Dự thi Người truyền lửa - Phạm Thị Xuân Phước

Dự thi Người truyền lửa - Phạm Thị Xuân Phước

Gửi cô của em!

Cô ơi! Sao tháng tám đến nhanh quá cô nhỉ! Mùa hè của em thế là đã trôi qua mất rồi. Tháng tám vàng nắng mà lòng em cứ cảm thấy buồn. Vẫn quá quyến luyến những tháng ngày đi học, vẫn nhớ mái trường thân yêu và cả cô nữa…

Mới đó mà đã gần hai tháng cô trò xa nhau, em nhớ cô nhiều lắm! Dạo này cô vẫn khỏe chứ ạ! Kì nghỉ hè của cô có vui không cô!... Mùa hè này em không về quê, em ở lại thành phố đợi thi viên chức cô ạ! Kì thi mà người ta vẫn thường bảo đã là dân “sư phạm” thì ai cũng nên trải nghiệm một lần trong đời. Lúc quyết định, em cảm thấy rất căng thẳng bởi tính chất thử thách của cuộc thi nhưng em lại rất vui vì đây là cơ hội duy nhất giúp em có thể được ở lại Sài Gòn thêm một thời gian nữa. Sài Gòn đối với em giờ đây gần giống như quê hương thứ hai. Nơi đây đã in dấu nhiều kỉ niệm đẹp của em cùng bạn bè và thầy cô! Em cảm thấy rất buồn khi phải chia xa...

Cô ơi! Em cảm thấy thi viên chức cũng giống thi Đại học. Nội dung thi rất nhiều mà lại tràn lan, em không biết nên nhấn mạnh ở nội dung nào và học thế nào cho hiệu quả. Nghĩ lại, em cảm thấy quá hạnh phúc khi mình còn là sinh viên. Lúc ấy, chúng em luôn có thầy cô chỉ dạy, ôn tập,... giờ thì tự thân vận động và “cày kéo” theo cảm tính!

Những lúc em ngồi chép các phương pháp dạy học tích cực em lại nhớ đến cô! Trong ấn tượng của em, cô luôn nghiêm khắc với sinh viên. Cô lập nhiều qui tắc từ nhiệm vụ học bài, làm bài thực hành, làm bài tập về nhà đến những nội qui trong tiết học. Cô quản lí rất sát sao cách làm bài của sinh viên, không bao giờ cô cho sinh viên nghỉ thoải mái ở một tuần học nào. Cô không chỉ giao bài tập cho các nhóm mà ngay cả cá nhân cũng luôn luôn có phần. Mỗi lần chúng em học xong môn của cô là lại thở phào trước tiên, sau đó nỗi ám ảnh về bài tập bắt đầu xâm chiếm trí nghĩ, át hết cả niềm vui trà sữa khi tan trường. Ở quán nước, chúng em thường than vãn về bài tập thế nên môn của cô lúc nào cũng trở thành chủ đề nóng và gây nhức nhối đối với sinh viên. Nhiều lúc các bạn có những khúc mắc, những ý kiến mà bản thân mỗi đứa tự suy diễn thêm từ lời dặn dò của cô; thế là bọn em cãi nhau: phải làm theo hướng này, trình bày như thế này, cô Minh nói sao nhỉ, quên mất rồi ư... Khi cả bọn không thống nhất được đáp án thì một bạn “anh hùng cỏ dại” đã chủ động nhắn tin hỏi cô. Sau khi cô trả lời, chúng em lập tức phát tán thông tin cho các bạn trong lớp.

Đối với môn cô dạy, hôm nào cũng có phần trình bày của nhóm hoặc cá nhân nên chúng em quen quá đỗi. Bọn em luôn biết cách tận hưởng hạnh phúc trong tiết học mà cô thì lại dư biết điều đó rồi. Nếu hôm nay nhóm này không thuyết trình thì các bạn bình thản, nghiễm nhiên ngồi ngoan ngoãn lắng nghe phần trình bày của nhóm khác. Niềm vui ấy nhẹ nhàng nhưng quý giá biết chừng nào. Nếu tiết học có phần thực hành của cá nhân thì không khí lớp học lại vi diệu hơn nữa! Đôi lúc cô khiến tụi em sợ thót tim khi cô gọi tên sinh viên theo thứ, ngày, tháng; gọi ngẫu nhiên rồi đột ngột trừ ra một số, có khi lại cộng thêm vào một số. Bất thình lình, những cái tên xinh đẹp được xướng lên đầy hấp dẫn. Bao nhiêu cặp mắt hướng nhìn nhân vật chính, rất nhiều bạn cố kiềm nén nụ cười hạnh phúc vì cảm thấy mình vừa được thoát nạn. Nhưng khi bạn nọ trình bày xong thì cô lại gọi những bạn khác, không khí lớp học căng tựa dây đàn bởi sinh viên quá lo lắng. Khi nhận thấy cả lớp không chuẩn bị bài, cô mời các bạn khác xung phong. Tất cả “anh hùng hào hiệp” lên trước và những kẻ “tiểu đệ” tiếp bước lên sau. Lên trước chưa chắc đã khổ mà lên sau chắc gì đã vui. Bạn nào lên sau thì không được trình bày lại ý tưởng của những bạn trước đó. Học môn của cô luôn nhiều bài tập và áp lực nhưng nhờ vậy mà chúng em năng động hơn rất nhiều. Đặc biệt, đứa nào cũng cố gắng suy nghĩ, tìm tòi những ý tưởng cho riêng mình từ việc: xây dựng dự án bài học, xây dựng phương pháp cho các đơn vị bài, thực hành làm đề kiểm tra, luyện tập xây dựng kịch bản sân khấu... Ai nấy đều cảm thấy kết quả môn học mình đạt được rất ý nghĩa và quý giá.

Nhắc đến phương pháp không sao không nghĩ đến cô Minh! Nhớ cô quá! Em luôn nhớ cách giảng bài đầy hấp dẫn, cụ thể mà vô cùng sinh động, gợi mở của cô. Từng nét chữ, nét vẽ, các đường nét trên bảng đều được cô thể hiện sinh động, cuốn hút mắt nhìn. Em rất thích nghe cô giảng bài nhưng em cũng rất căng thẳng bởi phải luôn chăm chú nghe giảng, ghi bài, sẽ sơ đồ theo cô. Thông thường cô hay trình bày nội dung theo các ý, lập sơ đồ, nối các ý lại khi chúng cùng nội dung; vì vậy nếu sinh viên không tập trung thì rất khó đoán biết được đâu là nơi bắt đầu kiến thức và các dấu nối dài trên bảng kia nghĩa là gì nhỉ! Về nhà, em cũng luôn tập vẽ như cô, em thấy ghi bảng như vậy vừa nhanh, vừa gọn. Mới đó mà đã kết thúc những buổi học cùng cô nơi giảng đường! Tụi em chẳng còn nhìn thấy cô giảng bài, chẳng còn nghe giọng nói thân thương. Thời gian vụt qua nhanh, không hề đứng đợi! Cô biết không! Em đã vui lắm khi biết cô sẽ dạy chúng em ở học kì II năm 4, bởi em sợ sẽ chia tay với cô sớm như cô Châu và cô Thủy! Càng buồn hơn khi thời gian thực tập kéo dài, chúng em chỉ còn hai tháng ít ỏi học tập vào năm cuối.

Cô ơi! Giờ thì em đã hiểu tại sao cô luôn tạo áp lực bằng cách yêu cầu cao đối với sinh viên. Bây giờ em mới hiểu vì sao cô luôn giao bài tập liên hoàn cho nhóm và cá nhân; vì sao cô lại cho chúng em làm đi làm lại tất cả các đơn vị bài tiếng Việt ở chương trình lớp 10, 11 mà lại không có chương trình 12; vì sao cũng chỉ các đơn vị bài đã học nhưng mỗi lần cô lại buộc sinh viên phải áp dụng những phương pháp dạy học mới. Em cũng hiểu hơn vì sao cô dạy học lúc nào cũng vội, và cô chỉ dạy nhiều về nội dung thực hành; vì sao cô yêu cầu chúng em chỉ dạy một nội dung trong đơn vị bài mà không phải dạy cả bài; vì sao chúng em chỉ được trình bày 5 phút cho phần giảng của cá nhân; vì sao mỗi khi sinh viên than thở là không đủ thời gian mà cô vẫn kiên quyết đến cùng; vì sao cô lại luôn nhận xét thẳng thắn, tỉ mỉ cho phần giảng bài của mỗi sinh viên... vì sao! Cô ơi! Khi em ngồi đây với mớ sách ngổn ngang, em nhận ra cô đã yêu thương chúng em nhiều như thế nào! Kì thi viên chức sắp tới, và cô, người em yêu quý, cô đã không quản ngại vất vả, mệt mỏi mà luôn tận tình hướng dẫn cho em và các bạn vô số kiến thức và những kĩ năng đứng lớp tuyệt vời! Chẳng có học phần nào rèn luyện cho chúng em đầy đủ những kĩ năng cần thiết ấy hết cô ơi! Em yêu cô và biết ơn cô nhiều lắm! Dẫu em không vượt qua kì thi này thì em vẫn hạnh phúc vì những hành trang tri thức cô đã tặng cho em, đó là những bài học vô giá. Cô dạy em kiến thức, cô dạy nghề, cô dạy kĩ năng, cô dạy cách sống, cách làm việc; cô truyền lửa nhiệt huyết giúp chúng em có động lực phấn đấu. Mỗi khi đến kì thi, cô luôn nhắc chúng em học bài để đạt kết quả cao. Em thầm cảm ơn cô! Chính nhờ những lời động viên của cô mà lúc nào em cũng tự hứa với bản thân phải cố gắng, cố gắng hơn nữa. Những bài học mà cô dạy không chỉ giúp em vững vàng bước vào nghề sư phạm mà đó còn là kho tri thức, kinh nghiệm sống quý giá giúp em tự tin, kiên cường bước vào đời! Em cảm ơn cô, cô ơi!

Cuối cùng, em cũng phải nói lời tạm biệt cô! Dù ở nơi đâu học trò cũng mãi nhớ đến cô, chỉ cần có tình yêu thì dù khoảng cách xa xôi như thế nào cô trò mình vẫn ở trong lòng nhau đúng không cô! Em chúc cô thật nhiều sức khỏe, luôn hạnh phúc và thành đạt trong công việc! Em cảm ơn cô đã nhiệt tình chỉ bảo và hướng dẫn chúng em trong quá trình học tập tại trường! Em rất hạnh phúc khi được học tập ở SGU yêu thương và được cô giảng dạy!

Em yêu cô! Em luôn nhớ cảm giác khi được cô ôm vào lòng, thật ấm áp biết bao. Thầy cô như ba mẹ của chúng em, dù luôn nghiêm khắc nhưng tràn đầy lòng yêu thương, bao dung và tin tưởng.

Em chào cô ạ!

Sinh viên của cô

Phạm Thị Xuân Phước

 

Đính kèm

  • Tiết học lớp tôi - Văn học trẻ.jpg
    Tiết học lớp tôi - Văn học trẻ.jpg
    124.3 KB · Lượt xem: 559
  • Giờ giải lao - Văn học trẻ.jpg
    Giờ giải lao - Văn học trẻ.jpg
    1.6 MB · Lượt xem: 584
Từ khóa
dự thi cô giáo tôi người truyền lửa phạm thị xuân phước
1K
8
6

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top