Đã bao giờ, bạn lặng lòng mình dưới bề sâu tâm khảm, chỉ để nhắm mắt im nghe tiếng lời của rừng ruộng, sông suối, núi non? Đã khi nào chúng ta dừng bước chỉ để nghe chim, lá vỗ về nhau mối khi trời trở gió? Và đã lần nào bạn chịu dịu dàng thấu cảm cho đất trời, quang cảnh thiên nhiên? Có lẽ, mỗi người mê mải rượt đuổi những danh vọng hư vô mà quên đi: trên đời này còn nhiều thứ đáng trân trọng hơn thế! Cho đến một ngày, sự vật vô tri, vô giác như hoa, lá, cỏ cây bỗng cất lời, thì ta vô tình nhận ra: từ rất lâu rồi, con người đã không còn gắn quyện cùng thiên nhiên như trước nữa...
Ngày hôm nay, rong ruổi trên dải thảo nguyên văn chương bạt ngàn hương lời, tôi nghe văng vẳng vọng về thì thầm “Lời của núi” được Cỏ Phong Sương thu lại trong chiếc cát sét của riêng mình. Dịu êm, xếp gọn vào ngăn tủ kí ức, tôi yêu.
Văn nhân Thạch Lam từng chia sẻ về thiên chức của người viết: “Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ”. Thứ “vẻ đẹp man mác” ấy dẫu khuất lấp dưới nghìn sâu hun hút bụi bẩn thì những con người cầm trên tay mình chiếc “bút đời” vẫn gắng gượng mà đào sâu, mà khai thác cho kì được mới thôi. Cỏ Phong Sương ghì chặt cán bút lên tất thảy những yêu dấu từ thuở hoa niên đến khi đã ngắp nghé xế chiều. Chị đặt vào trang viết một giọng điệu quá đỗi chân tình. Có thể nói, lạc vào văn chị, là lạc vào cõi giới tịnh tâm, ôn hoà. Nếu ngờ vực bạn thử thảng qua đôi câu văn này xem:
“Núi bây giờ đã là những ngày cuối hạ, vậy mà ngoài kia nắng vẫn chưa kịp tắt, mưa dùng dằng chẳng muốn bước chân qua. Tuy vậy, những dòng nước mát của biết bao con suối nhỏ nơi thượng nguồn đổ xuống cũng đủ để làm dịu mềm sự oi nồng của nắng hạ chói chang.”
Ba đoạn dạo đầu là ba nét phác thảo bức phong cảnh trữ tình lặng lẽ bên núi rừng. Những tia nắng đan kín nền trời “vẫn chưa kịp tắt” và cơn mưa “dùng dằng chẳng muốn bước chân qua”. Đọng lại trên tản văn là cái níu kéo, muốn hoài giữ mãi mãi từng phút giây mùa hạ. Là nắng, là mưa, hay là tấm lòng người viết văn khẽ gõ cửa? Bởi mỗi cái nắng, cái mưa, mỗi mùa hè trôi qua đều lưu giữ chân tình hằn sâu trên vết đường đi, mà kẻ động lòng nhớ nhung. Tâm hồn ấy đã “hoá động” cho tạo hình của các hiện tượng thiên nhiên. “Nắng”, “mưa” làm sao ý thức được bản thân nghĩ gì và muốn gì huống chi “dùng dằng chẳng muốn bước chân qua”! Vốn dĩ, sự kéo dài miên man không thôi của thời tiết đều được lí giải dựa trên phương diện khoa học. Nhưng với người nghệ sĩ, nhãn quan ấy chuyển dời thành ý vị thơ ngây, thành tâm hồn nhạy cảm. Ánh nhìn trìu mến với vạn vật, khiến nhà văn phút giây nào để mình hời hợt, “ngó lơ”. Thế mới thấy, ngay cả con chữ qua nét mực trữ tình cũng rung rinh rực rỡ như muôn vật chúng sinh.
“Nắng hạ chưa kịp tắt” đem đến “oi nồng” không thể tả. Ấy là bản chất riêng lẻ vốn có tự lâu rồi. May sao, có “dòng nước mát của biết bao con suối nhỏ nơi thượng nguồn đổ xuống” “ làm dịu mềm” đi các nực nội ấy. Tác giả dụng từ vô cùng điệu nghệ: “dịu mềm”. Một từ nghe tựa bàn tay ai mát rượi áp lên bề mặt hừng hực đổ lửa, “nắn” cho “mềm”, “xoa” cho “dịu” lại. Thủ pháp nghệ thuật nhân hoá, nhãn quan nội tâm, chúng tựu chung lại rồi hoá thành dòng văn trôi nổi giữa lòng người lênh đênh.
Tôi ghé ngang đoạn thứ hai, cảm nhận từng giọng gió khẽ lọt vào tai. Ấy là “gió thổi về từ suối”. Gió không đi một mình, mà “mang theo mùi rong rêu, cỏ dại và cả những làn sương mờ ảo”. Bàng bạc hơi nồng thở của đất trời ủ đầu men say cho khách văn. Vì chị cũng là một bậc tu nhân, nên phong cách sáng tác cũng chẳng thiếu bóng hình “những cánh sen quan âm đang vươn mình khoe sắc và toả ngát hương thơm với dáng vẻ thanh tao, tĩnh tại, chẳng dính bụi trần.” Bức ảnh thanh tịnh, an lạc lọt vào chiếc khung cảnh trầm tịch như một nốt thăng phát lên an hoà và nhẹ dịu. Quả là Cỏ Phong Sương!
“Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm...
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm,
Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng.”
(Đi giữa đường thơm)
Đó là thi gia Huy Cận dắt tay ai lang thang quanh đường làng. Cũng là “đường thơm” nhưng tôi nắm tay cùng Cỏ Phong Sương cheo leo trên đường núi chơi vơi. Thấm vào da thịt cái “nhộn nhịp”, “rộn rịp” bởi “người về núi”, “xoá tan vẻ tịch mịch thường ngày” – “nơi có vài thảo âm đã nhuốm màu trầm lặng của những vị ẩn sĩ già, bên triền non hoang vắng.” Không khí đã “nhấn nút” tăng âm lượng một cách bất ngờ. Tiếng sột soạt dưới chân thảng trên tản lá vây kín cung đường, tiếng hàn huyên bên bờ tịch mịch vang lên luôn hồi. Tuy không kể nhắc đến nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được. Cái tài đặc tả quang cảnh cây cối lung linh sắc màu, buột lên trang văn một sợi dây nối kết tâm giao giữa tác giả và người đọc. Không nói mà như nói biết bao điều...
Tôi nhớ mình đã từng nghe một câu nói vô cùng tâm đắc của thi sĩ Tố Hữu, ông viết: “Văn học không phải chỉ là chuyện văn chương mà thực chất là chuyện đời.” Mỗi nhà văn phải chăng cũng tựa bản nhạc mà nhạc sĩ Edua Grigo cất tặng nàng Đanhi – điệu du dương, khơi mang sự phập phồng, rạo rực rồi neo đậu nơi bến người. Những giá trị chân-thiện-mĩ hằn sâu cạnh ý vị văn chương, bao giờ cũng là điều cốt lõi đáng được lưu tâm bởi những cây bút xuất chúng. Có lẽ, Cỏ Phong Sương cũng thấm nhuần triết lý ấy, nên đã đề cập đến vấn đề thời đại ngày nay: môi trường nói chung và tài nguyên rừng nói riêng.
Câu dẫn khai màu bắt đầu bằng một quan hệ từ tương phản “dẫu vậy”. “Dẫu vậy, núi rừng dù có đẹp và thơ mộng đến bao nhiêu thì cũng chỉ là miếng mồi ngon, là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ còn vô minh thèm thuồng chiếm đoạt.” Goethe nói rằng: “Những điều đầu tiên mà thiên nhiên cần vẫn là tình yêu nồng nàn đối với cuộc sống.” Ấy thế mà, đâu phải ai cũng thấu hiểu hết thảy. Người ta "còn vô minh thèm thuồng chiếm đoạt”, người ta vẫn “san đất, phá rừng, làm villa miệt vườn” “để kinh doanh thương mại” đó thôi! Văn sĩ lên tiếng thay cho đất rừng phẫn nộ:
“Vậy mà lại nhân danh cao cả rằng mình là người góp phần làm cho nền kinh tế vùng phát triển hơn lên.”
Ta có thể chia đôi luồng suy nghĩ thành hai hướng: hoặc là do bản thân kẻ phá hoại ham chuộng của cải vật chất mà ra tay chà đạp Mẹ thiên nhiên, hoặc là ngay cả họ cũng chỉ là tay sai của những ý nghĩ và phương thức sai lầm. Dầu là gì, những cái vô tâm, hời hợt ấy cũng đáng để ta bài trừ ra khỏi cuộc đời xinh xắn mình có. Để không một ai trong chúng ta, xót xa nhìn Mẹ mỗi một thêm kiệt cùng tựa những dòng chữ thôi thúc:
“Dạo một vòng quanh núi vào những ngày cuối tuần, đâu đâu cũng thấy bụi, rác, vỏ lon và những túi ni lông nổi lềnh bềnh quanh đập. Thương những cội cây già bao nhiêu năm đứng sừng sững nơi rừng thiêng hoang vắng, nay bị ai đó đốn ngang thân lấy gỗ, xung quanh chỉ còn những cành lá bị dẫm nát, nằm tả tơi, úa tàn trong nắng gió. Mủ từ thân cây tứa ra như những giọt máu, chảy thành dòng loang lổ xuống đất mẹ, những mong được ôm vào lòng để xoa dịu nỗi đau, để được chữa lành. Đâu đó có tiếng kêu thất thanh, như tiếng cầu cứu trong kiệt cùng tuyệt vọng của những con thú lạc bầy, đang cố vùng vẫy ra khỏi chiếc bẫy của người thợ săn, làm vang động cả khu rừng. Bên trên là những con cánh cam, bọ dừa đập cánh bay rợp cả bầu trời, rồi vội vàng mất hút sau những tán lá phía xa xanh. Vài nhánh phong lan ẩn mình sau khe đá rêu mốc kiệt sức tựa vào nhau, thả xuống những bông hoa tím buốt trong một chiều hạ đỏ, man mác buồn hiu. Lũ chim muông cũng bỏ rừng mà đi, tìm những nơi an toàn ở, để hằng ngày không còn sống trong nơm nớp, lo âu. Chúng đi, bỏ lại mình tôi với mảnh hồn như cỏ mọc hoang, nghĩ về một khu rừng uyên nguyên vẫn còn đây, dẫu là trong tâm tưởng. Bỗng thấy thương mấy câu thơ của bác Phạm Tiến Duật vô cùng:
“Cây cúc đắng quên lòng mình đang
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”
Bàn tay tôi nhỏ bé, mà sức người tàn phá thiên nhiên chỉ vì lòng tham và sự vô minh được đắp bồi qua nhiều thế hệ thì lại lớn từng ngày. Cả đời uống ngụm nước của suối, ăn cái măng, cái nấm của rừng. Vậy mà khi rừng bị đe dọa trong đổ vỡ hoang tàn, thì tôi lại chẳng biết làm gì ngoài một mớ hỗn độn, rối ren với những nỗi niềm ưu tư quặn thắt.”
Không phải bao giờ, cái nhìn về vẻ đẹp đều là sự hiển lộ hoàn toàn của đời sống, mà ẩn khuất thăm thẳm, tiếng xé toạc bầu trời xám xịt vẫn còn toạ ngự...
Hồi đầu tác phẩm, Cỏ Phong Sương luôn hướng ngòi bút về phía ánh sáng tuyệt mĩ, nhưng không phải vì thế mà màng giác “người phu chữ” bị che lấp đi. Người như chăm chú nhìn vào từng đường nét, kiếm tìm cái chân thật vô song. Cỏ Phong Sương tận hiến khiến cuộc đời “hiện hình bằng giấy trắng mực đen” (Nam Cao). “Nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” ấy vẫn còn rõ mồn một, nét nguệch ngoạc hiển lộ: “Đâu đâu cũng thấy bụi, rác, vỏ lon và những túi ni lông nổi lềnh bềnh quanh đập.”, “những cội cây già bao nhiêu năm đứng sừng sững nơi rừng thiêng hoang vắng, nay bị ai đó đốn ngang thân”,... Đau đớn, rát xót đến nỗi “mủ từ thân cây tứa ra như những giọt máu, chảy thành dòng loang lổ xuống đất mẹ”, chỉ để mong cầu một niềm “xoa dịu”, một niềm “chữa lành”. Ta nghe như khúc điệu bi ai, thống thiết dội vọng trời xanh từ thiên nhiên. Chúng đang “kiệt sức tựa vào nhau”, chồng chéo nỗi “buồn hiu” “man mác” thả trôi theo “nhành phong lan tím buốt”. Sắc “chiều hạ đỏ” như nhuốm màu phong sương lên muôn loài cây cỏ, càng tô đậm thêm nét hoang tàn, cô lạnh chốn lâm tuyền.
Không chỉ thế, sự lạnh lùng của loài người còn áp đặt lên trên “chim muông què quặt”, “thú rừng hoang dã” những tháng ngày sống hiu hắt. “Tiếng kêu thất thanh, như tiếng cầu cứu trong cùng cực tuyệt vọng của những con thú lạc bầy đang cố vùng vẫy ra khỏi chiếc bẫy của người thợ săn”, “những con cánh cảm, bọ dừa đập cánh bay rợp cả bầu trời”, “lũ chim muông cũng bỏ rừng mà đi”. Dường như chúng muốn thoát khỏi cảnh huống “nom nớp lo âu”. Nhân vật ”tôi” hay chính nhà văn còn buồn tủi với “mảnh hồn như mọc cỏ hoang”. Luyến tiếc, nhớ thương vô hạn. Còn đâu những giây phút tựa mình vào gốc cây xưa mà thì thào cùng mưa. Còn đâu những cuộc trò chuyện không hồi kết cùng mây trăng, gió thanh, nước chảy xầm xì. “Bỗng” – một khoảnh khắc bất chợt ùa về trong tâm tưởng văn sĩ – hai câu thơ của bác Phạm Tiến Duật:
“Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay.”
Hai tiếng “thấy thương”, chao ôi mới đẹp và tình cảm làm sao! Văn nhân trích những tâm tình của Phạm Tiến Duật là để nhắc nhớ ta về đức hi sinh, tấm lòng vĩ đại và cao cả của “cúc đắng” nói riêng và cây cối thiên nhiên nói chung. “Cúc đắng” quên mình đi, quên những đăng đắng trong lòng, “trổ hoa vàng dọc suối” vun đắp nơi sinh sống cho những đàn “ong bay”, để phác nên bức chân dung rực rỡ cho đời, dâng hiến hết tinh túy ngời sáng trong, ươm hương lên những tẻ vị, buồn nhạt. Tác giả vừa thương nhớ, vừa biết ơn, trân quý “quả ngọt lành” mà đất Mẹ ban cho. Một con người toàn tâm toàn tài đến rung lòng!
Những trang văn suốt đời, đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu.
Trải qua nhiều trầm luân, truân chuyên, “người hoạ chữ nghĩa” Cỏ Phong Sương dường như yêu quý mọi vật hơn cả. Chị tung bút lên cao để rồi khi hạ mình trên nền đất, vẫn động vọng theo chân những điệu nhạc buồn, cất tiếng. Chị như nhà khảo cổ “đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”. Văn nhân chưa một lần quên đi trận lũ lụt in tạc vào miền kí ức của đồng bào miền Trung. Khi mẹ Thiên Nhiên tựa hồ quằn quại trong cơn đau buốt, gây nên nhiều cảnh trạng đầm đìa huyết lệ.
“Lũ hung dữ, đổ ào ào những dòng nước đục ngầu, chảy xiết xuống lòng sông dập dềnh rêu rác và củi mục. Lũ cũng cuốn trôi biết bao nhiêu sinh mạng bé nhỏ chảy về xuôi, để lại những làng mạc ven sông xơ xác, tiêu điều.”
Ngòi bút đặc tả , sử dụng biện pháp tu từ nhân hoá một cách thuần thục và điêu luyện, Cỏ Phong Sương cho bạn đọc thấy được mãnh liệt, mạnh mẽ của thảm họa thiên nhiên. Cái “ồn ào”, “chảy xiết”, biến”bao nhiêu sinh mạng” bé nhỏ đi đâu mất, chừa lại “dòng nước đục ngầu” “dập dềnh rêu rác và củi mục” với “những làng mạc vẹn sông xơ xác, tiêu điều”. Nhà ngoại cảm” Cỏ Phong Sương hít lấy hít để những tâm tư, cảm nghĩ nơi rừng thâm uyên vụ, cùng đau cùng cùng xót, cùng “quặn thắt” tâm can tựa bị “cứa nát”, cắt thành từng mảnh rơi vung vãi giữa đường.
Chúng ta nhìn nhận vào vấn đề không phải để chì chiết, giận hờn, ghét bỏ Mẹ đất, Mẹ sông. Vì bởi, Mẹ tạo nên những thảm trạng, cướp đi biết bao sinh mệnh , khiến ta “thấy mình nhoà đi trong nước mắt mặn chát, xót xa”. Mà là biết ăn năn, ân hận về những lầm lỗi khờ dại một thời. Cuộc đời có nhân có quả. Những hành động hôm nay ta làm sẽ là kết quả của ngày mai. Nhìn vào quá khứ lâm vào ai hoài, ta tự kiểm điểm lại bản thân, xem mình đã từng một lần làm thương tổn mẹ Thiên Nhiên hay chưa, khiến Mẹ phật ý, trách phạt. Mỗi người không thể dung túng cho “lòng tham và sự vô minh”, cho việc làm trầy xước từng đoạn ruột ngầm chảy trôi dưới lòng đất. Đoạn văn đặt ta trước tấm gương phản chiếu chính mình, như một cách hoạ lại, từ ấy ta tự chiêm nghiệm, tự biết “cả đời uống nguộm nước của suối, ăn cái măng , cái nấm của rừng” mà nay sinh sôi mấy điều vặt vãnh, vô nhân tính, tổn hại cơ màn nào vốn quý đất trời. Nói như Nguyễn Đình Thi: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở hiện tại chung quanh. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ”.Bài học về sự ghi nhận, trân quý những món quà được trao ban – một điều mà suốt cả đời này, ta không được phép lãng quên.
“Gởi theo gió núi mây ngàn trắng trong
Một áng văn thấu thị cả xám mưa giông lẫn ánh ban hồng.”
Có thể nói, cuộc đời này là tổng hòa của những gam màu đa dạng: khi thì “ sắc mát, non, tơ” khi lại xám ngắt, điêu linh, hoang tàn. Người nghệ sĩ không chỉ hướng mắt về một phía mà còn xoay gót 360 độ để thấu thị tất cả vạn trạng của cuộc đời. Khi nói về những gam màu lạnh lùng nhất, nhà văn đồng thời là “nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” phải đẽo gọt, mài giũa mọi hình tượng, sao cho lúc đọc lên, đều là những giá trị nhân văn-nhân bản-nhân đạo; chèo cõi giới thâm sâu đến với thế giới toàn thiện. Vì lẽ, “mỗi con người sinh ra đều lương thiện, chỉ vì nhập thế quá lâu, trải qua quá nhiều chuyện, tiếp xúc với quá nhiều người, mới không còn từ bi nữa.” (Bạch Lạc Mai) Nhưng chẳng dựa vào đó mà đổ lỗi cho hoàn cảnh, tựa loài sen thơm “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” ấy thôi! Những cốt cách trong sáng, tinh khiết dẫu nương bay theo gió nhiều bặm bụi phàm tục vẫn trở về với bản chất thanh sạch, thuần khiết của nó. Theo cách mà “lũ đến rồi tan, ánh nắng đẹp đẽ kia rồi sẽ nhấn chìm cơn giông bão, để rừng xanh lại trở về với quỹ đạo bình thường vốn dĩ.” Chỉ có điều, sẽ lợn cợn sỏi đá ở góc khuất tâm tối nào âý. "Nơi một người vừa mất bạn” “ngồi ôm trái thông gặm nhấm, lâu lâu kêu lên tiếng gọi sầu bị”. Ừ thì bão lũ, giông tố nào đâu liên miên được mãi. Nhưng bão lòng vẫn còn vần vũ nhiều lắm! Những thanh âm ai oán bộc lên: “Còn đâu nữa những mùa hoa rộn ràng bao sắc lá, những tiếng chim muông nhảy nhót, líu lo, nhộn nhịp cả khu rừng”? Còn vang đâu “trong điệu suối du dương”, “tiếng chim núi hót nhạc rừng nôn nào”? “Bầy sẻ nâu cũng thôi về nơi chái am để nhặt nhạnh những trái ổi đào chín mọng." Thử hỏi, nếu không còn chúng nữa, ta sẽ sống thế nào đây?
“Tôi muốn làm nhà văn chân thật trọn đời
Sét nổ trên người không xô tôi ngã
Giấy bút tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao khắc đá.”
Phải chăng, Cỏ Phong Sương muốn làm một nhà văn như thế? Mang “tràn âm hưởng như chiều thu sóng nắng” lan tràn ra xa khỏi bến bờ. Chị dùng vốn liếng từ ngữ, sắp xếp chúng thành một “đội quân ngôn từ”, chinh chiến qua nhiều mô đất nhấp nhô, vượt qua những nỏ đạn thời gian đang chực chờ nuốt chửng. Để giờ đây, lòng ta an yên vì một “hoà bình” trong thâm tâm. Thứ “hoà bình” ấy lẽ nào là cái “an tâm”, bởi trên đời còn nhiều “mầm thiện”, nảy nở lắm. Những người “gìn giữ rừng cho Trái Đất thêm xanh”, “ăn hiền ở lành”. Những người “chưa bao giờ chặt một cây xanh” “thơm thảo với đời và với mọi vật xung quanh”. Cứ thế: “hương người đức hạnh/ ngược gió khắp tung bay. Cứ thế “rừng sẽ được hồi sinh” và “núi của những tháng năm tha thiết được chữa lành.” “Hi vọng” của Cỏ Phong Sương cũng là tiếng nói chung của toàn thể nhân loại đang sinh sống trên Trái Đất này. Cuộc sống sẽ luôn có những trái tim ấm nóng như thế đấy.
“Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ/ Không trộn lẫn. (Lê Đạt) Cỏ Phong Sương dưỡng dành chiếc “vân chữ” của mình như một mẩu “radium” đắt quý. Tác phẩm Lời của núi là tiếng thì thầm của núi rừng lẫn người viết. Bằng những tài hoa dựng hình cho câu chữ, chuyên nghiệp trong việc”nắm thóp” các loại biện pháp tu từ, bố cục rành mạch, Cỏ Phong Sương đã nâng đứa con tinh thần của mình lên một tầm cao mới, lột tả xác thực vấn đề nhức nhối của thời đại. Qua đó, ta càng thêm yêu, thêm hàm ân mọi “báu vật” trên thế gian này.
Tôi đọc văn chị như đọc hồn tôi
Ngước lên trời cao, nét từ ngữ
Phảng phất vị đời, chất tình thương
Bóng ngày đã tắt, sao chân chưa rời?
Sửa lần cuối: