Với bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng vừa khắc họa được cái dữ dội, hào hùng,...

Với bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng vừa khắc họa được cái dữ dội, hào hùng,...

Văn Học
Văn Học
Phân tích bức chân dung người lính qua đoạn thơ sau để làm sáng tỏ ý kiến: “Với bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng vừa khắc họa được cái dữ dội, hào hùng, lại vừa diến tả được cái tươi mát, sâu lắng, đau thương mà không hề bi lụy”.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc trời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

BÀI LÀM
--

Thơ ca là tiếng nói hồn nhiên nhất của lòng người.Thơ là tiếng mẹ, giọng bà, là lời ca cây cỏ, là tiếng vọng non sông.Thơ đến với cuộc đời bằng tấm chân tình, bằng xúc cảm dạt dào trong trái tim người nghệ sỹ. “Đọc một câu thơ hay nghĩa là ta gặp gỡ tâm hồn một con người”(Atone France).Tâm hồn của Quang Dũng – người thi sỹ của “Xứ Đoài mây trắng” cũng được soi chiếu qua những vần thơ bất hủ vì một lẽ giản dị như thế.Đặc biệt, “Tây Tiến” đã làm nên tên tuổi và giá trị còn mãi của nhà thơ trên diễn dàn văn học.Đã có ý kiến cho rằng: “Với bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng vừa khắc họa được cái dữ dội, hào hùng, lại vừa diến tả được cái tươi mát, sâu lắng, đau thương mà không hề bi lụy”.Hồn thơ phóng khoáng, nồng hậu rất riêng, sự mới mẻ trong từng câu chữ của Quang Dũng được thể hiện rõ nét qua đoạn thơ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc trời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

“Mỗi người nghệ sỹ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ” (Lê Đạt).Có phải vì thế mà chỉ khi đến với Quang Dũng, chúng ta mới cảm nhận được những tiếng thơ rất đỗi lãng mạn mà cũng mang đậm chất sử thi nồng nàn như thế?Ngòi bút tài hoa của nhà thơ đã làm nên hương vị rất riêng, rất “Quang Dũng”.Thơ ông “khắc họa được cái dữ dội, hào hùng” – cái khí thế của con người và đất trười trong kháng chiến khói lửa, kiêu hùng, cứng cỏi chiến thắng quân địch.Dẫu là một bông hoa trên chiến trường khốc liệt nhưng Quang Dũng đã thổi hồn vào “Tây Tiến” một luồng gió mới , “tươi mát, sâu lắng”.Đó là sự rung động của tâm hồn thi sỹ sỹ trước cảnh vật nên thơ hay một dáng hình xa xăm thật thi vị. “Tây Tiến” mặc dù nhuốm màu đau thương, những mất mát của chiến tranh nhưng không hề bi lụy mà vụt sáng lên bằng chính ý chí, nghị lực, lòng lạc quan, yêu đời đáng quý của người lính.Có thể nói, “Tây Tiến” là sự thăng hoa của một tâm hồn lãng mạn” (Đinh Minh Hằng).

Nhà thơ Quang Dũng là một sự xuất hiện đầy độc đáo trên diễn đàn văn học Việt Nam.Thi sỹ “đứng riêng mình một ốc đảo”, tự mình tỏa cho đời những bông hoa tinh khôi.Quang Dũng là một người đa tài, thông thạo cầm, kì, thi, họa nên ta thường thấy bóng dáng các yếu tố nhạc họa đan xen trong thơ ca.Thơ Quang Dũng kết tinh lấp lánh vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ, một phong cách thơ hồn nhiên, hồn hậu, dậm chất sử thi và khuynh hướng lãng mạn, giọng điệu ngang tàng, đậm chất lính và chân thật như cá tính của ông.Bài thơ “Tây Tiến” được sáng tác khi Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác ở Phù Lưu Chanh, trong nỗi nhớ tha thiết rừng núi Tây Bắc và trung đoàn Tây Tiến, những tiếng thơ bật lên vào năm 1948.Với “Tây Tiến”, Quang Dũng thật sự khẳng định được sự tài hoa vượt bậc, một hồn thơ hết sức nồng hậu, dữ dội, độc đáo của mình.Đoạn thơ trên nằm ở khổ thơ thứ sáu và bảy của tác phẩm, sau nỗi nhớ đại ngàn Tây Bắc tha thiết, nhớ những chặng đường hành quân gian khổ và những kỉ niệm ấm áp bên đồng đội và nhân dân mến thương, khắc họa nổi bật bức chân dung lớn lao của người lính Tây Tiến.

Tiếng thơ của Quang Dũng trước hết là tiếng hát hào hùng về cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc qua thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, về hình ảnh người lính Tây Tiến lẫm liệt, kiêu hùng, hào hoa:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu là giữ oai hùm”

Nhà thơ Quang Dũng không gọi tên hay miêu tả chân dung một đồng đội nào mà gọi tên, khắc tạc cả một tập thể đồng đội – những con người anh hùng bằng tên gọi khá thú vị “Đoàn binh không mọc tóc”.Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng từng gọi tiểu đội của mình bằng cái tên bắt bắt nguồn từ hiện thực thiếu thốn khắc nghiệt “Tiểu đội xe không kính”.Ta cảm nhận được tinh thần lạc quan, chất dí dỏm hài hước của những người lính tự trong gian lao, khổ cực.

Nhà thơ Quang Dũng đã viết, đã cực tả hình ảnh những người lính oai hùng bằng con mắt lãng mạn mà vẫn thực đến trần trụi.Chiến sĩ Tây Tiến hồi ấy hoạt động ở những vùng núi rừng hiểm trở, ma thiêng nước độc, “chết trận thì ít mà chết vì bệnh tật thì nhiều”(Theo Trần Lê Văn), có những con suối rửa chân rụng lông, gội đầu rụng tóc.Vì thế, hình ảnh những anh “Vệ trọc” đã phần nào cho ta cảm nhận bao gian khổ mà người lính phải chịu.Thế nhưng, hoàn cảnh thiếu thốn, khắc nghiệt giày vò không cản trở được khí phách hiên ngang của họ.Phép đối rất chuẩn giữa “quân xanh màu lá’ với ‘dữ oai hùm” tạo nên một âm hưởng mạnh mẽ, hùng tráng cho câu thơ.Người đọc như cảm nhận được bước chân, khí thế ra trận hừng hực của đoàn quân. “Quân xanh màu lá” là màu xanh áo lính, xanh lá ngụy trang hay chính làn da xanh xao vì thiếu máu.Những hình ảnh thực đến trần trụi đó đi vào trong thơ Quang Dũng lãng mạn, mang ý nghĩa tượng trưng, rất có khí phách.Hai câu thơ đã chạm khắc vào lịch sử hình ảnh một đoàn quân phi thường, độc đáo, có một không hai trong cuộc đời cũng như thơ ca.Đoàn quân một thuở “xếp bút nghiêng lên đường chinh chiến” của các chàng trai Hà thành kiêu hùng hào hoa.Người lính Tây Tiến với tinh thần thép, trở thành anh hùng oai phong, lẫm liệt như mãnh thú chống rừng xanh. Hình ảnh người lính Tây Tiến hào hoa là nét oai hùng trong thơ Quang Dũng, bị sốt rét hành hạ khổ sở, đau đớn,Thơ ca kháng chiến dã từng ghi lại những hình ảnh thật cảm động về sự tiều tụy của người chiến sỹ vì sự hoành hành của bệnh tật:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”
(“Đồng chí” – Chính Hữu)

Tiếng thơ của thi sĩ “Xứ Đoài mây trắng” đặc biệt độc đáo bởi ông dám đưa vào thơ mình sự lãng mạn, nhớ nhung một bóng hồng xa xăm – điều mà vốn không được chấp nhận trong thơ ca kháng chiến.Nhưng chính điều khác biệt ấy đã tạo cho thơ Quang Dũng sự tươi mát, sâu lắng, trẻ trung:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Những “mộng” và “mơ” của người lính được gửi về hai phương trời: “Mộng” gửi biên cương đầy bóng giặc, mong muốn lập công và “mơ” những bóng dáng thân yêu. “Dáng kiều thơm” ấy là vầng sáng lung linh trong kí ức, “tố cáo” nét đa tình của người lính khi nhớ về thiếu nữ Hà thành với vẻ đẹp “sắc nước hương trời”.Sự trẻ trung, nhiệt huyết của tuổi trẻ với hạnh phúc lúa đôi vẫn luôn thường trực và cháy bỏng, cái chất lãng mạn của người lính nở thơm ngát trên chiến trường bom rơi đạn lạc.Nỗi nhớ ấy là sự cân bằng, thư thái sau mỗi chặng hành quân vất vả, chứ không phải để thối chí nản lỏng.Vậy mà một câu thơ “đẹp một cách lãng mạn” này đã khiến chính Quang Dũng và nó “trải qua gió dập sóng dồi”, khổ cực suốt mấy chục năm.Nỗi nhớ của người lính dang tuổi hoa mộng, đang dở dang với giảng đường, với người thân yêu rất đẹp và đáng trân trọng.Nó khác với nỗi nhớ của người lính xuất thân từ nông dân trong “Đồng chí” của Chính Hữu.Nỗi nhớ của riêng, những nhớ thương rất hào hoa, đã làm nên đặc trưng riêng cho tiếng thơ Quang Dũng đã từng có tiếng gọi đồng điệu nơi “Đất Nước” của Nguyễn Đình Thi:

“Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”

Giữa những gian khổ của chiến trường, người lính không chỉ cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà còn rất hào hoa, lãng mạn, trái tim họ vẫn rạo rực nhớ vẻ đẹp của Hà Nội – Thăng Long xưa, những nỗi niềm “bồi hồi trong ngực trẻ”.Bức tượng đài người lính Tây Tiến được khắc tạc bằng những nét bút thực đến trần trụi mà vẫn rất mực lãng mạn, hào hoa của những tâm hồn son trẻ, tạo sự tươi mát, sâu lắng, thi vị của riêng mình Quang Dúng.

Đặc biệt, tiếng thơ Quang Dũng dù viết chiến trường khói lửa, về những đau thương mất mát mà không hề bi lụy.Ngược lại, rực sáng và vút lên trên nền hiện thực đau thương là những vần thơ cứng cỏi, bi tráng, hào hùng:

“Rải tác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc trời xanh”

Câu thơ đầu tiên thật dễ gây cảm giác nặng nề, bởi đó là câu thơ về cái chết của người lính Tây Tiến ở “viễn xứ” hoang lạnh.Từng vần thơ càng lúc càng nhấn mạnh vào nốt nhạc buồn của khúc hát hồn tử sĩ.Quang Dũng đã dùng phép đảo ngữ, đưa từ láy “rải rác” lên đầu câu để nhấn mạnh sự ít ỏi, gợi sự cô đơn,côi cút khi những người lính ngã xuống trên đường hành quân lại được yên nghỉ đâu đó trên đường, ở đỉnh dèo, dốc núi, dưới tầng sâu đất lạnh.Nhà thơ xót xa, đau đớn vô cùng khi nói về sự hi sinh của đồng đội mình:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

Yếu tố bi tráng được nâng lên, sự bi lụy, đau thương được giảm bớt khi có sự xuất hiện của các từ ngữ Hán Việt “biên cương”, ‘viễn xứ”.Những nấm mồ hoang nơi biên giới chẳng ai biết đến giờ trở thành những mộ chí tôn nghiêm, vĩnh hằng.Hồi ấy, viết về chiến tranh, ít có ai bạo tay như Quang Dũng, đưa những hình ảnh ảm đạm, thê lương, chết chóc vào thơ ca.Nhưng Quang Dũng đã làm được, đã đứng riêng mình một khoảng trời để khẳng định cái tôi đầy bản lĩnh của mình.Nếu câu thơ này tạo nên cái “bi” thì câu thơ sau thể hiện cái “tráng”.Câu thơ nhẹ nhàng như chưa từng mang chút bi thảm của mồ viễn xứ.Cái không khí bi quan biến mất, chỉ còn lại nét ngang tàng, chút thanh thản của người lính Tây Tiến. “Chẳng tiếc trời xanh” là cách nói của người thanh niên trí thức Hà Nội, mag cả quan niệm lý tưởng chiến đấu.Đâu phải họ không tiếc cho tuổi trẻ, cho những mộng mơ rất đẹp còn dang dở.Nhưng cao hơn cả họ có tự do, có quê hương phải bảo vệ.Tổ quốc chưa yên sao họ có thể nhắm mắt làm ngơ, vui thú vui ích kỉ của riêng mình.Cụm từ “chẳng tiếc’ là cách nói hết sức ngang tàng, là thái độ tự nguyện, khẳng định rằng: “Đời xanh” – tuổi trẻ, thanh xuân dầy hoa mộng sẽ vô nghĩa nếu không xông pha trận mạc, hiến dâng vì Tổ quốc.Người lính Tây Tiến coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, là lí tưởng quên mình chói sáng “Chết vinh còn hơn sống nhục”.
Dẫu quê hương “khổ đau là thế”, cằn cỗi đến vậy nhưng mỗi chúng ta là một “viên đá nhỏ”, “bong ra từ mảnh đất này” nên người lính Tây Tiến hi sinh cao đẹp, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, làm nên một vẻ đẹp lãng mạn xiết bao hào hùng, bi tráng:

“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Câu thơ “áo bào thay chiếu anh về đất” là cách nói tráng lệ hóa hình ảnh, sự hi sinh của người lính Tây Tiến. “Áo bào thay chiếu” là hình ảnh vừa lệ, vừa tả thực để làm mờ đi sự thiếu thốn, gian khổ mà người lính Tây Tiến phải chịu đựng.Chúng ta có thể hiểu câu thơ là: Không có chiếu nhưng có áo bào tiễn anh về với đất Mẹ, théo cách nói của Quang Dũng: “Tôi muốn nói thêm cái phần gian khổ, gian khổ của miền Tây.Khi nằm xuống, người chiến sỹ không có manh chiếu để liệm.Nói “áo bào thay chiếu” là cách nói của người lính chúng tôi, cách ước lệ để an ủi đồng chí của mình đã ngã xuống”. “Áo bào” là một từ Hán Việt, chỉ áo mặc bên ngoài của vua chúa, các tướng lĩnh.Thực ra, đó là tấm áo choàng ngoài, áo của đời lính qua cái nhìn lãng mạn của nhà thơ.Dù đã sờn bạc hay “rách tả tơi” vì bom đạn của giặc nhưng đó vẫn là những chiếc áo đẹp nhất, tiễn đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng.Hai chữ “áo bào” làm câu thơ thêm phần cổ kính, lấy từ văn học cổ tái tạo vẻ dẹp của một tráng sĩ, gợi được cái hào khí của chí làm trai “thời loạn sẵn sàng chết giữa sa trường lấy da ngựa bọc thây”.Chữ “về” được nói với thái độ ngạo nghễ, nhẹ nhõm. “Anh về đất” sau khi hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng – về với đồng bào, với vòng tay của nhân dân, về với đất Mẹ thân yêu để “hóa thân cho dáng hình xứ sở, làm nên Đất Nước muôn đời” chứ nào có đi đâu xa.Sông Mã “gầm” gào lên khúc độc hành đầu bi phẫn đau thương, làm rung động cả một chốn hoang sơ.Câu thơ mang cái không khí chiến trận của bản anh hùng ca thời cổ.Sông Mã “gầm lên” âm thanh của rừng núi, là điệu kèn vĩnh quyết, là khúc ca bi tráng của thiên nhiên, của quê hương đất nước đang quặn lòng, nghiêm mình kính cẩn tiễn đưa các anh.Sông Mã oai hùng đã được nhân hóa trở thành một sinh thể biết đớn đau,như thay cả dân tộc cúi mình trước các anh hùng.Không hề có tiếng khóc của giọt nước mắt tang thương.Chỉ có núi sông, đất mẹ chứng kiến sự hi sinh cao thượng của anh.Chỉ thấy cháy bỏng niềm tự hào vô cùng, bi tráng, hào hùng về các anh.Bóng dáng anh hòa vào núi sông, trở thành “màu hoa đỏ”.Hình bóng anh còn mãi với muôn đời.Dù hôm nay chưa có bảng vàng, bia đá để ghi tạc công ơn nhưng cả dân tộc nghiêm mình kính cẩn trước linh hồn các anh, tôn vinh anh như những người anh hùng dân tộc.

Như vậy, từ sự kết họa hài hòa giữa cái nhìn hiện thực với cảm hững lãng mạn, Quang Dũng đã tạc vào lịch sử bức tượng đài bất tử của người lính cách mạng vừa chân thực, vừa hào hoa, tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc ta trong thời đại mới. thời đại mà cả dân tộc đứng lên làm cuộc kháng chiến Vệ quốc quân thần kì chống thực dân Pháp.Đó là bức tượng đài được kết tinh từ sự hào hùng, hiên ngang trong cốt cách người lính, sự lãng mạn, hào hoa, tươi mát trong suy tư, tâm hồn son trẻ và kết đọng lại bằng âm hưởng bi tráng, hào hùng,.Cũng là những “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” được khắc họa bằng tất cả tình yêu của nhà thơ với đồng đội và đất nước.

Không chỉ chứa đựng những nội dung hào hùng, sâu sắc, vừa tươi mát như cơn mưa rào trên chiến trường khói lửa, vừa thể hiện được sự bi tráng, kiêu hùng của người lính Tây Tiến và chính Quang Dũng, tác phẩm còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật đăc sắc.Với sự thành công về ngôn từ giàu hình ảnh, cảm xúc, giọng thơ hào hùng xen lẫn bi tráng, sự khéo léo trong việc sử dụng đan xen các thủ pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, nhân hóa,…, đặc biệt là hình ảnh hết sức chân thật, vừa đậm chất nhạc, lại vô cùng thi vị, sự kết hợp tài tình giữa cảm hứng lãng mạn và bút pháp bi tráng cùng hồn thơ phóng khoáng, hào hoa của thi nhân.Tất cả đã hòa quyện nên một “Tây Tiến” thật thi vị, kiêu hùng, lãng mạn, đặc trưng riêng cho phong cách thơ Quang Dũng.

Những vần thơ hay cho ta gặp gỡ tâm hồn hào sảng, phóng khoáng, ăm ắp sự lãng mạn, trẻ trung của Quang Dúng.“Tây Tiến” đã thể hiện một cách xuất sắc sự hào hùng của tấm lòng người lính pha lẫn trong nét hào hoa, hồn nhiên của những nhớ thương, mộng mơ thật đẹp, vừa cất lên tiếng hát ngợi ca, vừa bộc lộ niềm cảm thương, đau xót sâu sắc với người lính Tây Tiến, đau thương nhưng không bi lụy. “Tây Tiến – tượng đài bất tử về người lính vô danh” (Vũ Thu Hương).Với một “nhan sắc” hết mực duyên dáng, với “đức hạnh” – nội dung thật độc đáo, “Tây Tiến” đã để lại trong lòng mỗi người những men say đằm thắm nhất, ngọt ngào lại cay nồng, khắc sâu trong tâm trí người đọc là hương vị không thể nào quên của “Tây Tiến”, là hồn thơ độc đáo, tài hoa của Quang Dũng, là bức tượng đài bất tử về người lính anh hùng, vì nước, vì dân.

Dẫu chiến tranh đã trôi qua nhiều năm, bụi thời gian đã làm nhòa đi tất cả nhưng bức tượng đài đẹp đẽ, kiêu hùng, hiên ngang về người lính Tây Tiến vẫn sống mãi, đẹp tươi trong lòng người đọc.Các anh – những chàng trai Hà thành hào hoa, những người lính trẻ trung, hào hào, anh dũng, đi vào trong thơ ca nghệ thuật như một huyền thoại đẹp đẽ nhất.Cả dân tộc kính cẩn nghiêng mình cảm phục tấm lòng kiên trung, sự hi sinh quên mình vì dân vì nước của các anh.Các anh để lại cho đời, cho thanh niên hôm nay tấm gương sáng, đường lối cao cả để thế hệ trẻ phấn đấu hết mình, bước đi trên con đường tràn đầy dấu chân những anh hùng:

“Hoan hô anh Giải phóng quân.Kính chào Anh, con người đẹp nhất
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang, bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi!”
(“Bài ca xuân 68” – Tố Hữu)

————————————
Nguồn: Khánh Linh
 
Từ khóa
người lính quang dũng tây tiến
359
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top