Gia đình trong thơ Bằng Việt

Gia đình trong thơ Bằng Việt

Nhà thơ Bằng Việt: "Gia đình có gì tôi đã đưa hết vào thơ rồi!"

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm,
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa…"

Chắc hẳn ai đọc lại những câu thơ trên đều sẽ nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu, về thuở học trò không thể nào quên. Đó chính là những câu thơ mở đầu trong bài thơ “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt.

* Mang hơi thở công nông binh.

Bài thơ "Bếp lửa" được viết năm 1963, lúc nhà thơ Bằng Việt đang học năm thứ hai tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev (Ukraina, hồi đó còn thuộc Liên Xô).

Nhà thơ Bằng Việt kể lại. “Những năm đầu theo học Luật tại đây tôi nhớ nhà kinh khủng. Tháng 9 ở bên đó trời se se lạnh, buổi sáng sương khói thường bay mờ mờ mặt đất, ngoài cửa sổ, trên các vòm cây, gợi nhớ cảnh mùa đôngở quê nhà. Mỗi buổi dậy sớmđi học, tôi hay nhớ đến khung cảnh một bếp lửa thân quen, nhớ lại hình ảnh bà nội lụi cụi dậy sớm nấu nồi xôi, luộc củ khoai củ sắn cho cả nhà”.

Trong hoàn cảnh đó nhà thơ Bằng Việt nhớ lại thói quen bao nhiêu năm của bà; những kỷ niệm ấu thơ như một cuốn phim cứ lần lần hiện lại, từ những năm nhà còn nhỏ xíu, đi tản cư kháng chiến, rồi xa hơn nữa, là thời cả gia đình ông từ Huế đi ra Bắc trên chuyến tàu gần như cuối cùng trước thời tiêu thổ kháng chiến. Nhà thơ Bằng Việt thú nhận: “Tôi chẳng nhớ được gì ngoài tiếng hú còi tàu và tiếng chim tu hú kêu khắc khoải. Rồi lại cũng tiếng chim tu hú ấy vẫn kêu suốt những mùa vài chín dọc những triền sông và bờ đê của cả vùng quê tôi”.

Tất cả những điều đó đã gợi cảm hứng cho nhà thơ Bằng Việt viết nên bài thơ “Bếp lửa”. Ông nói: “Bếp lửa” của tôi được đưa vào giảng dạy trong nhà trường có lẽ cũng bởi nó mang tính khái quát và tiêu biểu cho một lớp người trong cuộc kháng chiến ngày ấy. Bài thơ là một câu chuyện thật về những nhân vật có thật, ngôn ngữ không cách điệu mà nôm na, bình dân, nhưng không tự nhiên chủ nghĩa và khác hoàn toàn với ngôn ngữ thơ mới lúc bấy giờ, hay nói cho đúng hơn là bài thơ mang hơi thở công nông binh".

* Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy là chuyện thật!

Sau khi ra Bắc, cụ thân sinh nhà thơ Bằng Việt thoát ly lên Việt Bắc tham gia kháng chiến, mẹ tham gia hội phụ nữ, nhà chỉ còn hai anh em. Có thời gian, cụ về quê phụ giúp nghề chở xe ngựa để nuôi gia đình. Chi tiết này về sau nhà thơ cũng đưa vào bài thơ "Bếp lửa", mà nhiều bạn cứ tưởng là hư cấu:

"Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay".

Nói đến câu thơ “Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”, bỗng nhiên ông buồn buồn. Ông giải thích: “Nhiều người sau khi đọc đến câu thơ này gọi điện cho tôi hỏi: “Ông có bịa không đấy vì nhà ông làm gì đến nỗi ông cụ đi “đánh xe khô rạc ngựa gầy”, hay ông giả vờ nghèo, kể khổ để mọi người phải thông cảm cho gia đình ông? Tôi khẳng định với họ rằng chẳng việc gì phải bịa hay cách điệu hoàn cảnh để xin mọi người thông cảm cả. Gia đình tôi có gì tôi đã đưa hết vào thơ rồi”.

Nhà thơ kể tiếp: “Bố mẹ tôi ở trong Huế 18 năm và sinh tôi trong ấy. Sau khi cách mạng bùng nổ, cả nhà chuyển ra Bắc, tản cư về một vùng quê ở chân núi Ba Vì – Hà Tây. Bố tôi chưa có việc gì làm cho dù ông là một trí thức ngành luật. May sao trong lúc khó khăn đó bác tôi có cỗ xe ngựa chuyên chạy tuyến Phùng (Đan Phượng, Hà Tây) đi Hà Nội nên bố tôi nhận lời mời của bác đi phụ xe kiếm tiền nuôi gia đình. Những năm gian khổ ấy, người còn đói nữa huống hồ ngựa nên chuyện tôi nói trong thơ “Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy” không có gì là sai hay cường điệu hoàn cảnh cả”.

Rất nhiều chi tiết, cứ tưởng như ngẫu nhiên, đến khi tập họp lại, tự nhiên lại như những nét chấm phá để hình thành nên cả một khung cảnh, cả một không gian sống, thậm chí làm nên cái nền chân thật, sinh động cho cả một thời. Từ đó nhà thơ chỉ còn có việc dựng nên trên cái nền ấy một hình ảnh xuyên suốt, hình ảnh đã được điển hình hoá và phổ quát hoá, từ bà nội thực của mình trở thành bà nội của bao người khác, thành biểu tượng một người bà, người mẹ hậu phương tận tuỵ, hy sinh, làm chỗ dựa cho con cháu, làm điểm trụ vững chắc ở phía sau để làm yên lòng những người ra tiền tuyến.

“Bếp lửa” sau khi “bay” từ Nga về ngay lập tức được nhà thơ Khương Hữu Dụng chọn đăng trên báo Văn nghệ, số tháng 9 năm 1963. “Bếp lửa” cũng chính là bài thơ đầu tiên ông đổi bút danh từ Việt Bằng thành Bằng Việt (tên thật của ông là Nguyễn Việt Bằng) và là bài thơ thứ hai được đăng báo sau bài “Qua Trường Sa” – Báo Văn nghệ năm 1961.
*
Thơ của nhà thơ Bằng Việt được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông có 3 bài, đó là “Về Nghệ An thăm con” lớp 7 cũ, “Mẹ” lớp 4 cũ và “Bếp lửa”. Nhưng sau này cải cách SGK, hai bài: “Về Nghệ An thăm con” và “Mẹ” không còn “hợp gu” nên đành phải “loại”. Còn với “Bếp lửa” thì có lẽ dù có “cải cách chương trình” đến cỡ nào thì người ta cũng không thể bỏ đi những câu thơ giản dị, chân thật và nồng đượm như những kỷ niệm bên bếp lửa với người bà của mình.

Nhà thơ Bằng Việt tâm sự: “Trong cả hai cuộc kháng chiến, chống Pháp và chống Mỹ, có lẽ vai trò của những người bà, người mẹ, người chị... như thế là không có gì thay thế nổi. Và có thể nói không ngoa rằng chính những con người hiền hoà, nhân hậu, khiêm nhường ấy đã cùng nhau gánh cả cuộc kháng chiến lên trên đôi vai gầy guộc, bé nhỏ của mình. Tôi tự hào dù chỉ làm được một chút gì an ủi những năm đằng đẵng vất vả, dài dặc ấy của bà, như tiếng chim tu hú cộng hưởng với nỗi cô đơn lo toan của bà, gắng làm cho bà được nhẹ nhõm hơn.

Nhà thơ bồi hồi đọc lại khổ cuối bài thơ:
"...Giờ cháu đã đi xa
Có ngọn khói trăm tàu
Có niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng khi nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?"

Theo Yên Khương
 
Từ khóa
bà nhóm bếp bằng việt bếp lửa chim tu hú kháng chiến nha tho
615
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top