Núi những ngày này, muốn ôm trọn người trở về sau những bất an, sau những giông gió cuộc đời, sau bạo bệnh, thiên tai và những ngổn ngang giữa vui – buồn, được – mất mà người cần thời gian sắp xếp. Bao lâu rồi người chưa về núi để tụng một thời kinh? Về nghe, núi đang chờ!
Một mùa đông nữa lại về nơi đại ngàn xanh thẳm. Trời đất bỗng trở mình giữa cái lạnh se sắt của những cơn gió rét đầu mùa, sương giăng ngập lối, kéo thêm một chút mưa phùn buổi sớm làm người khẽ xuýt xoa. Núi những ngày này đã bắt đầu nhộn nhịp, nhiều nhóm phượt tới đây cắm trại, săn mây, chụp ảnh và tìm những gốc hoa ngũ sắc, hoa sao, hoa mẫu đơn về trồng, những mong kịp trưng vào dịp Tết.
Thảo am thường ngày vốn yên tĩnh, im lìm, nhỏ bé giữa giang sơn hùng vĩ, nay cũng trở nên ấm hơn khi đón một vài quý thầy trở về từ thành phố. Nhờ vậy thầy trò có dịp được tu tập cùng nhau trong khóa “an cư kiết đông” để gửi năng lượng an lành, nhờ gió nghiệp chuyên chở khắp muôn phương, những mong xoa dịu nỗi đau thương của đại dịch Covid 19 mà đất nước đang oằn mình gánh chịu. Cũng là cơ hội để mình có thể trở về non xưa chốn cũ, sống chậm lại giữa nhân gian sau những tháng ngày làm kẻ du tăng nơi phương trời viễn mộng.
Sớm nay tiết trời dịu hơn bao giờ hết. Nắng nhẹ, gió biếc, mây xanh, một chút hanh khô, đến cái rét cũng ngọt mềm như cỏ dại. Bên kia đồi những đóa hoa dã quỳ nở bung trong nắng sớm, ngời lên những sắc vàng tươi, đượm màu y giải thoát, sáng rực cả một khoảng trời sau những ngày gió rét mưa tuôn. Thứ đặc sản chẳng dễ gì có được ở cái nơi thâm sâu cùng cốc thế này. Vì vậy mấy thầy trò đã cùng nhau dành trọn một ngày thảnh thơi, dạo chơi giữa núi rừng. Trên vai ai cũng đeo chiếc gùi nho nhỏ, biết đâu lại kiếm được một chút rau rừng thảo quả sau một buổi đi hoang.
Men theo lối mòn phía bên kia bờ suối, chúng tôi cứ thế đi chỉ để đi mà chẳng cần biết đâu là điểm đến. Trên mỗi lối mòn ngập tràn hoa cỏ đã đi qua, chúng tôi đều tìm được cho mình một điểm dừng chân để cùng nhau khám phá vẻ hoang sơ, mộc mạc, nhưng thơ mộng và đẹp đến mê hồn của thiên nhiên vạn vật nơi đây.
Mùa này, không khó để bắt gặp những loài hoa nở rộ giữa rừng xanh. Đóa bồ công anh nhỏ li ti khẽ tung mình xoay tròn vô định giữa hư không, những bông hoa xấu hổ kết thành từng chùm rạng ngời trong sắc tím, hay những đám cỏ hồng ngập tràn trên đồi thông góp phần làm xôm tụ cho tấm thảm thực vật trải dài xa tít tắp. Phía xa là những bông lau trắng muốt đang trổ bông, vươn mình rập rờn trong gió biếc, như một thảm lụa mềm bàng bạc ánh kim. Thỉnh thoảng, sau những tiếng xào xạc của đám lá khô, còn có tiếng chim hót, thông reo, suối róc rách chảy và những con thú hoang tinh nghịch gọi bầy… tạo nên một bản nhạc thiên nhiên vô cùng sinh động. Kế đó là đám rau dớn mọc ra từ khe đá với tua tủa chồi non xanh hình xoắn ốc. Trên những bụi cây cổ thụ cao vút, thân đầy rêu mốc là mớ dây leo mướp đắng dại chằng chịt phủ kín cả chân đồi. Chúng tôi vui vẻ hái những ngọn rau vẫn còn non mơn mởn và những trái mướp đắng nhỏ xinh, chẳng mấy chốc mà gần đầy chiếc gùi sau lưng.
“Ầu ơ… “Rau cải về trời”
Dớn thương ở lại nuôi người tháng năm…”
(Rau dớn quê nhà – Võ Văn Thọ)
Vừa đi vừa ngân nga những câu thơ êm đềm đó, bỗng thấy nhớ đến nao lòng những năm tháng tuổi thơ nhờ nắm rau rừng mà khôn lớn.
Càng đi sâu, rừng càng dày và lạnh hơn dù mặt trời đã lên giữa đỉnh đầu và ánh nắng tràn ngập cả khu rừng vắng. Sau khi đã nhặt được rất nhiều trái thông già, chúng tôi tìm một phiến đá nơi bìa rừng để nghỉ ngơi và ăn trưa trước khi sang phía đồi bên kia đào những đọt măng non về nướng.
Có lẽ do địa hình nơi đây là rừng núi cao vút với những màn sương đặc quánh mỗi sớm mai và mỏng manh khi chiều xuống đã tưới tẩm những mầm măng đang ngủ sâu trong lòng đất. Để mỗi sớm mùa đông, lũ mục đồng lại í ới gọi nhau lên rừng tìm măng ăn trong những ngày se lạnh.
Muốn đào được măng thì phải tỉ mỉ bới hết lớp lá khô quanh gốc tre, khi thấy vết nứt toác dưới chân là biết chỗ đó có đọt măng non đang cựa quậy nảy mầm, đội đất vươn lên, đào sâu xuống là trúng phóc. Măng đầu mùa giòn rụm và ngọt lử, bóc hết lớp áo bên ngoài, tới phần trắng nõn bên trong là có thể ngon lành thưởng thức.
Khi măng đã đầy gùi cũng là lúc bóng chiều nhập nhoạng phía rừng xa. Chúng tôi quay trở về vào đúng lúc vệt nắng vàng nơi cuối trời rơi rớt, tiếng côn trùng rỉ rả, nép mình sau thảm lá, thỉnh thoảng có vài cành cây khô gãy dưới chân mới thấy rừng tĩnh lặng, êm đềm mà bao dung biết mấy. Nghe xa xa tiếng gà gáy chiều muộn vọng vang, mùi khói bếp chờn vờn sương trắng và cả mùi của đám rơm rạ, cỏ khô nhà ai hun đâu đó dưới chân đồi càng làm khung cảnh nơi đây mang dáng vẻ trầm mặc, yên bình.
Khi về tới thảo am cũng là lúc sương khuya thấm mềm trên vai áo, đàn đom đóm lập lòe giấu mình trong bụi cỏ uống những giọt sương đêm. Chúng tôi nhóm một đống củi khô, ngồi quây quần bên nhau sưởi ấm sau một ngày thấm mệt. Ngắm màn đêm tan ra dài rộng tới vô cùng.
Phải rồi, mùa đông đâu chỉ có gió rét, mưa phùn. Đâu chỉ có sương giăng mịt mù khắp lối. Mà mùa đông còn có cả những phút giây có mặt cho thầy trò, huynh đệ. Nghe yêu thương thấm đượm những ân tình.
Một mùa đông nữa lại về nơi đại ngàn xanh thẳm. Trời đất bỗng trở mình giữa cái lạnh se sắt của những cơn gió rét đầu mùa, sương giăng ngập lối, kéo thêm một chút mưa phùn buổi sớm làm người khẽ xuýt xoa. Núi những ngày này đã bắt đầu nhộn nhịp, nhiều nhóm phượt tới đây cắm trại, săn mây, chụp ảnh và tìm những gốc hoa ngũ sắc, hoa sao, hoa mẫu đơn về trồng, những mong kịp trưng vào dịp Tết.
Thảo am thường ngày vốn yên tĩnh, im lìm, nhỏ bé giữa giang sơn hùng vĩ, nay cũng trở nên ấm hơn khi đón một vài quý thầy trở về từ thành phố. Nhờ vậy thầy trò có dịp được tu tập cùng nhau trong khóa “an cư kiết đông” để gửi năng lượng an lành, nhờ gió nghiệp chuyên chở khắp muôn phương, những mong xoa dịu nỗi đau thương của đại dịch Covid 19 mà đất nước đang oằn mình gánh chịu. Cũng là cơ hội để mình có thể trở về non xưa chốn cũ, sống chậm lại giữa nhân gian sau những tháng ngày làm kẻ du tăng nơi phương trời viễn mộng.
Sớm nay tiết trời dịu hơn bao giờ hết. Nắng nhẹ, gió biếc, mây xanh, một chút hanh khô, đến cái rét cũng ngọt mềm như cỏ dại. Bên kia đồi những đóa hoa dã quỳ nở bung trong nắng sớm, ngời lên những sắc vàng tươi, đượm màu y giải thoát, sáng rực cả một khoảng trời sau những ngày gió rét mưa tuôn. Thứ đặc sản chẳng dễ gì có được ở cái nơi thâm sâu cùng cốc thế này. Vì vậy mấy thầy trò đã cùng nhau dành trọn một ngày thảnh thơi, dạo chơi giữa núi rừng. Trên vai ai cũng đeo chiếc gùi nho nhỏ, biết đâu lại kiếm được một chút rau rừng thảo quả sau một buổi đi hoang.
Men theo lối mòn phía bên kia bờ suối, chúng tôi cứ thế đi chỉ để đi mà chẳng cần biết đâu là điểm đến. Trên mỗi lối mòn ngập tràn hoa cỏ đã đi qua, chúng tôi đều tìm được cho mình một điểm dừng chân để cùng nhau khám phá vẻ hoang sơ, mộc mạc, nhưng thơ mộng và đẹp đến mê hồn của thiên nhiên vạn vật nơi đây.
Mùa này, không khó để bắt gặp những loài hoa nở rộ giữa rừng xanh. Đóa bồ công anh nhỏ li ti khẽ tung mình xoay tròn vô định giữa hư không, những bông hoa xấu hổ kết thành từng chùm rạng ngời trong sắc tím, hay những đám cỏ hồng ngập tràn trên đồi thông góp phần làm xôm tụ cho tấm thảm thực vật trải dài xa tít tắp. Phía xa là những bông lau trắng muốt đang trổ bông, vươn mình rập rờn trong gió biếc, như một thảm lụa mềm bàng bạc ánh kim. Thỉnh thoảng, sau những tiếng xào xạc của đám lá khô, còn có tiếng chim hót, thông reo, suối róc rách chảy và những con thú hoang tinh nghịch gọi bầy… tạo nên một bản nhạc thiên nhiên vô cùng sinh động. Kế đó là đám rau dớn mọc ra từ khe đá với tua tủa chồi non xanh hình xoắn ốc. Trên những bụi cây cổ thụ cao vút, thân đầy rêu mốc là mớ dây leo mướp đắng dại chằng chịt phủ kín cả chân đồi. Chúng tôi vui vẻ hái những ngọn rau vẫn còn non mơn mởn và những trái mướp đắng nhỏ xinh, chẳng mấy chốc mà gần đầy chiếc gùi sau lưng.
“Ầu ơ… “Rau cải về trời”
Dớn thương ở lại nuôi người tháng năm…”
(Rau dớn quê nhà – Võ Văn Thọ)
Vừa đi vừa ngân nga những câu thơ êm đềm đó, bỗng thấy nhớ đến nao lòng những năm tháng tuổi thơ nhờ nắm rau rừng mà khôn lớn.
Càng đi sâu, rừng càng dày và lạnh hơn dù mặt trời đã lên giữa đỉnh đầu và ánh nắng tràn ngập cả khu rừng vắng. Sau khi đã nhặt được rất nhiều trái thông già, chúng tôi tìm một phiến đá nơi bìa rừng để nghỉ ngơi và ăn trưa trước khi sang phía đồi bên kia đào những đọt măng non về nướng.
Có lẽ do địa hình nơi đây là rừng núi cao vút với những màn sương đặc quánh mỗi sớm mai và mỏng manh khi chiều xuống đã tưới tẩm những mầm măng đang ngủ sâu trong lòng đất. Để mỗi sớm mùa đông, lũ mục đồng lại í ới gọi nhau lên rừng tìm măng ăn trong những ngày se lạnh.
Muốn đào được măng thì phải tỉ mỉ bới hết lớp lá khô quanh gốc tre, khi thấy vết nứt toác dưới chân là biết chỗ đó có đọt măng non đang cựa quậy nảy mầm, đội đất vươn lên, đào sâu xuống là trúng phóc. Măng đầu mùa giòn rụm và ngọt lử, bóc hết lớp áo bên ngoài, tới phần trắng nõn bên trong là có thể ngon lành thưởng thức.
Khi măng đã đầy gùi cũng là lúc bóng chiều nhập nhoạng phía rừng xa. Chúng tôi quay trở về vào đúng lúc vệt nắng vàng nơi cuối trời rơi rớt, tiếng côn trùng rỉ rả, nép mình sau thảm lá, thỉnh thoảng có vài cành cây khô gãy dưới chân mới thấy rừng tĩnh lặng, êm đềm mà bao dung biết mấy. Nghe xa xa tiếng gà gáy chiều muộn vọng vang, mùi khói bếp chờn vờn sương trắng và cả mùi của đám rơm rạ, cỏ khô nhà ai hun đâu đó dưới chân đồi càng làm khung cảnh nơi đây mang dáng vẻ trầm mặc, yên bình.
Khi về tới thảo am cũng là lúc sương khuya thấm mềm trên vai áo, đàn đom đóm lập lòe giấu mình trong bụi cỏ uống những giọt sương đêm. Chúng tôi nhóm một đống củi khô, ngồi quây quần bên nhau sưởi ấm sau một ngày thấm mệt. Ngắm màn đêm tan ra dài rộng tới vô cùng.
Phải rồi, mùa đông đâu chỉ có gió rét, mưa phùn. Đâu chỉ có sương giăng mịt mù khắp lối. Mà mùa đông còn có cả những phút giây có mặt cho thầy trò, huynh đệ. Nghe yêu thương thấm đượm những ân tình.
Tác giả: Cỏ Phong Sương
Ảnh: Internet
Sửa lần cuối: