“Điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu”.

“Điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu”.

Đề bài: Suy nghĩ của em về ý kiến của Oliver Wendell Holmes: “Điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu”.
Bài làm
Tương truyền rằng, có một vị đại thần của vua Solomon đã dâng lên cho ngài một vật “khiến kẻ trên cao phải khóc và người thấp hèn phải cười”. Đấy là chiếc nhẫn có khắc dòng chữ: “Điều này rồi cũng sẽ qua đi”. Quả đúng như thế, nhà vua bật khóc, vì ngài nghĩ rằng, ngai vàng này đây, của cải quyền quý cao sang này đây, tất cả rồi cũng sẽ qua đi, sẽ phôi pha, theo chân ngài trở về cát bụi. Thật vậy, vì tất cả rồi cũng qua đi, ngai vàng rồi cũng sẽ biến mất,vị trí nào cũng thành cát bụi, nên con người cần tìm một đích đến cuối cùng thật sự có ý nghĩa, để dâng hiến những gì tốt đẹp cho cuộc đời này, lưu bóng hình mình trong tim mọi người, như chính Oliver Wendell Holmes đã từng chiêm nghiệm: “Điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu”.
Đừng hài lòng với những vị trí mà chúng ta đạt được trong cuộc sống, mà hãy sống hết mình, cống hiến hết mình, tỏa sáng hết mình để chạm đến “đích đến cuối cùng của chúng ta”. Đích đến ấy, có thể hiểu là khát vọng sống, khát vọng cống hiến những gì tốt đẹp nhất, quý giá nhất cho cuốc đời. Đích đến ấy, phải chăng cũng là mục đích sống, là lý tưởng sống mà chúng ta đang ngày ngày nỗ lực để đạt được. Đích đến ấy còn là những ước mơ, những hi vọng, những hoài bão ấp ủ trong tim ta, để ngày ngày ta sống, tim ta đập, những ước mơ, hoài bão ấy ngày ngày càng nhiệt huyết, càng sục sôi. Đích đến của mỗi người đều khác nhau. Đích đến của một chàng sinh viên vừa thi đậu đại học có thể là một tấm bằng cử nhân sáng giá, để có công ăn việc làm giúp đỡ và cảm ơn công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ suốt mười hai năm anh đi học. Đích đến cuối cùng của bác sĩ là làm sao để cứu sống bệnh nhân. Đích đến của mỗi người cho dù khác nhau nhưng đều có một điểm chung: tất cả các đích đến ấy đều tốt đẹp, đều có ích cho cuộc đời. Thế nên, thông điệp mà tác giả đưa ra là: Đừng hài lòng với vị của mình trong cuộc sống, hãy có cho mình một mục đích cuối cùng tốt đẹp, tích cực
Câu nói của Oliver quả là một hồi chuông cảnh tỉnh những ai đang mù quáng theo đuổi vị trí cao sang, là niềm động lực to lớn và giá trị cho những con người dám khát vọng, dám theo đưởi ước mơ, hoài bão, những đích đến cuối cùng mà mình đặt ra.
Vậy tại sao “điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu”? Đầu tiên, những vị trí nhất thời mà ta đạt được, xét cho cùng, cũng chỉ là những vị trí tầm thường, chỉ có nghĩa đối với cá nhân mỗi người. Còn đích đến cuối cùng ấy không chỉ của riêng mình ta, mà đó còn là đích đến cuối cùng của cộng đồng, của xã hội. Thế nên, khi ta nỗ lực để thực hiện mục đích cuối cùng của mình, tức là đang góp một phần tài năng và trí tuệ của mình vào hoài bão chung, khát vọng chung của mọi người. Khi ấy, chức danh, vị trí của mỗi người không còn quan trọng nữa, chỉ có “đích đến cuối cùng của chúng ta” mới thật sự giá trị. Albert Einstein quả thật đã rất đúng đắn khi cho rằng: “Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng quý”. Mẹ Teresa đã dành suốt 40 năm cuộc đời của mình để chăm sóc cho người bệnh, trẻ em mồ côi, người khuyết tật và thậm chí cả người già cơ nhỡ. Dù nắm trong tay vị trí cấp cao trong dòng lãnh đạo Thừa sai Bác ái nhưng mẹ vẫn vô cùng gần gũi, yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh, mẹ không bao giờ ra vẻ của một người lãnh đạo độc đoán. Phải chăng, bằng chính hành động vị tha, thương yêu và bao dung với tấm lòng nhân hậu của mình, mẹ đã khẳng định rằng điều quan trọng đối với mẹ không phải là vị trí lãnh đạo cao cấp ấy, không phải là chức danh quan trọng ấy, mà là đích đến cuối cùng của mình- trở thành một vị nữ tu với tấm lòng nhân hậu cao cả, bao dung, sống hết mình vì mọi người. Tình yêu của mẹ Teresa giống như những cơn mưa mát lành đã mang hạnh phúc đến những vùng đất khô cằn thiếu vắng tình yêu thương.
Bên cạnh đó, những vị trí mà ta đạt được chưa hẳn đã mang lại cho ta một nguồn động lực mới hay một quyết tâm, mục tiêu mới. Những mục tiêu ấy, quyết tâm hay động lực to lớn ấy chỉ có thể tìm thấy được khi ta có một đích đến tích cực, một khát vọng và hoài bão vô cung thiết thực và to lớn. Giáo sư Ngô Bảo Châu-nhà toán học Việt Nam, người đầu tiên nhận được giải thưởng toán học FIELDS danh giá. Dù chỉ mới ở độ tuổi 35, Ngô Bảo Châu đã trở thành một giáo sư toán học, trực tiếp giảng dạy ở trường đại học ở Paris, vị trí của Ngô Bảo Châu hiện thời là niềm mơ ước, ngưỡng vọng của bao người. Thế nhưng, Ngô Bảo Châu vẫn không màng đến vị trí, chức danh giáo sư của mình mà luôn theo đuổi đích đến cuối cùng của mình chính là được giáo dục các thế hệ học sinh, sinh viên và củng cố cho các em tình yêu với bộ môn Toán. Người thầy ấy vẫn đang cống hiến hết mình để đạt đến mục đích giáo dục cao cả, tích cực. Từ giảng đường Đại học cho đến những lớp học tình thương ở vùng sâu vùng xa, bóng dáng của người thầy trẻ tuổi vẫn luôn hiển hiện cùng khát vọng cống hiến sức trẻ và tài năng của mình để giảng dạy cho các thế hệ học sinh sinh viên có một tương lai tươi sáng. Quả thật, đích đến cuối cùng mà thầy đặt ra đã tiếp thêm cho cả chính thầy và trờ một ngọn lửa đam mê toán học, một nguồn động lực to lớn trong hành trình dạy và học, một quyết tâm chinh phục được ước mơ học vấn cao cả của mình.
Vậy, làm thế nào để ta có thể cảm nhận rằng “điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu”? Một con người hiểu được điều đó phải là một người không màng danh lợi và đủ khôn ngoan để hiểu rằng những vị trí mà ta đạt được hôm nay phần lớn là nhờ chính sự nỗ lực của chính mình trên con đường chinh phục “đích đến cuối cùng của mỗi người”. Để làm được điều đó, mỗi người chúng ta đều phải tự mình xác định đích đến của mỗi các nhân là gì và phải đủ vị tha để hiểu, đích đến ấy có thật sự tích cực và có lợi cho cộng đồng hay không. Để xác định cho mình mục đích cao cả ấy, ta phải có đủ tự tin và bản lĩnh để đương đầu với những khó khăn trong cuộc hành trình chinh phục và chạm đến “đích đến cuối cùng” ấy.
Lời nhận định của Oliver không hàm ý chúng ta cần phải phủ định sạch trơn những vị trí mà ta đạt được. Điều đấy không có nghĩa là chúng ta không trân trọng vị trí của mình đang có. Bởi mỗi trải nghiệm đều làm nên chúng ta hôm nay. Bên cạnh đó, đôi khi những khó khăn bất trắc của cuộc đời lại đến từ những địa vị bị hạn chế, buộc ta phải có trong tay một vị trí đủ tốt để chạm đến “đích đến cuối cùng”. Những vị trí mà ta đang sở hữu dù không quan trọng nhất nhưng vẫn rất cần thiết, đấy chính là lợi thế để ta có thể xác định được ước mơ, hoài bão và mục đích chung tốt đẹp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Đáng buồn thay, vẫn có rất nhiều bạn trẻ mải mê đắm chìm trong việc kiếm tìm danh vọng mà quên đi việc xác định cho mình một mục đích sống tốt đẹp và chưa đặt ra cho mình một “đích đến” tích cực để hướng đến. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều bạn trẻ dù đã xác định được khát vọng, hoài bão cho cuộc đời mình nhưng lại quá mộng mơ, không đủ thực tế để tìm một vị trí đủ tốt để thực hiện ước mơ, vô tình để cho “đích đến” ấy ngày càng khó khăn, xa vời và khó có thể đạt được, dần dần chìm vào quên lãng một cách uổng phí. Thế nên, các bạn trẻ ấy cần nhận được sự góp ý, san sẻ của những người xung quanh, làm sao để có được vị trí tốt trong cuộc đời lẫn đích đến tích cực, tốt đẹp, có ích cho mọi người xung quanh.
Con người quả thật có rất nhiều “đích đến cuối cùng”. Nhưng tôi thì còn quá nhỏ để chiêm nghiệm và nhận ra điều ấy. Thế nên, đích đến gần nhất và mới nhất của tôi là trở thành học sinh lớp chuyên văn vào năm học cấp ba. Có lẽ, đay cũng là hoài bão của bao bạn học sinh yêu văn khác. Chúng tôi có chung một hoài bão, một ước mơ, một hy vọng và có chung cả một vị trí xuất phát. Để chạm gót chân mình đến đích, tôi phải không ngừng nỗ lực và xem đây là một cuộc chạy đua thần tốc. Để làm được điều đó, tôi phải có đủ kiên nhẫn và bản lĩnh để đủ sức vượt qua những khó khăn, cản trở như những con điểm kém, sự tự ái… trên hành trình đến đích. Thế nên, tôi sẽ ngày ngày tiến bước bằng cách đi thật vững-trau dồi thêm cho mình kiến thức văn mới, đọc thật nhiều sách báo để có thêm dẫn chứng và tư liệu. Như bao người khác, tôi cũng không thể tự mình đến đó, tôi cũng cần những bàn tay dìu dắt của thầy cô cha mẹ, những lời góp ý, khuyên bảo, những con điểm, những điều răn đe, dặn dò của họ sẽ là động lực giúp tôi bước tiếp trên con đường đó.
Điều này rồi cũng sẽ qua đi… Thật vậy, cuộc sống này rồi cũng sẽ phai mờ, trở về cát bụi. Để in dấu trong tim mọi người, có người chọn những vị trí cao để họ ngưỡng vọng và tôn kính, nhưng có người lại nỗ lực dâng hiến sức mình vì mục tiêu chung, để chinh phục những “đích đến” tốt đẹp mà họ đặt ra. Còn bạn, bạn chọn một vị trí cao để họ ngước nhìn hay chọn một đích đến đẹp để họ đồng cảm và yêu quý?
VŨ MINH PHƯƠNG
CỰU HỌC SINH LỚP CV1
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ HỒNG PHONG
#suutam
1666587786451.png
 
Từ khóa Từ khóa
nlxh nỗ lực đích đến
  • Like
Reactions: QuangNhat
5K
1
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.