Đọc - hiểu văn bản ‘Lặng lẽ Sa Pa’ ngắn gọn, cô đọng

Đọc - hiểu văn bản ‘Lặng lẽ Sa Pa’ ngắn gọn, cô đọng

Sun Sun
Sun Sun
  • mình là sun - một người xa lạ đang đi tìm màu
Xin chào tất cả mọi người, mình là sun - một người xa lạ đang đi tìm màu, admin của insta @sun.fl_d, từng đạt giải nhất cấp tỉnh môn văn năm lớp 9 và là á khoa đầu vào môn văn chuyên. Qua quá trình rèn luyện để đạt được nhiều thành tích hơn thế nữa, mình đã học tập từ rất nhiều tư liệu và bây giờ khi đi qua 12 năm học sinh, mình muốn chia sẻ vốn văn, kinh nghiệm đó đến các bạn. Dưới đây là phần đọc - hiểu văn bản ‘Lặng lẽ Sa Pa’ được trình bày dưới dạng đoạn văn khá cô đọng, súc tích. Tôn chỉ của mình là ‘Trước khi viết hay, các bạn phải viết đúng’. Cùng mình tham khảo nhé:

Truyện có bốn nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên. Họ thuộc hai thế hệ - già và trẻ, nghề nghiệp khác nhau nhưng ở họ lại có nhiều điểm gần gũi mà trước hết là những nét đẹp trong suy nghĩ, trong thái độ với cuộc sống, với công việc và với những người khác. Những nhân vật ấy (và cả những nhân vật chỉ được nói đến trong lời kể của người thanh niên) đều không được tác giả đặt tên. Điều này hẳn không phải là không có dụng ý của tác giả: Nhà văn muốn thể hiện họ là những con người bình thường, bình dị trong một cuộc gặp gỡ bất ngờ trên hành trình của một chuyến xe khách, như là chúng ta có thể gặp những con người như thế ở nhiều nơi trên đất nước. Những nhân vật trong truyện ít nhiều đều có màu sắc lí tưởng, nhưng họ cũng là hình ảnh những con người mang vẻ đẹp của một thời kỳ lịch sử.

26BE191A-DAAF-42D2-B5D3-45ED1B01181C.png

(Ảnh được thiết kế bởi @sun.fl_d)​

Nhân vật chính của truyện - anh thanh niên - chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật nhất của bức tranh mà tác giả tập trung thể hiện. Để chuẩn bị cho sự xuất hiện của anh, tác giả đã qua lời bác lái xe để giới thiệu về anh: hai mươi bảy tuổi, người cô độc nhất thế gian, một mình trên trạm khí tượng ở đỉnh cao hai ngàn sáu trăm mét, rất “thèm người”... Cách giới thiệu ấy đã gây hứng thú và chuẩn bị tâm thế cho nhân vật ông họa sĩ và cô kĩ sư trước cuộc gặp gỡ. Khi dừng xe, người thanh niên xuất hiện với dáng vẻ nhanh nhẹn, tự nhiên và vóc dáng hơi nhỏ bé dường như không có gì đặc biệt. Sức thu hút của anh chính là ở thái độ và những suy nghĩ về cuộc sống và công việc của một người một mình giữa lặng lẽ của thiên nhiên. Cái mà tác giả muốn làm nổi bật ở nhân vật này không phải là những công việc khó khăn đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao, mà là một hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt: một mình trên đỉnh núi cao Yên Sơn quanh năm suốt tháng giữa cái lặng lẽ mênh mông của cỏ cây, mây núi. Cái khó khăn, thách thức lớn nhất với anh chính là sự cô độc. Cái gì đã giúp anh vượt qua được hoàn cảnh ấy?

Trước hết, đó là ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với công việc. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Anh hiểu rõ công việc thầm lặng của mình là cần thiết và có ích cho mọi người, nó gắn liền anh với mọi người và cuộc sống chung của đất nước. Anh yêu công việc của mình: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.

Nét đẹp ở nhân vật này không chỉ là ở cách sống có lí tưởng mà còn ở những suy nghĩ sâu sắc về công việc và cuộc sống. Chẳng hạn, về sự cô độc, anh đã nghĩ: “Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Và, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia”. Còn đây là về nỗi “thèm người” - như cách nói của bác lái xe - anh nghĩ: “Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?”. Nhưng nỗi “nhớ người”, với anh, quyết không thể là nỗi nhớ “phồn hoa đô thị”.

Trong cuộc sống lẻ loi của mình, anh còn tìm thấy một nguồn vui, đó là sách, mà anh thấy lúc nào đọc cũng như có người bạn để trò chuyện.

Chính vì tất cả những điều trên mà cuộc sống của người thanh niên ấy giữa núi cao mây mù không buồn tẻ. Anh tổ chức cuộc sống một mình ở trạm khí tượng thật ngăn nắp và chủ động: trồng hoa, trồng rau, nuôi gà, đọc sách ngoài những giờ làm việc và có mối giao lưu thân thiết với bác lái xe, những cuộc gặp gỡ với mọi người. Ở người thanh niên ấy còn có một nét rất đáng mến nữa là sự cởi mở, chân thành với mọi người, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với những người khác. Tình thân của anh với bác lái xe, thái độ ân cần, nhiệt thành, sự săn sóc chu đáo của anh với ông họa sĩ và cô gái mới lần đầu gặp gỡ đã nói lên nét đáng mến ấy ở anh.

Trong truyện, ngoài nhân vật người thanh niên, các nhân vật phụ (bác lái xe, ông họa sĩ già, cô kĩ sư mới ra trường) không chỉ tham gia vào câu chuyện, làm rõ nét hơn cho nhân vật chính mà còn làm phong phú và sâu hơn cho chủ đề của truyện. Trong số đó, đáng chú ý nhất là nhân vật ông họa sĩ già. Tác giả đã hầu như “nhập” vào cái nhìn và tâm trạng của nhân vật này để trần thuật, bao gồm cả quan sát, miêu tả và suy ngẫm, bình luận. Qua cái nhìn của ông họa sĩ, chân dung nhân vật chính như được hiện rõ nét hơn, đẹp hơn và khơi gợi những suy ngẫm về cuộc đời, con người và nghệ thuật.

Ngay những phút đầu gặp gỡ với người thanh niên, bằng sự từng trải của một nghệ sĩ, ông xúc động đến bối rối vì đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác. Và với ông, “người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá” với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh và về những điều anh suy nghĩ. Và đúng như người họa sĩ đã nghĩ: “Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những âm vang, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác”. Ví như, từ câu chuyện với người thanh niên, ông họa sĩ đã suy nghĩ về nghệ thuật với cả sức mạnh và sự bất lực của nó so với cuộc đời, về con người và mảnh đất Sa Pa.

Còn với cô kĩ sư trẻ mới ra trường thì cuộc gặp gỡ với anh thanh niên cùng với những điều anh đã kể đã khiến cô bàng hoàng, “cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới những con người như anh”. Quan trọng hơn nữa, cô hiểu và tin hơn vào con đường mà cô đã lựa chọn.

Như vậy, qua cảm xúc và suy nghĩ của các nhân vật khác, hình ảnh người thanh niên như được soi rọi dưới một ánh sáng trong trẻo và rực rỡ khiến nó như đẹp hơn, ánh lên nhiều màu sắc hơn. Đó là cái thủ pháp mà người xưa gọi là “vẽ mây để nảy trăng”.
 
Từ khóa Từ khóa
lặng lẽ sa pa nhà văn nguyễn thành long tác phẩm lặng lẽ sa pa tuyển sinh lớp 10 văn 9 phần đọc hiểu
926
3
3
Trả lời
Các bạn có gì muốn hỏi về kinh nghiệm thi văn 9 có thể bình luận xuống ngay dưới bài viết này hoặc follow và nhắn tin vào insta @sun.fl_d. Nếu mình biết, mình sẽ giải đáp bằng tất cả những gì mình đúc rút được từ quá trình ôn thi từ khuyến khích cấp thành phố đến giải nhất cấp tỉnh nhé
 
Các bạn có gì muốn hỏi về kinh nghiệm thi văn 9 có thể bình luận xuống ngay dưới bài viết này hoặc follow và nhắn tin vào insta @sun.fl_d. Nếu mình biết, mình sẽ giải đáp bằng tất cả những gì mình đúc rút được từ quá trình ôn thi từ khuyến khích cấp thành phố đến giải nhất cấp tỉnh nhé
Sun SunHữu ích lắm bạn. Mình cũng đã qua thời sinh viên, giờ có những "nhóc tỳ" như mình ngày nào. Và phải học cùng chúng.

Rất vui cùng nhau chia sẻ, học hỏi những kiến thức hữu ích.
 
Các bạn có gì muốn hỏi về kinh nghiệm thi văn 9 có thể bình luận xuống ngay dưới bài viết này hoặc follow và nhắn tin vào insta @sun.fl_d. Nếu mình biết, mình sẽ giải đáp bằng tất cả những gì mình đúc rút được từ quá trình ôn thi từ khuyến khích cấp thành phố đến giải nhất cấp tỉnh nhé
Sun SunMình thấy phong cách của bạn rất quen.
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.