Dự thi Mùa hè, thứ mùa của đau thương

Dự thi Mùa hè, thứ mùa của đau thương

Tôi nằm trên cái võng treo giữa hai cây trò. Nắng trưa len vào mắt tôi, luồn qua mi và làm đồng tử đau rát. Tiếng ve bắt đầu ngân ríu rít, mùa hè đến rồi, thứ mùa của nỗi đau.

Ngày còn bé tôi từng thích mùa hè biết bao nhiêu, ngày nào tôi cũng ngóng trông về nó. Vì được nghỉ học và rong ruổi cả ngày bên nhà những đứa trẻ hàng xóm, trèo trộm quả ngọt. Và lúc ấy, hoa phượng vĩ nở rộ, những hàng cây mọc hoang dại nhưng toát ra khí chất xinh đẹp lạ lùng, cây nào cũng rất cao, màu đỏ phủ đầy trên tán.

Bây giờ khác, khác lắm. Hoa phượng được trồng thành dãy trước vệ đường, từng hàng thẳng tấp trông thật miễn cưỡng. Ít lâu sẽ có người đến chăm sóc chúng, nhưng nó không còn nở rộ đều và đẹp như khi xưa nữa. Chỉ thoang thoảng vài chiếc hoa đỏ nhỏ, đậu trên cành cây rất cao.

Tôi không biết vì cảnh sắc thay đổi nên tôi không còn yêu thích mùa hè, hay vì tâm hồn tôi đã thay đổi. Một tâm hồn già nua ở lứa tuổi đáng lẽ nên vui vẻ, cái tuổi gọi là thanh xuân. Bởi lẽ tôi trải qua nhiều chuyện, trái tim cũng dần mất đi vẻ vô ưu vô lo. Tôi hiếm khi nhìn phong cảnh, suốt ngày cắm mặt vào bài vở. Không biết bình minh lên đẹp như nào và cái lãng mạn của hoàng hôn mà mọi người vẫn mê đắm ra sao. Kể cả ngày hè, cũng mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Học kỳ kia xong rồi, hè học tiếp cho học kì kế.

Không còn những buổi hôm mùa hè chơi đùa đến tận tối muộn bị bà cầm roi đi tìm. Không còn bị hàng xóm mắng vốn tận nhà vì tội ăn cắp quả. Ngày bé tôi sợ những lúc ấy lắm, đến nằm mơ cũng kinh hãi mà tỉnh giấc, trận đòn roi còn đau ê cả mông. Bây giờ mỗi lần mộng tưởng đến chúng tôi đều bất giác cười, rồi cảm thấy chua xót, ước có thể quay trở lại.

Mùa hè ngày bé cười tươi, lớn rồi lòng buồn man mác. Nỗi buồn của chia ly. Thú thật, tôi không nhiều bạn bè, tâm hồn cũng không phong phú để nhớ nhung những tình bạn mờ nhạt. Tôi buồn, vì ngày hè năm ấy cướp đi mẹ tôi.

Tôi nhớ ngày ấy là một hôm nắng gắt, trời không mưa, mùi đất bốc lên khô hanh và mang theo mùi khai ngấy đặc trưng. Tôi cũng lũ bạn chơi đuổi bắt trên vùng đất trống gần nhà. Đang chơi vui vẻ, bổng dưng từ xa xuất hiện một bóng dáng rất quen thuộc. Chị tôi dần đến gần, vẻ mặt càng rõ ràng hơn những lo lắng. Chị nói: “Mẹ gặp tai nạn rồi em!”

Nụ cười trên môi tôi chợt tắt. Tôi cùng chị về nhà dù biết về đấy cũng chẳng làm được gì, nhưng tôi chẳng còn tâm trạng chơi tiếp nữa.

Mẹ tôi đi làm tận trên thành phố, mỗi tháng mẹ sẽ đều đặn gửi tiền về. Mỗi dịp hè, sẽ về quê chơi năm ba hôm.

Cậu ở trên đấy cùng mẹ, gọi xuống ấp úng không nói rõ tình hình. Chỉ bảo mẹ tôi không sao, mong bà tôi đừng lo nhiều.

Tôi ngây thơ tin, còn nghĩ thế giới nhiều người đến thế, chắc không đến lượt tôi mất người thân đâu nhỉ. Dù sao tỉ lệ rất nhỏ, và cộng thêm lời trấn an từ cậu, tôi không mấy bận tâm. Hôm sau từ rất sớm đã rủ nhóm bạn đi bắt cá ngoài đồng.

Mùa hè những con mương nhỏ rút gần cạn nước. Đứng trên bờ có thể thấy được lớp bùn ao nhớp nháp và những con cá ngọ nguậy trong vũng nước còn sót lại ít đến đáng thương. Bọn tôi xoắn ống quần, cầm rổ tre mà bắt. Gần chiều, đứa nào cũng mệt lã, cả người ướt sạch, đầu cổ bết nhác bùn đất. Tôi mang theo chiến lợi phẩm trở về, tưởng tượng đến cảnh được bà khen là tôi lại mỉm cười.

Vui vẻ bao nhiêu, đổi thành thản thốt và đau đớn bấy nhiều.

Khi vừa về, tôi thấy bà và chị khóc nức nở. Căn nhà bé tù túng trong dự cảm xấu. Tôi hỏi có chuyện gì? Không ai trả lời, tay tôi run run. Lại hỏi lần nữa: “Chuyện gì!?”

Môi bà động đậy, bà cố nói thứ gì nhưng nghẹn lại cổ, không nghe thấy âm thanh. Nước mắt tôi lăn dài trong khoảng khắc im lặng chờ đợi ấy. Chị nói: “Mẹ mất rồi.”

Tay tôi dường như mất hết sức, rổ cá rơi xuống đất, tôi oà khóc. Vừa phút trước tôi còn vui cười ở ngoài đồng giờ đây đã là đứa mồ côi cha mẹ ư? Cảm thấy đầu trống rỗng, tôi chẳng biết phải nghĩ thứ gì nữa. Ngồi bệt xuống sàn ở cạnh bà, nắm tay bà, nói: “Bà ơi mẹ con mất rồi. Không ai nuôi con nữa. Con phải làm sao đây?”

Tôi hỏi câu này rất nhiều lần mỗi khi chợt nhớ về mẹ, tôi phải làm sao? Bà không trả lời được, nhưng bà dùng hành động khiến tôi cảm thấy an toàn. Bây giờ tôi vẫn sống tốt, chỉ là mỗi hè không còn được bận lòng ngóng trông mẹ từ thành phố trở về mang theo những thứ quà bánh lạ. Mỗi khắc nhớ về mẹ, đều cảm thấy tuyệt vọng. Không còn ngày gặp lại.

Lúc vừa mất mẹ, tôi đã oán trách mình biết bao nhiêu. Nếu lúc đó tôi lo lắng một chút, có phải ông trời sẽ cảm động cho mẹ tôi sống tiếp không? Đứa trẻ ngày ấy ngây thơ dằn vặt suốt thời gian dài. Nó chạy lên bàn thờ chấp tay cầu nguyện, là lần khấn vái chân thành nhất trong cuộc đời nó. Thế nhưng mọi thứ muộn rồi, tôi tuyệt vọng khi thấy xe từ thành phố mang xác mẹ về quê an táng. Tôi lướt ngón tay qua từng vết bầm trên mặt mẹ, có phải đau lắm không?

Ngày bé tôi sợ ma lắm, nghe đến có người chết là tay chân bủn rủn, huống chi là việc chạm vào. Nhưng ngày mẹ về, tôi không hề thấy sợ, tôi nắn tay cho mẹ, mong nó đừng đông cứng. Tôi nhìn mẹ rất lâu, mẹ đẹp như đang ngủ. Tôi chỉ muốn ôm mẹ, nhưng người nhà không cho tôi đến gần, tôi gào khóc khi thấy mẹ được mai táng xuống lòng đất sâu thẳm. Hôm ấy trời mưa to sau chuổi ngày hanh khô cháy thịt, phía xa một mảng đen kịt. Tôi biết, kể từ giờ phút ấy tôi không bao giờ được gặp mẹ bằng xương bằng thịt, chỉ còn có thể ngắm bà qua di ảnh.

Vài tuần sau khi mẹ mất, tôi thường mơ thấy mẹ, về cuộc sống bình yên như những gia đình khác. Mẹ nấu đồ ăn và tôi ngồi gọt hoa quả. Trong mơ tôi cười rất tươi, không hề cảm thấy bi đát. Đến lúc tỉnh dậy, nước mắt đã phủ đầy mặt, tôi chợt nhớ mình còn chưa ôm mẹ, vì sao lúc ấy tôi không ôm mẹ?

Trong chiếc vali theo mẹ về, tôi thấy một bộ kẹp tóc giả ngọc trai. Mẹ biết tôi thích những thứ như này lắm, tôi đoán mẹ định mang về tặng tôi. Vì hai ngày trước đó mẹ gọi điện thông báo vài ngày sau sẽ về quê chơi. Tôi trông đợi, nào biết lần gặp cuối cùng là sinh ly tử biệt. Người nhà không cho tôi lấy bộ kẹp tóc ấy. Họ đem chúng đốt đi. Nó vốn dĩ là của tôi, tại sao món quà cuối cùng của mẹ cũng không cho tôi giữ lại?

Thởu bé tất bật trong cuộc sống quá nhiều thứ mang đến cho ta niềm vui, ít khi ta dừng trò chơi của mình lại, để nghĩ về những thứ xa hơn. Ít quan tâm cha mẹ. Ngày giỗ đầu tiên của mẹ, tôi lượn quanh chợ rất lâu, rồi bất chợt sững sờ tự hỏi: “Mẹ thích ăn gì?”

Từ ngày mất đi mẹ, nhìn đứa trẻ nào có gia đình hạnh phúc cũng đều sinh ra chút lòng ganh tị. Một đứa xa cha mẹ từ bé như tôi lúc trước có bao giờ thế đâu. Tôi biết, ngày bé xa mẹ, nhưng một ngày nào đó sẽ gặp lại, còn bây giờ là xa mãi mãi. Tôi thích chạy nhảy trong đêm giao thừa tìm bạn chơi, nhưng từ ngày ấy năm nào cũng nhốt mình trong phòng, tôi sợ ra ngoài, sẽ tủi thân vì thấy đứa bạn nhà cạnh ngồi quây quần bên cha mẹ.

Ngày tụ trường sẽ nhớ, lúc nhà thiếu thốn sẽ nhớ, trung thu nhớ và mùa hè nhớ. Tôi cảm thấy mọi giây phút ở cùng mẹ trong quá khứ thật đáng trân quý. Vậy mà tôi của ngày trước, lúc mẹ về quê chơi ít hôm lại ham chơi chạy theo lũ bạn. Nhớ lại thật tiếc nuối. Lúc ấy tôi nghĩ, cuộc vui hiện tại không phải vòng lặp, qua rồi sẽ mất mãi. Còn mẹ tôi, mỗi dịp lễ đặc biệt sẽ về. Cứ như vậy ngu ngốc bỏ lỡ cơ hội quý giá bên mẹ. Nào có biết, sẽ có một ngày dịp lễ đến, còn mẹ thì vĩnh viễn không thể về nữa.

Tôi thèm được ôm mẹ, thèm nghe mẹ nói. Trong khi ngày bé, có thể vì chơi vui mà quên đi nỗi nhớ bố mẹ. Bây giờ nỗi nhớ lúc nào cũng ở đấy, đợi lúc thích hợp lại làm tôi khóc.

Chúng ta là vậy, mất đi rồi mới biết trân trọng. Cũng giống như việc, tuổi thơ qua đi rồi nhớ, cơ hội qua đi sẽ cố tìm lại. Nhưng vạn vật có quy luật của nó, có bao giờ trả lại thứ mình muốn đâu?

Mùa hè nóng bức oi ả, lại làm lòng tôi lạnh thấu. Từ lúc nào, mùa tôi yêu nhất trở thành mùa tôi ghét nhất?

7b4189f2.jpg



Nguồn ảnh gốc: Sưu tầm trên google.
 
902
5
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top