Thất bại luôn là một nỗi ám ảnh thường hằng trong đời sống con người. Thế nhưng, vượt qua khó khăn thử thách để đạt được những giá trị to lớn của thành công lại là trải nghiệm tuyệt vời và vô cùng quý giá. Vậy nên, Turgot – một nhà kinh tế học người Pháp từng nói: "Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy rồi".
Đề: Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ: "Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy"
Bài Làm Mẫu
Có thể nói, dám hành động, dám chấp nhận thất bại là yếu tố vô cùng quan trọng để đạt được những thành công trong cuộc sống. Turgot – một nhà kinh tế học người Pháp từng nói: "Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy rồi". Đó là một câu danh ngôn vô cùng đúng đắn và đầy cảm hứng nhưng trước hết, để có thể bàn luận cụ thể hơn về câu nói trên, chúng ta cần hiểu "dám bước đi" và "sợ gãy chân" là gì? Theo nghĩa đen, "bước đi" là một hình thức vận động của con người được thực hiện chủ yếu bởi các hệ cơ, xương ở "chân", còn "gãy chân" là một hậu quả có thể xảy ra, gây tổn thương cho người thực hiện hành động "đi". Sâu xa hơn, về mặt nghĩa bóng, "bước đi" được hiểu là hành động làm một điều gì đó, còn "gãy chân" là những thất bại mà ta có thể gặp phải trong quá trình thực hiện mục tiêu của mình. Như vậy, toàn bộ câu nói ấy có nghĩa là nếu như ta không dám làm, không dám hành động vì sợ thất bại thì bản thân chúng ta mặc định đã trở thành một kẻ thất bại rồi. Vì bất kỳ một thành quả nào đạt được trên thế gian này đều cần phải trải qua ba giai đoạn: suy nghĩ, hành động và kết quả. Nếu chỉ dám ngồi một chỗ đắn đo suy nghĩ, chần chừ mà không dám bắt tay vào làm thì sẽ chẳng bao giờ có thể đạt được kết quả. Biểu hiện của những người không dám hành động và sợ đương đầu thử thách rất dễ nhận thấy. Họ thường là những người chỉ dám lên kế hoạch rồi để đó và trì hoãn, luôn kể về những điều mình muốn làm nhưng chẳng bao giờ thực hiện. Hoặc thậm chí, có nhiều người còn không có một mục tiêu cụ thể nào, phó mặc đời mình cho cuộc sống mặc sức đưa đẩy, luôn tránh làm những điều lớn, tránh đi những "con đường" ít người đi và luôn suy nghĩ tiêu cực về thất bại. Một minh chứng rõ nét cho hành động đó là câu chuyện khởi nghiệp của Bill Gate và bạn của ông. Bill Gate không phải người đầu tiên và duy nhất nghĩ ra phần mềm máy tính và khát khao phát triển nó một cách rộng rãi, mà một người bạn học của ông cũng có cùng mong muốn ấy. Nhưng nếu như người bạn kia vẫn đang lo sợ, tính toán về những thiệt hại rủi ro mà mình có thể gặp phải, thì Bill Gate - cậu sinh viên trẻ khi ấy, đã hoàn thiện sản phẩm, hàng ngày đem "đứa con tinh thần" của mình đến gõ cửa từng văn phòng công ty về máy tính thời đó để thuyết phục họ hợp tác. Sau bao lời từ chối và những nỗ lực, ông đã nhanh chóng thành công, thành lập một doanh nghiệp lớn mạnh và mời người bạn khi xưa về làm nhân viên cho công ty mình. Như vậy, việc không dám hành động, sợ khó khăn sẽ khiến cuộc sống chúng ta trở nên ì chệ, cuộc đời ta trở nên vô nghĩa, sẽ luôn cảm thấy cuộc sống thật tối tăm, nhàm chán. Nếu hiện tại chúng ta không chịu nhấc chân lên mà đi thì tương lai sẽ còn khó khăn, còn phải vất vả gấp bội phần, "nếu ta không tự xây ước mơ của mình thì sẽ có người thuê chúng ta xây ước mơ cho họ". Một xã hội có quá nhiều những con người như vậy thì xã hội ấy sẽ trở nên chậm tiến về mọi lĩnh vực, ngập trong những dự thảo, dự kiến, ý tưởng nhưng chẳng bao giờ thành hiện thực. Mặc dù vậy, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người không chỉ có một mục tiêu rõ ràng mà còn luôn dám thực hiện điều đó hàng ngày, hàng giờ, luôn tìm tòi và chăm chỉ mài giũa, luyện tập. Không chỉ vậy họ còn luôn suy nghĩ tích cực về khó khăn, coi thử thách là cách để học hỏi, để tôi luyện và làm đầy "kho" kinh nghiệm của bản thân, từng ngày đạt được rất nhiều những mục tiêu và đóng góp cho xã hội. Tuy vậy, chấp nhận thất bại không có nghĩa là chúng ta sẽ vẫn lặp đi lặp lại sai lầm ấy mà cần phải rút ra cho mình những bài học để sau những vấp ngã ấy, ta sẽ biết cách bước đi vững vàng hơn. Như vậy, mỗi người chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng của hành động và có một cái nhìn tích cực trước thất bại. Đồng thời nhanh chóng bắt tay vào thực hiện những dự định, mục tiêu đã đặt ra. Cuộc đời này rộng lớn, bao la, có biết bao nhiêu điều cần học hỏi, trải nghiệm, nhưng cũng ngắn ngủi, vô thường, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh và đã qua đi rồi sẽ không lấy lại được. Vì vậy, đừng sợ sai, đừng tự giới hạn bản thân vào một cuộc sống nhỏ bé, tầm thường, hãy vươn rộng mình ra, đón nhận lấy những điều tuyệt vời trong cuộc sống này để khi nhắm mắt buông tay, nhìn lại không còn gì hối tiếc. Thất bại cũng giống như việc ăn một trái ớt, dù cay nóng nhưng lại đem đến cho ta trải nghiệm hấp dẫn mà không có bất kỳ hương vị ngọt ngào nào có được.
Các bạn có thể tham khảo các bài viết cùng chủ đề: TẠI ĐÂY