Lựa chọn tìm kiếm sự an toàn khi “đi theo dấu chân của người khác” hay làm “người mở đường” để tìm kiếm lối đi riêng?
Viết đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về sự lựa chọn của mình.
Bài làm
Khi nhìn thấy câu hỏi Bạn chọn tìm kiếm sự an toàn khi “đi theo dấu chân của người khác” hay làm “người mở đường” để tìm kiếm lối đi riêng tôi bất chợt nhớ tới câu nói của nhà văn Lỗ Tấn: Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi. Có những người sinh ra là để mở đường, sáng tạo ra một sự nghiệp, một phong cách mà chưa từng ai có để trở thành người tiên phong; Có những người khác lại chỉ sẵn sàng để bước theo dấu chân người khác, biến nó từ lối hẹp trở thành một con đường thênh thang nhiều người qua lại. Dù là người mở đường – sáng tạo hay người tiếp bước – kế thừa, quan trọng nhất là thái độ của người đó nhìn nhận về vai trò của mình và giá trị mà mình tạo ra.
Nhiều người muốn mình trở thành một người mở đường và mình sẽ trở thành một bản sắc riêng mà không ai có, giữa những điều mà con người đã sáng tạo ra, ngày càng ít vị trí để mở đường thì khi một con đường mới hình thành nó lại càng đáng quý, đáng ca ngợi, đáng tôn vinh. Người mở đầu ngoài một tầm nhìn lớn vượt lên trên người khác, một tấm lòng kiên định chống lại với những lời can ngăn, cản bước còn phải sẵn sàng chấp nhận với thất bại. Bởi con đường mà chỉ có một người đi qua, không ai đi sau cả, đó đâu thể gọi là đường. Đích tới của nó, địa điểm mà nó dẫn qua, lợi ích nó mang lại phải phù hợp thì mới có những người đi sau để dần tạo thành con đường. Thậm chí, có những người đầu tiên thất bại, người nối tiếp nhờ vào những thất bại ấy để né tránh tìm kiếm ngã rẽ khác, cách thức khác, đỡ tốn thời gian để tiến gần với thành công hơn. Người kế nhiệm lại dựa trên những thành công ban đầu ấy để biến nó thành một ý tưởng, một sản phẩm đột phá, tiến bộ hơn, ta gọi đó là mở rộng con đường mà tiền nhân đã để lại. Vậy người trước nhưng thất bại quan trọng hay người đi theo sau mà thành công quan trọng? Như tôi đã nói, quan trọng là cách bạn nhìn nhận về vai trò của mình.
Nhà thơ Robert Frost từng viết: Trong rừng có nhiều lối đi và tôi chọn lối đi không có chân người. Còn tôi, tôi nhận biết về các chỉ số thông minh, tiếp nhận, sáng tạo của mình qua quá trình học tập, rèn giũa, tự nhận thấy khả năng của mình không có nhiều sự nổi bật, quan trọng nhất là chí hướng của chính tôi bình bình ổn ổn, không có khát khao chinh phục đỉnh cao hay tạo ra những điều mới, tôi chọn con đường kế thừa. Người ta thường nghĩ kế thừa là chọn an ổn, chọn sống một cách nhạt nhòa, nhưng theo tôi, nếu chúng ta nỗ lực học tập, tiếp thu điều người trước để lại và tìm cách làm phong phú, thăng hoa nó lên thì sẽ tạo ra những kì tích mới. Giống như Anh là nước khởi đầu cho cách mạng công nghiệp lần 1,nhưng Mỹ (và các nước Châu Âu khác) đã làm thăng hoa nó và đạt được nhiều thành tựu hơn cả, nhờ là kẻ đi sau, tiếp thu và đổi mới, hoàn thiện dựa trên cái đã có, khắc phục nhược điểm mà và tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần 2. Hay như Phục hưng, dựa vào tái sinh tư tưởng cổ đại để tạo dựng cả một phong trào mới trên tất cả mọi lĩnh vực mà bắt nguồn từ hội họa. Họ cũng không phải là những kẻ phát minh đầu tiên mà chỉ là người làm mới những điều đã cũ và phát triển nó lên tầm cao mới. Tôi chọn làm người đi sau, kế thừa những điều mà người trước để lại nhưng không phải là kế thừa một cách thụ động, cứng nhắc mà sẽ cố gắng làm mới, phát huy bằng khả năng của mình. Liên tục tìm tòi, khám phá để cày xới mảnh đất cũ, và biết đâu tôi sẽ tìm thấy hạt ngọc vàng trên mảnh đất ấy.
Cả người dẫn dắt , đi đầu, người kế thừa đi sau ai cũng quan trọng . Kẻ trước được tự do làm chính mình, bộc lộ tài năng, cá tính của mình, tạo dựng thế giới của mình nhưng khó khăn muôn vàn; Người sau tuy tránh được nhiều sai lầm, con đường dễ dàng hơn nhưng dễ bị so sánh, dễ mờ nhạt. Dù con đường bạn chọn là gì, nếu bạn nghiêm túc, có chính kiến, có sự kiên định thì đều đáng quý.