Dự thi Trong cơn mưa cuối hạ - Đinh Thành Trung

Dự thi  Trong cơn mưa cuối hạ - Đinh Thành Trung

Truyện ngắn Trong cơn mưa cuối hạ - Văn học trẻ.jpg


Bóng đầu đen nhí nhảnh. Bóng ở đâu ghi sự u hoài giữa trời mưa cuối hạ.

Đâu phải. Chỉ là mồ hôi. Giống ốc đảo trên sa mạc nhỉ. Câu bông đùa quen thuộc cậu dành cho tôi.

Mẹ làm công nhân gác đường.

Lương mẹ ba triệu một tháng,

Mẹ nhìn, mẹ gồng, mẹ kéo.

Mấy câu nói vẩn vơ con bé sáu tuổi nhấp nhẳng ngân vang. Con bé ngây thơ ấy. Con bé khiến mẹ mỉm cười giữa trời mưa. Ai mà chẳng ghét mưa.

Lúc đó, tôi không cho mẹ đi. Ai muốn mẹ yêu bị ướt, bị cảm? Chắc chắn là không được rồi. Không ra đường, không có lương nuôi con đâu. Câu trả lời nhận được đủ thuyết phục đứa bé như tôi. Không, quá đủ cho hai cái miệng háu ăn đang chờ chực buổi chợ chiều, với những củ khoai sống, sắn sống. Về luộc lên là ngon hết ý.

Tôi bám mẹ gác tàu. Mẹ đội mưa ra kéo chắn, tôi ngó ra ngắm trời mưa. Chiếc ô mẹ được ai cho, xòe dài trêu đùa cùng trăm ngàn hạt nước. Tuổi thơ tung tẩy ngỡ như sợi chỉ dài bất tận bị chú mèo nghịch ngợm lăn xa, bỗng biến thành chân mây không biết đâu là điểm dừng. Giờ đây, một con bé làm nghề gác chắn đang ngồi đếm mây. Ai đó đi qua hỏi có chán không. Không! Tuyệt đối không. Thích quá đi chứ.

Cũng chỉ có những ký ức cho cho một thuở bé thơ. Bây giờ, đứng đây ngắm tàu cũng thú vị lắm chứ. Trong một buổi trời mưa. Ngã tư cũng thưa người qua lại. Thưa thớt đủ để ngồi suy ngồi nghĩ. Ừ. Vẫn cứ tự vấn thế với tháng năm thôi. Mùi mật ngọt của màu áo thiên thanh. Sáng nay mẹ nướng bánh mì. Thứ con trẻ nhắc mấy đêm. Việc gì phải đi ăn hàng cho phí. Ở nhà là có tất. Mẹ nấu đấy. Người mẹ của tôi.

“Đang làm mà nghĩ ngợi gì thế em ơi? Cần anh đẩy giúp không?”

Ai cần anh. Cũng chỉ là người qua đường thế thôi. Nắng rồi. Hẳn là điều anh ao ước. Bộ vest trông ngon lành thế kia mà. Hẹn gặp cô nào đó anh? Không à?
Bông đùa cũng đỡ mệt trong ngày có độ ẩm cao như thế này. Thong thả đi cho hết cuộc đời. Tôi cắn răng, đưa cả hay tay đẩy gác chắn sang bên. Qua được rồi đó các cô các chú ơi. Không cần nói, dòng xe ào ào như thác lũ. Vẫn nghe thấy tiếng xì xào. “Sao hôm nay cái tàu kia chạy lâu thế”. Cái tàu thì dài là đúng rồi. Chưa bao giờ thấy đoàn tàu à? Tiếng ai đó la lên phản đối. Tôi phì cười. Cười to thế bé ơi. Vội đưa tay lên che miệng. Không, nhưng tôi đang đeo khẩu trang cơ mà.

Hôm nay trời lại mưa. Đang giữa trời mưa nên phải chịu thôi. Thực tình, tôi ghét trời mưa. Phải mặc áo mưa lỉnh kỉnh lắm. Không sao, quen rồi.

Người gác tàu chúng tôi có một loại áo mưa đặc biệt. Cũng để người ta dễ nhận biết thôi. Làm cái nghề này phải giữ được mạng cái đã. Đàn chị thủng thẳng nói từng tiếng. Thế là tôi được thừa kế chiếc áo mưa của cô ấy. Cũng đáng tuổi mẹ, ấy mà cứ bắt tôi gọi là chị. Chắc để nghe nó thân thiết hơn. Chị chưa chồng. Về hưu ở luôn với mẹ. Mẹ còn đấy. Còn công việc phải làm là chăm sóc mẹ. Hồi đến nhà chị, thấy mấy cái lu đựng nước mưa to đùng bên góc nhà. Thêm mấy cái vại be bé đằng kia. Dưa đấy, cà đấy. Ngon lắm, lấy về không. Tôi lặng lẽ lắc đầu, ngó vào nhà nhìn quanh. Treo đủ thứ hầm bà lằng. Rau khô. Thịt khô. Ấm êm đủ đầy cả đấy em. Hai mẹ con rau cháo nuôi nhau, thế này là quá tươm rồi. Còn có cái khi cùng đường. Có cái thi thoảng hò một câu là cả bọn giặc nhỏ chòm xóm kéo đến quanh nồi canh riêu hay nồi cháo khổng lồ. Vui lắm chứ em. Cứ vui lên đi, bù lại cho những ngày dầm mưa dãi nắng trong cung đường quan trọng này của thành phố. Không có chúng ta thì sao đây? Ôi lòng tự hào đáng nể của chị. Nhớ lắm. Nhớ đến tận bây giờ.

Không được ngủ. Không được ngủ. Lời từ đâu vọng đến thì thầm với tôi. Lời vang lên trong óc. Của đàn chị vừa mới về hưu? Hay của hệ thống báo tới mà mình sót? Chắc chắn là không. Quy định phải ngủ đã đời ít nhất hai tiếng mới được trực điện thoại ở chốt đó nghe. Ai cũng biết. Ai cũng cố căng mắt ra mà nhìn. Điện đến rồi kìa. Có mình ở đây, đợi mỗi lúc này. Không một chút sai sót. Cả đời chăm chỉ sai một tí là không gánh nổi đâu. Giữa tiếng mưa rơi rả rích. Con bé trong phòng nuốt vào đầu mấy tiếng “tinh tinh” chát chúa. Không phải tiếng tiền vào tài khoản. Không phải tin nhắn gọi đò hay đưa đón gì. Tôi không được nghe mấy tiếng chán chết ấy.

Công việc đến với tôi cũng bình lặng dù ngày nào cũng đáng chờ mong. Đến ca rồi. Mỗi ca mười hai tiếng. Thế mà tính thôi. Chiếc đồng hồ trên tường phát ra từng tiếng tích tắc rõ ràng trong trời mưa rầm rĩ. Từng tiếng, từng tiếng một, đó là thứ luôn nhắc tâm hồn tôi quay trở lại với thực tại. Nó như một bản giao hưởng hòa cùng tiếng mưa rơi. Cũng ảm đạm phải không. Thứ nhạc không lời ca, không sức sống. Như cơn khát của cuộc đời mệt mỏi, sớm tối cứ níu lấy chân người, khong cho tôi tìm đến phương trời màu hồng .

“Chỉ là cậu nghĩ thế thôi con bé.”

Tiếng ai đó vang lên trong tâm thức. Không, đó là một dòng chat hiện trong khung trò chuyện Messenger. Dòng chữ hiện lên trong lúc này thật bất thường. Đã gần nửa đêm rồi.

“Bạn là ai?

Không có câu trả lời. Nửa đêm về sáng. Đèn tín hiệu vẫn nhấp nháy liên hồi. Phát bực. Trong đêm đen, sự tĩnh lặng bao trùm như nó vốn có. Chỉ còn lại một màu đen huyền bí. Đường phố chìm nghỉm trong đêm. Và trong tâm hồn con bé như tôi.

“Thức đêm mệt không?”

Tài khoản không tên, không tuổi, không hình dạng. Trên mạng xã hội facebook này, dường như con người biến thành thứ sinh vật vô hình. Lặn thật sâu và không ai hay biết. Thôi nào, cậu trốn ở đâu cũng thế thôi. Lặn thật nhanh, không để ai nắm được cái đuôi của mình. Như thế thì thích quá. Đêm cũng dài. Cũng có chuyện để vui qua đoạn đời năm tháng. Một đàn anh nào đó từng nói, cuộc đời người gác chắn là hàng loạt những chuỗi dài cô đơn. Anh như hiện lên thuyết trình trước tôi. Vẫn cái dáng cao gầy, mái đầu hói gần hết, chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc. Anh mất rồi.

Người như anh! Gã gàn dở. Anh lao ra, cầm cây cờ vẫy vẫy. Anh phó mặc tính mạng của mình, để đuổi theo ý nghĩa cuộc đời, bỏ lại một gia đình nhỏ với người vợ yêu quý và cậu con trai đang bị bệnh gì đó. Thật cao cả. Thật lớn lao. Trong màn đêm đen hùng vĩ, bóng hình anh như trùm lấy căn phòng vẻn vẹn mười mét vuông. Cái bàn sần sùi, bong tróc hiện ra một cốc nước. Đêm nào anh ở đó? Người gác tàu không được ngủ, nhớ nha cô bé. Câu nói sao quen quá. Đêm càng ngày càng yên ắng. Tiếng đồng hồ tích tắc không xua tan suy nghĩ mông lung trong cái đầu tưởng trưởng thành mà quá non nớt. Ra ràng rồi đấy. Hãy tung đôi cánh lên. Trước mặt con là chiếc tàu dài dằng dặc. Đếm nhé. Nhiều toa lắm. Môt, hai, ba… mấy chục con quên rồi. Đáp lại là nụ cười sang sảng. Trông mặt thế mà cũng không xấu nhỉ. “Tất nhiên.”

Cũng một đêm mưa. Lão già gàn dở đấy bước đến nhẹ nhàng như chú mèo nhỏ. Gác đêm là thế đấy. Khi im lặng hóa thinh không, cháu phải tĩnh theo nó. Cháu ngồi, cháu nghĩ, cháu mất đi trạng thái bình tĩnh thì sẽ phạm sai sót. Đúng quá rồi. Tôi như nuốt từng tiếng ông già ấy dạy. Lúc ấy ông lại xưng chú, gọi tôi là cháu. Một thế giới mới, thế giới vô lo, vô nghĩ, thế giới của những điều đặc biệt tôi chưa từng thấy, từng nghe. Mấy năm rồi nhỉ. Cứ đều đều, đều đều theo năm tháng. Tĩnh lặng đến khi có điện thoại gọi. Đến khi có tiếng còi hú lên từng chặp. Chuyển trạng thái như nước chảy ngược. Sóng từ đâu xô đến dồn dập. Sóng trong lòng. Sắp hết ca rồi phải không.

*

* *​

Tôi đã làm ở đây đến mức có thể biến mình thành một cái máy. Chúng tôi trực 24/24 ở trạm gác này. Cả tỉnh thì có đông người lắm, chia bình quân mỗi trạm gác cũng gần chục người. Trông thế thôi, bọn tôi đã quen với cô đơn rồi.Mới nói vậy, người ca sau đã đến rồi. Ông Tuấn sẹo. Lão không thích gọi mình như vậy. Vết sẹo ấy vừa là nỗi kinh hoàng, vừa là sự tự hào nho nhỏ. Anh em coi thế thôi, chứ lão vẫn dấu vết sẹo đó mỗi khi có ai hỏi.

“Tỉnh táo lên cô em.”

“Không dám. Tôi cũng là dân có thâm niên rồi nghe. Chỉ ngáp vu vơ thôi.”

Cũng là mấy câu bông đùa quen thuộc. ai trong chúng tôi cũng có những phút giây thoải mái như thế. Căng mình, căng óc nhưng có những lúc không tránh khỏi nghĩ suy. Cái nghề này là như thế. Ngày có bốn chuyến tàu thôi đó anh. Biết rồi. Bốn hay tám chuyến dịp Tết cũng vậy thôi. Căng mắt, căng tay. Dồn lực mà đẩy vào gác chắn. Không đủ sức thì nghỉ nhé. Đừng làm cái nghề vất vả tột cùng này. Đừng làm chi cho cô đơn. Không ai gật đầu. Chỉ thi thoảng có cái lắc nhẹ. Cả đội có hai cậu choai choai mười chín tuổi. Lại không học hành gì sao mà làm công nhân gác chắn tàu? Ba hỏi, mẹ hỏi, không trả lời. Thì lúc đầu cứ làm thế thôi. Sau dần dần có tình yêu. Tình yêu đến dịu dàng, ngọt nhẹ. Thấy yêu cái không khí cô đơn. Được một nhìn ngắm trời, ngắm mây, ngắm dòng xe cộ diễu qua đi lại trong thành phố này.

Đêm nay tôi trực. Vẫn dòng tin nhắn xa lạ. Tôi mở lại tài khoản của cậu ta. Vì sao tôi chắc chắn đây là con trai? Con gái thì mê ngủ lắm. Đáp lại, cậu chỉ trưng ra cái biểu tượng cười. Sắp đến cuối tuần, đi chơi không? Để xem, hôm ấy mà phải trực thì thôi nhé.

“Bộ coi trực quan trọng hơn à?”

“Chứ sao. Không có tôi thì thành phố này sẽ hỗn loạn đó.”

“Ái chà, ghê thật.”

“Không đùa với cậu. tôi không có hứng thú với những kẻ giấu mặt.”

“Thì cứ coi như tôi chỉ là trò để bạn giải trí mỗi khi cô đơn thôi.”

Điện đến. Tôi phải ra chặn đường. Đêm chính là lúc người ta đi bạt mạng lắm. Hôm trước, có ông cố phóng qua khi thanh chắn đã ra hết cỡ. Bánh kẹt, ông ta luống cuống kéo lên mà không được. Tôi lao đến nắm tay kéo ra, mặt cắt không còn giọt máu. Quay lại, nhận một ánh nhìn hằn học cùng câu chửi phũ phàng. Chưa bao giờ tôi thấy uất hận như lúc đó. Để dân chạy qua, tôi cũng không tránh khỏi chịu hình phạt. Đời có lúc thế đấy. Không còn tỉnh táo trong đầu những con người tưởng như rất bình thường. Ngửi mùi ông ta toàn rượu. Đến lúc tỉnh lại không biết vợ con sẽ nghĩ gì? Một ngày rồi hai ngày, tôi phải chứng kiến những con người như thế. Họ đánh đu với chính mạng sống của mình. Để nhanh hơn một hay vài giây sao? Không hiểu được.

“Đời khó hiểu lắm cậu ơi.”

Cậu bạn bí ẩn tiếp tục mớ triết lý xưa cũ hàng đêm. Cậu ta là ai cũng không còn quan trọng nữa. Như điệu nhạc giao hưởng cũ xưa huyền bí tôi vẫn thích nghe mấy hôm gần đây. Tính tình tôi như trầm lại. Làm nghề này phải thế. Giữa dòng đời cứ bồ xô ác liệt, lại có một con bé hai mốt tuổi ngồi đếm từng tiếng thời gian. Chậm thật. Thời gian trôi đủ để cảm thấy mình không còn nhỏ bé. Hàng ngày, tôi đảm bảo cho tuyến đường và tàu hỏa hoạt động bình thường. Tôi được đào tạo để trở thành một nhân viên gác chắn chuyên nghiệp. Ai đó đã nói thế với giọng điệu đầy tự hào. Thật đặc biệt phải không? Năm chục người chúng ta giữa cả triệu người của thành phố này. Cảm giác lúc đó bâng khuâng khôn tả. Tại sao một công việc bình thường như gác chắn tàu lại đem đến cảm giác tuyệt vời như vậy? Hỏi mấy anh chị lớn cùng đội, họ cũng không giải thích rõ được. Cách đây vài tháng, trở lại nhà người chị đồng nghiệp thân thiết mới nghỉ, tôi hỏi chị điều đó. Chị chỉ cười rồi xoa đầu tôi bằng đôi tay sạn chai, gân guốc. Đôi tay chị có lẽ là câu trả lời rõ ràng nhất cho điều tôi đang tìm kiếm.

Trời vẫn mưa. Mưa rơi rồi lại dứt, chuẩn bị tích mây để đón chào một ngày mưa mới. Cho đến khi hết mùa hạ. Barie chắn tàu vẫn được tôi kéo ra hàng ngày. Bốn hoặc năm lần. chỉ thế thôi. Nhưng cái chắn tàu đó là thứ bắt buộc phải làm đúng giờ. Tôi ấn, tôi kéo, tôi tì, tôi bám. Sức thanh niên cũng chỉ dồn vào hết lúc này đây. Căng nhất là mấy chuyến tàu vào giờ tan tầm. Ôi biển người, cứ len vào giữa khe của barie. Sao cứ phải như vậy Sao họ không nhìn lại mình một chút. Nhắc nhở thì câng cái mặt. Chắc tôi phải quát lên rồi.

Người đàn ông đứng chết trân nhìn từng mảnh chiếc xe yêu quý lăn lóc dưới đường ray. May thật. May đoàn tàu không bị sao. Nếu không chắc tính mạng bao nhiêu con người trên tàu kia sẽ gặp nguy hiểm. Ông ta khóc hu hu. Ông ta đá mạnh vào mấy mảnh vỡ dưới đất. Xăng chảy ra thành dòng. Tiếng lạch cạch do kẻ phá luật tạo ra vẫn vang lên tưng chặp trong đám đông đầy phẫn nộ.

“Tất cả là do mày!”

Tôi chết đứng. Tôi không cãi lại một câu, Làm sao cãi khi ngay từ đầu mình đã không là gì trong mắt người ta? Lão nhặt lấy thứ gì dưới đất giơ lên dọa, định đánh tôi. May có người dân ở đó. Họ lao vào giữ tay lão rồi trói lại. Sau khi báo cáo sự cố cho cấp trên, đội đã nhanh chóng cử người xuống hỗ trợ. Các mảnh vỡ được chúng tôi dọn dẹp để kịp cho chuyến tàu sau đi qua. Khi không còn gì trên đường ray, tôi quay ra nhìn thanh chắn. Tôi sợ nó bị hỏng khi gã đàn ông cố đạp vào. Hành vi phá hoại tài sản của Nhà nước sẽ phải trả giá, còn tôi, sao tôi thấy thương cho cái barie đó. Nó chỉ là vật vô tri, vô giác, không có linh hồn. Nó chỉ biết ngày ngày làm nhiệm vụ của mình, ngày ngày chứng kiến dòng người ngược xuôi và những chuyện bất minh của một con người nhỏ bé.

Trở về phòng trực, tôi đưa chén trà cuối cùng lên miệng làm một hớp rồi hồi tưởng lại những gì đã qua. Tại sao tôi lại ở đây rồi phải chịu tất cả sự xỉa xói của xã hội vào cái nghề này? Một nghề bình lặng, một nghề chẳng mấy ai để tâm, thậm chí không biết. Họ phóng qua khi không có thanh chắn. Họ chỉ chú ý đến tôi khi có đoàn tàu chạy qua. Vậy ở những nơi không có chốt chặn, họ sẽ làm thế nào đây?

*

* *​

Màu thiên thanh này. Công việc nhàm chán này sẽ mãi gắn bó với tôi. Hẳn cậu cũng nghĩ vậy đúng không? Tôi chờ cậu bạn bí ẩn thỉnh thoảng xuất hiện trong đêm. Lẽ nào cậu ta là ma? Chịu. Có người nghe tôi kể khổ cũng tốt. Cậu cứ như ma ấy. Cậu chỉ gửi cho tôi một đoạn thu âm tiếng cười khúc khích của một tên con trai nào đó. Có phải giọng cậu không? “Nó đó.” Cậu gửi cho tôi một đoạn ghi âm khác xác nhận. Đời thế là vui. Nghề gác ghi cũng chỉ thế là vui. Trời mưa, tai tôi dỏng lên nghe tiếng lệnh báo tàu. Vẫn nghe được một âm thanh trìu mến từ đâu vọng tới.

Cậu là ai? Chỉ có thể là người quen biết tôi lúc trước. Hoặc có thể không. Vậy sao cậu biết tai người gác chắn rất thính? Đó không phải là tài năng tự có mà do chúng tôi đã luyện tập từng ngày cùng với môi trường làm việc đem lại. Tôi đứng nghe một hồi rồi mỉm cười một mình. Đây không phải là định mệnh hay số phận mà tôi muốn làm việc đó. Công việc tưởng như không ký ức, biến con người thành một cỗ máy không cảm xúc mà lại đem đến sự thú vị vô cùng. Hàng ngày nghe điện, đón vài đoàn tàu. Cao điểm lễ tết thì gấp đôi số chuyến. Thế thôi. Mỗi con người là một mắt xích của xã hội, bảo đảm cho cả cỗ máy vận hành thông suốt. Chú nói với tôi, chỉ cần cháu không để xảy ra sai sót là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi. Lời chú nói quá đúng. Căng như dây đàn suốt mười hai tiếng, sau khi bàn giao ca cho đồng nghiệp, cảm giác thở phào nhẹ nhõm thật dễ chịu. Lúc này đã có thể nghỉ ngơi? Không, tôi vẫn chưa ngủ được, dù quy định người gác chắn phải ngủ đủ giấc. Tôi nghĩ về những dòng xe ào ạt. Tôi nghĩ về thái độ, về ý thức kém của một số người dân. Nhiều thứ để nghĩ quá. Còn cậu bạn bí ẩn vẫn trò chuyện, an ủi cho con người làm nghề đặc biệt này nữa.

“Bạn sẽ thấy bớt cô đơn khi ngắm nhìn cuộc sống diễn ra ngay trước mắt. còn tôi chắc vẫn mãi như thế.”

“Sao cậu lại nói vậy? Có chuyện gì sao?”

Lnh cảm thấy chuyện gì không lành, tôi dồn dập hỏi cậu bị làm sao. Đáp lại vẫn là tiếng thở dài. Người lặng yên an ủi người trong tiết trời ươn ướt. Cuối cùng tôi cũng gặp cậu ấy. Cậu có khuôn mặt ưa nhìn, tóc dài lãng tử. Cậu ngồi trên chiếc xe lăn màu bạc. Hai cánh tay cũng như tôi, cố gồng sức đẩy bánh xe tiến lên phía trước.

“Giờ tôi mới biết tại sao bạn lại nhắn đến tôi mấy lời như thế.”

“Cứ coi như việc bình thường thôi. Như sự hy sinh của ba ở trạm gác tàu này. Tôi chỉ muốn biết một chút. Cái cảm giác ấy…”

Tôi cứ nghĩ mình đang có nỗi cô đơn lớn nhất, nhưng ở đời không thể chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá. Cũng như cậu bảo tôi, làm nghề gác chắn quả là đáng mong đợi. Lúc đó, tôi cứ nghĩ cậu chỉ chế giễu tôi, nhưng hóa ra không phải. Cậu nói thật lòng.

Trong cơn mưa cuối hè, có hai con người cùng ngắm mưa rơi và ngóng đoàn tàu đi tới.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa Từ khóa
cơn mưa cuối hè ngắm mưa rơi
772
3
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.