Nhà Cây duối cổ thụ làng tôi

Nhà Cây duối cổ thụ làng tôi

Không biết cây duối đã bao nhiêu tuổi giời và cũng chẳng biết ai trồng hay nó mọc hoang mà sao nó to và nhiều cành ngang dọc chen nhau trên cây đến thế. Khi cây duối còn thì mỗi lần đi làm đồng về, người dân làng tôi thường ghé ngồi nghỉ dưới gốc cây cho vơi nỗi mệt nhọc. Tụi nhỏ chúng tôi tha hồ chơi ô ăn quan, nhảy lò cò không biết chán dưới gốc cây, có khi lại rủ nhau trèo lên cây vặt hái lá chơi trò chơi bán quán. Đến mùa duối cho quả lại rủ nhau leo lên thưởng thức quả duối chín vàng, căng mọng mật ngọt cùng với lũ kiến càng đen, kiến hôi nữa là đằng khác. Nhưng từ khi cây duối bị ai đó “tống biệt” đi đâu thì dân làng không màng tới nữa. Chỉ tiếc rằng nếu dày công gìn giữ nó có lẽ cây duối nay đã là di sản quý có tiếng làng tôi.

Cây duối cổ thụ của làng tôi sừng sững đứng một mình vững chãi kiên cường bám cánh đồng dẫu cho bão táp, phong ba nhiều năm ghé thăm cũng chẳng làm bật gốc duối được. Thân cây to, khổng lồ tầm cỡ bảy, tám đứa trẻ con chúng tôi vòng lại ôm. Da xù xì, bạc phếch, vỏ dày cộp. Ai đó vô tình dùng dao phay phát một nhát dễ gì vỏ bung ra, chỉ thấy những giọt nhựa trắng ngà đùng đục chảy ra. Tay chạm vào thấy dinh dính keo chặt lại. Nếu để lâu nó đặc sánh lại chuyển sang màu vàng nâu rồi thâm đen. Chúng tôi gọi đó là nhựa cây duối, hễ dán nhãn vở cho sách vở đi học là chúng tôi lại rủ nhau ra xin “cụ duối” ít bỏ vào vỏ mảnh con trai đồng mang về sử dụng.

Gốc cây duối to, gồ lên đủ hình dạng chồng chéo nhau bám sâu vào lòng đất, phơi mình qua bao đời, chịu bao nhiêu đời nay mà cây vẫn xanh tốt. Lá duối xanh màu xanh như lá chè tươi, mặt trước nhẵn bóng còn mặt sau sờ vào nham nhám. Lá duối là khẩu vị mà bò rất thích ăn nhưng trâu thì chê. Chúng tôi thường trèo lên vặt một ít mang về cho mẹ tuốt độ nhớt của con chạch, con lươn đồng. Hình như cây duối không bao giờ thay lá, ít khi mà trên cây rụng hết thì phải. Vì cây ít thay lá nên kiến đen và kiến càng coi đó là nơi ở lí tưởng muôn đời, muôn kiếp của họ hàng chúng. Lúc nào cũng lủng lẳng trên cây, hễ đụng vào thì biết tay với chúng.

Đến mùa ra hoa thì không biết ong mật ở đâu kéo về làm tổ lấy mật, đi ngang qua hoặc nghỉ mát dưới gốc cây thì ai cũng sợ “vũ khí” của loài vật một thời chiến chinh với giặc ngoại xâm. Trẻ con chúng tôi thích trèo lên cây hái những quả duối chín vàng khi vào mùa quả chín, nhấp nháp hương thiên nhiên. Mùa duối chín, quả nhiều vô kể, vàng ươm, từng chùm chíu chít trên cây. Những chùm trên cao không hái được thì chim và dơi tha hồ thưởng thức. Quả duối khi chưa chín màu xanh được bao bọc trong lớp áo có hai cái tay bao ôm lại, dần dần bung quả ra rồi chín vàng, căng mọng nước trông giống như hạt ngô đã già. Từng chùm khoảng bốn đến năm quả phơi mình trong từng nách lá làm cho bọn trẻ chúng tôi khoái chí. Cứ đi ngang qua cây duối ấy là lòng tham bừng lên, ngứa ngáy tay chân cũng ném một khúc cây hay viên gạch lên cây cho chùm duối trên cao kia rơi vài quả xuống đất. Rồi ùa vào tranh nhau, phủi cho cát rơi ra, thưởng thức vị ngọt thơm của hương vị quả duối. Thịt quả duối ngọt và thơm lắm, ăn vào là cứ muốn ăn mãi. Chính vì vị thơm ngọt đã lôi kéo loài kiến đen nhỏ li ti như hạt vừng đến tận hưởng. Chúng rủ nhau chui vào trong vỏ bao của quả hút mật. Chúng tôi không để ý tưởng vội vàng đưa vào miệng, nào ngờ cái môi sưng húp lên.
Quả duối.jpg

(Quả duối chín - Văn Học Trẻ - Ảnh mượng mạng)

Hết mùa quả, cây duối trở lại dáng vẻ hiền lành, một mình sống đơn côi. Cành cây không vươn dài nữa mà thay vào đó là những tán rộng tròn như mâm xôi tựa cây cảnh cổ thụ trông xa đẹp lắm. Thời gian trôi đi và chẳng hiểu sao “cụ duối” quê tôi bị người ta đào rồi lạc vào xứ sở nào không biết. Trái thơm, quả ngọt hồi nào nay chỉ còn trong kỉ niệm xa xôi một thuở. Cây duối một thời ôm trọn tuổi thơ chúng tôi.

Cây duối không còn nữa. Người ta san bằng cái ụ đất trồng cây duối cổ thụ ấy làm thành miếng ruộng cấy lúa, trồng rau. Vẫn bờ mương nước đêm ngày cho dòng nước mát tưới tắm ruộng đồng, vẫn còn cây gạo sót lại đứng ở ngã tư đường làng làm bạn là dấu vết để nhớ, cứ tưởng hồi đó cây gạo bị người ta chặt mất vì quá bé nhỏ so với cây duối. Dấu tích nơi trồng cây duối mà thế hệ chúng tôi thuở những năm thập niên 60, 70, 80 của thế kỉ trước vẫn khắc ghi. Và, mỗi khi đi ngang qua chỗ trồng cây duối ấy, tôi lại thấy một trời tuổi thơ tràn về tiếc nuối không bao giờ quên. Nếu ai đó đố tôi “ cụ duối bây giờ ở đâu?” thì tôi sẽ lảng sang chuyện khác, chứ biết đâu mà trả lời. Một thời xa ấy đã qua làm cho chúng tôi rưng rưng kỉ niệm mỗi khi về thăm quê, niềm dâng tràn thuở ấy thắm đậm tình yêu quê hương.

Bài của Phùng Văn Định
 
Từ khóa
cây duối cổ thụ quả duối
620
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top