó cũng mong có người mang cái chữ về bản cho đám trẻ, không thể để chúng cứ sáng lên núi, chiều nhọ mặt trời lại theo đám trâu, dê về nhà rồi cứ âm u mù mịt mãi thế…

Pó rảo bước đi lên ngang người phụ nữ:

- Cô giáo à, để tao mang hộ đồ cho…

Người phụ nữ ngó sang nhìn Pó:

- Sao anh biết tôi là cô giáo thế?

- Thì tôi đoán thế, thấy bảo đợt này có cô giáo mới về bản mà…Chợt Pó mở to đôi mắt, giọng ngạc nhiên- Ơ kìa, Linh, Diệu Linh phải không ?

- Ơ, Pó đấy à? Mấy năm không gặp trông Pó trưởng thành quá, tôi suýt không nhận ra Pó đấy, vẫn còn nhận ra tôi cơ à?- Người phụ nữ cũng ngạc nhiên không kém khi thấy Pó.

- Nhận ra chứ, Linh vẫn thế mà, dường như còn xinh hơn ấy…Pó kìm lại nếu không đã nói ra mấy năm nay lúc nào tôi cũng nhớ đến Linh đấy, lúc nào cũng mong Linh trở lại nơi này.

Đứa trẻ chợt chạy lại nép vào chân Linh, hai bím tóc lúc lắc, hai mắt to tròn ngước nhìn Pó lạ lẫm.

- Con gái Linh đấy, chào bác đi con…Con bé lí nhí "Chào bác" rồi rúc vào sau lưng mẹ nó.

Pó chợt thấy lòng chùng xuống, những cảm xúc chợt nén lại trong lòng không thể hiện ra mặt. Thì ra Linh đã có chồng, có con từng này rồi mà Pó không biết gì cả. Pó và tiếng khèn vẫn vu vơ, da diết ngóng chờ. Chờ một điều gì, Pó không biết nữa…

- Linh đưa đồ đây Pó mang giúp cho, đường lên bản còn vất vả lắm.

Pó nhận túi đồ của Linh khoác lên lưng mình. Khi con bé đã quen dần, nó đã cho Pó địu lên lưng vượt qua những đoạn đường khó đi.

Suốt dọc đường lên bản, những câu chuyện không đầu, không cuối, lúc ôn lại thời còn học nội trú, lúc lại kể về những chặng đường đã trải qua, Pó đã hiểu phần nào những gì mà Linh đã trải qua kể từ khi hai đứa chia tay nhau sau khi học xong trường cấp 3 nội trú.
nang-truoc-nha_hyva.jpg


********

Khi biết tin có cô giáo mới về cả bản chỉ xôn xao một chút như con nước dưới suối dềnh lên mỗi khi có cơn gió đùa. Từ trưởng bản đến mỗi nóc nhà đều chép miệng, ối dào không biết liệu cô giáo mới trụ lại bản được bao lâu, hay là lại bỏ dở ra đi như những người trước. Chẳng mấy nhà mặn mà cho con đến lớp.

Pó tranh thủ cặm cụi dọi lại cái nóc nhà vừa là nơi ở vừa là nơi dạy của Linh. Nơi đây lâu nay bỏ không mặc cho mưa gió vần vũ, mặc cho đám chuột rúc rích làm tổ. Đám bàn ghế đã phủ bụi bẩn, xộc xệch, chiếc bảng xiên xẹo trên bục giảng. Nơi ở bên hông lớp học bốc mùi ẩm mốc. Mất hẳn một buổi Pó mới dọn dẹp xong. Việc còn lại quan trọng hơn cả là vận động các nhà cho con đi học, Pó bảo không phải sốt suột, Pó sẽ cùng Linh đi từng nhà, từ từ rồi mới có học sinh, có nóng ruột cũng không được đâu.

Ít ngày sau, điểm trường đã khang trang hơn, đám trẻ con của bản thi thoảng thập thò bên cửa lớp ngó nhìn cô giáo cùng đứa con gái nhỏ nhắn quẩn quanh. Mỗi khi cô giáo đi ra lại rủ nhau ù té chạy. Rồi chúng lân la làm quen với con bé. Chúng bắt đầu chơi với nhau. Một cô bé trắng trẻo sạch sẽ lẫn giữa đám trẻ con của bản nhem nhuốc, đầu tóc xù xịt như những tổ chim trên cây, quần áo xộc xệch, chúng giống nhau ở nụ cười hồn nhiên rạng rỡ mỗi khi khám phá ra những trò vui. Và rồi con bé trắng trẻo ấy cũng dần nhem nhuốc sau những trò chơi với đám bạn. Linh đã tiếp cận và làm quen với những đứa trẻ, cô đã làm cho chúng sáng sủa, sạch sẽ và gọn gàng hơn lên mỗi ngày.

Bản mù sương...

Gió núi hun hút...

Mưa rừng lây rây...

Nước lũ ầm ào…

Pó cần mẫn, cặm cụi cùng Linh đi đến từng nhà vận động cho trẻ con đi học. Pó đến từng nhà uống từng bát rượu ngô cho đến khi người nóng sực cùng Linh rủ rỉ với bố mẹ lũ trẻ bên những ánh đèn tù mù hay những bếp lửa hồng rực ấm cúng, đám trẻ con lăn lóc ôm nhau ngủ ở góc nhà. Sau những ngày nắng, đêm mưa, có nhà gật gù, có nhà ừ hữ, có nhà lắc lư cái đầu. Sau một thời gian lớp học đã có đám trẻ ê a đánh vần từng câu chữ. Thi thoảng Pó đứng bên ngoài cửa lớp ngắm nhìn lũ trẻ háo hức với những trò chơi mới trong mỗi bài học của Linh chợt cảm thấy vui vui. Lớp học gần hai chục học sinh không phân biệt lớp 1 hay 2, đều học chung. Đứa chân đất, đứa đi dép cũ. Đứa áo lành, đứa áo rách. Nhưng đứa nào mắt cũng sáng long lanh. Pó thấy sao đứa nào mắt chúng cũng đẹp và háo hức đến thế. Chúng chăm chú, kiên nhẫn đánh vần theo cô giáo, thậm chí cả nửa buổi vẫn đánh vần một câu, một chữ ấy…Mỗi khi tan lớp chúng lại ríu rít ra về từng nhà như bầy chim non.

Khi học thì lớp ồn ào, nhộn nhịp. Khi học sinh về nhà hết mới thấy ự im vắng đến đáng sợ ở mái trường chênh vênh bên sườn núi. Chiều buông, sương mù lành lạnh. Đêm xuống nhanh, thoáng chút đã tối, nơi đây ánh điện vẫn là cái gì đó xa xỉ, sóng điện thoại cũng không. Thi thoảng Pó lại lên chỗ mẹ con Linh như khỏa lấp đi nỗi buồn, sự trống vắng nơi đây.

Một tối, ánh trăng chênh chếch trên đỉnh Tà Xùa, con bé đã ngủ say từ khi nào, Pó ngồi bên Linh ở sườn núi phía sau lớp học.

- Cảm ơn Pó nhé, không có Pó chắc Linh phải bỏ dạy về nhà quá…

- Sao Linh lại khách sáo với Pó thế. Là việc Pó nên làm cho bản mà, Pó cũng chỉ mong bọn trẻ nơi đây có con chữ để biết thêm nhiều điều hơn nữa. Mà mẹ con Linh đã quen với cuộc sống nơi đây chưa? Pó chợt thấy xao động khi ngắm khuôn mặt bầu bĩnh xinh xắn của Linh dưới ánh trăng bàng bạc…

- Mà lâu rồi không thấy Pó thổi khèn nữa thế? Khéo Linh cũng quên mất tiếng khèn của Pó mất rồi…

- Tại Pó không biết thổi cho ai nghe nữa…

- Pó đừng nói thế, rất nhiều người muốn nghe Pó thổi đấy thôi…

- Giờ Pó thổi cho Linh nghe vậy nhé…

Pó trườn mình ngắt chiếc lá trước mặt. Tiếng khèn lá réo rắt như đợi chờ, như ngóng trông, như thổn thức, như tiếc nuối về một điều gì đã qua. Sương đêm lành lạnh. Tiếng khèn cao vút như vượt lên đỉnh núi cao, rồi lại hạ thấp như trầm xuống đáy vực sâu. Pó như hòa mình vào tiếng khèn, có lẽ cũng lâu rồi Pó chưa có cái giác như thế. Trước đây mỗi lần xuống chợ huyện dịp lễ tết Pó cũng vui nhảy cùng tiếng khèn nhưng chưa có cái cảm giác như bữa nay, kể từ ngày thôi học ở trường nội trú.

- Ngày trước Linh nghe tiếng khèn của Pó vui vẻ và trong trẻo lắm, sao giờ nó cứ buồn buồn thế Pó? Mà sao Pó vẫn chưa lấy vợ đi, Linh thấy nhiều cô thích Pó lắm mà…

- Pó không lấy vợ bởi vì Pó vẫn chờ đợi một người…Pó quay sang nhìn sâu vào đôi mắt thăm thẳm vương nét buồn buồn của Linh…

Linh lảng tránh ánh mắt như ánh lửa bừng cháy ấy, cúi mặt lí nhí:

- Ai thế…

- Linh không biết hay giả vờ không biết thế?

- Linh bây giờ không còn Linh của những năm trước nữa rồi, Linh đã là người đàn bà góa với một mặt con, Pó còn chờ gì nữa chứ? Sau khi chồng mất Linh chỉ muốn quay về quê mình sống yên ổn với núi rừng nơi đây, gieo con chữ cho đám trẻ con để cho chúng nhận biết cuộc sống này còn có nhiều cái hay, gieo cho chúng cái sự phấn đấu vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Linh cũng không ngờ lại gặp Pó ở nơi đây.

- Với Pó thì Linh vẫn là Linh của ngày ấy thôi. Đừng để tiếng khèn của Pó phải buồn được không Linh?

Pó ngồi xích lại, quàng tay qua vai Linh. Mùi hương thơm từ tóc Linh thoang thoảng. Sương đêm đã không còn lạnh nữa rồi…
hoa-ban-moc-chau-2.jpg

********

- Pó à, mày vẫn nhất quyết đưa con Linh về nhà này sao?

Ông Su sau khi rít một hơi sâu từ chiếc điếu cày phả ra làn khói đặc quánh hòa lẫn với đám khói bếp cay xè ngẩng lên hỏi với giọng khê nồng đùng đục. Bên chiếc bếp giữa nhà những gộc củi đượm than hồng, siêu nước réo o o, hai người đàn ông bó gối nhìn nhau, ngoài trời gió từ những ngọn núi cao lùa về vẫn rít lên từng cơn, ánh lửa chờn vờn trên vách.

- Con thương nó, thương nó từ lâu rồi bố à. Vừa cời than trong bếp Pó vừa ậm ừ nói.

- Sao bao nhiêu đứa con gái Mông ở cái bản này, cả các bản bên nữa mà mày không thương, bao nhiêu đứa con gái Mông ở đây còn xinh hơn nó cơ mà. Nó, một đứa con gái Thái giờ đã như người Kinh mất rồi, lại còn có một đứa con nữa…Biết bao đứa con gái ở đây nó thích mày cơ mà, Pó…

- Bố không hiểu được đâu. Mà bố đâu có hiểu được tình yêu…

Đang nói Pó chợt sững lại đưa tay bịt mồm ngước đôi mắt cay xè vì khói bếp nhìn bố. Ông Su ngước đôi mắt đỏ kè lấp loáng ánh lửa nhìn sâu vào đôi mắt Pó không nói không rằng dục mạnh cái điếu vào tường nhà vùng vằng bỏ đi ra cửa.

Pó biết mình lỡ lời rồi. Pó biết mình sai rồi. Pó biết lại chạm vào nỗi đau của bố cất giấu bấy lâu nay. Pó biết bố lại giận mình rồi. Bố lại nhớ mẹ rồi. Chẳng qua bực mình vì bố cứ cản chuyện của Pó với Linh nên Pó mới buột mồm nói thế, chứ Pó biết bố vẫn còn nhớ và yêu mẹ nhiều lắm. Chả thế mà bao nhiêu năm nay biết bao người tìm đến mà bố có đồng ý ai đâu. Pó nhiều lần cũng đã gợi ý với bố nhưng bố toàn gạt đi nói khi nào Pó cứ lấy vợ đi đã rồi hẵng tính. Từ ngày truyền hết cho Pó những kỹ thuật làm khèn và ký thuật điều khiển tiếng khèn réo rắt gọi bạn tình, bố không bao giờ thổi khèn nữa. Nhưng vẫn còn bao người đàn bà Mông vẫn còn nhớ tiếng khèn của bố mà tìm đến, rồi họ lại thất vọng trở về.

Ngày ấy ông Su mỗi khi lên nương hay xuống chợ ngày lễ, tết, khi buồn, khi vui đều đi kèm với tiếng khèn, khi là khèn bè, lúc là chiếc khèn lá, những điệu khèn khi bổng khi trầm, lúc réo rắt như thay lời người thổi luôn cuốn hút, tiếng khèn vang dội vào núi, vang vọng vào các bản làng, loang đi trên các nương rẫy và đi vào lòng các thiếu nữ Mông trong những ngày mùa, ngày hội. Mười ba tuổi ông Su đã biết điều khiển các điệu khèn, khi ông hai mươi tuổi bà Mây đã theo tiếng khèn của ông về nhà làm vợ bên ngôi nhà chênh vênh giữa lưng chừng núi. Bà Mây ở tận Đề Chơ, mỗi lần xuống chợ, mấy mùa xuống huyện chơi tết đều núp sau lưng đám bạn ngắm nhìn những điệu nhảy, lắng nghe những tiếng khèn của các chàng trai Mông. Trong bao nhiêu tiếng khèn ngày tết, tiếng khèn của ông Su vang lên như tiếng du ca của núi rừng Tây bắc, bà nghe rồi như nghiện, mỗi lần xuống chợ không được nghe tiếng khèn ấy bà như thấy thiêu thiếu một điều gì. Một phiên chợ bà Mây theo chân ông Su về tận nhà, bà đứng từ xa núp sau gốc sồi lớn, khi thấy ông Su khuất sau nếp nhà bà làm như vờ đi ngang qua vắt chiếc khăn vấn đầu mà bà mất bao ngày tỉ mỉ may thêu với đủ các sắc màu lên hàng rào ngoài cửa. Rồi bà vội vã tất tả đi như chạy khi màn sương trắng bồng bềnh đang đang rủ xuống trên đỉnh núi, vừa đi vừa ngoái lại phía sau.
1070820.jpg

********

Thấy thằng Pó có vẻ đã ngủ say, ông Su lấy trong chiếc hòm ở góc nhà ra chiếc khăn vấn đầu của phụ nữ đã cũ. Ông hít hà một hơi thật sâu, ông cuốn nó vào cổ rồi ra ngồi trên phiến đá đầu hè. Ánh trăng bàng bạc, sương phủ trắng rừng, tiết trời lành lạnh. Ông vẫn thấy như vương vấn đâu đây hơi hướm của vợ mình, chút gì ấm áp tình chồng vợ của ông với bà Mây, dù chỉ là ngắn ngủi. Cũng trong một đêm như thế này thằng Pó được sinh ra. Hôm ấy mẹ nó trở dạ, ông cuống lên, đưa xuống huyện thì chắc là không kịp nữa rồi, chỉ kịp quàng vội chiếc áo ông vội chạy đi gọi bà lang Thêu của bản. Thằng Pó vừa oe oe khóc thì cũng là lúc mẹ nó máu chảy loang cả chiếc chăn, bà Mây chỉ kịp nhìn mặt con với ánh mắt rạng ngời và nụ cười hạnh phúc thì lịm đi khi nụ cười ấy chưa kịp tắt trên môi. Bà Mây mất vì băng huyết chỉ kịp để lại thằng Pó cho ông. Ông đã lịm đi không dám tin là bà đã bỏ bố con ông mà đi sớm thế.

Pó nằm đấy nhưng vẫn chưa ngủ được, vẫn trằn trọc lắm. Bố lấy cái khăn của mẹ rồi ra hè, Pó biết bố lại nhớ mẹ rồi. Pó lớn lên không biết mặt mẹ nhưng qua những câu chuyện kể của bố hình ảnh của mẹ vẫn cứ như hiển hiện đâu đây. Bố bảo nhà mẹ cũng thuộc dạng có của ăn của để lắm, bố ngày ấy chẳng có gì ngoài một căn nhà ở lưng chừng núi gió lùa thông thốc với một bà mẹ già ngày ngày cặm cụi với mấy mảnh vườn con con bên sườn núi. Được cái bố cũng chịu khó hằng ngày lên nương, vào rừng nên cuộc sống không đến nỗi khó khăn. Mẹ về với bố chỉ vì chịu cái nết ấy của bố và ưng tiếng khèn của bố mỗi dịp chợ phiên. Mẹ về luôn là người giữ cho ngọn lửa trong bếp nhà không bao giờ tắt, những gộc củi luôn đượm than trong bếp, những chum nước ngoài hiên luôn đầy, những túm ngô vàng óng tren đầy gác bếp... Những buổi sáng tinh sương khi mắt trời chưa ló dạng mẹ đã cùng bố lên nương chọc lỗ tra ngô hoặc vần mình trên những thửa ruộng bậc thang chạy dài trên sườn núi. Từ một người con gái trắng trẻo hai má hây hây mỗi lần xuống chợ đều hút theo ánh mắt của bao chàng trai, da mẹ dần dần xạm đi vì nắng, vì gió, vì công việc…Mấy năm trời về với bố, mẹ mới có Pó trong mình.

Pó lại trằn trọc nhớ đến Linh, người con gái Pó đem lòng thương từ hồi còn học ở trường nội trú. Pó thương mà chỉ biết giữ mãi ở trong lòng, chỉ biết thể hiện qua những điệu khèn da diết nhớ thương mỗi độ đêm về. Ngày ấy nhiều lần Pó định bỏ học ở trường nhưng bố nhất định không cho bắt Pó phải đi học với lý do, bố đã không được học hành gì rồi thì Pó nhất định phải được học, dù gì có cái chữ vẫn hơn. Bố có vất vả mấy cũng cố cho Pó đi học lấy cái chữ. Ngày xuống huyện học nội trú Pó nhớ bố, nhớ nhà nhiều. Rồi Pó quen Linh, cô bạn có cái tên thật hay Lò Hoàng Diệu Linh, một cô gái mang hai dòng máu Kinh- Thái xinh xắn, nhí nhảnh thường xuyên cùng Pó chuyện trò giúp Pó phần nào nguôi ngoai những nỗi nhớ nhà và không còn ý định bỏ học nữa. Những đêm được nghỉ Linh thường cùng Pó lên ngọn đồi sau trường bảo Pó thổi khèn cho mình nghe. Tiếng khèn bè, khèn lá qua đôi môi điêu luyện của Pó làm Linh như muốn hòa mình vào những giai điệu vui vẻ trẻ trung mang đậm hơi thở của núi rừng…
khen1-1562524522.jpg

********

Một thời gian gắn bó với bản, với đám trẻ nơi đây, trường học đã thu hút được kha khá học sinh đến lớp. Linh đã truyền cho chúng những ước mơ về một tương lai mới sáng sủa hơn, về những vùng đất mới với nhiều điều tươi đẹp hơn…

Thế nhưng từ ngày Pó thuyết phục được bố, thuyết phục được Linh vượt qua mọi rào cản để về chung một nhà thì đám học sinh của Linh bắt đầu lác đác bỏ học dần. Mẹ con Linh đã dọn về nhà Pó, Linh như người thay thế mẹ Pó làm người giữ lửa trong nhà, bếp lửa lại rực hồng cả ngày không tắt, vại nước đầu hồi nhà luôn đầy ăm ắp, ngô vàng óng treo lúc lỉu trên gác bếp….Hằng ngày ngoài việc lên lớp dạy đám trẻ con của bản Linh theo Pó lên nương, xuống suối, lặn lội trên những thửa ruộng bậc thang. Những công việc tưởng chừng như lâu lâu không đụng đến sẽ làm khó Linh. Nhưng không, Linh là con người của núi rừng từ bé, mặc dù người Thái ở vùng thấp, người Mông ở vùng cao những những công việc nương rẫy Linh vẫn làm được thuần thục như ngày nào. Bố Pó cũng đã chấp nhận Linh một cách tự nhiên không còn ý định ngăn cản Pó như trước nữa….

Nhưng mọi người trong bản không phải ai cũng như bố Pó.

Những đứa trẻ đi học thưa thớt rồi cứ dần dần nghỉ. Cô giáo không hiểu lý do tại sao, hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời, bố mẹ không cho đi học nữa, ở nhà lên nương làm thôi. Pó cùng Linh đi đến từng nhà tìm hiểu và vận động, chỉ nhận được sự thờ ơ, lạnh nhạt, không còn những bát rượu ngô cho Pó uống ấm bụng nữa, không còn bếp lửa bập bùng ánh lửa ấm áp trong những đêm sương buông lạnh giá, có những nhà còn đóng cửa khi thấy vợ chồng Pó từ xa. Thi thoảng lại nhận được câu trả lời, học nhiều mà làm gì, như cô giáo, như chú Pó học xong rồi cũng vẫn về với núi rừng với cây ngô, cây lúa đấy thôi, có mang con chữ ra mà ăn mà sống được đâu, có giàu lên được đâu, cho lũ trẻ về thôi, còn giúp được việc nọ, việc kia…

Trong thâm tâm hai người đều nghĩ đến một đáp án như nhau, có lẽ do Pó đưa Linh về nhà mình làm vợ nên mới nên cớ sự, không ai nói ra nhưng cũng không hiểu lý do tại sao lại như vậy, chả nhẽ họ đến với nhau lại có gì sai hay sao? Không ai giải thích nổi, không ai cho một câu trả lời chính xác. Chỉ biết học sinh cứ thưa thớt dần…cho đến khi trường lớp trở lại như khi Linh chưa về bản…

Những ngày cùng nhau lên nương trên những sườn núi chênh vênh, mỗi lần nghỉ tay Pó lại thổi khèn cho Linh nghe như xua tan đi những mệt nhọc. Ngước nhìn lên đỉnh núi cao vút, những cánh chim tự do bay lượn trong bầu trời bao la, Linh quay sang bảo Pó:

- Em ước gì mình được như những cánh chim trời kia tự do bay lượn, không vướng bận gì nhiều. Với đôi cánh em có thể bay cao, bay xa vượt qua những ngọn núi kia tìm đến một chân trời mới không phải cứ suốt ngày loanh quanh ở lưng chừng núi như thế này mãi Pó à. Em về đây muốn mang con chữ, mang những điều hay về dạy cho lũ trẻ con, nhưng có lẽ mọi người đã không thể chấp nhận em là người của bản mất rồi. Hay là em về xuôi kiếm việc làm, kiếm thật nhiều tiền về cho mọi người thấy chúng mình học con chữ không phải chỉ để không?

Pó ngừng thổi khèn, tiếng khèn đang cao vút chợt ngắt ngang chừng:

- Em định đi đâu, mình cứ ở đây bám núi rừng đủ sống là được rồi…

- Em không muốn cứ như mẹ em, mẹ Pó loanh quanh với những công việc của người phụ nữ nơi đây, mình cũng nên thay đổi nếp nghĩ đi thôi. Có tiền cả nhà mình sẽ xuống phố huyện ở, con cái mình sẽ không còn phải hằng ngày vượt núi băng rừng lên nương xuống ruộng nữa. Phải cho chúng cuộc sống tốt hơn chứ. Em không muốn chúng lại như đám trẻ nơi đây…

Thế rồi Linh đi. Linh chỉ nói khi nào ổn định sẽ đưa cả Pó và con đi cùng. Khi nào kiếm được đủ tiền mua nhà ở phố huyện thì về. Thư gửi về Linh chỉ nói đã tạm kiếm được việc làm nhưng chưa thực sự ổn định. Pó mặc dù không muốn nhưng vẫn để Linh đi với những lý lẽ Pó không biết phản bác kiểu gì. Thực tâm trong lòng Pó cũng có những suy nghĩ như Linh nhưng suốt bao năm gắn bó với núi rừng, bám rễ ở nơi đây nói thay đổi một chốc một lát không dễ gì thay đổi được, nó cũng như những nếp nghĩ của người dân nơi đây như những nếp nhăn ăn hằn lên trí não. Cho đến mãi sau này khi Linh đã đi rồi, Pó mới biết được rằng dân bản cho là Linh lợi dụng quyến rũ Pó, đã có con vẫn muốn lấy Pó làm chồng, trong khi đó biết bao nhiêu người con gái Mông trong bản, ngoài bản thích Pó mà không được Pó chấp nhận, chính điều đó làm mọi người không thể chấp nhận nổi, họ phản đối bằng cách không cho cái đi học nữa, bằng cách lạnh nhạt với Pó và Linh….
mua-xuan-len-tay-bac.jpg

********

Trời đã tạnh mưa từ khi nào nhưng vẫn hơi sầm sì, lành lạnh.

Pó đứng trước nhà ngước nhìn lên rặng núi phía xa xa. Hai đứa trẻ ôm chân ngước nhìn Pó:

- Bố, sao mẹ lâu về thế?

Pó biết hai đứa trẻ nhớ mẹ chúng, Pó cũng nhớ Linh. Thi thoảng đi qua mái trường bên sườn núi Pó vẫn bắt gặp những ánh mắt trẻ thơ đâu đó ngước nhìn một cách tiếc nuối về nơi đó.

Pó phải đi tìm Linh về thôi, Pó biết mọi người đã hiểu lầm Linh, Pó sẽ phải làm cho mọi người trong bản hiểu được về Linh là người như thế nào, dù có khó khăn mấy Pó cũng phải làm. Hồi trước Pó đã từng cùng Linh đi từng nhà vận động cho học sinh đi học, vậy thì tại sao bây giờ Pó không thử làm lại một lần nữa trước khi đi tìm Linh về? Pó nhớ Linh, hai đứa con nhớ Linh và những đứa trẻ nơi đây cần Linh, chúng vẫn còn muốn đến lớp học những con chữ với những ước mơ về một khung trời mới.

Trời đã sáng hơn lên, đâu đó những con chim trú mưa xao xác vụt bay ra từ những cái tổ êm ấm tỏa đi các ngả để kiếm ăn…

Pó ngắt một chiếc lá ở trên cành. Chiếc lá còn đẫm sương. Tiếng khèn của Pó cất lên đẫm nhỡ nhung da diết. Tiếng khèn tan vào không trung, len lỏi theo những tán cây rừng, vươn lên trên những ngọn núi. Tiếng khèn rong ruổi đi tìm Linh. Không biết ở nơi xa nào đấy Linh có nghe thấy tiếng khèn của Pó như nghe thấy nỗi lòng của những đứa học trò nơi đây vẫn mong chờ cô giáo của chúng trở về…
du-ngoan-nhung-canh-dep-me-hon-tay-bac-viet-nam-amazingthingsinvietnam.-3-1024x880.jpg


HẾT
Nguyễn Công Đức
 
1K
2
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.