Kiến thức bổ trợ cho 2k6!

Kiến thức bổ trợ cho 2k6!

H
Hoàng Cung
  • Người yêu văn chương đến từ Sóc Trăng
ĐÂY MÙA THU TỚI
Xuân Diệu

Mùa thu vẫn được coi là mùa ứng với tuổi xế chiều của đời người, vì theo quan niệm cổ sơ, các chặng đời của con người gắn với sự tuần hoàn của vũ trụ. Trong đó, mùa xuân ứng với tuổi ấu thơ – gắn với sự sinh sôi; mùa hạ ứng với tuổi thanh xuân – gắn với sự trưởng thành; mùa thu tựa như tuổi già - ứng với sự tàn lụi; mùa đông ứng với sự chết, gợi thác thành sự hoá, con người gửi thân xác vào đất đai để sau đó, theo luật tuần hoàn của đất trời mà tiếp tục tái sinh vào kiếp khác. Chịu ảnh hưởng của thuyết “thiên nhân tương cảm” đó, người phương Đông thường có cái nhìn nhuốm một nỗi buồn mang tính “định mệnh” trước mùa thu. Mùa thu do đó, thường đồng nghĩa với sự tàn phai, mất mát.
Cũng không ngẫu nhiên trong chữ Hán cổ, chữ “sầu” được ghép theo lối chiết tự, là sự hợp lại của hai chữ: thu + tâm; cõi lòng con người ta về mùa thu thường buồn.
I. Tìm hiểu chung
- Bài thơ được rút từ tập “Thơ thơ” (1938).
- “Đây mùa thu tới” là bài thơ viết về đề tài quen thuộc mùa thu và vẫn dùng nhiều thi liệu truyền thống, nhưng tác giả đã gửi vào đó những cảm xúc mới, đồng thời có nhiều cách tân táo bạo trong việc xử lí thi liệu và diễn đạt,... Vì vậy, bài thơ vẫn được xem là một thành công xuất sắc, tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu.
II. Đọc – hiểu văn bản
1. Khổ 1: Tâm trạng con người vào lúc giao mùa (Khao khát đón mùa thu tới)

- Hình ảnh mở đầu viết về mùa thu là rặng liễu buồn, một hình ảnh ít thấy trong thơ viết về mùa thu. Liễu thường gặp trong thơ cổ để ẩn dụ cho người con gái hoặc để gợi hình ảnh người con gái chứ ít khi gặp hình ảnh liễu chỉ mùa thu. Hình ảnh rặng liễu trong thơ Xuân Diệu để gợi buồn nên rặng liễu được nhìn giống như hình ảnh về người thiếu phụ để tang chồng.
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;

Hai câu thơ mở đầu đã thể hiện cảm xúc bao trùm bài thơ: cảm xúc buồn. Cảm xúc này là điểm tựa để nhà thơ thể hiện sự cảm quan của mình về thời gian, cảnh vật, con người. Hai câu đầu này còn báo cho người đọc một tin: sự chờ đợi của nhân vật trữ tình về cái buồn nay đã bắt gặp được nó. Câu thơ “Đây mùa thu tời – mùa thu tới” phải đọc làm sao thể hiện hai cảm xúc khác nhau: cảm xúc vui sướng và cảm xúc buồn xao xuyến. Vế thứ nhất “Đây mùa thu tới” là cảm xúc vui mừng nên nghe như một tiếng reo vui. Vế sau của câu thơ “mùa thu tới”, giọng thơ chùng xuống biểu hiện một sự luyến tiếc, bâng khuâng: mùa thu đi qua mất rồi.
Mùa thu ở đây rất đẹp. Sắc vàng của mùa thu, một màu sắc đặc trưng trong nghệ thuật đã được Xuân Diệu làm cho nó hiện lên dần dần, bắt đầu từ màu vàng nhạt “áo mơ phai” chuyển sang màu vàng của chiếc lá “dệt lá vàng”. Động từ “dệt” thể hiện bàn tay của hoá công tạo nên sắc thu dịu kì, làm cho không gian sắc màu xen lẫn màu vàng với những màu sắc khác nhau. Mùa thu đẹp một cách dịu kì đó giống như đất trời đang khoác lên mình chiếc “áo mơ phai dệt lá vàng”.
2. Khổ 2: Cảm nhận thu trong cảnh vật hoa, lá, cành.
- Mùa thu được thể hiện bằng những nét đặc trưng: hoa rụng cành, cây cối trong vườn đang bị màu đỏ lấn dần, những làn gió heo may đang về. Những hoa, những lá, những cành,... của cảnh vật đã được Xuân Diệu tô điểm thêm những nét mới của nghệ thuật ngôn từ, làm cho cảnh vật mùa thu ở đây mang sắc thái riêng. Cách nói “hơn một loài hoa” là để chỉ số lượng các loài hoa không quá ít nhưng cũng không nhiều đã không còn hoa để khoe sắc. Ở câu thứ hai của khổ thơ này, tác giả đã dùng động từ “rũa” thể hiện sự quan sát một cách tinh tế về cảnh vật trong sự chuyển mùa qua sự biến đổi màu sắc trong vườn cây. Màu đỏ không phải là màu lá của mùa thu, chỉ có lá bàng mới chuyển màu đỏ nhưng lá bàng chuyển màu rụng lá vào mùa đông. Như vậy động từ “rũa” không phải là để chỉ sự biến đổi màu sắc mà là thể hiện một sự tương phản của hai gam màu: xanh và đỏ.
- Nếu hai câu đầu của khổ thơ này là hoa rụng, lá úa thì hai câu sau được vẽ với bút pháp hội hoạ theo chủ nghĩa ấn tượng.
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Nếu tách hai câu này rời nhau thì một câu nói gió lạnh, một câu nói cành khô, không ăn nhập gì với nhau cả. Nhưng kết hợp hai câu thơ này ta mới cảm nhận được sự độc đáo của nó. Hai câu thơ bảy tiếng này có cái gì đó mang dáng dấp của Đường thi ở cách đối: “những luồng” >< “đôi nhánh”, “rung rinh lá” >< “xương mỏng manh”. Sự đối ở đây không phải đối ý hay đối lời mà sự đối tạo ra tính nhịp nhàng ở hai câu thơ về mặt âm điệu và tương hợp về mặt hình ảnh. Trên bức tranh thiên nhiên có cả sắc xanh, sắc đỏ, sắc vàng ấy là vài cành khô thấp thoáng giữa những chiếc lá rung rinh. Chất hội hoạ ở đây vừa mang nét nghệ thuật chấm phá phương Đông, vừa là hình ảnh gây ấn tượng của hội hoạ phương Tây. Về mặt âm thanh, nhà thơ khéo sử dụng láy phụ âm đầu “r” để vừa tạo cảm giác, vừa chỉ trạng thái động của sự vật: như một sinh thể sống động. Cùng với từ “rung rinh” ở câu trên là những từ: khô, gầy, xương, mỏng manh là những từ miêu tả sự vật nhưng bản thân nó không thể đứng yên được mà phải rung rinh. Cảnh vật trong vườn thu được Xuân Diệu cảm nhận bằng nhiều giác quan khác nhau, rất tinh tế, tinh vi và cũng rất ấn tượng. Trong bài thơ, khổ thơ đạt đến tuyệt bút.
3. Khổ 3: Cảm nhận thu trong trăng, sương, gió, một không gian tĩnh lặng, xao xuyến.
- Sang cảnh thu ở khổ thơ thứ ba là trăng, là sương, là gió, là bến đò vắng. Mùa thu được nói đến ở khổ thơ này mang cái buồn trầm uất (như cái buồn trong Thu hứng của Đỗ Phủ). Trăng thì ngẩn ngơ, non xa bắt đầu bao phủ, rét theo gió luồn vào trong cảnh vật, bến đò thì vắng khách. Cách thể hiện những câu thơ này của Xuân Diệu vừa Tây lại vừa Đông. Trăng được gọi là “nàng trăng”, sương bắt đầu bao phủ thì gọi là “khởi sự”, rét mướt thì nghe chứ không phải cảm thấy, bến đò thì không thấy mà cảm.
Đã nghe rét mướt luồn trong gió...
Đã vắng người sang những chuyến đò...

- Hai câu thơ này mang nặng dấu ấn Xuân Diệu. Các từ “đã nghe”, “đã vắng” là sự thể hiện thời gian qua đi rồi. Hai câu này cũng đưa đẩy nhau để tạo nên cảm giác buồn thấm cả vào da thịt, vào trong tâm tưởng. Có những cái vô hình như gió thì trong đôi mắt của thi nhân trở nên hữu hình. Động từ “luồn” đã hình ảnh hoá những cái vô hình, chuyển hình ảnh của cảm giác (rét mướt) thành những hình ảnh của thị giác (luồn trong gió). Cách thể hiện cảnh vật ở khổ thơ thứ ba đem đến cho người đọc một cái buồn rất “cổ kính” của thu, nhưng cũng rất mới mẻ, rất Tây trong cách thể hiện.
4. Khổ 4: Cảm xúc buồn khi thu trôi qua.
- Sang khổ thơ cuối, vẫn mang cái cảm xúc buồn trầm uất ở khổ thơ thứ ba, nhưng lại kết hợp với hình ảnh của sự chia li: chim bay đi, hận chia li, buồn không nói, nghĩ ngợi gì. Như vậy, về ý thơ, Xuân Diệu có gì mới đâu. Mùa thu đến, lá vàng rơi, người buồn cảnh cũng buồn, không gian buồn, bến đò vắng, gợi cảnh chia li,...tất cả đều có trong thơ truyền thống. Nhưng cái mới trong “Đây mùa thu tới” chính là cách sử dụng ngôn từ để đem cái sắc thu, ý thu quen thuộc đó diễn đạt bằng một cách khác để tạo nên những hình ảnh mới mà khả năng tác động của nó vào cảm xúc của người đọc không chỉ bằng con đường thị giác, mà cả thính giác, xúc giác, cảm giác. Đặc biệt, trong cái thu buồn này, Xuân Diệu đã mở ra cho tâm hồn người đọc một không gian thu khác, đầy bâng khuâng xao xuyến, một vẻ gì đó như là thu đã ra đi mà người thưởng thu thì vô cùng lưu luyến, ngẩn ngơ. Hai từ “nghĩ ngợi” ở cuối bài thơ dùng ở hình thức nghi vấn đã đưa người đọc vượt qua khỏi cái “ngưỡng” của cảm xúc để đến với chiều sâu của sự suy tư.
5. Nghệ thuật
- Nghệ thuật nhân hóa qua một số hình ảnh thơ:
+ Rặng liễu – người phụ nữ đứng chịu tang.
+ Trăng – cô gái tự ngẩn ngơ.
- Nghệ thuật sử dụng từ ngữ gợi hình, gợi tả: đìu hiu, chịu tang, tóc buồn, lệ ngàn hàng, sắc đỏ rũa màu xanh, xương mỏng manh, rét mướt luồn trong gió.
- Nghệ thuật sử dụng nhiều từ láy âm tạo được nhạc điệu buồn phù hợp với hình ảnh thơ: đìu – hiu – chịu, tang – ngàn – hàng, buồn – buông – xuống, run rẩy – rung rinh.

- Nghệ thuật sử dụng nhiều dấu chấm lửng (…) nhấn mạnh trạng thái khoảnh khắc bắt đầu, còn dang dở của mọi sự chuyển biến trong thời điểm giao mùa.
 
Từ khóa
xuân diệu đây mùa thu tới
415
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top