Chia Sẻ Kiến thức nâng cao bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Chia Sẻ Kiến thức nâng cao bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Kiến thức nâng cao bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - bài viết này nhằm cung cấp những kiến thức mà có thể bạn chưa biết về bài văn tế đặc sắc này. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được đưa vào SGK, được ca ngợi là một tác phẩm kiệt tác song tại sao nhiều học sinh lại không yêu thích? Lí giải điều này và đưa ra những cách để tìm hiểu tác phẩm một cách đúng đắn tác phẩm giữ vai trò to lớn trong dòng lịch sử văn học Việt Nam.

Kiến thức nâng cao bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.jpg

(Cụ Đồ Chiểu bên vợ và con gái thứ 4 - Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh)

I. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm​

Năm 1861, đối với công cuộc giữ nước của nhân dân miền Nam những ngày đầu người Pháp chính thức đổ bộ, mang một ý nghĩa lịch sử quan trọng. Đó là năm đại đồn Kỳ Hòa - chiến tuyến vững chắc kiên cường nhất của triều đình Huế ở Nam Kỳ bị quân xâm lược chọc thủng sau hai năm xây dựng và ra sức chiến đấu. Thất bại quân sự to lớn vào đầu năm 1861 (tháng 2/1861) này có ý nghĩa đánh dấu giai đoạn chuyển hướng của triều đình từ chiến lược “quyết đánh” sang sách lược kết hợp vừa thương thuyết vừa đánh du kích cầm chừng, cũng chính là thời điểm bắt đầu nảy sinh hai luồng tư tưởng đối nghịch chủ hòa - chủ chiến. Cũng từ đây, cuộc kháng chiến chống xâm lăng trở nên “một tính cách thực sự nhân dân”. Bốn tháng sau khi Kỳ Hòa thất thủ, Trương Định tổ chức cuộc tập kích Gò Công, khiến cho người Pháp không thể không thấy “sự thật hiển nhiên: một ý thức độc lập quốc gia vẫn tồn tại trong dân chúng Annam”. Trận tấn công đồn Cần Giuộc của các nghĩa sĩ vào những ngày cuối năm 1861 (ngày rằm tháng Một Tân Dậu) chính là tiếp nối “tính cách nhân dân” của cuộc kháng chiến. Cũng giống như trận Gò Công, ở trận Cần Giuộc, nghĩa binh sau khi uy hiếp tinh thần quân giặc đã chịu tổn thất không nhỏ và phải lui quân. Trận Cần Giuộc không phải là trận chiến đấu chống xâm lược Pháp đầu tiên, cũng không phải là chiến công đáng kể nhất trong ngày đầu đánh giặc song bài văn tế lại là tác phẩm văn học Nôm sớm nhất ghi giữ được chân dung người nghĩa binh chân đất hy sinh oanh liệt cho đất nước. Như vậy, hoàn cảnh sáng tác của bài văn tế rất có ý nghĩa đối với việc tìm hiểu giá trị thời sự - hiện thực của văn chương Nguyễn Đình Chiểu cũng như đối với việc đánh giá thực chất tinh thần kháng chiến của triều đình Nguyễn, tránh lối nói chung chung một chiều từng tồn tại trong nhiều năm như “triều đình hèn nhát đầu hàng giặc…”, “triều đình bạc nhược, phản động dâng đất cho giặc…”…

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là bài văn Nguyễn Đình Chiểu viết theo yêu cầu của tuần phủ Đỗ Quang, để tế những nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận tập kích đồn quân Pháp ở Cần Giuộc vào đêm 16/12/1861. Việc nhận lời viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc do tuần phủ Đỗ Quang yêu cầu, ngoài lòng cảm phục, xót thương các nghĩa sĩ, cụ Đồ Chiểu còn có chủ ý riêng.

Trước đó, trong bài Chạy Tây cụ từng đánh tiếng: Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng/ Nỡ để dân đen mắc nạn này?. Bởi vậy, khi được tuần phủ Đỗ Quang yêu cầu viết bài văn tế, cụ nhận lời ngay. Đây là cơ hội để cụ gián tiếp bày tỏ chính kiến của mình. Thể hiện lòng căm thù quân xâm lược không khó, khó nhất là phê phán sự hèn nhát của triều đình. Cụ Đồ Chiểu thừa biết tuần phủ Đỗ Quang nhất định sẽ “kiểm duyệt” kỹ lưỡng, khắt khe trước khi công bố. Vậy phải viết thế nào để có thể qua mặt tuần phủ Đỗ Quang?

Với quân xâm lược, cụ nói thẳng thừng, chẳng cần úp mở, nhưng với triều đình cụ rất thận trọng. Cụ phải tìm cách nói bóng gió, nửa kín, nửa hở. Cụ dồn nén sự căm ghét của mình đối với triều đình trong hai câu song quan: Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa/ Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ. “Tiếng phong hạc” lấy từ thành ngữ “phong thanh hạc lệ, thảo mộc giai binh” (Nghe tiếng gió thổi, hạc kêu, thấy cây cỏ cứ ngỡ giặc đến). “Mùi tinh chiên”, là mùi tanh hôi của máu người bị giặc Pháp giết “vấy vá” khắp nơi. Nhân dân cả nước lo lắng, bất an, chờ đợi tin tức từ triều đình đã “mươi tháng”, tội ác của giặc Pháp gieo rắc cho nhân dân Nam Bộ cũng đã ngót nghét “ba năm”, mà triều đình vẫn cứ “án binh bất động”.

Cụ Đồ Chiểu đã khôn khéo mượn lời ăn tiếng nói của các nghĩa sĩ “trông tin quan như trời hạn trông mưa”, “ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ” để bày tỏ sự bất bình của mình đối với thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của triều đình. Lẽ ra phải nói trông tin vua, vì vua mới có quyền quyết định đánh hay hàng. Cụ Đồ Chiểu nói tránh thành “trông tin quan”, nhưng những ai tinh ý đều thừa hiểu cụ mượn quan để nói vua. Câu tiếp theo “Ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ” (có bản chép “ghét thói mọi”). “Thói mạt” là thói hèn nhát, bạc nhược của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, được tác giả nói tránh.

Mượn cớ ca ngợi các nghĩa sĩ, cụ Đồ Chiểu kín đáo phê phán bản chất hèn nhát, bạc nhược của vua quan nhà Nguyễn. Có lẽ do cách nói bóng gió, nửa kín nửa hở mà qua mặt được tuần phủ Đỗ Quang? Qua việc can đảm phê phán bản chất hèn nhát, bạc nhược của vua quan nhà Nguyễn, giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn cốt cách của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu.

II. Tài năng Nguyễn Đình Chiểu thể hiện qua bài văn tế như thế nào?​

Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn là tên gọi khác của bài văn tế.

Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc không chỉ thể hiện cốt cách mà còn là một minh chứng hùng hồn về tài năng văn chương hiếm có của cụ Đồ Chiểu. Văn tế có thể được viết theo nhiều thể: Văn xuôi, thơ lục bát, song thất lục bát, phú… Trong các thể văn tế thì thể phú Đường luật có những quy định chặt chẽ, khắt khe hơn cả. Ngoài quy định về luật câu (song quan, gối hạc…), luật đối (đối lời, đối ý, đối thanh…) thì quy định độc vận (cả bài chỉ gieo một vần) là hóc búa nhất. Độc vận là một kiểu chơi thơ khá độc đáo, đòi hỏi người viết phải có biệt tài gieo vần. Chỉ gieo một vần trong cả bài văn tế mà vừa bảo đảm nguyên tắc hiệp vần vừa diễn đạt thông suốt nội dung, cảm xúc là điều không phải ai cũng làm được. Những bậc cao thủ mới dám lựa chọn viết thể văn tế hóc búa này.

Văn tế Trường Lưu nhị nữ của Nguyễn Du chỉ gieo mỗi vần “a” (… đôi ngả/… buồn bã/… ẻo lả/… hèn hạ/… nhân quả/… ra rả/… suồng sã/… chung chạ/…). Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu có đến 30 câu, 60 dòng mà tác giả chỉ sử dụng mỗi vần “o” được gieo một cách hết sức tự nhiên, không hề có chỗ nào gò ép, gượng gạo (… lòng dân trời tỏ/... tiếng vang như mõ/... mắt chưa từng ngó/... nhà nông ghét cỏ/... treo dê bán chó/... dao tu nón gõ/... đầu quan hai nọ/... liều mình như chẳng có/… xác phàm vội bỏ/... hai hàng luỵ nhỏ/... mắc mớ chi ông cha nó/... xiêu mưa, ngã gió/... một phường con đỏ/...”.

Từ trước đến nay đã có hàng chục bài nghiên cứu phê bình Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, nhưng chưa thấy ai phát hiện cái tài gieo vần đặc biệt này của cụ Đồ Chiểu. Ta tưởng như nhà thơ viết liền một mạch, khi cảm xúc dâng trào, vần điệu cứ gọi nhau đến. Toàn bài là những cặp song hành tương phản giữa nghĩa sĩ với triều đình, giữa nghĩa sĩ với giặc Pháp, giữa sống và chết, giữa hùng và bi.

Vì viết văn tế thể phú Đường luật cực khó nên số người viết, số lượng bài chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đại thi hào Nguyễn Du có mỗi bài Văn tế Trường Lưu nhị nữ. Chí sĩ Phan Bội Châu có 2 bài: Văn tế Phan Chu Trinh và Văn tế đồng bào chết vì nạn bão lụt ở Nghệ-Tĩnh. Riêng Nguyễn Đình Chiểu có đến 3 bài: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh.

=> Có thể nói, Nguyễn Đình Chiểu là bậc đại gia của thể loại văn tế thơ điếu nửa cuối thế kỷ XIX.

III. Chân dung người nghĩa binh nhân dân- Khúc bi hùng ca về người dân nghèo cứu nước​

Chân dung người nghĩa binh nhân dân gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc người nghe ngay từ câu mở đầu của bài văn: “Hỡi ôi! Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ”. Câu văn tứ tự mang ý nghĩa khái quát cả bối cảnh thời đại và chân dung tinh thần của người nghĩa binh Cần Giuộc. Chỉ với hai vế câu ngắn gọn mà cô đúc đặt trong thế đối ngẫu “súng giặc” – “lòng dân”, tác giả đã định hướng cho chúng ta tâm điểm của hình tượng chính. Toàn bộ kết cấu, ngôn từ của bài văn tế đều tập trung thể hiện cái tâm điểm “lòng dân” đó trong hoàn cảnh thử thách ác nghiệt nhất – giặc đến nhà. Chữ nghĩa của cụ Đồ Chiểu giản dị nôm na mà cực kỳ sâu sắc: đối chọi với kẻ ngoại xâm hùng mạnh vũ khí áp đảo lấn lướt, người dân Việt lúc đó chỉ có một tấc lòng yêu nước thấu trời. Đối với bài học chiến tranh giữ nước, phải chăng tư tưởng này không chỉ đơn thuần là tụng ca mà còn bao hàm cả bi ca và những ý tứ sâu xa muốn phân tích tranh luận? Vận dụng lối đối ngẫu quen thuộc của thể phú Đường luật cũng như tuân thủ thi pháp truyền thống trong một mệnh đề chắc nịch súc tích vừa mang giá trị tượng trưng cao lại vừa đậm hơi thở hiện thực, cụ Đồ Chiểu đã phác họa thật sắc nét chân dung bi hùng một thời đại đau thương của dân tộc. Bài văn tế gồm 29 câu (có bản chép 30 câu) theo lối độc vận, theo bố cục thông thường, có thể được chia làm bốn phần Lung khởi – Thích thực – Ai vãn – Kết. Nhưng thực tế, hai phần Thích thực và Ai vãn ở đây không có ranh giới rõ rệt lắm, những hồi tưởng về công đức và chân dung các nghĩa sĩ cứ triền miên trăn trở từ câu thứ ba “Nhớ linh xưa…” cho đến tận những câu Kết. Lời khóc thương cùng “nhân vật phông nền” (dân chúng, đất trời, mẹ già, vợ yếu…) đan xen vào giữa có giá trị tôn tác ngời sáng tâm điểm “lòng dân”. Trong những hình ảnh đầu tiên về người nghĩa binh nhân dân, cái làm xúc động lòng người trước hết chính là cái Thật. Cụ Đồ Chiểu đã “kể” rất thật về nguồn gốc, lai lịch, thân phận của những người tham gia trận công đồn cuối năm 1861 đó:

Nhớ linh xưa: Cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó
Chẳng quen cung ngựa đâu tới trường nhung, chỉ biết ruộng trâu ở theo làng bộ
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó


Ba câu văn với hai hình dung từ mở đầu (cui cút, nghèo khó) và phép liệt kê kể việc rất giản dị (ruộng trâu, làng bộ, cuốc, cày, bừa, cấy…) giới thiệu khá tường tận về những thân phận nông dân lam lũ, lạc hậu đến mức tội nghiệp. Cảm giác tội nghiệp cũng là một cảm giác thật, nó không phải chỉ được gợi nên bởi dáng điệu “cui cút” (rõ hơn vẻ âm thầm, nhỏ bé so với bản phiên âm là “côi cút”) mà còn bởi tác giả hơn một lần cố ý nhấn mạnh cái thân phận hèn mọn nghèo khó của các nghĩa binh: “Khá thương thay! Nào phải thiệt quân cơ quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp dân lân, chịu tiếng làm quân chiêu mộ”. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu (3), dân làng Nam Bộ xưa chia làm hai loại là dân đinh và dân lân; dân lân là những người không có tài sản (ruộng đất nhà cửa), không đóng thuế đinh (có lẽ giống như dân ngụ cư ở Bắc Bộ?), có nghĩa vụ phục dịch như canh gác cổng làng, khiêng kiệu võng cáng cho nha lại hương lý hoặc thậm chí lo đập bờ bụi để ếch nhái khỏi kêu cho các quan ngủ ngon, nếu không chịu phục dịch sẽ bị xử đày vì tội vô gia cư không nghề nghiệp, dân lân thì không bao giờ được làm hương chức dù là hương chức bé, cũng như không thể được “lên lão” ngồi “chiếu trên” cho dù có thọ đến trăm tuổi. Hiểu khái niệm “dân lân” như vậy mới thấm thía hơn địa vị thấp kém tội nghiệp của người nghĩa binh. Họ không phải lính chính quy “trong biên chế” “cơ - vệ” của triều đình đã đành, hơn nữa toàn bộ gia sản của họ chỉ có tấm lưng trần với “một manh áo vải” và bàn tay trắng cùng “một ngọn tầm vông”. Ngay từ lúc nhấn mạnh lai lịch xuất xứ “con số không” của những nghĩa binh Cần Giuộc, cụ Đồ Chiểu đã ngầm ý “luận giải” về nghịch lý vĩ đại nơi “lòng dân”. Những con người “vô sản” tưởng không có gì để mất lại là con người có nhiều nhất ý thức sâu sắc về giá trị tự do độc lập của xứ sở. Họ vừa mang tâm lý thụ động, phục tùng của tầng lớp bị trị vốn quen trông vào “bề trên” dẫn dắt (“sản phẩm hoàn hảo” của thể chế xã hội Nho giáo quân chủ - gia trưởng) lại vừa tiềm tàng một khối tâm tư yêu quê hương ghét giặc cướp cực kỳ chủ động mãnh liệt tự nhiên:

Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa; mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.
Bữa thấy bong bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.


Đúng là tâm lý yêu ghét rất thật của người nông dân vốn quen với mưa nắng ruộng vườn, là phản ứng căm giận rất đỗi tự nhiên vốn xuất phát từ tính cách ngay thẳng bộc trực của dân chúng Lục tỉnh trước một kẻ thù xa lạ nghịch mắt bỗng dưng từ đâu ập đến nổ súng cướp đất chiếm nhà. Người “dân ấp dân lân” đó hoàn toàn tự nguyện khi xác định trách nhiệm của chính bản thân mình với xứ sở:

Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó
Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.


Điển dẫn từ sách vở Nho gia (mối xa thư, chém rắn đuổi hươu) song ngôn từ và giọng điệu lại nôm na ngang tàng quyết liệt đích thực là người nông dân Lục tỉnh (há để… đâu dung…, nào đợi… chẳng thèm… lũ treo dê bán chó…). Tỏ ra am hiểu tâm tư cảm xúc của những nghĩa binh nông dân Nam Bộ, cụ Đồ Chiểu lần lượt dẫn dắt người nghe dần khám phá thế giới tinh thần đơn sơ mà cao quý của họ, từ nỗi lòng yêu quê hương ghét giặc cướp sâu sắc đến ý thức tự nguyện giữ nước và cuối cùng là ý chí hy sinh đánh giặc cứu nước đến cùng. Đó là một quá trình tâm lý tự nhiên giúp chúng ta hiểu được động lực tinh thần đã làm nên những hành động quả cảm mãnh liệt. Trong ba câu văn kế tiếp nhau, cái chất anh hùng nghĩa liệt đã được mô tả thật sắc bén, như khắc cốt ghi xương:

Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào liều mình chư chẳng có.
Kẻ đâm ngang người chém ngược làm cho mã tà ma ní hồn kinh, bọn hè trước lũ ó sau trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ.


Trong lịch sử văn học chống ngoại xâm thời trung đại Việt Nam, đây là lần đầu tiên người dân nghèo chân đất áo vải hiện lên như những vị anh hùng cứu nước bằng xương bằng thịt có thật. Trước cụ Đồ Chiểu khoảng bốn trăm năm, khi Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo, năm 1428, nhắc đến manh lệ: “Yết can vi kỳ manh lệ chi đồ tứ tập” (Dựng gậy làm cờ, dân lưu tán và nô lệ bốn phương tụ họp lại), thì “lực lượng chính” của các cuộc kháng chiến giữ nước mới thực sự được nhắc tới lần đầu tiên trong văn học, nhưng còn ở dạng khái niệm. Các tác phẩm văn tế dành cho tập thể “tướng sĩ trận vong” thời trung đại Việt Nam còn lại không nhiều. Nổi tiếng hơn cả là bài văn Nôm Tế trận vong tướng sĩ của Nguyễn Văn Thành (năm 1802). Cũng khoảng thời điểm những năm đầu chống Pháp xâm lăng, còn có hai bài văn tế các tướng sĩ bỏ mình sau mấy trận đánh nhau với Pháp của Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn được viết bằng chữ Hán theo lệnh vua Tự Đức. Ở cả ba bài văn tế trận vong tướng sĩ đó đều không hề thấy bóng dáng người nông dân tham gia kháng chiến. Phải đến cụ Đồ Chiểu, những kẻ manh lệ (manh có các nghĩa: dân nói chung – bách tính, dân ngụ cư, dân thảo dã không học hành; lệ có các nghĩa chính: nô bộc, tù phạm, kẻ tạp dịch…; manh lệ là chỉ chung kẻ tiện dân lao động, địa vị thấp kém nhất) mới trở thành một nhân vật yêu nước đánh giặc cụ thể với thân phận, cảm xúc, suy nghĩ chân thực chứ không chỉ được nhắc tới như một khái niệm chung chung. Đoạn văn sử dụng nghệ thuật tương phản và trùng điệp một hệ thống động từ, ngữ động từ hoạt sắc kết hợp với lối ngắt nhịp nhanh mạnh, chỉ ba câu mà để lại ấn tượng khó phai về một tư thế kỳ vĩ hùng tráng hiếm có của người nghĩa binh nông dân. Tác giả triệt để khai thác tác dụng của nghệ thuật tương phản ở cả hai cấp độ: tương phản ngoài và tương phản trong – tương phản giữa ta - giặc và tương phản trong bản thân ta (không tuyệt đối về vật chất/có vĩ đại về tinh thần). Có lẽ phải suy ngẫm nhiều hơn về tư tưởng mà cụ Đồ Chiểu gửi gắm trong bài văn tế, đặc biệt là ở chính hình tượng tương phản này. Một mặt không thể phủ nhận giọng điệu ca ngợi, tự hào với hình ảnh tôn xưng tư thế anh dũng quả cảm tuyệt vời của người nghĩa binh sẵn sàng xả thân cứu nước. Nhưng mặt khác, tất cả những hành động “đạp rào lướt tới, xô cửa xông vào, đâm ngang, chém ngược, hè trước, ó sau…” trong hoàn cảnh chỉ có “rơm con cúi” cùng “lưỡi dao phay” cũng gợi cho người nghe về một cuộc chiến đấu tự phát, thiếu thốn vũ khí binh lực, không có tổ chức chặt chẽ hay kỷ luật đội ngũ nghiêm minh bài bản, lại mang đầy màu sắc “duy ý chí” chỉ quan trọng cái tinh thần mà không thiết cốt sự thành bại. Phải chăng ngay trong tư thế tiến công quyết liệt chấp nhận cái chết liệt oanh vì nước đã hàm chứa một phần nguyên nhân thất bại đáng tiếc đáng thương? Nỗi ai oán đáng thương đáng tiếc đó càng có dịp bộc lộ rõ hơn bởi tác giả đã lựa chọn thể loại văn tế. Suốt cả bài văn luôn song hành hai cảm xúc tự hào và xa xót đồng nghĩa với hai dáng điệu hùng tráng và đau thương, nhiều lúc dường như không rõ cảm xúc và dáng điệu nào trội hơn. Bởi tiếp ngay sau “bức tượng đài” hào hùng khí thế công đồn lại là lời ai oán mất mát: “Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ”. Tinh thần đánh giặc bất tử: “Sống đánh giặc thác cũng đánh giặc, vong hồn theo giúp cơ binh muôn kiếp nguyện trả thù kia” không lau khô nổi những dòng nước mắt tiếc thương: “Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ”. Phần Ai vãn không dài lời nhưng thực sự là những tiếng khóc than thống thiết trùm khắp trời đất: “Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ” “Ôi thôi thôi! Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm; đồn Lang sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ/ Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”. Trên từng tấc đất quê hương, thiên nhiên và con người đều nhuốm một màu tang tóc u ám “sầu – lụy”. “Đồn Lang sa” giờ đây ngang nhiên đối mặt trước “chùa Tôn Thạnh”, tấm “lòng son” có đất trời chứng giám song cái “phận bạc” nào ai biết sẽ trôi về đâu? Và nỗi đau xót càng nhân lên khi tinh thần hi sinh oanh liệt chưa thể đuổi được giặc thù, sự thực đang phơi bày ra đó: “Binh tướng nó hãy chật sông Bến Nghé, làm nên bốn phía mây đen; ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu một phương con đỏ”. Cụ Đồ Chiểu viết nhiều văn tế và thơ điếu nghĩa dân trận vong, thậm chí các bài thơ Đường luật vịnh sử vịnh vật của Cụ cũng thấm đẫm giọng điệu “tế, điếu”; song phải công nhận, khó có câu thương khóc nào “bi lụy” cho bằng những câu Ai vãn ở bài văn tế này. Bài Tế Lục tỉnh sĩ dân trận vong văn được viết khoảng 1883, những năm kháng chiến thoái trào ở Nam Bộ (khởi nghĩa Cần Vương dịch chuyển trung tâm ra Trung và Bắc Bộ) tràn ngập những tiếng “tình oan, hơi oán, hồn oan, quỷ ức…” cũng không khắc họa được hình ảnh nào cụ thể mà giàu tượng trưng cho bằng hình ảnh “mẹ già khóc trẻ” “vợ yếu tìm chồng” trong “cơn bóng xế dật dờ ” cùng “ngọn đèn khuya leo lét”. Kết cấu đối ngẫu với lối đối cân (đối cả tiếng và nghĩa) giữa hình ảnh con người và không gian thời gian (cùng một thuộc tính tàn, yếu, nhỏ nhoi, thoi thóp), giữa hai “nạn dân” đáng thương mẹ già – vợ yếu (cùng một tình cảnh bị tiêu hủy tương lai và trụ cột) tạo cho lời Ai vãn một cảm giác tuyệt vọng bốn bề không lối thoát.

IV. Những vấn đề cần nắm bắt để hiểu sâu sắc cái hay cái đẹp của tác phẩm.​

Học sinh khi học tới bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc thường không thích vì các lý do sau đây:

- Nếu học Nguyễn Đình Chiểu, thường học trò chọn và thích học Lục Vân Tiên hơn, lý do khá dễ hiểu, dù sao Lục Vân Tiên là tác phẩm thuộc đề tài tài tử-giai nhân, nói theo ngôn ngữ ngày nay là cũng có hơi hướm “ngôn tình” kiểu anh hùng cứu mỹ nhân; Lục Vân Tiên giỏi võ, lại rất nghĩa khí, không lụy tình, không “mê gái” (Nguyệt Nga đẹp vậy mà can “khoan khoan ngồi đó chớ ra…”)… Cũng vì những lý do này mà Lục Vân Tiên rất gần gũi với người đọc bình dân Nam bộ.
- Thể loại văn tế khá xa lạ với học sinh, thể phú Đường luật lại càng xa lạ.
- Nhiều từ cổ, từ địa phương (phương ngữ Nam bộ).
- Nội dung bài văn tế xa lạ với học trò, vì hoàn cảnh ra đời của bài tế là thời Pháp thuộc, bài xích văn minh phương Tây, chiến tranh,… thường học trò không thích và không hiểu.

Do vậy, khi dạy và học bài này cả học sinh và người giảng dạy nên chú ý hơn về:

1.Hiểu văn hóa, hoàn cảnh khi bài thơ ra đời

Đối với văn học trung đại cần phục nguyên tái hiện không gian văn hoá cũng như những nhân tố thời đại tác động. Tìm ra mối liên hệ giữa tác phẩm với văn hoá thời đại. Xác định cơ sở văn hoá xã hội đã hình thành nên tác phẩm. Nhấn mạnh đến tính lịch sử và hoàn cảnh ra đời của bài văn tế: ra đời năm 1861, thời Pháp thuộc, giai đoạn đau thương nhưng oai hùng trong lịch sử dân tộc, hàng loạt những cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra nhất là ở Nam bộ, những năm sau đó, hòa ước Nhâm Tuất (1862) và hòa ước Giáp Tuất (1874) giao 6 tỉnh miền Tây (Nam kỳ lục tỉnh) cho Pháp. Giải thích như vậy để dẫn đến những phân tích phía sau.

Khi phân tích những hành động “bài Pháp” trong bài văn tế, cần liên hệ đến hoàn cảnh lịch sử. Thái độ của Nguyễn Đình Chiểu có phải là đi ngược lại văn minh và sự phát triển của nhân loại không? Những suy nghĩ căm ghét, không chịu hàng Pháp, khi nhìn thấy văn minh Pháp,… là phù hợp với tâm lý người dân lúc đó. Cũng có thể liên hệ luôn giống như bây giờ mình bài xích hàng Tàu, muốn “thoát Trung” vì yêu nước.

2. Bám sát đặc trưng văn hóa Nam Bộ

Cùng nằm trong không gian chung của đất nước Việt Nam, nhưng Nam Bộ lại có yếu tố môi trường tự nhiên và xã hội mang đặc điểm riêng nên có sự khác biệt so với các vùng miền trên cả nước. Điều này đã hình thành nên nét văn hóa Nam Bộ hết sức độc đáo: văn hóa Nam Bộ mang dấu ấn của môi trường tự nhiên; văn hóa Nam Bộ mang dấu ấn của môi trường xã hội; văn hóa Nam Bộ in đậm dấu ấn của các yếu tố vật thể; ngôn ngữ Nam Bộ mang dấu ấn riêng. Chính nét độc đáo này ít nhiều có ảnh hưởng đến thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Cho nên khi xây dựng hình tượng nhân vật, Nguyễn Đình Chiểu đã tạo được nét đẹp rất riêng mang đậm tính cách của người Nam Bộ, như trọng nghĩa khinh tài; cương trực thẳng thắn, yêu ghét phân minh; coi trọng thực tiễn và hào hiệp phóng khoáng; tinh thần yêu nước mang sắc thái riêng; ứng xử có văn hóa, hợp tình, hợp nghĩa; luôn hòa quyện, gắn bó với thiên nhiên Nam Bộ. Và chính các đặc điểm văn hóa này mà ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu cũng mang đậm chất Nam Bộ, gắn liền với cách nói, cách nghĩ, cách cảm của người dân nơi đây.

3. Hiểu ngôn ngữ địa phương Nam Bộ và từ ngữ cổ xuất hiện trong bài văn tế

Từ cổ là những từ đã từng tồn tại với tư cách là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại. Muốn tìm và hiểu những từ này phải lùi lại những tài liệu ghi chép ở quá khứ hoặc những từ điển cố; những từ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu về của mình, trở thành yếu tố cấu tạo trong một vài từ nào đó; hoặc cũng có khi tồn tại ở phương ngữ, hay đứng trong một thành ngữ, tục ngữ, ca dao mà người ta hiện không biết ý nghĩa; những từ trước đây được dùng với nghĩa cổ, nay nghĩa cổ đó không còn trong tiếng Việt hiện đại nữa. Hiểu nghĩa của từ cổ giúp cho quá trình cảm nhận nội dung của văn bản được hiệu quả.

Từ địa phương là những từ được dùng hạn chế ở một hoặc một vài địa phương, từ địa phương là một dạng biến thể của vốn từ vựng của ngôn ngữ dân tộc. Từ việc hiểu nghĩa từ địa phương đến hiểu nội dung trở nên dễ dàng hơn.

4. Cung cấp thêm tri thức về Nho giáo và tinh thần “trượng nghĩa”, coi trọng “đạo nhà”

Nguyễn Đình Chiểu xuất thân từ một gia đình nhà Nho và được đào tạo trong môi trường Nho học. Ông lại sống dưới chế độ phong kiến triều Nguyễn, một triều đại tôn sùng Nho giáo. Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Đình Chiểu không thể không tránh khỏi sự ràng buộc của hệ tư tưởng Nho giáo, càng không thể không vận dụng các khái niệm của Nho giáo để diễn đạt tư tưởng của mình. Nhưng điều đáng lưu ý là ông đã đưa một nội dung đầy tính nhân dân và dân tộc vào trong các khái niệm của Nho giáo. Đặc biệt là tinh thần “trượng nghĩa” (nhân nghĩa), coi trọng “đạo nhà”.

Khái niệm “nhân nghĩa” do Nguyễn Đình Chiểu vận dụng gắn liền với những yêu cầu của nhân dân của thời đại. Thứ nhất, “nhân nghĩa” phải biểu hiện thành việc làm thiện nhằm cứu giúp người khác ra khỏi khó khăn, hoặc bảo vệ hạnh phúc của người khác trong cơn nguy biến. Thứ hai, “nhân nghĩa” phải góp phần duy trì sự hòa thuận, êm đẹp trong gia đình và bảo vệ cuộc sống yên vui trong độc lập và tự do của đất nước, mà trước hết là bảo vệ đất nước khi có giặc ngoại xâm.

Đồ Chiểu sáng tác thơ văn không chỉ để “chở đạo” mà còn làm vũ khí để “trừ tà”. Đó là chính đạo Nho. Đạo Nho được gọi là “đạo nhà”. Nguyễn Đình Chiểu quan niệm, đạo trung quân là cần thiết cho mọi người. Ở Nguyễn Đình Chiểu “trung” thường gắn liền với “hiếu”. Qua sự vận dụng của ông, khái niệm “trung hiếu” của Nho giáo không cứng nhắc mà nó trở nên gần gũi với nhân dân, thể hiện rõ nét trong các mối quan hệ vua – tôi; cha – con; chồng - vợ. Theo kinh điển Nho gia, nếu như Nhân, Nghĩa thuộc Ngũ thường thì Trung, Hiếu thuộc Thập nghĩa, nằm trong những mối quan hệ hai chiều như: Quân nhân, thần trung (Vua hiền, tôi trung), phụ từ, tử hiếu (cha hiền, con hiếu thảo), phu nghĩa, phụ chính (chồng có nghĩa, vợ vâng phục), huynh lương, đệ đễ (anh hiền, em kính).

Phân tích từ “nghĩa sĩ” trong tựa bài, tại sao lại không là “chiến sĩ”, “nghĩa quân”, “quân sĩ”,… mà là “nghĩa sĩ”? Nhấn mạnh tính “nghĩa khí”, “nghĩa tình”, mà lại là “sĩ” chứ không phải “quân”, “quân” là có tập hợp, có tổ chức, như kiểu quân đội, còn “nghĩa sĩ” ở đây là Nguyễn Đình Chiểu muốn nhấn mạnh đến một tính chất lâu đời của con người Nam bộ, nghĩa khí, có tình có nghĩa, hành xử kiểu “giữa đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha” của Lục Vân Tiên chứ không hẳn là phải có tổ chức.

5. Lần đầu tiên người dân thường được bước vào “văn tế”: ý này rất quan trọng (trước đây văn tế chỉ dành cho các nhân vật anh hùng, vua chúa, quan lại,…), từ đó nhấn mạnh đến sự vượt thoát và tầm vóc của Nguyễn Đình Chiểu. Đồng thời nhất quán với tư tưởng “thương dân” tức là “yêu nước” của ông (khác với “trung quân ái quốc” trước kia). Nhấn mạnh tính tự giác, tự ý thức về nguy cơ xâm lược của người nông dân khiến họ cầm tất cả những gì mình có trong tay chống lại giặc Pháp trong một tương quan rất rõ mạnh-yếu, biết mình thua mà vẫn đánh, đó mới là quyết liệt. Đánh trong tâm thế không còn gì để mất, không suy nghĩ được-thua, đánh vì chân lý của một đất nước nhỏ yếu bị xâm lược. Giáo viên có thể liêm hệ đến “ý thức công dân” chỗ này để học sinh có thể suy gẫm đến đương đại: liệu trước những sự việc nguy hại đến nước nhà, đến dân tộc, cá nhân chúng ta có hành động gì không?

6. Nhấn mạnh đến tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu dành cho người dân Nam bộ. Mặc dù sinh ra ở Sài Gòn nhưng giai đoạn cuối đời ông sống ở nông thôn, gần gũi với họ, hiểu họ, yêu họ. Ông miêu tả những người nông dân trong tác phẩm vừa gần gũi, đời thường, dung dị, đáng yêu, vừa kiên trung, bất khuất, giữ vẹn chữ nghĩa tình (những điểm này cần có ví dụ minh họa lấy từ trong bài)

=> Dạy và học Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thành công là khi học trò: yêu tính cách, nghĩa khí người Nam bộ, hiểu thêm về nhà thơ lớn đại diện cho miền Nam, hiểu được hoàn cảnh lịch sử và vận dụng cho hiện tại, có ý muốn yêu thích và tìm hiểu về từ ngữ, phương ngữ Nam bộ…

(Tổng hợp từ nhiều bài viết của: Mai Văn Hoan, Trần Lê Hoa Tranh Báo GD Thời đại, Trần Hoa Lê: TS. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
 
Từ khóa
bậc đại gia của thể loại văn tế thơ điếu chân dung người nghĩa binh nhân dân khúc bi hùng ca về người dân nghèo cứu nước kiến thức nâng cao bài văn tế nghĩa sĩ cần giuộc tầm vóc của nguyễn đình chiểu tế cần giuộc sĩ dân trận vong văn tinh thần đánh giặc bất tử văn học chống ngoại xâm văn tế nghĩa sĩ cần giuộc đặc trưng văn hóa nam bộ
  • Like
Reactions: Triều Anh
494
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top