Khối 11: Bàn luận về chủ đề "sống chậm"

Khối 11: Bàn luận về chủ đề "sống chậm"

Họ và tên: Lê Nhật Minh
Năm sinh: 2004
Tên trường: THPT Nguyễn Thị Minh Khai
Tên lớp: 12A6
Quận: 3, TP. Hồ Chí Minh
Nội dung:

CHẬM HƠN ĐỂ... NHANH HƠN
________

Có một câu chuyện mà trước đây tôi có dịp được nghe thầy giáo mình kể mà có lẽ bạn cũng đã từng được nghe thấy:
Một người nông dân đã đánh mất chiếc đồng hồ của mình trong trang trại. Ông nhớ ra mình chỉ để xung quanh trong kho trại nuôi gà nhưng kiếm mãi không thấy. Một phần vì đó là chiếc đồng hồ mà người vợ quá cố đã dành tặng nên ông vô cùng trân trọng nó mặc dù không đáng giá bao nhiêu tiền nhưng nó mang nặng ân tình của ông đối với vợ.

Ông lão treo thưởng cho những đứa trẻ nào kiếm được chiếc đồng hồ vô giá ấy nhưng đáng tiếc thay chẳng có đứa trẻ nào đủ nhẫn nại để làm ông vui lòng. Người nông dân ấy quyết định từ bỏ và không tìm kiếm nữa, bởi lẽ chỉ vô ích thôi.

Một lúc sau, có một bé trai chạy đến và xin ông cho cháu cơ hội, ông đã đồng ý cho bé trai đi tìm lại một lần nữa. Và kì thực, đúng như ông mong đợi, đứa bé chạy ra và cầm trên tay đúng là chiếc đồng hồ mà ông đã làm mất.
Các bạn có đoán được vì sao mà đứa trẻ có thể làm được điều đó không?

Người nông dân vui mừng lắm nhưng điều đó cũng làm ông tò mò vì sao cậu quyết định tìm lại mà không từ bỏ? Cậu bé trả lời một câu mà khiến ông ngộ ra được nhiều điều:
“Cháu đã không làm gì cả, chỉ ngồi im để bắt đầu lắng nghe. Trong thời gian im lặng đó, cháu đã nghe thấy tiếng kim giờ, kim phút, kim giây chạy. Từ đó, cháu lần theo tiếng đồng hồ và đã tìm ra nó.”

Bài học muốn chỉ ra rằng cậu bé tuy còn nhỏ nhưng thật thán phục với nhận thức của cậu: chỉ cần ngồi im và thật sự lắng nghe để muôn loài hồi đáp. Ta thường hay gọi đó là nghệ thuật “sống chậm” để hiểu được và cảm nhận cả bằng trái tim và tinh thần. Nhưng tôi xin phép không gọi đó là nghệ thuật “sống chậm” mà gọi theo cách hiểu của tôi, đó là “nghệ thuật không làm gì cả”

NGHỆ THUẬT KHÔNG LÀM GÌ CẢ

Mỗi ngày, tôi tin chắc ai cũng bận với hàng tá công việc: nào là mạng xã hội, nào là máy vi tính, nào là học online và vô số những chuyện lặt vặt khác,.... Nhưng ngẫm lại, các bạn đã bao giờ nhận ra những công việc như lướt facebook, instagram một chút đã trở thành một tiếng bao giờ chưa? Chúng ta thường có thói quen thỏa hiệp với những điều dễ chịu mà trong tâm lý học người ta hay gọi đó là vùng an toàn (comfort zone) và khó chấp nhận những cảm giác khó chịu xung quanh, được gọi là vùng sợ hãi (fear zone). Chúng ta có xu hướng thích làm những việc nằm trong tầm kiểm soát hơn là việc mà khiến ta trong tâm thế sợ hãi. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ để bạn cảm thấy mình đang nằm trong vùng an toàn nhưng vẫn làm được rất nhiều việc, mà tôi gọi đó là nghệ thuật “không làm gì cả.”

Cứ mỗi tuần, hoặc thậm chí là mỗi ngày, tôi thường dành một khoảng thời gian nhất định để không làm gì cả. Đối với tôi, không làm gì cả không đồng nghĩa với việc không làm gì và để mặc đời muốn như thế nào cũng được. Việc tôi nhắc lại nhiều lần về cụm từ “không làm gì cả” là để nhấn mạnh rằng không làm gì mà tôi nói đến chính là để mình được an yên trong chính suy nghĩ của bản thân. Sống chậm một chút để cảm nhận được nhịp đập của con tim, thú thật tôi chưa từng màn đến phần “con” bên trong mình đã phải trải qua những điều gì, có mệt không khi mỗi lần mình tự hành xác bằng việc thức khuya nhiều đến thế. Rồi cũng sẽ cảm thấy có lỗi với chính những giác quan bên trong mình. Khi áp dụng nghệ thuật này, tôi cảm thấy mình được nghỉ ngơi đúng nghĩa, dành thời gian cho những việc bổ ích như đi dạo quanh nhà, được vận động tay chân nhiều hơn và được làm món ăn mình yêu thích.

Và chắc chắn khi làm những công việc như thế, suy nghĩ của tôi phải ở mức tĩnh lặng nhất có thể, “làm mà như không làm.” Mỗi ngày trôi qua, ta có hàng trăm suy nghĩ cứ lặp đi lặp lại mà hầu như đa số đều là những luồng suy nghĩ vô ích đi ngang qua, là những câu hỏi “hôm nay ăn gì”, “làm sao để chiều lòng mọi người”, “có cách nào để gây ấn tượng với ai đó không”. Hễ khi có những khoảng trống là ta lại tiếp tục với những suy nghĩ ấy hoài không chán.

Giữa nhiều bộn bề của cuộc sống, ta phải chật vật với nhiều nỗi sợ để đừng đánh mất đi bản lĩnh sống của chính mình. Vì theo quy luật đào thải nên con người ta luôn cứ tồn tại những suy nghĩ định hướng cho tương lai mà bỏ quên mất hiện tại, nhưng biết cách “ngừng suy nghĩ” thay vì “suy nghĩ không ngừng” là bước đầu của nghệ thuật “sống chậm” để quan sát nhiều hơn và thật lòng với nội tâm của chính mình.

SỐNG CHẬM ĐỂ ĐƯỢC LÀ CHÍNH MÌNH

Trước đây, tôi lúc nào cũng muốn chủ động nhắn tin cho một ai đó để bắt chuyện nhằm để làm quen và mong muốn được cho mình có thêm nhiều bạn. Nhưng thời gian trôi qua, tôi dần thay đổi được suy nghĩ của mình và tự hỏi:
“Ai cũng có quan niệm sống làm hài lòng người khác, vậy ai sẽ làm hài lòng chính bản thân mình.”

Ở thời điểm hiện tại, tôi thầm cảm ơn những khoảng lặng đã tạo điều kiện cho phép mình “được” ở nhà thật sự có ý nghĩa chứ không phải “bị” bắt buộc ở nhà. Nếu không có những ngày giãn cách như thế, tôi chỉ biết đi ngao du và chạy quanh quẩn với mớ hỗn độn của mình đã sắp đặt. Tôi cảm ơn vì mình được là chính mình, chẳng là phiên bản hoàn hảo của ai cả.

Tôi có cơ hội được độc thoại với nội tâm mình nhiều hơn và tôi luôn muốn thế. Tôi tìm thấy được những điểm mạnh và điểm yếu của chính mình. Tôi học cách ngừng suy nghĩ những điều tiêu cực trong cuộc sống, hiểu rằng những hoài bão, ước mơ của mình tưởng không khó nhưng khi thực hiện lại khó không tưởng vì mỗi ngày trôi qua, động lực vơi dần, chán nản mọi thứ nhưng tôi luôn chọn cho mình cách duy trì những thói quen ấy, chính là lối sống tối giản. Tối giản công việc và học tập để không bị chèn ép, cân bằng giữa việc học và việc chơi một cách đồng điệu hiệu quả. Càng sống chậm tôi càng muốn mình sống tối giản, suy nghĩ tối giản và cách bố trí góc học cũng thật sự tối giản để không bị phân tâm và gây nhiễu làm mình mất tập trung mỗi khi ở một mình.

Nhờ thực hiện theo chủ nghĩa tối giản mà tôi cải thiện nhiều về mặt tinh thần, biết nhìn cuộc đời bằng cặp mắt biết ơn: biết ơn những điều mà tôi đang có, tôi thầm cảm ơn vì tôi được thở và được sống như bao người.

DUNG THỨ CHO NHỮNG LỖI LẦM BẢN THÂN

Ta luôn tự trách và ăn mày cho quá khứ. Ta thất bại và dè dặt trong nỗi đau đó ngày qua năm tháng. Ta khao khát được làm lại từ đầu vì thế ta cứ rong ruổi theo những cuộc chơi, chỉ để thỏa mãn được nhu cầu hạnh phúc của cá nhân, vì danh tiếng, vì tiền bạc hay vì muốn được tung hô ca ngợi?

Biết cách nhìn nhận lỗi lầm của bản thân là một trong những điều trọng yếu mà ta cần sửa chữa để trưởng thành. Ngày bản thân cho phép dừng lại để chậm rãi chiêm nghiệm về cuộc sống mình đã nếm trải là ngày mà ta sẽ phát triển và thành công hơn thế nữa.

“Tôi giận shipper vì họ đã tự hủy đơn hàng. Tôi bực bội vì những kẻ trên mạng chỉ biết đâm đầu công kích vào một cá nhân nào đó. Tôi hận cho quá khứ mình đã không siêng năng học hơn để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa như thế.” Một lúc nào đó, mình dừng lại và suy nghĩ mình tiếc để làm gì? Mình bực để làm chi? Công kích họ mình sẽ được gì?

Sống chậm để ngẫm lại, làm cho bản thân mình như được giác ngộ, hiểu hơn được về lòng trắc ẩn. Ta tự bảo: “Những chuyện bé xíu như đàn kiến chỉ đủ gãi ngứa cho ta.” Thế có đáng bận tâm? Khi đàn kiến cố sức chạy quanh cánh tay của ta, điều ta cảm thấy đầu tiên là ngứa và khó chịu rồi sau đó ta sẽ chọn cách là búng nó đi hay cố gắng đập nó chết tới cùng?

Từ khi tôi cho mình những khoảng lặng bao nhiêu, tôi càng cảm nhận rõ mạch đập của tim mình bấy nhiêu. Nó nhanh lắm! Nó hồi hộp vì điều sắp xảy ra, nó buồn rầu cho những chuyện không đáng. Nó không còn cảm nhận vẻ đẹp từ gương mặt đó nữa. Và….. nó thất vọng vì người đang sở hữu nó.

Sống chậm lại, tôi chợt thấy đúng vì câu nói: “Đừng khóc vì những chuyện đã kết thúc, hãy cười vì nó đã xảy ra.” Hãy vui khi ta biết chấp nhận dừng lại và tha thứ cho lỗi lầm của bản thân. Hãy buồn khi mình được phép buồn, đừng vì mưu cầu danh lợi mà đánh tráo cảm xúc của bản thân. Học cách “thấu” những suy nghĩ tích cực và “hiểu” những điều nội tâm muốn nói, từ đó cho bản thân có những trải nghiệm đúng về cuộc sống và cách giải quyết hợp tình, hợp lí.

Nhưng mấu chốt cuối cùng, cần phải phân biệt rõ ràng giữa ranh giới “sống chậm” có ích và “sống chậm” chỉ để câu giờ. Khi muốn bắt đầu một cái gì đó nên thật sự tìm hiểu kĩ để tránh va vào những trường hợp đáng tiếc. Không ai muốn mình bỏ ra thời gian để “sống chậm” nhưng lại thực chất chẳng thu được về một ý nghĩ nào hay con đường riêng nào của mình thì đó về bản chất là “sống chậm” để cho người khác vượt mặt chính bản thân mình.
______

Không phải ai cũng có quyền được “sống chậm” khi cuộc sống không cho phép. Sống ra sao cũng được, cho phép bản thân được “nhanh” hay “chậm” cũng chẳng sao. Nhưng điều cốt lõi nhất vẫn là sống cho ai, sống làm gì để bản thân cảm thấy không bị hổ thẹn với lương tâm mỗi khi đối diện với chính nó là tốt rồi.
 
748
2
1
Trả lời
Cảm ơn bạn đã tham dự cuộc thi
Kết quả cuộc thi sẽ được thông báo vào ngày 30/9/2021. Bạn cùng đón chờ kết quả nhé.
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.