Con mận

Con mận

[Truyện ngắn]

Cái chợ nhỏ tự phát nơi làng quê coi vậy mà nhộn nhịp hết sức. Từ sáng sớm cho đến chạng vạng đều có ít nhất vài ba bạn hàng chồm hổm quây quần với nhau. Người đến mua cũng toàn quen mặt từ làng trên xóm dưới. lúc đầu chỉ là những thứ nhà có, từ rau cải trồng nhiều ăn không xuể, mấy nải chuối, mấy trái dừa, đến vài ba quả trứng, mấy con cá lóc, cá rô… bắt được bằng chài, hay giăng lưới, thả câu. Lâu dần, chú Tám mở luôn cái tạp hóa nhỏ nhỏ, cô Ba đầu làng thì mỗi tuần một lần lên chợ huyện, mua vài ba loại thịt nào bò, heo với mấy loại cá biển chất đầy một tủ đông lạnh để phục vụ bà con. Thế là cái xóm ấy rộn ràng, ấm cúng và no đủ. Người trên kẻ dưới đều thân tình, cởi mở. Nhà nào có việc, từ cưới hỏi đến ma chay, giỗ chạp…là cả xóm có mặt, mỗi người mỗi việc, đâu vào đó, gọn gàng. Con Mận được sinh ra ở đó.

Con Mận nuôi chí thoát khỏi cái nơi khỉ ho cò gáy ấy.

*

* *

Con Mận đi học. Nó học giỏi.

Rồi con Mận được nhận vào làm việc ở một cơ quan, mọi người bảo: Được việc.

Nó luôn biết cách khúm núm trước cấp trên, nên được yêu thương và giúp đỡ nhiều, ai cũng bảo: Con Mận có phước quá!

Con Mận lấy chồng, là một chàng trai cùng cơ quan (có hôn thê rồi nhưng bị đá văng bởi nó) rồi nó sinh một đứa con gái và được nhà chồng mua cho hẳn một cái nhà; bạn bè nhìn nó mà ao ước.

Cứ tưởng cuộc đời của nó sẽ êm ái và hạnh phúc.

Bỗng một ngày, cái mặt nó biến sắc, đổi trắng thành đen, sát khí đùng đùng. Đó là ngày nó lên chức. Cái giọng điệu nhẹ nhàng, dễ thương đâu mất tiêu, thay vào đó là sự chanh chua, ngoa ngữ. Nó đi tới đâu, người ta tránh né tới đó. Bởi đụng phải, nó sẽ nhe cái nanh ra, và “ phập” một phát, nó biến người đó thành cái xác sống.

Nếu không muốn cắn, thì nó sẽ vươn ra cái tay dài thòn lòn, quấn tròn người đó quăng lên không trung, rồi để rơi cái bạch, xong. Ai khiến nó không ưa, vì những lý do rất chính đáng nhé! Giàu hả? Đẹp hả? Xa lánh nó hả? Không thuận ý nó ư?…Mận ngứa mắt, Mận giăng lên những bàn tơ gớm giếc, tạo ra những chiếc đập tay dũng mãnh, nát bét kẻ dám làm Mận ngứa mắt, Mận không ngại “ăn tươi nuốt sống” theo kiểu thời 4.0. Thấy nó từ xa, người ta đã phải rùng mình.

Lạ là, với cấp trên, nó dễ thương hết sức, nó lúc nào cũng dạ thưa ngoan ngoãn, lúc nào cũng xách cặp lẽo đẽo đi theo phía sau, sẵn sàng làm mọi việc mà cấp trên yêu cầu. Con Mận luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Rồi một ngày, cả cơ quan phong con Mận làm “Thứ phi”. Mận cao cao tại thượng. Oai phong, lẫm liệt, quyền lực. Mận cười khinh khỉnh, mãn nguyện.

Từ khi nào, nơi trước đây vốn là một môi trường thân thiện, sôi động và làm việc hiệu quả thì giờ đây nó trở nên u ám, đầy sự bức bối và ngờ vực lẫn nhau. Không còn nụ cười, thay vào đó là những gương mặt đăm đăm, một bầu không khí ngột ngạt, khó thở. Nơi chứa đầy sự ganh đua, đố kỵ, tham lam, lười biếng và hổn độn.

Lần lượt, những cán bộ tâm huyết đã không còn tâm huyết nữa.

Lần lượt, nhiều cái đơn từ chức nằm trên bàn làm việc của ông giám đốc.

Lần lượt, những cán bộ năng lực cũng rời đi, họ chuyển đến nơi khác công tác. Hoặc chọn về hưu trước tuổi.

Gốc bàng già sừng sững, xanh um, bao mùa rợp bóng mát giữa khoảng sân rộng, nơi rôm rả những trận cười sảng khoái mỗi giờ giải lao. Giờ đây, nó rũ xuống mấy nhánh tàn khô, buông thõng những chiếc lá sẫm màu, như rằng bị mấy con sâu đục khoét tự trong thân. Khô cằn, xơ xác.

Rồi con Mận về làng. Về làng để vận động bầu cử. Nó muốn được làm quan. Cả làng chào đón nó. Người già kẻ nhỏ đều lấy làm tự hào, vì có một đứa học cao, làm việc ở Tỉnh được sinh ra ở cái làng này. Con Mận khom lưng cúi thấp trước già làng, cười tươi với trai làng, nhỏ nhẹ với mấy chị gái quê. Rồi xoa đầu đám con nít lắm lem bùn đất, cho tụi nhỏ một túi kẹo. Con Mận trúng cử.

Má con Mận giờ không ra cái chợ chồm hổm đó ngồi bán rau nữa. Bà ấy ra vẻ tân thời lắm, khoác vào người mấy cái đầm mà theo lời bà nói với thím sáu là hàng hiệu gì đó, bà tự hào khoe rằng tiền mua cái đầm này nhà thím sáu đi chợ mua gạo ăn được cả năm. Thím sáu ngẩn người. Còn cái nhà trước đây già làng, trai làng xúm xít dựng lên cho mẹ con nó, mấy thím mấy chị quây quần cơm nước, dọn dẹp hơn mười bửa mới xong. Cái nhà nhỏ xinh ấy giờ không còn nữa. Thay vào đó, là một cái nhà to. Một cái nhà to nhất, đẹp nhất làng.

Con Mận về làng. Nó ngẩng cao đầu kiêu hãnh. Ánh mắt cao ngạo, nó nện gót giày đầy tự tin, đôi giày đắt tiền. Cả làng khinh bỉ nó. Người già trẻ nhỏ đều thấy hổ thẹn về việc nó được sinh ra ở cái làng này. Con Mận với đôi môi đỏ chót chu lên, cất tiếng chào mọi người rất vẻ bề trên, rất ra dáng một bà quan. Và không một ai đáp lại. Đến mấy đứa nhỏ trước đây mừng rỡ khi gặp, giờ cũng quay mặt, chạy ùa đi. Ai cũng bận rộn với việc của mình, bận rộn với mấy bó rau, nải chuối, con cá. Bận rộn giúp đỡ những người xung quanh. Con Mận ngạc nhiên lắm. Nó sa sầm. Nó nghiến răng.

Đêm đó, cái đêm con Mận về làng. Trời tối đen như mực, trời nổi cơn sấm sét, mưa như trút, gió gầm rú.

*

* *

Cái chợ nhỏ tự phát vẫn mua bán từ sáng sớm đến khi chiều ngã bóng. Nhưng, giống như là sau cơn bạo bệnh vậy. Người làng trĩu nặng như có những tảng đá lớn đè nơi ngực. Họ đau đớn nhớ về đôi tay mình, đôi tay lúc bỏ phiếu đã bầu cử cho con Mận. Họ thấy mình như tội nhân. Ai ai cũng trở nên trầm tư hơn, thận trọng hơn. Và, tụi trẻ con được dạy bảo kỹ lưỡng hơn.

Má con Mận lại ra chợ bán rau. Nghe đâu con Mận nó dính vào đường dây mua bán đề thi, điểm thi gì đó, rồi tham nhũng tiền công quỹ, rồi bị bắt.

Ông Mặt trời ló dạng, từ từ nhô cao, đỏ rực, tỏa sáng một vầng hồng bao quanh thật lớn. Ôi! Đúng là bình minh đây rồi. Bình minh nơi làng quê thật đẹp, thật kỳ vĩ và thi vị quá! Bạn hãy ngắm một lần, ít nhất một lần, để thấy yêu biết bao nhiêu xứ xở của mình. Ngày mới đến rồi. Nắng đã lên, rọi sáng những con đường nơi làng quê.
 
331
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top