Em sắp kiểm tra giữa kì, xin cách để khắc phục phần NLXH

Em sắp kiểm tra giữa kì, xin cách để khắc phục phần NLXH

Hôm nay có bạn Ngan Do nhắn tin hỏi mình là: Dạ là hiện tại em sắp ktr giữa kì thì có thể có phần nlxh mà phần đó em còn yếu thì em nên xem lại kiến thức rồi làm nhiều bài tập hay sao ạ?​

tip làm bài nghị luận xã hội.jpg


Trước cái hồi mình đi học cũng yếu phần nlxh lắm á, lúc đó không có ai để hỏi như giờ, sau đó mình ngẫm ra kiểu đề văn này nó thực sự có cấu trúc, em có thể đi theo các bước của nó để làm thì cái đề nào cũng làm được nè. Đầu tiên, mở bài chị ko nói tới nữa nhé. Vào thân bài, việc số 1 là giải thích. giải thích cụm từ chính của cái đề đó. Giả dụ: Bàn về giá trị của định hướng tương lai với mỗi người, thì em phải giải thích định hướng tương lai là gì? / Ý nghĩa của học tập/ quê hương/ nỗ lực với mỗi người, tương tự, em cần giải thích học tập là gì? quê hương là gì? nỗ lực là gì. Sau khi giải thích xong từ khóa, em chuyển qua bàn luận về ích lợi, hoặc ngược lại hoàn toàn là tác hại. Nếu 1 số thứ mà e nhận ra là nó hàm chứa cả mặt tốt mặt xấu thì cần nói cả 2 vế, Giả dụ như: Em nghĩ ntn về xía vào chuyện người khác? Xía vào chuyện người khác là những hành động ntn? (giải thích) - Nó có tác hại gì? (Phần này là bàn luận) - chứng minh bằng ví dụ cụ thể. Em bịa ra một chuyện nào đó để làm nổi bật cái tác hại của nó, nếu từng gặp thì càng tốt, đỡ mất công bịa. Sau đó em nghĩ ngược vấn đề, xen vào chuyện ng khác có thực sự xấu hoàn toàn, nếu có ích thì ích trong trường hợp nào? Giả dụ là chuyện nhà người khác, có người dạy con bằng cách áp lực nên con cái và cực kì để ý điểm số, dẫn tới người bạn/ bé hàng xóm đó luôn tự ti, thì em xen vào chuyện người ta, nói để người ta hiểu ntn? Hoặc em nhận ra sở thích của bạn bè em rất có hại cho cơ thể bạn ấy giả dụ như hút thuốc hay uống nước ngọt quá nhiều.... em có thể tìm cách nhẹ nhàng để xen vào chuyện của họ. Sau đó em dưa ra bàn luận: chuyện gì cũng có mặt tốt mặt xấu, nếu chúng ta xen vào chuyện người khác với thiện ý và cách xen có duyên thì điều đó lại trở thành việc tốt đúng không? Quan trọng nhất là phải sống tốt hơn mỗi ngày, đừng vì thói tò mò cá nhân và suy nghĩ luôn cho mình là đúng xen vào chuyện người khác. RỒi em kết bài. Đại khái là luôn có trình tự: giải thích, bàn luận, chứng minh, phản biện (có hoặc không), đánh giá của bản thân như phần trên chị đã đưa ra.

Nó luôn luôn đi theo cái hướng này và hiếm khi chệch. Thường khác nhau nhất là ở phần phản biện, cái phần này gần như phải có cái nhìn rộng rãi và thấu đáo mới phản bác lại được. Nếu ko phản bác vấn đề thì em phải nghĩ xem cách hành động số ít đi ngược lại với cái tích cực, giả dụ như Bàn về tinh thần yêu nước của nhân dân ta, đa số mọi người xem yêu nước là 1 truyền thống quý báu vậy có ai ko yêu nc ko, biểu hiện thế nào? Đa số sẽ tự nhận mình là yêu nước nhưng có hành động 'phản quốc' mà không tự biết giả dụ như: sính ngoại, chê bai dân tộc nghèo nàn, luôn luôn hỏi khi nào VN mới được như nước họ.... trong khi họ ko nỗ lực, lười biếng không làm điều gì có ích cho đất nước cả, thậm chí tham gia các hội nhóm nói xấu Đảng, chia rẽ dân tộc... Cần mạnh mẽ phê phán những hành động xấu đi ngược đó.

Nói chung là em vẫn nên thử làm 1 số câu nghị luận xh khác để thích ứng theo cái form này để có nhiều kinh nghiệm hơn. Chúc các em học tốt.

Xem thêm 1 số kinh nghiệm viết NLXH của các bạn HSG Văn tại:
Kinh nghiệm học văn
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
kinh nghiệm viết nlxh
707
4
3
Trả lời
Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm viết văn nghị luận xã hội:

Trước hết, bạn cần phải xác định đề bài đưa ra là nghị luận về một hiện tượng đời sống hay nghị luận về một tư tưởng đạo lí. Vì mỗi bài có cách viết khác nhau một chút.

Tiếp đến về mặt hình thức, bạn cần xác đinh rõ đề bài yêu cầu viết bài văn hay đoạn văn. Mình khẳng định chắc chắn rằng, những năm gần đây đề thi về phần nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn (khoảng 200 chữ hoặc 2/3 trang giấy thi). Các bạn chỉ nên viết trong giới hạn của đề thi thôi nhé.

Sau cùng, bạn nên viết thật nhiều để hình thành thói quen viết, giúp cho tư duy phát triển và yêu thích môn viết hơn. Bên cạnh đó hãy đọc những đoạn văn mẫu hay, ghi chép những câu danh ngôn mà bạn cảm thấy tâm đắc vào cuốn sổ tay của riêng mình...

Chúc bạn sẽ đạt điểm tối đa về phần nghị luận xã hội trong kì thi tới nhé!
 

PHƯƠNG PHÁP VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 TỪ​


Bài viết này sẽ chia sẻ kinh nghiệm viết đoạn văn NLXH 200 chữ (câu bên dưới phần đọc hiểu và bày tỏ duy nghĩ của em về vấn đề đặt ra từ phần đọc hiểu đó).

Từ năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi cấu trúc và nội dung môn thi Ngữ văn. Về mặt hình thức, không còn viết một bài văn hoàn chỉnh mà chỉ cần viết một đoạn văn khoảng 200 chữ.

Về mặt nội dung, cũng không còn trình bày suy nghĩ về một vấn đề độc lập mà là một vấn đề có liên quan đến nội dung đoạn Đọc – hiểu.

Dù viết đoạn văn nghị luận xã hội chỉ chiếm hai điểm nhưng để đạt hai điểm trọn vẹn không phải là chuyện dễ dàng. Chúng ta thường cảm thấy viết một bài văn sẽ dễ hơn viết một đoạn văn, chúng ta sẽ lúng túng trong việc chọn luận điểm, luận cứ, dẫn chứng.

Thế nào là một đoạn văn nghị luận xã hội đạt yêu cầu?​

Một đoạn văn nghị luận xã hội đạt yêu cầu phải đảm bảo hai khía cạnh:

Về hình thức: cần nhớ rõ đoạn văn nghị luận xã hội chứ không phải là một bài văn nghị luận xã hội thu nhỏ. Chúng ta cần đảm bảo đúng cấu trúc của một đoạn văn, nghĩa là không được xuống dòng, không được tách thành hai, ba đoạn văn nhỏ. Đoạn văn cũng phải đảm bảo đủ ba phần: mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Với yêu cầu đoạn văn khoảng 200 từ thì chúng ta chỉ cần viết tầm 2/3 trang giấy thi là được, không nên viết dài quá, vừa mất thời gian vừa bị trừ điểm.

Về nội dung: xác định đúng vấn đề cần nghị luận, tập trung bàn vào vấn đề đó, không cần khai thác quá nhiều luận điểm bài sẽ lan man, chung chung.

Kết cấu: chúng ta có thể viết theo bố cục: tổng – phân – hợp hoặc diễn dịch hay quy nạp.

Lưu ý chung: Để làm tốt nghị luận xã hội, điều đầu tiên chúng ta cần chính là kiến thức xã hội sâu, rộng, có một sự hiểu biết nhất định về những vấn đề đạo đức, lối sống hay những sự kiện, hiện tượng đang “nóng”, đang diễn ra hàng ngày quanh ta… Có những hiểu biết đó chúng ta mới bày tỏ quan điểm, thái độ, nhận định cũng như có đủ lý lẽ, dẫn chứng để thuyết phục người khác.

Kĩ năng viết đoạn nghị luận xã hội:​

Xác định yêu cầu đề:
Đọc kĩ đề:
gạch chân những từ ngữ quan trọng, tìm mối liên hệ với nội dung đoạn đọc hiểu để hiểu rõ nội dung cần nghị luận.

Xác định: dạng đề (nghị luận về một tư tưởng đạo lí hay hiện tượng xã hội), đối tượng và nội dung nghị luận, các thao tác nghị luận sẽ sử dụng…

Ví dụ: Cho đoạn văn sau:​

…(1) Một viên sỏi nhỏ cũng có thể làm xáo động cả một vùng nước. Nhỏ thôi, nhưng khi ta biết gieo một điều tốt, sự lan tỏa của nó là gần như không thể giới hạn. Nhỏ thôi, nhưng khi ta làm một điều xấu, tiếng của nó lan xa chẳng gì có thể ngăn được. Người xưa nói; Đừng thấy việc ác nhỏ mà làm. Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm. Khi ta biết tránh làm điều ác, biết gieo mầm thiện, cho dù nhỏ thôi, thì ta cũng có cơ hội để thành người tử tế qua mỗi ngày lớn lên. Như những vòng tròn đồng tâm lan rộng, ta startup cuộc đời mình theo cách nhẹ nhàng và lãng mạn, tỏa lan năng lượng tích cực, tạo nên những con sóng dù nhỏ nhưng có thể đánh động cả tự nhiên để tất cả biết rằng ta đang thực sự sống.

(2) Cuộc sống cũng nhắc ta không ngừng hành động. Ta khởi sự một việc dù nhỏ thì cũng có thể tạo những làn sóng tỏa lan, những vòng tròn đồng tâm nối nhau sống động. Đôi khi ta ném xuống mặt bến sông tĩnh lặng là tâm hồn ta một viên sỏi nhỏ để nhắc mình sống, nhắc những điều tốt cần được thể hiện, nhắc dám đối đầu với những kẻ ác và những hành động không tử tế. Khi còn trẻ là khi ta cần lan tỏa nguồn năng lượng sống tích cực cho người xung quanh, cho bạn bè, cho ánh sáng đẩy lùi bóng tối… (Trích Bay xuyên những tầng mây – Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr.191, 192)

Với đoạn đọc – hiểu như trên thì câu NLXH là: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của việc lan tỏa nguồn năng lượng sống tích cực cho người xung quanh.

Chúng ta tiến hành bước Xác định yêu cầu đề như sau:​

Đọc kĩ đề: đoạn văn trên truyền tải thông điệp làm điều thiện hay điều ác dù nhỏ thôi nhưng nó cũng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Qua đó tác giả cũng khẳng định mỗi việc chúng ta làm, dù nhỏ hay lớn đều có tác động rất lớn đến xung quanh. Bởi vậy làm bất cứ điều gì cũng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt nhấn mạnh chúng ta cần lan truyền những điều tốt đẹp đến mọi người xung quanh. Vì thế chúng ta cần gạch chân những từ ngữ quan trọng, tìm mối liên hệ với nội dung đoạn đọc hiểu để hiểu rõ nội dung cần nghị luận: với đề trên chúng ta cần chú ý các từ ngữ quan trọng là: trình bày suy nghĩ, ý nghĩa bản thân, lan tỏa nguồn năng lượng sống tích cực.

Xác định: dạng đề là nghị luận về một tư tưởng đạo lí, đối tượng và nội dung nghị luận là ý nghĩa của việc lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, các thao tác nghị luận sẽ sử dụng có thể là giải thích, phân tích, bác bỏ…

Làm tốt bước này sẽ giúp các em hiểu rõ vấn đề cần nghị luận, tránh lạc đề, sai đề.

Dẫn dắt vấn đề:​

Tức là dẫn dắt người đọc đến vấn đề mà em cần nghị luận. Nếu dẫn dắt tốt sẽ truyền cảm hứng giúp các em đi vào bàn luận tốt hơn, hơn nữa ngay phần dẫn dắt sẽ phần nào cho biết các em có đi đúng hướng hay lạc đề hay không. Nhưng vì chỉ viết một đoạn văn 200 từ nên phần dẫn dắt không cần quá dài, chỉ nên một đến hai câu là đủ, và nhất định phải giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

Ví dụ: Với đề trên ta có thể dẫn dắt như sau: Cuộc sống luôn tồn tại những khó khăn, thử thách; vì thế chúng ta cần luôn có thái độ lạc quan, yêu đời để có thể vững bước. Nhưng chỉ mình chúng ta chưa đủ, đôi lúc chúng ta cũng cần phải lan tỏa nguồn năng lượng sống tích cực cho người xung quanh.Vì việc đó thật sự có ý nghĩa.

Bàn luận vấn đề:​


Dàn ý chung:

Giải thích:
giải thích khái niệm, hình ảnh, câu nói từ đó suy ra nội dung, ý nghĩa vấn đề mà đề yêu cầu. Với đề trên chúng ta cần giải thích : Năng lượng sống tích cực: có thể hiểu là những suy nghĩ, hành động, thái độ sống tích cực, lạc quan của mỗi cá nhân đối với các vấn đề trong cuộc sống. Tạo ra năng lượng sống tích cực, để lan tỏa đến những người xung quanh là việc làm hết sức có ý nghĩa và cần thiết.

Phân tích – chứng minh: tìm cách đặt câu hỏi vì sao? Lí giải biểu hiện? Nguyên nhân?... để từ đó giảng giải, làm rõ bản chất vấn đề.

Với đề trên, chúng ta cần tập trung phân tích - Ý nghĩa khi lan tỏa năng lượng sống tích cực. Muốn làm rõ điều đó chúng ta cần chỉ rõ việc lan tỏa lan tỏa năng lượng sống tích cực đối với bản thân sẽ giúp ta luôn cảm thấy lạc quan, yêu đời, dễ dàng vượt qua được mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Đối với người xung quanh: Khi lan tỏa năng lượng sống tích cực đến những người xung quanh sẽ giúp họ có niềm tin vào cuộc sống và vượt qua thử thách; Không chỉ vậy, năng lượng tích cực khi được lan tỏa sẽ khiến cho cộng đồng sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn; Năng lượng tích cực sẽ tạo nên một xã hội vững mạnh, văn minh và nhân ái.

Dẫn chứng: với yêu cầu của một đoạn văn 200 chữ các em không cần phải dẫn quá nhiều dẫn chứng hoặc kể lể dài dòng… Dẫn chứng không nên quá cũ cũng không nên quá mơ hồ, càng gần thời đại càng tốt. Với đề trên tốt nhất là các em nên lấy dẫn chứng từ những con người, việc làm xung quanh chúng ta, nhỏ bé, bình dị nhưng đủ sức lan tỏa (những bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid, ước mơ của Thúy…) thì bài sẽ sâu sắc và đủ sức thuyết phục.

Bàn bạc mở rộng vấn đề: ở phần này chúng ta cần đánh giá vấn đề cần nghị luận tức là chỉ rõ vấn đề đúng hay sai, đồng tình hay không đồng tình, đưa ra giải pháp… từ đó chúng ta có thể đưa ra phản đề (phê phán, bác bỏ những vấn đề ngược lại), để cuối cùng chúng ta rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

Với đề trên, chúng ta cần đồng tình việc lan tỏa những năng lượng tích cực là vô cùng cần thiết. Nhưng không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng ép mình phải vui vẻ, giả tạo hay che đậy cảm xúc thật của bản thân… Và dù thế nào hãy luôn nhớ giữ thái độ sống lạc quan, yêu đời; Luôn ghi nhận và khen ngợi trước những thành tích người khác đạt được; Luôn mỉm cười, sống thân thiện, chan hòa.

Tóm lại, nghị luận xã hội là thể văn hướng tới phân tích, bàn bạc các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội. Đoạn nghị luận xã hội chú trọng việc bày tỏ quan điểm cá nhân, nên chúng ta rất khuyến khích các em sáng tạo trong cách nghĩ, cách viết, bộc lộ cá tính… Nhưng cần nhớ sự sáng tạo, khác biệt vẫn phải dựa trên lí lẽ, căn cứ xác đáng với một thái độ chân thành, phù hợp với chuẩn mực xã hội. Bởi lẽ mục đích cuối cùng của nó là tạo ra những tác động tích cực đến con người và các mối quan hệ xã hội, giúp chúng ta ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Vì thế khi làm bài các em nên chú ý lan tỏa những thông điệp tích cực, tốt đẹp.

Thạc sĩ Nguyễn Huyền Nga​

Gần đây chúng mình đã chia sẻ rất nhiều phương pháp làm bài văn nlxh và thêm một bài này nữa để giúp các bạn có nhiều nguồn tài liệu hơn giúp đỡ các em làm bài tốt hơn.
 
  • Like
Reactions: Ngu Van

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.