Chiến sĩ đặc công phất cờ chiến Thắng trên tầng hai dinh độc lập trưa 30/4/1975

Chiến sĩ đặc công phất cờ chiến Thắng trên tầng hai dinh độc lập trưa 30/4/1975

Hoa Phù Sa
Hoa Phù Sa
CHIẾN SĨ ĐẶC CÔNG PHẤT CỜ CHIẾN THẮNG TRÊN TẦNG 2 DINH ĐỘC LẬP TRƯA 30/04/1975.

Người đầu tiên cắm lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 là đại tá Bùi Quang Thận (SN 1948, quê huyệnThái Thụy, tỉnh Thái Bình) của Lữ đoàn 203 tăng thiết giáp.

Còn người lao lên tầng 2 Dinh Độc Lập, ra ban công phất cao lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm tín hiệu cho bộ đội ta tiếp tục tiến vào Dinh Độc Lập chính là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116 Đặc công Phạm Duy Đô (SN 1950, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

"ĐÁY SÔNG CÒN ĐÓ BẠN TÔI NẰM"
Đối với cựu chiến binh Phạm Duy Đô, đó là điều khiến ông day dứt nhất mỗi khi đến dịp kỷ niệm tháng 4 lịch sử. Từ một thanh niên cao 1,7m lúc nhập ngũ, được chọn vào lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, do vết thương chiến tranh, lại ở vào cái tuổi "xưa nay hiếm", giờ dáng người ông nhỏ thó, lưng hơi khòm, nhưng nụ cười và ánh mắt vẫn ngời sáng.

Cựu chiến binh Phạm Duy Đô bồi hồi nhớ lại: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Miền, Trung đoàn 116 Đặc công gồm 250 chiến sĩ đặc công bộ và nước nhận nhiệm vụ đánh chiếm, chốt giữ cầu Đồng Nai trên hướng xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa.
Theo kết quả điều nghiên của trinh sát báo về, tại khu vực cầu, địch bố trí 4 quả bom tấn đề phòng trường hợp cấp thiết sẽ lập tức kích nổ, phá tan đường tiến của binh đoàn xe tăng quân ta. Chính vì vậy, khi được lệnh giữ cầu, địch vô cùng cảnh giác với lực lượng đặc công nước của Quân giải phóng. Chúng liên tục pha đèn, kiểm soát mặt sông, thấy động tĩnh và nghi ngờ chỗ nào là lập tức nã đạn xối xả.

Trước yêu cầu nhiệm vụ của trên và căn cứ tình hình thực tế, Đại đội trưởng Phạm Duy Đô xác định: Bằng mọi giá phải chiếm, giữ được cầu chờ quân ta từ các mũi tiến vào giải phóng Sài Gòn. Anh đã cùng 2 chiến sĩ của Đại đội 1 mang theo bộc phá, bí mật bơi qua sông phá trạm điện của địch với mục tiêu cắt đứt kíp nổ xa của 4 tấn bom đang ém ở khu vực cầu, một mũi khác cũng bí mật xuôi theo dòng nước đột nhập lên cầu.
Cùng là lính đặc công - lực lượng tinh nhuệ có tài "xuất quỷ nhập thần" khiến quân địch nhiều phen kinh hoàng, nhưng các chiến sĩ đặc công bộ thường rất phục những đồng đội phải tác chiến trong lòng nước giữa vòng vây lưới điện giăng mắc; trong khi cánh "người nhái" đặc công lại nể đồng đội trên cạn, vì nghĩ "mình còn được sông nước chở che, còn các cậu ấy cứ phơi mình trên bộ, dễ trở thành mục tiêu của địch".
Rạng sáng 28-4-1975, ba chiến sĩ Đặc công nước mang theo súng cùng gần 100kg bộc phá, đặt lên chiếc phao buộc vào lưng cùng nhau xuống nước, bí mật bơi sang đầu cầu bên kia. Ba "người nhái" của Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116 Đặc công lặng lẽ vượt hơn 1km không để lại động tĩnh gì, khiến địch chẳng mảy may nghi ngờ. Lên tới bờ, mỗi người với hơn 30kg bộc phá, chia nhau ra các hướng phá thành công trạm điện trong sự ngỡ ngàng tột độ của địch.
Kế hoạch sẵn sàng kích nổ phá cầu thất bại, địch điên cuồng pháo kích về phía 3 chiến sĩ Đặc công. Hai đồng đội đi cùng Đại đội trưởng Phạm Duy Đô anh dũng hy sinh, chỉ còn mình anh may mắn thoát khỏi làn pháo truy kích dồn dập của địch...

CỜ GIẢI PHÓNG TUNG BAY
Đêm 29-4-1975, xe tăng của Lữ đoàn 203 thuộc Quân đoàn 2 đã đến cầu Đồng Nai, trong khi Bộ binh chưa theo kịp tốc độ hành tiến ấy nên Trung đoàn 116 để lại một tiểu đoàn đặc công nước giữ cầu, còn lại tổ chức lực lượng theo xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đến hơn 11 giờ trưa 30-4-1975, đoàn tăng của Lữ đoàn 203 hùng dũng tiến vào Dinh Độc Lập.
Trong số này, 2 chiếc xe tăng số hiệu 390 và 843 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1) tới Dinh Độc Lập đầu tiên. Và Đại đội trưởng Bùi Quang Thận - Trưởng xe tăng 843- đã tháo lá cờ trên tháp pháo để lên nóc Dinh Độc Lập cắm cờ chiến thắng. Ngay sau đó, Đại đội 1 Đặc công của trung úy Phạm Duy Đô cũng vào đến nơi. "Vừa chạy vào dinh, tôi vừa lấy lá cờ trong túi ra. Bất chợt, tôi nhìn thấy một chiếc cán nên cầm theo và gài cờ lên đó, lao lên tầng hai Dinh Độc Lập. Tôi ra ban công phất cờ liên tục để báo hiệu cho quân ta tiếp tục tiến vào" - cựu chiến binh Phạm Duy Đô cho biết.
Ngay sau đó, anh và chiến sĩ Đặc công Phạm Huy Nghệ phát hiện nội các chính quyền Sài Gòn trong phòng họp. Lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 kịp thời tiến vào bao vây toàn bộ. Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau khi miền Nam giải phóng, đồng chí Phạm Duy Đô được phân công làm công tác quân quản ở huyện Thủ Đức, sau đó lập gia đình. Với những cống hiến của mình, ông đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Chiến công hạng Hai, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Hai, Ba... Từ tháng 9 - 1983 đến nay, ông nghỉ hưu, trở về cuộc sống đời thường tại tổ 6, P.Trần Lãm, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Ngày nay, khi đến thăm Bảo tàng Đặc công, đến khu vực trưng bày về Bộ đội Đặc công 1975, du khách thường dừng lại trước lá cờ nửa đỏ nửa xanh cùng với bức ảnh tổ cắm cờ của trung úy Phạm Duy Đô cùng đồng đội ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116 Đặc công. Nghe kể về chiến công thầm lặng của các chiến sĩ đặc công nước và Đại đội trưởng Phạm Duy Đô, các chiến sĩ trẻ của Binh chủng Đặc công vô cùng tự hào về thế hệ cha anh đi trước và càng ý thức hơn về trách nhiệm, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Đông Nam Bộ (cựu chiến binh Đặc công)

NGUỒN : CATP

Ảnh: Đại đội trưởng đặc công Phạm Duy Đô (cầm cờ) trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử. Ảnh: T.L
 
  • FB_IMG_1651276748990.jpg
    FB_IMG_1651276748990.jpg
    25.9 KB · Lượt xem: 106
  • Like
Reactions: Ngu Van
562
1
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.