Vẻ đẹp của quê hương làng biển với những hình ảnh rộn ràng của khung cảnh lao động thường nhật đã được nhà thơ Huy Cận khắc họa chân thật qua bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá". Bài thơ mang âm hưởng vui tươi với lòng tự hào về vẻ đẹp của con người hòa hợp với khung cảnh thiên nhiên rực rỡ.
Ôn tập kiến thức cơ bản tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” - Huy Cận
Câu 1. Trình bày hiểu biết của em về tác giả Huy Cận?
Trả lời
- Năm sinh: 1919;
- Năm mất: 2005;
- Quê quán: làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh;
- Thuở nhỏ ông học ở quê rồi vào Huế học hết trung học;
- Năm 1939 ra Hà Nội học ở Trường Cao đẳng Canh nông;
- Từ năm 1942, Huy Cận tích cực hoạt động trong mặt trận Việt Minh sau đó được bầu vào uỷ ban dân tộc giải phóng toàn quốc;
- Sau cách mạng tháng 8, giữ nhiều trọng trách quan trọng trong chính quyền cách mạng;
- Sau này ông làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phụ trách các công tác văn hóa và văn nghệ;
- Từ 1984, ông là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, II và VII;
- Huy Cận là nhà thơ lớn, một đại biểu xuất sắc của phong trào Thơ Mới với hồn thơ ảo não;
- Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I - năm 1996);
- Tháng 6 năm 2001, Huy Cận được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới;
- Ngày 23 tháng 2 năm 2005, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng;
- Thơ Huy Cận hàm súc, giàu chất suy tưởng triết lí;
- Những tác phẩm chính:
+ Trước cách mạng tháng 8: Lửa thiêng, Kinh cầu tự, Vũ trụ ca;
+ Sau cách mạng tháng 8: Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Chiến trường gần đến chiến trường xa...
Câu 2. Trình bày hoàn cảnh sáng tác của “Đoàn thuyền đánh cá”
Trả lời
Giữa năm 1958, Huy Cận có một chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế ấy, hồn thơ Huy Cận thực sự nảy nở dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước. Bài thơ được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng”.
Câu 3. Ý nghĩa nhan đề “Đoàn thuyền đánh cá”
Trả lời
Trước hết, nhan đề “Đoàn thuyền đánh cá” cho biết hình tượng trung tâm của bài thơ là những đoàn thuyền đánh cá. “Đoàn thuyền” không chỉ là một con thuyền, mà là cả một đoàn - một tập thể đông đảo cùng nhau ra khơi. Nhưng đó không phải là những đoàn thuyền bình thường, mà gắn với công việc lao động cụ thể: đánh cá - một công việc vất vả, nặng nhọc. Qua hình ảnh này, Huy Cận muốn ca ngợi thiên nhiên, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Câu 4. Viết một đoạn văn trình bày của cảm nhận của bản thân về tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”
Đoạn văn mẫu
Đến thơ trang thơ của Huy Cận, có lẽ người đọc cảm thấy ấn tượng với bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Tác phẩm đã khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, sự giàu có của biển khơi. “Đoàn thuyền đánh cá” được Huy Cận sáng tác năm 1958 trong một chuyến đi thực tế dài ngày ở Hòn Gai. Huy Cận đã vẽ lên trước mắt chúng ta khung cảnh lao động hăng say trên biển. bằng một đôi mắt quan sát sắc sảo, trí tưởng tượng phong phú, cũng như một trái tim nhạy cảm và tài năng nghệ thuật điêu luyện. Đoàn thuyền rời bến khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời sau một ngày làm việc mệt nhọc chuẩn bị nghỉ ngơi. Khi ấy màn đêm dần buông xuống. Biển giống như một gian phòng lớn của thiên nhiên mà ở đó “sóng đã cài then đêm sập cửa”. Chính lúc đó, người ngư dân mới bắt tay vào công việc đã quá quen thuộc là ra khơi đánh cá. Qua cách xây dựng hình ảnh đầy độc đáo, con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la đã trở thành con thuyền kỳ vĩ, khổng lồ đang hòa nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên, vũ trụ. Ta có thể tưởng tượng thấy hình ảnh con thuyền đang bay giữa không gian vũ trụ bao la. Những hình ảnh “lái gió”, “buồm trăng”, “mây cao”, “biển bằng” phảng phất phong vị thơ cổ điển nhưng vẫn đậm chất hiện thực. Và chuyến ra khơi bắt cá dường như trở thành một trận chiến đấu. Màn đêm yên yên tĩnh, ánh trăng lung linh phản chiếu xuống mặt nước, cá quẫy đuôi sóng sánh trăng vàng, tiếng “em” bật lên tự nhiên, trìu mến. Tiếng hát xuất hiện từ đầu đến cuối bài thơ. Tiếng hát hoà trong gió, thổi căng buồm đưa đoàn người ra khơi đêm trước nay lại cùng đoàn thuyền đầy ắp cá hân hoan về bến. Qua bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”, người đọc cảm nhận được công việc lao động hăng say của những người ngư dân, cũng như thêm tự hào về thiên nhiên, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Các bạn có thể xem thêm các bài viết cùng chủ đề: TẠI ĐÂY