Dự thi Xuân đâu xóa được những ưu sầu?

  • Thread starter Thread starter Tấm
  • Ngày gửi Ngày gửi

Dự thi  Xuân đâu xóa được những ưu sầu?

Tấm
Tấm
  • Thành Viên 27
Những ngày này, đường xá vẫn còn nhộn nhịp không khí tết.

Chi nhớ hôm hai chín, ba mươi trong chợ hoa thì đào vẫn còn chớm nở, vậy mà hôm nay đào đã bung rực rỡ cả cành, dưới đất còn đầy những cánh hoa rụng như thảm đỏ. Trông đẹp vô cùng nhưng cũng mang chút dư vị nuối tiếc của người con xa quê. Đào nở như thế cũng báo hiệu sắp hết tết rồi.

Hôm nay đã là mùng ba.

Ngày này một vài nhà đã hóa vàng, các khu xóm chợ cũng họp gần đông đủ, nhộn nhịp tiếng gà “cục ta cục tác”, tiếng cô bán rau nói chuyện cười đùa hớn hở và dòng người nô nức mua trái cây sắp mâm ngũ quả đi lễ chùa.

Bầu trời nay rất sáng nhưng lất phất mưa xuân, không nặng hạt nhưng cũng đủ làm ướt con đường đất đỏ.

Con đường quen thuộc cả tuổi thơ của cô, nhưng ngày hôm nay có chút ngỡ ngàng, cảm giác ấy vừa lạ mà cũng vừa quen, vừa nhớ nhung lại vừa day dứt. Như là con đường ngày ấy thân quen đến vậy mà cô đã năm năm chẳng nỡ về thăm nó lấy một lần.

Quê Chi nghèo lắm, vì nghèo nên ngày ấy cô cố gắng lên Hà Nội kiếm việc mong thoát cảnh bần cùng. Thế rồi nhân duyên đến, cô gặp Đạt – trai gốc thủ đô, gia đình lại giàu có, quen được nửa năm vì lỡ có bầu nên cả hai quyết định tiến đến hôn nhân. Ngày lên xe hoa, cô mừng lắm. Cô nghĩ đến cuộc sống sau này ngày ba bữa no, quần áo diện đầy tủ, xe ô tô đưa đón,... chứ cô nào có nghĩ đến cảnh làm dâu xa nhà.

Mải nghĩ cho đến khi chiếc ô tô đi qua ổ gà khiến cả người cô và con trai bị đẩy về phía trước, kèm theo đó là câu nói tục tĩu của người chồng:

“Mẹ, cái đường nhếch nhác thật sự.”

Sau đó, anh kéo vô lăng, nhấn ga thật mạnh trong sự tức tối.

Bé Nam sợ sệt ôm chầm lấy Chi: “Mẹ ơi, bao giờ thì đến nơi ạ”

Chi cười hiền, vỗ về đứa con nhỏ: “Sắp rồi con ạ”

Không biết qua bao lâu, con đường trong ký ức ngày càng quen thuộc, chiếc xe dần đi chậm lại, và phía trước là cánh cổng màu xanh lam mang trên mình bao nhiêu vệt xước, xước vì những năm trước kia Chi còn nhỏ thường hay nghịch ngợm, leo trèo trốn đi chơi. Bên cạnh vẫn là cây bưởi tán rộng xum xuê, có cành nặng trĩu những trái to nên xà xuống cả mặt đất. Cây bưởi mà trước kia do chính tay cha cô vun trồng, từ ngày ông mất nó cũng buồn hay sao mà trái thì to nhưng chỉ được vài quả chứ không được đơm hoa kết trái như ngày ông còn sống.

Chi hít nhẹ chút không khí trong lành mà mùa xuân ban tặng, kèm theo hương hoa bưởi thơm ngát vị quê nhà mà một Hà Nội thủ đô chẳng thể có.

Bước xuống xe, cô xúc động thấy bóng dáng bà An cao gầy, tần tảo trong bộ quần áo màu nâu đã bạc gần hết cả màu. Quanh năm có ngày tết mà nhìn bộ quần áo cũ kỹ của bà Chi đau lòng quá. Cô khóc rồi, bà An thấy cô cũng không kìm được tiếng khóc.

Nhớ trước kia, tuổi mà Chi biết thế nào là hoa, là lá, là ông mặt trời đỏ rực còn nước biển thì màu xanh… Từ đó đến nay cô mới thấy bà khóc có hai lần. Một lần là lúc ông Vinh bỏ lại bà về với các cụ, lần sau là ngày cô lên xe hoa bước về nhà chồng. Bây giờ đã là lần thứ ba.

Chi nhớ bà từng nói “nước mắt là ngôn từ của trái tim, chẳng ai thấu được đó là nỗi buồn hay hạnh phúc”. Nhưng ngay giây phút này đây, cô chẳng nghĩ đâu xa bản thân khóc vì nghĩa lý gì mà chỉ muốn chạy đến bên bà và nép vào lòng bà như ngày mình còn bé.

Một tiếng “mẹ” cất lên chứa chan biết bao tình cảm. Sau năm năm, đây có lẽ là năm đầu tiên bà An cảm nhận được dư vị của sự sum vầy. Chỉ tiếc là đứa cháu nhỏ đối với bà có chút không được tự nhiên. Đôi tay bà muốn ôm nó vào lòng nhưng nó òa khóc không chịu.

Xong, chợt nhớ ra điều gì đó, bà vui vẻ lấy trong túi áo phong bao lì xì đỏ rực, đưa cho Nam. Bé không khóc nữa nhưng vẫn còn rụt rè, đưa đôi tay nhỏ bé của mình đón nhận những điều chúc may mắn. Miệng lí nhí nói:

“Cháu xin bà.”

Chi khẽ mỉm cười xoa đầu cậu con trai bé nhỏ, sau đó nhờ chồng đặt quà lễ tết lên ban thờ còn mình thì thắp cho ông nén hương.

Ngôi nhà này, cùng mọi đồ vật đều vẫn y nguyên như trong ký ức của Chi. Cô biết mà, quanh năm bà An làm ruộng, đến vụ mùa trồng thêm rau củ thì bán được mấy đồng đâu. Chi thì ở nhà trông con, cơm nước cho nhà chồng nên cũng chẳng thêm thắt cho bà được đồng nào. Cô cũng biết năm nay mình về nên bà mới sắm cành đào nho nhỏ. Chứ mọi năm bà ăn tết một mình, Chi gọi qua điện thoại thấy căn nhà vẫn trống vắng, đơn sơ chẳng khác ngày thường.

Hương khói xong xuôi, hai vợ chồng cô tranh thủ đi chúc tết họ hàng một lúc, quanh quẩn vậy mà cũng hết cả ngày. Kết thúc bữa cơm cũng đã gần tám giờ tối, sợ Nam mệt nên cô xin phép bà An nghỉ sớm để mai còn đi chơi hội Cù ở làng bên. Đã năm năm rồi thực sự cô rất nhớ lễ hội quê mình.

Tối đó, cảm giác lần đầu Nam được về bà ngoại ăn tết khiến bé rất vui, liền thủ thỉ với mẹ:

“Nay con thấy con trâu nhà ông Thoải to đùng mẹ ạ, nhìn ngoài thích hơn trong tivi. Con thích chơi cùng anh Bình anh Bảo nhà ông Thoải nữa, chẳng như Hà Nội suốt ngày con chỉ chơi một mình. Mẹ ơi, ở ngoại lâu thêm vài hôm được không ạ? Hoặc là đón anh Bình anh Bảo lên nhà mình ở mẹ ha?”

Đạt nghe vậy liền tỏ ra khó chịu.

“Chỗ khỉ ho cò gáy này có gì mà chơi! Ngủ đi, sáng mai bố đánh xe sớm lai cả nhà về” – Đạt nói, mắt vẫn nhìn màn hình điện thoại.

“Con không chịu đâu, mai bà ngoại còn dẫn con đi hội Cù. Con muốn đi chơi hội, con chưa muốn về”

Vừa nói, bé Nam vừa khóc, tay chân giãy giụa tỏ vẻ không hài lòng. Chi cũng muốn ở lại với bà An thêm một hôm. Liền nói:

“Mùng bốn tết ở đây có hội, hay anh để con ở đây thêm một ngày. Năm năm rồi em cũng chưa được về thăm nhà, cha thì mất sớm, quanh năm hiu quạnh chỉ mình mẹ, anh xem...”

Lời còn chưa dứt, Đạt đã dập tắt hy vọng của cô:

“Nói gì lắm thế. Về là về.”

Bé Nam nghe vậy, ùa vào lòng mẹ khóc nức nở.

Chi sợ chồng giận, liền ôm con ra khỏi phòng dỗ dành. Không biết qua bao lâu thì bé cũng thiu thiu ngủ, lúc ấy cánh tay cô đã mỏi nhừ.

Đặt Nam lên giường, cô tháo cho bé túi đeo và áo khoác để bé ngủ thoải mái hơn. Đạt thấy vậy liền lấy trong túi của Nam phong bao lì xì hồi sáng bà An đưa, cọc cằn xé ra. Khi anh thấy đồng năm chục nghìn, lại nhét vào túi rồi quăng lên bàn, miệng nhàn nhạt nói:

“Mẹ, lại lỗ mấy trăm rồi”

Nói xong, liền chùm chăn ngủ. Để lại Chi ngồi đó với đôi mắt đỏ au.

Đêm, vừa hết canh ba, tiếng gà trống thi nhau gáy làm Đạt mơ hồ tỉnh giấc, trở mình. Có lẽ do đi ngày dài nên anh mệt lại thiếp đi. Chi thấy vậy, liền đóng kín các cửa phòng rồi ra sân lấy lớp khăn dày phủ quanh chuồng gà, mong phần nào bớt ầm ĩ.

Bởi cô sợ nhất là tính hung hăng của chồng. Nhớ năm cô đẻ bé Nam, con còn bé thường xuyên khóc dạ đề. Đêm hôm anh chẳng đỡ đần vợ lại còn bực dọc quát mắng. Nên mỗi lần con khóc là cô sợ lắm, đêm đông trời trở sương, gió lạnh đến mấy cũng bế con ra ngoài hành lang dỗ dành để chồng say giấc ngủ. Một mẹ một con cứ thế ôm nhau thức trắng cả đêm dài.

Nay tự nhiên Chi nhớ lại khoảng thời gian đó, cô tủi thân vô cùng. Không ai đỡ đần, không ai thấu hiểu, có mẹ thương mình thì lại ở xa. Đơn độc trong căn nhà giàu có đầy đủ tiện nghi nhưng lại chẳng có lấy một ai sẻ chia nỗi lòng này. Tiền ấy, rồi có mua được tấm chân tình của người tay ấp má kề với mình đâu, càng nói gì đến thương người nhà mình.

Nghĩ lại càng buồn, Chi chợt thấy khuôn mặt mình hơi ướt, đưa tay lên khóe mắt mới biết bản thân mình khóc từ bao giờ. Đêm nay không hiểu vì sao lại dài thế, cũng thao thức chẳng ngủ được. Lại mơ hồ nhìn bờ tường đã cũ rêu bám đầy theo năm tháng, bên bếp lửa đun rơm đun rạ quanh năm nồng nàn mùi khói tro tàn, hay dáng cây bưởi trước nhà tuy chẳng đơm hoa kết trái nhưng lúc nào cũng chứa đầy kỷ niệm hồi ông Vinh còn sống. Mọi vật đều y như cũ, chỉ riêng Chi không còn là cô bé ngây ngô ngày ấy nữa rồi.

Mải nghĩ, cô không biết bà An đứng cạnh mình từ bao giờ. Mái tóc ấy ngày nào còn cháy nắng vì kham khổ, nay đã chớm vài sợi bạc cùng khuôn mặt trái xoan đã thêm vài nếp nhăn. Thời gian lấy đi của con người nhiều quá, cả thanh xuân, sức khỏe, và cả những kỷ niệm trân quý mà người đời chỉ mong ước được bé lại.

Cơn gió xuân mang theo mình hương vị của sương sớm, của chồi non, lộc biếc, của cả những yêu thương trong ngày đoàn viên. Thoảng qua, khiến những ngọn tóc dài mượt đen nhánh của Chi hòa cùng chiều gió. Bà An khẽ vuốt mãi tóc cô thật nhẹ, nhớ lại ngày xưa lúc cô còn nhỏ xíu ngồi dưới gốc bưởi, bà thường đặt cô vào lòng rồi tết tóc đuôi sam.

Giờ đây, mọi chuyện tưởng chừng như vừa mới xảy ra hôm qua, vậy mà chớp mắt cái thôi bà đã thấy Chi lớn như thế này. Kỷ niệm như cuốn theo gió xuân, xen qua từng hàng cây kẽ lá rồi phả vào lòng ta một chút hơi lạnh. Bà An xúc động, khẽ nói nhỏ:

“Ngày xưa người làng thường khen tóc cái Chi là đẹp nhất, giờ vẫn đẹp nhưng không dày dặn nữa rồi.”

Chi cười:

“Mẹ dậy sớm thế ạ? Đợt con sinh bé Nam xong bị rụng tóc nhiều. Chứ ngày trước toàn được mẹ đun bồ kết cho gội, tóc thơm với bóng lạ thường. Mẹ nhỉ?”

“Ừ, giờ thi thoảng mẹ vẫn đun. Mà mới canh tư, con dậy chi cho cực. Lại còn ăn mặc phong phanh nữa.” – Nói rồi, bà kéo Chi vào nhà.

Châm ngọn đèn dầu, chỉn chu lại quần áo, bà An thắp một nén hương.

Xong xuôi, bà ngồi cạnh Chi, nắm lấy tay cô, khẽ nói:

“Mẹ vừa gói gh ém con gà, vài cái bánh chưng, ít khoai ít lạc. Lát con lên Hà Nội biếu ông bà giúp mẹ nhé.”

Chi ngạc nhiên, ngày trước cô điện về báo bà ăn tết hai hôm, mùng năm mới lên Hà Nội. Phải chăng tối qua lúc hai vợ chồng cô nói chuyện, bà An nghe thấy hết rồi?

Chi bật khóc, ôm lấy bà:

“Mẹ ơi, phải chi ngày ấy con lấy chồng gần nhà. Hức hức...”

Bà An ôm lấy Chi, khẽ vỗ lên đôi vai gầy guộc:

“Lấy xa quá thì mẹ không lên với con được, những lúc ốm đau hay bận sinh nở mẹ chỉ biết ở nhà thắp hương nhờ ông ấy đi mây về gió che chở cho con thôi. Còn không phải lo cho mẹ, mẹ còn khỏe lắm, nuôi gà làm ruộng vẫn đều đều. Chỉ mong sao con trên đấy hạnh phúc là mẹ mừng rồi.”

Trong căn phòng ngập tràn mùi thơm hương khói, xen lẫn mùi dừa non kèm vị lá nếp làm mứt trái cây. Chi ôm lấy bà An rơm rớm nước mắt như đứa trẻ nhỏ chịu nhiều ủy khuất từ lâu chẳng được ai vỗ về. Chỉ một lúc nữa thôi, khi sắc đen trên bầu trời nhường chỗ cho những tia sáng để đón chào một ngày mới bắt đầu, khoảng khắc bên mẹ chỉ còn lại vài tiếng ngắn ngủi. Công việc, gia đình, con nhỏ, và người chồng vô tâm ấy chẳng biết bao lâu Chi mới thu xếp được về Quảng Trị thăm quê nhà.

Trời hôm nay xanh và quang quá, chẳng còn lất phất mưa xuân như hôm qua ướt hết cả con đường. Đẹp trời, mà lòng người cứ phảng phất nỗi buồn u uất.

Khi chiếc xe ô tô vừa ra khỏi con ngõ nhỏ để trở về Hà Nội, Chi nghe tiếng chồng hậm hực bên tai:

“Đồ ăn được đâu mà mang lên lắm, gà qué bẩn hết cả xe”

Câu nói nghe lạnh cả lòng người, Chi mệt mỏi khẽ nhắm đôi mắt lại và dựa lưng vào ghế, mặc kệ tất cả, cô chỉ muốn một giấc ngủ yên bình ngay lúc này. Nhưng... hình ảnh bà An bóng dáng hao gầy với đôi mắt đầy vết chân chim, ngấn nước, như chỉ cần một cái chớp mắt là những giọt lệ không kìm được ướt đẫm khóe mi. Bà đứng dưới gốc cây bưởi trước cổng, một mình, bơ vơ, chiếc xe ô tô đã khuất dần nhưng bà vẫn đứng đó chờ đợi một điều mà bản thân bà biết chẳng bao giờ có thể thành hiện thực.

Khi đi qua quán cà phê nhỏ được trang trí bởi hai sắc màu trắng, xanh cùng đèn dây nhấp nhánh. Chi nhớ lại lần đầu tiên cô gặp Đạt cũng tại một quán cà phê nhỏ như thế này. Ngày đó, cô biết rõ anh là người thế nào nhưng lại vì vẻ hào nhoáng bên ngoài khiến lòng mình si mê.

Cô khẽ nhìn qua ô cửa, một đôi nam nữ đèo nhau trên chiếc xe đạp quá đỗi cà tàng, rỉ sắt. Mặc kệ con đường làng nhiều sỏi đá, gập ghềnh, chàng thanh niên vẫn cố gắng đạp thật nhanh về phía trước, dù trên trán cậu đổ rất nhiều mồ hôi nhưng khuôn mặt lại vô cùng vui vẻ. Phải chăng phía sau cậu là cả một khoảng trời vô giá cần được chở che.

Nhiều lần Chi nghĩ, nếu ngày ấy chẳng tham giàu sang mà lấy anh thì bây giờ cô sẽ sống như thế nào? Một túp lều tranh hai trái tim vàng hay nhà lầu xe hơi nhưng chẳng tồn tại hơi ấm của hạnh phúc?

Lại một năm cũ qua đi, năm mới lại đến, Chi tự hỏi bản thân trên con đường phía trước phải làm những gì. Chi còn trẻ, chẳng muốn sống trong những tháng ngày đơn độc bên người chồng vô tâm. Càng chẳng biết cuộc đời này có mấy mùa xuân, liệu có xuân nào được vô tư bên bà An đón giao thừa như ngày còn bé.

Trước kia, lúc Chi xa nhà để về làm dâu một gia đình khác, cô đâu có nghĩ rằng người thiệt thòi nhất chính là mẹ mình...
 
  • tr.jpg
    tr.jpg
    29.7 KB · Lượt xem: 308
713
2
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.