Baivanhay  Đặng Thế Anh - TNĐL một văn kiện lịch sử vô giá

Tuyên ngôn Độc lập thực sự là một áng văn hay, cấu trúc chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng xác thực và ngôn từ chọn lọc. Giọng văn vừa hùng hồn, đanh thép nhằm tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp, vừa thống thiết, trữ tình bộc lộ khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của tác giả với toàn dân tộc Việt Nam.Với nội dung và hai đặc trưng giá trị như thế, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng được tôn vinh là áng thiên cổ hùng văn mang tính thời đại, là sản phẩm kết tinh của những phẩm giá dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn độc lập - Một văn kiện lịch sử vô giá, một áng văn chính luận mẫu mực

(Đặng Thế Anh)

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít, một trào lưu đấu tranh đòi độc lập dân tộc diễn ra sôi nổi trên thế giới, mạnh mẽ nhất là hệ thống các nước bị thực dân, phát xít chiếm đóng ở châu Á, châu Phi... Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nhân dân ta vùng lên chiến đấu chống phát xít Nhật, thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai. Đến cuối tháng 8/1945, từ chiến khu, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội, soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, thay mặt chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đọc bản tuyên ngôn này.

Dưới ánh sáng của nguyên lí phổ quát, không ai chối cãi được, và cảm hứng nhân văn về “quyền tự do, bình đẳng, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của con người”, Tuyên ngôn Độc lập đã phản ánh chân thực tinh thần đấu tranh kiên cường, bền bỉ, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Vì thế, bản tuyên ngôn có giá trị về nhiều mặt.

Tuyên ngôn Độc lập - một văn kiện lịch sử vô giá

Muốn hiểu được nội dung luận điểm này cũng như để hiểu rõ nội dung tư tưởng, cách lập luận, hệ thống lí lẽ và các bằng chứng được đưa ra trong bản tuyên ngôn, chúng ta phải xét đến ba đối tượng hướng tới của Tuyên ngôn Độc lập. Cụ thể như sau:

- Đối với toàn thể nhân dân Việt Nam, Tuyên ngôn Độc lập vừa là văn kiện tổng kết chặng đường hơn 80 năm đấu tranh gian khổ đẫm máu và nước mắt chống thực dân Pháp, chống phát xít Nhật, vừa là văn kiện khẳng định thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam mới, củng cố, khích lệ toàn dân tộc tiếp tục đấu tranh giữ vững nền độc lập cho đất nước, nền dân chủ cho nhân dân.

- Đối với những lực lượng thù địch quốc tế, Tuyên ngôn Độc lập công bố rõ ràng quan điểm, thái độ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam về quyền lực của mình. Bằng cơ sở pháp lí, bằng lẽ phải và bằng thực tế thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập bác bỏ luận điệu mà nhà cầm quyền Pháp đưa ra: Đông Dương (trong đó có Việt Nam) là thuộc địa của Pháp, sau khi Nhật đã hàng và rút lui thì Đông Dương phải trả lại cho Pháp, đặt dưới sự “bảo hộ” của Pháp.

- Đối với phe Đồng minh (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp) và những lực lượng yêu chuộng hòa bình, trọng công lí, Tuyên ngôn Độc lập tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của họ để công nhận quyền độc lập, tự do của Việt Nam và nhân dân Việt Nam.

Như vậy, Tuyên ngôn Độc lập đã tuyên bố trước quốc dân đồng bào và nhân dân toàn thế giới về việc xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến gần 100 năm ở Việt Nam; khẳng định quyền độc lập, tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc Việt Nam trên thế giới. Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là tấm giấy khai sinh, là mốc son mở ra kỉ nguyên mới cho nước Việt Nam mà còn là một đóng góp có ý nghĩa đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, “suy rộng ra” Tuyên ngôn Độc lập có tư tưởng mang tầm thời đại.

Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn chính luận mẫu mực

Tiên đề có giá trị như một chân lí vĩnh cửu mà Hồ Chủ tịch nêu lên chính là quyền tự do của mỗi dân tộc, quyền sống của mỗi con người, đã được thừa nhận qua nhiều thời kì lịch sử và ở ngay chính những quốc gia lúc bấy giờ chính quyền của họ đang đi ngược lại. Đó là lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ và cũng là những tư tưởng cao đẹp của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mĩ, Pháp, HCM vừa xác lập cơ sở pháp lí vững vàng cho Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta, phản bác chính sách âm mưu hiện tại của đối phương; vừa tỏ ra trân trọng những danh ngôn, những chuẩn mực, những nguyên tắc bất hủ của người Mĩ, người Pháp và nhắc nhở họ đừng phản bội những chân lí cao cả của tổ tiên họ. Đó là một chiến thuật sắc bén “gậy ông đập lưng ông”.

Sau khi đặt vấn đề, nêu chân lí của thời đại, HCM tiếp tục đưa ra những dẫn chứng tiêu biểu nhằm tố cáo tội ác của kẻ thù đã cướp đoạt quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam: “...hơn 80 mươi năm nay [...] bọn thực dân Pháp [...] đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Có thể xem như một cuộc tranh luận ngầm với luận điệu xảo trá của thực dân Pháp:

- Pháp “kể công khai hóa” thì bản tuyên ngôn “luận tội” chúng, lên án những hành động đê tiện của chúng, trong khi Việt Minh lại nhân đạo với chúng. Những dẫn chứng tiêu biểu chân xác về tư liệu, chặt chẽ về lập luận và rất giàu hình ảnh đã được tác giả tuyên ngôn đưa ra. Về chính trị: “chúng tuyệt đối không cho [...]. Chúng thi hành [...]. Chúng lập ra nhà tù [...]. Chúng ràng buộc [...]. Chúng dùng thuốc phiện...”. Về kinh tế: “Chúng bóc lột [...]. Chúng cướp [...]. Chúng giữ [...]. Chúng đặt ra [...]. Chúng không cho [...]. Chúng bóc lột [...] hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói (từ Bắc Kỳ đến Quảng Trị).

- Pháp “kể công bảo hộ” thì bản tuyên ngôn “tố tội” chúng, lên án chúng trong 5 năm đã bán nước ta hai lần cho Nhật: “Khi phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương thì bọn thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng [...] bỏ chạy [...] không bảo hộ được ta [...] bán nước ta hai lần cho Nhật”.

- Pháp “khẳng định” Đông Dương là thuộc địa của chúng thì bản tuyên ngôn “phủ định”, nói rõ Đông Dương đã là thuộc địa của Nhật, nhân dân ta giành chính quyền từ Nhật chứ không phải từ Pháp.

- Pháp nhân danh Đồng minh “tuyên bố” Đồng minh đã thắng Nhật, chúng có quyền đô hộ lại Đông Dương thì bản tuyên ngôn “bác bỏ”, vạch rõ chính Pháp là kẻ phản bội Đồng minh, hai lần dâng Đông Dương cho Nhật, chỉ có Việt Minh mới thực sự thuộc phe Đồng Minh vì Việt Minh đã tổ chức đánh Nhật giải phóng Đông Dương và Việt Minh “xứng đáng là chủ nhân của nước Việt Nam”.

Ngoài ra, bản tuyên ngôn còn lên án tội ác dã man của chúng khi trốn chạy đã tàn sát các chiến sĩ cách mạng trong tù, đi ngược lại với việc Việt Minh giúp đỡ người Pháp chạy qua biên giới.

Với hệ thống dẫn chứng và lí lẽ trên, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Tuyên bố ấy không chỉ vững chắc về lí lẽ, dẫn chứng mà còn hết sức chặt chẽ về ngôn từ: Việt Nam “thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp” chỉ thoát li quan hệ thực dân chứ không khước từ quan hệ ngoại giao hữu nghị. “Xóa bỏ những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam” - “kí về” chứ không phải “kí với” cho thấy tính chất đơn phương, áp đặt từ phía thực dân Pháp. Vì lẽ ấy, “kiên quyết chống lại [...] quyết không thể công nhận”.

Tuyên ngôn Độc lập thực sự là một áng văn hay, cấu trúc chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng xác thực và ngôn từ chọn lọc. Giọng văn vừa hùng hồn, đanh thép nhằm tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp, vừa thống thiết, trữ tình bộc lộ khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của tác giả với toàn dân tộc Việt Nam.

Với nội dung và hai đặc trưng giá trị như thế, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng được tôn vinh là áng thiên cổ hùng văn mang tính thời đại, là sản phẩm kết tinh của những phẩm giá dân tộc Việt Nam.
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
bóc lột chính nghĩa chứng cớ luận tội ho chi minh nhân đạo thực dân pháp tuyên ngôn độc lập văn chính luận văn kiện l
2K
2
1
Trả lời
Tuyên ngôn độc lập là một áng thiên cổ hùng văn có giá trị trường tồn vĩnh viễn cùng đất nước. Cảm ơn tác giả bài viết đã khiến tôi yêu và hiểu thêm về tác phẩm này.
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.