Giữa thế giới ảo, tôi tìm được một trái tim thực.
Tôi muốn viết về bác, người mà dù mới chỉ quen được hơn một tháng, người “giáo viên” lên lớp vỏn vẹn 30 phút mỗi tối chủ nhật, nhưng là người khiến tôi cảm thấy biết ơn vô cùng.
Lên đại học, tôi theo chuyên ngành ngôn ngữ. Nhưng đó không phải tiếng Anh, cũng chẳng phải ngôn ngữ “hot” như Trung, Hàn hay Nhật. Ngôn ngữ ấy không phổ biến ở Việt Nam, và thực sự lúc đầu, đó chỉ là phương án dự bị trong danh sách nguyện vọng của tôi. Vậy nên tôi bắt đầu học với tâm trạng không mấy hào hứng cho lắm. Ai học ngôn ngữ đều biết rằng để bắt đầu một ngôn ngữ mới thực sự cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm. Ấy vậy mà sự hứng thú với ngôn ngữ không hề tồn tại một chút nào trong tôi. .Cộng thêm hai năm đầu dịch bệnh, vừa học vừa chơi khiến tôi gần như mất gốc. Thoáng cái đã đến năm 3, tôi đứng trước sự lựa chọn chuyên ngành dịch và du lịch. Có lẽ có nhiều người cũng nghĩ giống tôi là dịch rất khó, vậy nên học kém thì học du lịch đúng không? Nhưng mà đứa mất gốc như tôi lại tự tin đăng ký chuyên ngành dịch. Lạ đời làm sao!?
Nhưng sự tự tin ấy chẳng duy trì được lâu, bởi ngay tuần đầu thôi, những kiến thức chuyên ngành đã làm tôi kiệt sức hoàn toàn. Chuyên ngành khó là một chuyện xong kiến thức tiếng lại không vững khiến tôi gần như muốn bỏ cuộc. Quãng thời gian ấy thực sự rất tăm tối, tôi mất ngủ triền miên, lên lớp thì ngủ gà ngủ gật, hay khó chịu, cáu gắt rồi bệnh dạ dày tái phát do ăn uống linh tinh... Đã có lúc tôi muốn viết đơn xin được đổi chuyên ngành, muốn bỏ học. Nhưng nghĩ lại, tôi đã hai mươi tuổi rồi mà, cần phải chịu trách nhiệm với quyết định tôi đưa ra chứ. Vậy nên tôi bắt đầu học lại từ đầu. Tuy nhiên vẫn chưa thực sự đạt được kết quả như mong đợi.
Cho đến khi vô tình lướt facebook, đọc được của một chị, nguyên văn là “tôi có biết một bác người Pháp, bác có thời gian rảnh nên có thể nói chuyện với các bạn để tăng khả năng ngoại ngữ”. Thực sự trước đây những bài như này tôi thấy nhiều rồi, cũng đã từng ib hỏi han nhiều lần, nhưng kết quả, đều là chiêu trò cả. Nhưng chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, tôi vẫn nhắn tin cho chị. Sau những lời giới thiệu ngắn gọn, thì chị trao đổi với tôi về lịch “học”. Và cứ thế, tôi được nói chuyện với người bản xứ và hoàn toàn free.
Buổi học đầu tiên, một đứa mất gốc mới bắt đầu học lại, nói chuyện với người bản xứ thì có thể nói gì chứ. Phát âm không rõ, không diễn đạt được ý, rồi không biết nói gì… Nhưng bác chẳng hề bận tâm, vẫn kiên nhẫn lắng nghe, kiên nhẫn chờ đợi bọn tôi nói, rồi chủ động gợi chuyện… Bác là người thích du lịch và ở tuổi 75, bác đã đi hơn 80 quốc gia nên bác có vô vàn thứ để kể. Thế nhưng điều buồn nhất là tôi không có hiểu!
Nhận ra sự khó khăn của bọn tôi, bác cố gắng nói chậm hơn, diễn đạt bằng những từ ngữ đơn giản nhất, đôi khi còn dùng tay phụ họa, dùng giấy để viết và vẽ minh họa… Thế nhưng 30 phút dài bao lâu chứ? Bác gần như nói tới 80%, nhưng bọn tôi ngơ ngác chắc hiểu được 20%. Sau buổi đầu tiên đầy gian nan, tôi quyết tâm học nghiêm túc hơn, không phải để những bài thi ngữ pháp điểm cao, mà quan trọng hơn, để hiểu những gì bác nói, nghe được những chia sẻ của bác. Và cứ thế, tuần qua tuần, với sự động viên to lớn của bác, hai đứa tôi có thể nói nhiều hơn. Dẫu rằng bác vẫn là người chia sẻ chính, nhưng bọn tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì chí ít vẫn hiểu được điều bác nói, vẫn chêm được vài lời bình luận trong những câu chuyện thú vị của bác.
Sự đáng yêu của bác thôi thúc bọn tôi vượt qua rào cản ngôn ngữ, chăm chỉ học tập và trau dồi nhiều hơn để những phút giây cuối tuần được trò chuyện cùng bác. Ví dụ như tuần trước, nói về du lịch, bọn tôi có hỏi “Bác thích du lịch ở các nước châu Á hay châu Âu ạ?”. Trong đầu tôi lúc ấy nghĩ là “không biết bác có thích châu Á hơn không, nếu bác thích sẽ mời bác về Việt Nam chơi”. Nhưng câu trả lời khiến tôi khá bất ngờ: “Bác muốn đi tất cả các nước trên thế giới, với bác mỗi nơi trên thế giới đều có nét đẹp riêng của nó” kèm theo câu nói là hành động làm hai tai thỏ trên đầu. Có thể trong trường hợp ấy, giữa những người Việt nói chuyện với nhau, những lời như vậy là rất bình thường. Nhưng một người nước ngoài, ở độ tuổi mà đáng lý phải ở nhà nghỉ ngơi trông con, trông cháu, nói những lời như vậy, với những cử chỉ như vậy, thực sự khiến tôi xúc động.
Mỗi lần Google meet kết nối, chúng tôi luôn được chào đón bởi gương mặt tươi tỉnh của bác.
- Bác khỏe không ạ?
- Bác có một số vấn đề về tuổi già nhưng không sao cả, mọi thứ vẫn tốt đẹp.
Hôm ấy, bác bị đau chân. Lúc bọn tôi vào bác đang uống thuốc. Lúc ấy, bác cau mày, nhăn nhó nhưng khi quay sang thấy bọn tôi, gương mặt ấy lập tức tươi tỉnh, vẫy tay chào rồi hỏi han. Tôi còn nhớ như in câu nói của bác: “Tuổi già khiến bác đau nhức nhiều chỗ, khiến bác nhớ nhớ quên quên. Nhưng đấy không phải lý do khiến bác mất niềm tin vào cuộc sống. Bác luôn luôn mong chờ và suy nghĩ cho những điều tích cực”. Quả thật vậy, được nói chuyện với bác khiến mỗi buổi tối chủ nhật của tôi không còn buồn chán than phiền “Ôi sao mai đã phải đi học rồi!”. Năng lượng tích cực của bác như được truyền qua đại dương mênh mông kia, cập bến tại căn trọ nhỏ, làm chúng tôi thêm yêu, thêm tin và dũng cảm sống hết mình với tuổi trẻ này.
Dần dần, 30 phút "ăn gian" thêm vài ba phút nữa bởi câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, lo lắng cho sức khỏe của bác và sợ ảnh hưởng đến thời gian biểu cá nhân của bác, bọn tôi có đề cập đến vấn đề thời gian. Nhưng câu trả lời của bác đại ý là: được nói chuyện với chúng tôi là một món quà, và bác có thể dành cả ngày để nhận quà nên chúng tôi không cần phải lo lắng. Lúc ấy thực sự tôi chỉ muốn khóc, khóc vì biết ơn, khóc vì hạnh phúc…
Một con người xa lạ, nhưng lại khiến tôi không thể dùng một từ ngữ nào để diễn tả hết sự ngưỡng mộ và biết ơn. Thực sự cảm ơn bác rất nhiều bởi nếu không có bác, tôi không biết tôi sẽ trở nên tồi tệ thế nào. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi thực sự muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến người giáo viên vô cùng đặc biệt này.
“Đủ nắng hoa sẽ nở
Đủ gió chong chóng sẽ quay
Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”
Đủ gió chong chóng sẽ quay
Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”
Thế giới ngoài kia, vẫn còn vô vàn những người tốt, những người tài giỏi, những người “thầy” sẵn sàng giúp đỡ bạn không vì một lý do nào cả. Vì vậy, đừng ngần ngại mà dũng cảm bước thêm một bước để nắm lấy cơ hội đó.