Nguyễn Tuân, tâm và tài

Nguyễn Tuân, tâm và tài

Nguyễn Tuân mỗi khi cầm bút dường như lại tự đặt cho mình yêu cầu này: phải chứng tỏ cho được cái tài hoa, uyên bác hơn đời của mình. Ông có thói quen nhìn sự vật ở mặt mỹ thuật của nó, cố tìm cho ra ở đấy những gì nên họa, nên thơ. Đồng thời mỗi điểm quan sát của ông phải là một đối tượng khảo cứu đến kì cùng. Đọc văn Nguyễn Tuân, ta thấy cái ngông nghênh kiêu bạc chỉ là bề nổi - bề nổi của tảng băng trôi, nói theo cách của Hemingway - cũng như cái can, cái píp, bộ ria Hoa Kỳ chỉ là cái phong dạng bề ngoài của ông mà thôi.

1. “Tài” và “Tâm” Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân bước vào nghề văn dường như để minh họa cho hai câu thơ rất ngông của Nguyễn Công Trứ:

Trời đất cho ta một cái tài,
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.


Cuộc đời có gì nghiêm túc đâu mà phải nghiêm trang đạo mạo! Hồi ấy Nguyễn Tuân coi sống chỉ là một cuộc rong chơi. Có điều, thú chơi của ông là chơi tài, chơi nghệ thuật. Thực ra, muốn chơi ngông, nhất thiết phải có tài. Bất tài mà chơi ngông, người ta gọi là gì gì đó chứ không gọi là ngông. Vì xét đến cùng, chơi ngông là đứng trên đỉnh cao của tài hoa và trí thức mà trêu ghẹo thiên hạ. Trong cái dòng văn học chơi ngông ở nước ta, tính từ thế kỷ 19 về sau, thấy toàn thị là những bậc tài hoa như Chiêu Ly Phạm Thái, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà... Nguyễn Tuân có lẽ là người cuối cùng được kể đến trong dòng văn học này? Một mặt, vốn gốc gác dòng dõi nhà nho, mặt khác lại là một thanh niên Tây học, Nguyễn Tuân đã hòa trộn trong cái ngông của mình thái độ của một kẻ sĩ tài hoa bất đắc chí thuộc thế kỷ trước, đậm đà chất truyền thống, với mầu sắc tư tưởng siêu nhân, con người “cao đẳng” học được ở những Nietzsche, Gide của phương Tây hiện đại.

Vâng, văn Nguyễn Tuân là một thứ văn chơi. Đúng thế. Một thứ văn cố tình khoe tài, khoe chữ, tự đặt mình lên trên thiên hạ với thái độ khinh bạc cốt để gây sự và trêu ghẹo người ta. Một thứ văn suy tôn chính cái tôi ngông ngạo của mình và đem luôn cái tôi ấy ra mà “độc tấu” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) với đời. Một thứ văn nghênh ngang và lan man, ngòi bút cứ chạy theo dòng cảm nghĩ lông bông, tài tử với những liên tưởng ngẫu hứng, khi tạt ngang, khi cóc nhảy, lắm lúc như muốn đưa người đọc lạc mãi vào những bát quái trận đồ... Một cách chọn đề tài cố tình hạ thấp những gì người ta cho là quan trọng và đề lên rất cao, thậm chí “thiêng liêng hóa” những gì người đời cho là tầm thường xoàng xĩnh, như cái ăn cái uống, những thân phận đào nương kép hát “xướng ca vô loài”, hay những anh đồ kiết xác thất thế cùng đường, ngất ngưởng sống nốt những ngày tàn tạ...

Đã chơi văn, chơi tài, thì tất nhiên văn phải ra văn, nghệ thuật phải đúng là nghệ thuật. Đọc Nguyễn Tuân, thấy người xưa nói đúng: văn chương quả có cái ma lực của nó thật. Có những sự vật, những hiện tượng, đối với cây bút khác có lẽ chẳng có gì đáng nói, đáng viết, nhất là viết thành lời đẹp, văn hay. Ấy thế mà Nguyễn Tuân đã khai thác được như là những đề tài phong phú, mới lạ và tạo nên được những áng văn đầy sức hấp dẫn. Đấy là một tay bút có thể viết nhiều trang rất đỗi tài hoa về một cái đinh sắt rỉ dùng để mắc áo trên tường (Chiếc lư đồng mắt cua), có thể viết cả một cuốn sách về một mái tóc đàn bà (Tóc chị Hoài), có thể diễn ra bằng “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” về một cây sấu ra hoa, về một cành bàng nảy lộc, thậm chí về một bát phở, một hạt cốm... Cái công phu ông bỏ ra để luyện cho mình một cái văn như thế thật ít ai có được: đọc nhiều, tra cứu nhiều, đi nhiều, xem nhiều, tích lũy nhiều, ngẫm nghĩ nhiều. Và mỗi lần cầm bút là cân nhắc từng câu, từng chữ. Viết xong lại còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần để kiểm nghiệm lại chính cái viết của mình - kiểm nghiệm bằng mắt nhìn, bằng tai nghe chưa đủ, “còn phải ngửi lại, nếm lại cái lời mình viết ra kia (...), có khi lại như chính lòng bàn tay mình phải sờ lại những góc cạnh câu viết của mình” (Về tiếng ta).

Viết kỹ, viết công phu như thế, tất nhiên không thể viết nhanh, viết nhiều được (Nguyễn Tuân thường tự phê bình là người lười viết). Những điều ông viết ra so với cái vốn sống, vốn văn hóa, vốn chữ nghĩa giàu có của ông, quả là còn chưa tương xứng. Nhưng cái khó của Nguyễn Tuân là ở chỗ này: đã viết thì phải độc đáo, phải in đậm cá tính, phong cách riêng của mình trên trang sách. Nghĩa là phải viết cho ra Nguyễn Tuân, mỗi lần đặt một câu, một chữ lên trang giấy trắng, phải làm sao để có thể nói được dõng dạc với độc giả: đây là văn Nguyễn Tuân, đây là chữ nghĩa của Nguyễn Tuân!

Nhưng đọc văn Nguyễn Tuân, phải thấy cái ngông nghênh kiêu bạc chỉ là bề nổi- bề nổi của tảng băng trôi, nói theo cách của Hemingway - cũng như cái can, cái píp, bộ ria Hoa Kỳ chỉ là cái phong dạng bề ngoài của ông mà thôi. Cái ngông xưa nay bao giờ cũng có cơ sở đạo lý vững chắc của nó. Đấy là điểm tựa để những Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương có thể đặt mình lên trên cái môi trường tầm thường phàm tục vây bọc quanh mình. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân cũng như Tản Đà hay nói đến hai chữ “Thiên lương” và cho tiếng thi nhân (người thơ, nhân cách thơ) đẹp hơn, sang hơn hai chữ thi sĩ (người làm nghề thơ). Nguyễn Tuân dứt khoát đối lập cái đẹp với tính vụ lợi tầm thường. Đối với ông, nghệ thuật là “một công việc mà những con buôn quen sống với đổi chác hàng họ và buôn Tần bán Sở đều gọi là vô ích” (Nhà Nguyễn). Đọc Nguyễn Tuân hãy nhập sâu vào cái phần chìm của các tác phẩm, để thấy cái làm nên linh hồn của những trang viết tài hoa nhất của ông là một tình cảm yêu nước thiết tha, một niềm tự hào dân tộc gắn liền với những giá trị văn hóa cổ truyền của đất nước này.

Nói đến ảnh hưởng của Nguyễn Tuân trong đời sống văn hóa, văn học nước ta, tôi không chỉ nghĩ đến những áng văn ông để lại cho đời. Ở Nguyễn Tuân còn có điều này ít thấy ở các nhà văn khác. Ấy là ảnh hưởng của cái gọi là hình tượng nhà văn, hình tượng Nguyễn Tuân hình thành một cách tự phát nhưng rất đậm nét trong tâm thức của giới văn học như là một sự tổng hòa của cái tôi trong văn và cái tôi ngoài đời của ông. Tôi dám nghĩ rằng, không ít người đã mê cái hình tượng này hơn cả chính cái văn của Nguyễn Tuân nữa. Bởi vì cái lối viết rất riêng của ông chưa hẳn đã hợp với khẩu vị của mọi người. Hợp thì rất mê, nhưng không hợp thì cũng dễ ngán lắm.
Nhưng hình tượng con người ông: tài hoa, uyên bác, đặt cái tài, cái đẹp, cái “Thiên lương” lên trên hết, trung thực, thẳng thắn, ghét cay ghét đắng sự thô bỉ, phàm tục, thói nịnh bợ và đạo đức giả - một nhân cách như thế, ai mà không kính trọng và mến yêu!

Nguyễn Minh Châu cho rằng: Nguyễn Tuân là một cái định nghĩa rất chuẩn về người nghệ sĩ chân chính. Tôi cho đó là một nhận xét chính xác.

2. Nguyễn Tuân – Một phong cách độc đáo và tài hoa

... Nguyễn Tuân mỗi khi cầm bút dường như lại tự đặt cho mình yêu cầu này: phải chứng tỏ cho được cái tài hoa, uyên bác hơn đời của mình. Ông có thói quen nhìn sự vật ở mặt mỹ thuật của nó, cố tìm cho ra ở đấy những gì nên họa, nên thơ. Đồng thời mỗi điểm quan sát của ông phải là một đối tượng khảo cứu đến kì cùng. Ngày xưa bế tắc trong thực tại, tầm mắt không vượt khỏi được môi trường quẩn đọng, xám xịt của cuộc sống tư sản, tiểu tư sản, ông thường đi tìm cái đẹp ở thiên nhiên hay ở quá khứ tách rời hiện thực. Hồi ấy dùng tài hoa, uyên bác để chơi ngông với thiên hạ, ông khó lòng tránh khỏi chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mĩ và lối suy nghĩ phù phiếm chẻ sợi tóc làm tư. Ngày nay ông đi tìm cái đẹp, chất thơ trong thực tại và thiên hướng khảo cứu giúp ông tìm hiểu nghiêm túc và sâu sắc cuộc sống chiến đấu của nhân dân. Nhìn chung, từ Đường vui, Tình chiến dịch, đến Sông Đà và Kí chống Mỹ... cái uyên bác, tài hoa của Nguyễn Tuân ngày càng được phát huy trên quan điểm nghệ thuật cách mạng, đã đem đến cho tác phẩm của ông một giá trị thẩm mĩ riêng, một giá trị thông tin riêng. Thể hiện nét phong cách này, lối viết của Nguyễn Tuân thường tập trung vào một điểm và vận dụng một cách tổng hợp cách khảo sát của nhiều ngành văn hoá khác nhau để đào sâu cho đế “sơn cùng thuỷ tận”. Vì thế, có những hiện tượng, đối với những cây bút khác tưởng chừng chẳng có gì đáng nói, nhưng Nguyễn Tuân thì có thể viết mãi, bàn mãi hết trang này đến trang khác; ông lật mặt này, ông trở mặt khác, xoay ngang, xoay dọc, nhìn xa, nhìn gần, khi thì bằng cặp mắt văn học, khi thì bằng con mắt hội họa, điêu khắc, âm nhạc, vũ đạo hay điện ảnh, khi lại soi bằng cặp kính nhà sử học, nhà địa lí học (có khi cả vật lý học, địa chất học, côn trùng học .... nữa)....
[...]
Cá tính và phong cách Nguyễn Tuân tự tìm đến thể tài tùy bút như là một tất yếu. Trong văn học, có lẽ đây là thể tài chủ quan nhất và tự do nhất.
Tùy bút là gì? Định nghĩa vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì khái niệm bản thân nó đã tự giải thích: là phóng bút, tùy bút mà viết chứ sao! Nhưng chính vì thế mà khó. Vậy thì còn có thể nói gì quy tắc thể loại của nó nữa? Ở phương Tây hiện đại, tùy bút rất phát triển. Nhưng càng phát triển, khái niệm tùy bút lại mơ hồ hơn. Có người nói: “tự do là phép tắc duy nhất của tùy bút”. Có thể hiểu một cách đại khái thế này: người viết tùy bút thường mượn cớ thuật lại một sự kiện, một mẩu chuyện nào đó mà mình có trải qua để nhân đấy, nêu lên những vấn đề này khác mà bàn bạc, mà nghị luận, triết luận, ném ra những suy tưởng của mình một cách thoải mái, phóng túng.

Cũng như định nghĩa tùy bút, viết tùy bút vừa dễ, vừa khó. Viết tùy bút thì cứ phóng bút mà viết, có gì đâu! Tìm trên báo chí, những người đã viết dăm ba bài tùy bút, bút kí chắc không ít. Nhưng trở thành một nhà tùy bút, chỉ chuyên viết tùy bút, tạo ra cho mình một sự nghiệp văn chương chủ yếu bằng bút kí, tùy bút, có lẽ chỉ có Nguyễn Tuân.
Tùy bút do tính chất tự do nó như thế nên ở mỗi một cây bút lại có những màu sắc riêng.

Tùy bút Nguyễn Tuân có nhiều yếu tố truyện. Nếu xét riêng về mặt thể loại thì quá trình sáng tác của Nguyễn Tuân là quá trình đi từ truyện đến tùy bút. Trước Cách mạng tháng Tám ông viết cả hai loại. Sau Cách mạng, ông viết truyện ít hơn. Từ khoảng năm 1960 lại đây, tùy bút dường như là thể tài duy nhất của ông. Nếu đọc truyện ngắn, truyện dài của ông, người ta thường thấy pha chất tùy bút, thì ngược lại, đọc tùy bút của ông người ta lại thấy có pha chất truyện. Nghĩa là có dùng nhiều đến trí tưởng tượng để dựng cảnh, dựng truyện và có mô tả tâm lí, khắc họa tính cách nhân vật đến một chừng mực nào đấy.

Tùy bút Nguyễn Tuân đồng thời lại mang đậm tính chất ký, nghĩa là ghi chép sự thật và thông tin thời sự chính xác. Một thứ tùy bút pha du ký, ký sự hay phóng sự điều tra. Cần nhớ rằng, ông vốn xuất thân là một nhà báo, một thông tín viên. Ông cũng đã viết nhiều du ký, phóng sự đặc sắc. Đặc điểm ấy, thêm tác phong khảo cứu đào sâu đã giúp cho tùy bút Nguyễn Tuân có lượng thông tin đáng tin cậy và có nhiều giá trị tư liệu.

Đặc điểm của tùy bút là giàu tính trữ tình. Nghĩa là tác giả được phép trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ của mình, thông qua cái tôi chủ quan mà phản ánh hiện thực.
Tùy bút Nguyễn Tuân đúng là “tùy bút”, nghĩa là hết sức tự do. Mạch văn theo dòng suy nghĩ miên man, chuyện nọ gọi chuyện kia dường như cứ theo trí nhớ “lông bông”, ‘tài tử” mà liên tưởng tạt ngang hoặc cóc nhảy, bất chấp trình tự thông thường của thời gian, không gian. Người không ưa gọi thế là đầu Ngô mình Sở. Người thích thì gọi đó là “tài đánh vận động chiến trên trận điạ bút ký” . Phải nhận rằng lối hành văn, dẫn chuyện như thế có ưu điểm là biến hoá linh họat không đơn điệu tẻ nhạt, lượng thông tin phong phú, hình tượng chồng chất đa dạng. Dĩ nhiên muốn thấy được điều đó, phải đọc chậm, đọc kỹ, đặt mình vào dòng liên tưởng của tác giả mà bắt lấy mạch văn. Rồi lại phải đọc lại và lùi ra xa mà ghi nhận lấy ấn tượng toàn cảnh, khí mạo toàn bài. Người ta nói đọc Nguyễn Tuân phải đọc lúc nhàn rỗi là vì thế...
3. Nguyễn Tuân viết phê bình văn học

Nói đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ ngay đến một cái “tôi” đặc biệt tài hoa, nhưng cũng hết sức tài tử. Trong lĩnh vực phê bình văn học lại càng như vậy. Nghĩa là chỉ viết những gì mình thích, mình suy ngẫm. ấn tượng chung về cây bút này là chỉ bình chứ không phê, vừa bình vừa tán, luôn luôn tô đậm cá tính độc đáo của mình trên từng câu chữ... Kể ra những cây bút sáng tác viết phê bình ít nhiều đều như thế cả, nhưng Nguyễn Tuân vẫn thể hiện rõ nhất, đậm nét nhất.

Theo tôi, đóng góp có giá trị nhất của Nguyễn Tuân trong hoạt động phê bình là dựng chân dung văn học và phê bình tác phẩm.

Năm 1939, nhân cái chết của Tản Đà, Nguyễn Tuân viết một lèo ba bài chân dung của thi sĩ đăng trên một số “Tao đàn”. Ấn tượng đậm nhất ông truyền được cho người đọc là cái ngông của nhà thơ: Ngông nên làm toàn những chuyện khác đời, ngược đời. Con người rất mực phóng túng ấy, chỉ biết có rượu với thơ, và chỉ biết sống đến tận cùng cái cá tính độc đáo của mình.

Trong bữa rượu cuối cùng với Tản Đà ở Ngã Tư Sở (Hà Nội), Nguyễn Tuân được thi sĩ nói cho nghe về đặc tính của con cá diếc: “Nội trong loài cá, chỉ có con diếc là sạch nhất và khó câu nhất. Giống nó chỉ hay ở chỗ nước trong và ăn toàn bọt nước. Thả cái gì nó cũng chê cả. Định lấy một cái mồi thơm mà dử nó như là người ta dử con rô hay một con chuối, thực cái anh đi câu đã làm một việc tối vụng về”.

Tản Đà chính là con cá diếc ấy. Cho nên mới bị đầy vào cảnh bần cùng cho đến chết. Nguyễn Tuân đã ghi lại những gì gọi là tài sản cuối cùng còn lại bên giường bệnh của nhà thơ lúc tắt nghỉ: “Vẫn bên chồng sách bừa bãi đây đó mấy trang bản thảo. Tập di cảo! Trời! Và lẻ loi ở góc bàn vẫn là cái hũ rượu cáp giới ngày nọ. Tất cả, chỉ có thế thôi, với một đoàn thê tử yếu và đuối” (Chén rượu vĩnh biệt).

Bài viết về Vũ Trọng Phụng - “Một đêm họp đưa ma Phụng” - cũng là một bài thật độc đáo. Để khóc một người chết, một đám bạn bè đã kéo nhau xuống xóm hát để nói, để cười, để đập trống chầu và để hút. Chao ôi, ở trên đời có những cái buồn nó đã kết thành nỗi đau và uất, nhiều khi lại chỉ có thể giải tỏa bằng tiếng cười. Nguyễn Tuân đã diễn tả được cái tiếng cười đầy nước mắt ấy của một bọn cầm bút ngày xưa, trước cái chết của một đồng nghiệp, thấy cần phải quây quần lại cho đỡ lạnh: “Một người nói. Một người hút. Một người không làm gì cả. Hai người áp mặt vào tường, cười và thở dài với cái bóng in trên tường đầy máu rệp và xác muỗi khô. Tôi đánh trống, gãi hai chiếc roi chầu. Cố đánh cho tử tế, mà tôi nhận thấy tiếng trống của tôi chỉ là tiếng trống bản. Và tiếng phách của Tỳ bà đủ là những tiếng sênh chấp hiệu cho một cỗ đòn đám khởi hành xuống huyệt”.

Sau 1945, những “bức chân dung” đạt nhất của Nguyễn Tuân có lẽ là những “bức vẽ” về Tú Xương, Nguyên Hồng (“Thời và thơ Tú Xương”, “Con người Nguyên Hồng”).

* * *
Về phê bình tác phẩm của Nguyễn Tuân (phê bình một tác phẩm hay toàn bộ sự nghiệp của một nhà văn), nói đến những bài hay nhất, phải kể đến các bài viết về Sêkhôp, Đôxtôepxky, Tú Xương, Truyện Kiều. Nguyễn Tuân thường chỉ viết về những gì mình thích, nhưng đã viết thì viết rất công phu và tỏ ra có quan điểm và phương pháp rất khoa học.

Nhưng đối với phê bình văn học, công việc khó khăn nhất vẫn là phân tích, đánh giá chính các văn bản tác phẩm. Đọc Nguyễn Tuân mới biết, ông luôn sử dụng khái niệm “tư tưởng nghệ thuật”.

Nhờ quan điểm và phương pháp tiếp cận tác phẩm chính xác, Nguyễn Tuân đã khám phá ra chất trữ tình lãng mạn nó bay nhẹ ở trên những câu thơ đầy chất hiện thực của Tú Xương; đã nhận ra bức chân dung lạc quan của nhân vật chị Dậu hiện lên sừng sững trên cái nền tăm tối đen ngòm của xã hội “Tắt đèn” trong tác phẩm của Ngô Tất Tố; đã phát hiện ra cái chất sống ngồn ngộn đủ mầu sắc trong “Truyện Kiều” - với những gam mầu tươi sáng cứ “óng ánh cả lên như múa bằng hồi quang của hào quang” - nó át đi, thậm chí “phản hẳn lại” cái mầu thiền của đạo Phật, “tức là chiều già sắc sắc không không” mà Nguyễn Du không khỏi bị ảm ảnh, v.v...

* * *
Văn phê bình của Nguyễn Tuân xem ra cũng không khác gì lắm với văn sáng tác của ông. Cũng vẫn là một thứ bút ký, tùy bút vậy thôi. Cái khác là ở đối tượng. Nếu văn sáng tác của ông là đi tìm cái đẹp trong đời sống, thì văn phê bình của ông là sự săn tìm cái đẹp trong văn chương và trong nhân cách ở một số nhà văn.

Nguyễn Tuân gọi viết tùy bút là “chơi lối độc tấu”. Ông viết phê bình cũng vẫn là chơi một lối ấy. Vì thế, nếu là dựng chân dung văn học, thì bên cạnh chân dung một Tản Đà, Vũ Trọng Phụng hay một Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng..., thế nào cũng có kèm theo bức chân dung tự họa rất đậm nét của chính Nguyễn Tuân - chân dung một cái tôi tài hoa, phóng túng, hóm hỉnh, trẻ trung, rất có duyên. Sức hấp dẫn của tùy bút Nguyễn Tuân cũng như của văn phê bình Nguyễn Tuân, xét đến cùng là sức hấp dẫn của cái tôi ấy.
Văn phê bình của Nguyễn Tuân rất giàu hình ảnh.

Những định nghĩa của ông nhiều khi cũng lấp lánh hình tượng và đậm đà chất thơ: “... thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng là loại cụ thể hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đống tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình, nó thức dậy được những vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở được ra một cái diện không gian thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp”.

Này đây, ông tóm tắt cả Truyện Kiều chỉ bằng một hình ảnh rất gọn: “Cả Truyện Kiều, theo tôi chỉ là câu chuyện hai cô gái nhà lành. Truyện hai chị em. Em, phúc hậu, cho nên mặc dù không biết bơi, nhưng động xuống nước thì nổi. Còn chị, bơi giỏi, nhưng nhẹ thịt nặng xương, càng bơi càng chìm; vì đau nghĩ nhiều, quẫy lắm, nặng mãi mình ra” (Tản mạn xung quanh một áng Kiều).

Về nghệ thuật văn chương, Nguyễn Tuân phân biệt ra hai lối viết bằng hai khái niệm ông gọi là “tung” và “hoành”. “Hoành” là mực thước, thiếu cảm hứng mãnh liệt. “Tung” là tạo ra tiếng “vang dội ầm lên một thời”, là “hành binh bằng một cuộc đại tấn công”, là những tìm tòi mạo hiểm, là cảm xúc mạnh, là hơi thở nồng... (Đôi tri kỷ gượng). Với cái tạng của mình, tất nhiên Nguyễn Tuân chủ trương lối “tung” - “Tôi muốn mỗi ngày trong cuộc sống của tôi phải cho tôi cái say sưa của rượu tối tân hôn (Một lá thư không gửi). Con người này suốt đời săn tìm cái đẹp, nhưng cái đẹp phải như thế: nếu là thiên nhiên thì phải là giông là bão, là đèo cao dốc thẳm, là thác nước dữ dội, và nếu là người thì phải như Thúy Kiều, đẹp đến hoa phải ghen, liễu phải hờn, đẹp đến đổ quán xiêu đình, nghiêng thành nghiêng nước... Đấy là cái đẹp của văn Đôtxtôiepxky, ẠGitđơ, Lỗ Tấn, của thơ Hồ Xuân Hương, Tú Xương... ấy là cái tính cách ngông cuồng đến quái dị của Tản Đà, là cái tài hoa chói lọi mà yểu mệnh của Vũ Trọng Phụng, v.v...

Gặp những cái đẹp như vậy, cảm hứng bốc cao, ông liền ném ra cả cái kho chữ nghĩa phong phú của mình và cái vốn tri thức thuộc đủ mọi ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau, để phân tích giảng giải, để bình, để tán - bình và tán cho đến sơn cùng thủy tận, dường như không muốn cho ai còn có thể bàn thêm tán thêm được gì hơn nữa.

Này đây, hãy nghe ông bình và tán về một chữ “phong” trong câu thơ Kiều: “Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giầy”: “Một khoảnh sân đất, mấy vết chân in trũng xuống từ một trận mưa nào... Và trên những vệt đọng của dĩ vãng, ẩm ướt đã sinh nở một thứ rêu lưu cữu. Hoàn toàn là một tấm tranh tĩnh vật; sân mốc và vệt xanh của sự vắng mặt. Sự vật ở ngoại cảnh thì nghèo và lạnh như thế, nhưng tiếng nói đặc sắc của người thơ đã làm cho nó ấm cúng hẳn lên. Mà cũng nên vận dụng thêm đến cái lối nói của điện ảnh ra mà tìm hiểu tỉ mỉ kỹ càng về phẩm chất tạo hình của ngôn ngữ Nguyễn Du nhé. Khởi đầu là những miếng phim toàn cảnh thu cả cái sân rộng, rồi ống máy dí dần vào chi tiết trên diện sân, và cuối cùng dí máy vào một cái khuôn đất in hình một cái đế giày. Trên thành vết hài, ống máy soi thật sát vào những mảnh rêu rờn rờn lên một điều hi vọng nào. Cái hy vọng của chàng dò la tung tích nàng - nàng mà rêu thương rêu nhớ vẫn “phong” lại gót hài. Rêu trong tiếng nói tinh diệu của Nguyễn Du đã thành hẳn một thứ phong bì xanh của bức thư tình bỏ quên lại giữa trời” (Về tiếng ta).
------
Quan Hoa, 11-11-1999
GS. Nguyễn Đăng Mạnh
 
Từ khóa
cá tính tự do ngòi bút phóng túng nguyen tuan phong cách độc đáo tài hoa quan điểm nghệ thuật cách mạng tâm và tài
555
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top