Bài thơ Việt Bắc nằm trong tập thơ cùng tên của Tố Hữu, một tập thơ kháng chiến, là đỉnh cao của thơ Tố Hữu cũng là đỉnh cao của thơ kháng chiến.
Bài thơ ra đời gắn với một thời điểm lịch sử: Đó là cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm gian khổ và vô cùng anh dũng của đất nước ta, của nhân dân ta vừa khép lại, chuyển sang một thời kỳ cách mạng mới: Hòa bình xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Bài thơ Việt Bắc đã đưa người đọc trở về với những nhớ thương, những kỷ niệm, những nghĩa tình sâu nặng của những người cán bộ kháng chiến với chiến khu Việt Bắc.
Đoạn thơ:
"Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung."
Được đánh giá là đạt đến độ toàn bích, thể hiện được nét đặc sắc trong vẻ đẹp ngòi bút thơ Tố Hữu.
Đoạn thơ có thể chia làm hai phần, phần đầu gồm hai câu:
"Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người."
Như lời mở đầu đưa đẩy trong các cuộc hát giao duyên. Trong đó người ra đi (như người con trai) vừa ướm hỏi lòng người ở lại (như người con gái), vừa khẳng định những tình cảm trong lòng mình. Phần hai gồm tám câu, chia đều thành bốn cặp lục bát, mỗi cặp câu đều xuất hiện hình ảnh hoa và hình ảnh con người. Có thể gọi đó là một bức tranh tứ bình về bốn mùa bằng những nét đặc trưng nhất của miền quê cách mạng này.
Cấu tứ của cả bài thơ theo lối đối đáp trong hát giao duyên (của dân ca quan họ) và hai câu mở đầu trong đoạn thơ này cũng được viết theo lối cấu tứ ấy.
Lời đối là lời của người ra đi nhưng được thực hiện như là lời của người con trai trong cuộc hát giao duyên, đối đáp.
"Ta về, mình có nhớ ta".
Chữ “mình” được dùng ở ngôi thứ hai. Thường thì, trong cuộc sống, việc sử dụng ngôn từ như thế chỉ xuất hiện trong quan hệ tình yêu lứa đôi hoặc tình cảm vợ chồng.
Lời lẽ ấy, đủ tạo được giọng điệu ngọt ngào và sắc thái thân mật trong quan hệ người đi - kẻ ở. Câu thơ, không chỉ đơn thuần là một lời hỏi rằng người ở lại có nhớ người ra đi hay không mà còn ngầm chứa một thông điệp khẳng định về tình cảm của người ra đi rằng: Ta chẳng biết mình có nhớ ta không nhưng ngay cả khi mình không nhớ ta thì ta vẫn cứ nhớ mình. Mà, nỗi nhớ mới thật là tế nhị, thật là duyên dáng:
"Ta về, ta nhớ những hoa cùng người."
Thiên nhiên Việt Bắc, đâu chỉ có vẻ đẹp của hoa. Và ở đây, hoa được đồng hiện với người. Đó, hẳn là một dụng ý nghệ thuật của Tố Hữu. Hoa là thứ đẹp nhất của thiên nhiên và con người là đối tượng đẹp nhất của cuộc sống. Dân gian có câu “Người ta là hoa của đất”. Vì lẽ ấy, hoa và người đồng hiện là sự đồng hiện của những gì đẹp nhất, tinh túy nhất trong cuộc sống này. Phải là “hoa cùng người” chứ không thể là “hoa và người” vì nếu như thế thì sẽ không làm rõ được sự hòa đồng, sự soi chiếu, sự bổ sung của cả hai đối tượng; hoa tô điểm cho người và con người xuất hiện làm cho hoa thêm sinh động có hồn.
Hai câu thơ còn như một lời giới thiệu khái quát, như lời đề từ dẫn dụ người đọc vào bức tranh tứ bình về “hoa cùng người” Việt Bắc.
Với nghệ thuật hội họa trung đại, tranh tứ bình là bộ tranh phổ biến gồm bốn bức, mô tả bốn mặt của một đối tượng nào đấy. Như tùng - cúc - trúc - mai; ngư - tiều - canh - mục; long - li - quy - phượng.v.v...Mỗi bộ tranh như thế, tự nó là một cách khái quát riêng, một thế giới riêng.
Đoạn thơ của Tố Hữu là bộ tranh tứ bình đẹp và đáng quý về “hoa cùng người” của bốn mùa ở Việt Bắc.
Mở đầu, là bức tranh mùa đông, Việt Bắc hiện lên như một miền quê lặng lẽ:
"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng."
Chỉ một chữ “xanh” nhưng người đọc cũng hình dung được đó là sắc màu cơ bản của bức tranh này. Màu xanh làm nền cho “hoa chuối đỏ tươi” nổi bật. Nếu màu xanh gợi ra vẻ mênh mông, trầm tĩnh của cảnh thiên nhiên nơi núi rừng thì màu đỏ của hoa chuối đã làm sáng lên cả một góc rừng. Gắn với hoa chuối, có lẽ chỉ một từ thích hợp là “đỏ tươi”. Hình ảnh hoa chuối bổ sung cho gam màu của bức tranh phong cảnh về mùa đông thêm sinh động, sáng tươi. Trên nền cảnh ấy, hình ảnh con người xuất hiện.
"Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng."
Không phải ngẫu nhiên tác giả nhớ về hình ảnh con người gắn với vị trí đang là ở “đèo cao”. Tại đỉnh đèo, ánh nắng chiếu vào lưỡi dao gài ở thắt lưng của con người sẽ lóe sáng, lấp lánh. Không chỉ là thiên nhiên tô điểm cho vẻ đẹp của con người mà quan trọng hơn là câu thơ gợi được một tư thế vững chãi, tự tin của con gnười làm chủ nơi núi rừng.
Bức tranh thứ hai, phác họa cũng chỉ bằng vài nét chấm phá về thiên nhiên và con người trong mùa xuân nơi núi rừng Việt Bắc:
"Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang."
Khác với bức tranh mùa đông có nền là màu xanh trầm tĩnh, mùa xuân, nền là màu trắng của hoa mơ. Và, nếu ở bức tranh thứ nhất, màu đỏ của hoa chuối làm nền cho bức tranh tươi sáng thì ở đây, hai chữ “trắng rừng” cũng làm bừng sáng bức tranh phong cảnh.
Trên nền cảnh ấy, hiện ra hình ảnh con người với công việc thầm lặng:
"Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang."
Công việc ấy, không chỉ cần sự chăm chỉ, còn cần sự cẩn trọng và khéo léo. Câu thơ giúp ta hiểu thêm một nét phẩm chất đáng quý nữa ở người dân Việt Bắc.
"Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình."
Khác với hai bức tranh trên, chủ yếu được tái hiện bằng màu sắc, đường nét và ánh sáng. Bức tranh thứ ba đã xuất hiện âm thanh. Đó là tiếng nhạc của ve. Dù không tả trực tiếp âm thanh của ve nhưng qua thực tế, có thể khẳng định: Âm thanh tiếng ve là âm thanh rộn ra sôi động - âm thanh có thể làm xao động cả không gian. Hè đến thì ve kêu hay âm vang tiếng ve là lời mời gọi mùa hè xuất hiện? Chỉ biết rằng khi hè đến thì mọi người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của rừng phách.
Chữ “đổ” trong câu thơ “Ve kêu rừng phách đổ vàng” không chỉ có ý nghĩa là “ngả” (ngả màu) mà còn nói rõ sự mau lẹ trong việc biến đổi màu sắc. Trong những ngày cuối cùng của mùa xuân, những cây phách vẫn còn là màu xanh, nụ hoa vẫn náu kín trong kẽ lá. Nhưng khi những tiếng ve đầu tiên của mùa hè cất lên thì chúng nhất loạt trổ hoa vàng. Chỉ trong một vài ngày, màu vàng đã chiếm lĩnh không gian của khu rừng mùa hạ. Trên nền cảnh ấy, xuất hiện hình ảnh “cô em gái hái măng một mình”. Hình ảnh cô gái gắn với công việc như thế gợi ra một vẻ đẹp chịu thương, chịu khó, hay lam hay làm.
Bộ tranh tứ bình, kết thúc bằng bức tranh mùa thu. Ba bức tranh trên là cảnh ngày, bức tranh thu là cảnh đêm:
"Rừng thu trăng rọi hòa bình".
Vầng trăng tỏa sáng trong rừng thu. Đó là một cảnh đẹp, nên thơ, huyền ảo, phù hợp cho việc xuất hiện âm thanh của tiếng hát:
"Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung."
“Tiếng hát ân tình” biểu hiện ân tình của người hát. Câu thơ, vì thế mà gợi ra đầy đủ vẻ tình tứ của người trong khúc hát giao duyên. Nhưng không chỉ có thế, qua tiếng hát ấy, ta còn thấy được phẩm chất ân tình, chung thủy của người Việt Bắc dành cho cán bộ kháng chiến, cho cách mạng.
Bốn bức tranh là bốn cảnh sắc của bốn mùa trong năm tại Việt Bắc đồng thời cũng là bốn dáng điệu, bốn nét phẩm chất nổi bật của con người trên quê hương cách mạng. Bốn chữ gắn với bốn bức tranh tạo nên âm hưởng mặn mà, da diết của cảm xúc, của giọng điệu ngọt ngào, ân tình tha thiết - giọng điệu riêng của thơ Tố Hữu.
Cre: Hồ Đức Việt
Bài thơ ra đời gắn với một thời điểm lịch sử: Đó là cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm gian khổ và vô cùng anh dũng của đất nước ta, của nhân dân ta vừa khép lại, chuyển sang một thời kỳ cách mạng mới: Hòa bình xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Bài thơ Việt Bắc đã đưa người đọc trở về với những nhớ thương, những kỷ niệm, những nghĩa tình sâu nặng của những người cán bộ kháng chiến với chiến khu Việt Bắc.
Đoạn thơ:
"Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung."
Được đánh giá là đạt đến độ toàn bích, thể hiện được nét đặc sắc trong vẻ đẹp ngòi bút thơ Tố Hữu.
Đoạn thơ có thể chia làm hai phần, phần đầu gồm hai câu:
"Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người."
Như lời mở đầu đưa đẩy trong các cuộc hát giao duyên. Trong đó người ra đi (như người con trai) vừa ướm hỏi lòng người ở lại (như người con gái), vừa khẳng định những tình cảm trong lòng mình. Phần hai gồm tám câu, chia đều thành bốn cặp lục bát, mỗi cặp câu đều xuất hiện hình ảnh hoa và hình ảnh con người. Có thể gọi đó là một bức tranh tứ bình về bốn mùa bằng những nét đặc trưng nhất của miền quê cách mạng này.
Cấu tứ của cả bài thơ theo lối đối đáp trong hát giao duyên (của dân ca quan họ) và hai câu mở đầu trong đoạn thơ này cũng được viết theo lối cấu tứ ấy.
Lời đối là lời của người ra đi nhưng được thực hiện như là lời của người con trai trong cuộc hát giao duyên, đối đáp.
"Ta về, mình có nhớ ta".
Chữ “mình” được dùng ở ngôi thứ hai. Thường thì, trong cuộc sống, việc sử dụng ngôn từ như thế chỉ xuất hiện trong quan hệ tình yêu lứa đôi hoặc tình cảm vợ chồng.
Lời lẽ ấy, đủ tạo được giọng điệu ngọt ngào và sắc thái thân mật trong quan hệ người đi - kẻ ở. Câu thơ, không chỉ đơn thuần là một lời hỏi rằng người ở lại có nhớ người ra đi hay không mà còn ngầm chứa một thông điệp khẳng định về tình cảm của người ra đi rằng: Ta chẳng biết mình có nhớ ta không nhưng ngay cả khi mình không nhớ ta thì ta vẫn cứ nhớ mình. Mà, nỗi nhớ mới thật là tế nhị, thật là duyên dáng:
"Ta về, ta nhớ những hoa cùng người."
Thiên nhiên Việt Bắc, đâu chỉ có vẻ đẹp của hoa. Và ở đây, hoa được đồng hiện với người. Đó, hẳn là một dụng ý nghệ thuật của Tố Hữu. Hoa là thứ đẹp nhất của thiên nhiên và con người là đối tượng đẹp nhất của cuộc sống. Dân gian có câu “Người ta là hoa của đất”. Vì lẽ ấy, hoa và người đồng hiện là sự đồng hiện của những gì đẹp nhất, tinh túy nhất trong cuộc sống này. Phải là “hoa cùng người” chứ không thể là “hoa và người” vì nếu như thế thì sẽ không làm rõ được sự hòa đồng, sự soi chiếu, sự bổ sung của cả hai đối tượng; hoa tô điểm cho người và con người xuất hiện làm cho hoa thêm sinh động có hồn.
Hai câu thơ còn như một lời giới thiệu khái quát, như lời đề từ dẫn dụ người đọc vào bức tranh tứ bình về “hoa cùng người” Việt Bắc.
Với nghệ thuật hội họa trung đại, tranh tứ bình là bộ tranh phổ biến gồm bốn bức, mô tả bốn mặt của một đối tượng nào đấy. Như tùng - cúc - trúc - mai; ngư - tiều - canh - mục; long - li - quy - phượng.v.v...Mỗi bộ tranh như thế, tự nó là một cách khái quát riêng, một thế giới riêng.
Đoạn thơ của Tố Hữu là bộ tranh tứ bình đẹp và đáng quý về “hoa cùng người” của bốn mùa ở Việt Bắc.
Mở đầu, là bức tranh mùa đông, Việt Bắc hiện lên như một miền quê lặng lẽ:
"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng."
Chỉ một chữ “xanh” nhưng người đọc cũng hình dung được đó là sắc màu cơ bản của bức tranh này. Màu xanh làm nền cho “hoa chuối đỏ tươi” nổi bật. Nếu màu xanh gợi ra vẻ mênh mông, trầm tĩnh của cảnh thiên nhiên nơi núi rừng thì màu đỏ của hoa chuối đã làm sáng lên cả một góc rừng. Gắn với hoa chuối, có lẽ chỉ một từ thích hợp là “đỏ tươi”. Hình ảnh hoa chuối bổ sung cho gam màu của bức tranh phong cảnh về mùa đông thêm sinh động, sáng tươi. Trên nền cảnh ấy, hình ảnh con người xuất hiện.
"Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng."
Không phải ngẫu nhiên tác giả nhớ về hình ảnh con người gắn với vị trí đang là ở “đèo cao”. Tại đỉnh đèo, ánh nắng chiếu vào lưỡi dao gài ở thắt lưng của con người sẽ lóe sáng, lấp lánh. Không chỉ là thiên nhiên tô điểm cho vẻ đẹp của con người mà quan trọng hơn là câu thơ gợi được một tư thế vững chãi, tự tin của con gnười làm chủ nơi núi rừng.
Bức tranh thứ hai, phác họa cũng chỉ bằng vài nét chấm phá về thiên nhiên và con người trong mùa xuân nơi núi rừng Việt Bắc:
"Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang."
Khác với bức tranh mùa đông có nền là màu xanh trầm tĩnh, mùa xuân, nền là màu trắng của hoa mơ. Và, nếu ở bức tranh thứ nhất, màu đỏ của hoa chuối làm nền cho bức tranh tươi sáng thì ở đây, hai chữ “trắng rừng” cũng làm bừng sáng bức tranh phong cảnh.
Trên nền cảnh ấy, hiện ra hình ảnh con người với công việc thầm lặng:
"Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang."
Công việc ấy, không chỉ cần sự chăm chỉ, còn cần sự cẩn trọng và khéo léo. Câu thơ giúp ta hiểu thêm một nét phẩm chất đáng quý nữa ở người dân Việt Bắc.
"Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình."
Khác với hai bức tranh trên, chủ yếu được tái hiện bằng màu sắc, đường nét và ánh sáng. Bức tranh thứ ba đã xuất hiện âm thanh. Đó là tiếng nhạc của ve. Dù không tả trực tiếp âm thanh của ve nhưng qua thực tế, có thể khẳng định: Âm thanh tiếng ve là âm thanh rộn ra sôi động - âm thanh có thể làm xao động cả không gian. Hè đến thì ve kêu hay âm vang tiếng ve là lời mời gọi mùa hè xuất hiện? Chỉ biết rằng khi hè đến thì mọi người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của rừng phách.
Chữ “đổ” trong câu thơ “Ve kêu rừng phách đổ vàng” không chỉ có ý nghĩa là “ngả” (ngả màu) mà còn nói rõ sự mau lẹ trong việc biến đổi màu sắc. Trong những ngày cuối cùng của mùa xuân, những cây phách vẫn còn là màu xanh, nụ hoa vẫn náu kín trong kẽ lá. Nhưng khi những tiếng ve đầu tiên của mùa hè cất lên thì chúng nhất loạt trổ hoa vàng. Chỉ trong một vài ngày, màu vàng đã chiếm lĩnh không gian của khu rừng mùa hạ. Trên nền cảnh ấy, xuất hiện hình ảnh “cô em gái hái măng một mình”. Hình ảnh cô gái gắn với công việc như thế gợi ra một vẻ đẹp chịu thương, chịu khó, hay lam hay làm.
Bộ tranh tứ bình, kết thúc bằng bức tranh mùa thu. Ba bức tranh trên là cảnh ngày, bức tranh thu là cảnh đêm:
"Rừng thu trăng rọi hòa bình".
Vầng trăng tỏa sáng trong rừng thu. Đó là một cảnh đẹp, nên thơ, huyền ảo, phù hợp cho việc xuất hiện âm thanh của tiếng hát:
"Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung."
“Tiếng hát ân tình” biểu hiện ân tình của người hát. Câu thơ, vì thế mà gợi ra đầy đủ vẻ tình tứ của người trong khúc hát giao duyên. Nhưng không chỉ có thế, qua tiếng hát ấy, ta còn thấy được phẩm chất ân tình, chung thủy của người Việt Bắc dành cho cán bộ kháng chiến, cho cách mạng.
Bốn bức tranh là bốn cảnh sắc của bốn mùa trong năm tại Việt Bắc đồng thời cũng là bốn dáng điệu, bốn nét phẩm chất nổi bật của con người trên quê hương cách mạng. Bốn chữ gắn với bốn bức tranh tạo nên âm hưởng mặn mà, da diết của cảm xúc, của giọng điệu ngọt ngào, ân tình tha thiết - giọng điệu riêng của thơ Tố Hữu.
Cre: Hồ Đức Việt