Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành?

Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành?

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Hữu Thỉnh có câu thơ đầy triết lí về thời gian và con người chỉ bằng câu thơ:

“Sấm đã thôi bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”


Con người, càng già đi theo tuổi tác, càng điềm tĩnh hơn và trưởng thành hơn. Giống như cây cối trải qua xuân hạ thu đông, cứ theo tuần hoàn thời gian ấy rồi dần dà cứng cáp sẽ vững trãi, cứng cáp hơn. Bởi theo dòng chảy thời gian, nhiều đau thương, mất mát, nhiều biến cố, buồn vui xảy ra, mới gặp thất bại lần đầu ta có thể nản chí, chán chường; mới biết yêu lần đầu ta vội vã thề thốt, hứa hẹn thậm chí đòi sống chết bên người đó; nhận tháng lương đầu tiên ta mừng rỡ vẽ ra trong đầu đủ chuyện sẽ tiêu tiền vào mục đích gì; thất tình lần đầu ta tưởng như mất đi cả thế giới… Chuyện lần đầu cho chúng ta nhiều cảm xúc tột cùng, để lại trong ta nhiều ấn tượng sâu đậm. Dần dà, theo thời gian, khi trải qua những chuyện tương tự trong đời thêm vài lần, thậm chí vô số lần nữa, ta vẫn vui vẫn buồn đấy song sẽ chẳng còn thốt lên phấn khích hay đau đớn tột cùng như lần đầu. Chúng ta gọi đó là trưởng thành cũng có thể gọi nó là chai sạn. Sấm chớp nào, bão tố nào cũng từng trải thì chẳng còn “bất ngờ” nữa.

Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành - Không, nếu bạn không tự trau dồi ...png

(Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành? - Câu hỏi nghị luận xã hội 3 điểm trong đề thi vào lớp 10 môn Văn Hồ Chí Minh 2022 vừa qua)

Trưởng thành, không phải là không có trả giá. Bất cứ điều gì cũng vậy, có được ắt có mất. Bạn trẻ có một niềm vui lớn muốn khoe với bố mẹ rằng: con được nhận giấy khen, con được nhận lương rồi, con đã có bạn trai… Có thể bố mẹ cũng vui cùng, nhưng so với niềm vui của chúng ta, niềm vui của bố mẹ có vẻ nhạt hơn, hoặc nó chuyển sang một loại vui khác, không giống chúng ta, đó là niềm vui khi nhìn thấy con cái mình nay đã lớn. Rồi ta cũng có thể cảm thấy chạnh lòng khi nỗi buồn làm vỡ vụn chúng ta, đối với bố mẹ lại dường như bé xíu, tầm phào. Chúng ta trách bố mẹ, xa lánh bố mẹ và tìm tới bạn bè có cùng ‘tần số’ hơn để tâm sự. Chúng ta cảm thấy bố mẹ ‘chai lì’ cảm xúc hơn chúng ta, thiếu sự cảm thông mãnh liệt với mọi diễn biến đang xảy ra xung quanh như: thấy một tình yêu tan vỡ, thấy một kẻ ăn xin què quặt, … Chẳng qua là, họ vẫn hành động đấy thôi, vẫn cảm thông đấy thôi nhưng không thể hiện qua bề mặt mà từ từ giải quyết, điềm tĩnh, không vội vàng.

Người ta có được sự trưởng thành qua thời gian là nhờ sự tích lũy kiến thức, từng trải, và càng có nhiều hiểu biết về thế giới về lòng người hơn họ càng thấy được vị trí và sự nhỏ bé của mình, và vì thế mà khiêm tốn hơn, bình thản hơn.

Tuy vậy, không phải ai già theo năm tháng, càng lớn về tuổi tác lại càng trưởng thành. Giống như cây cối lớn hơn, gốc rễ ăn sâu vào lòng đất, nếu nó không tự phát triển về độ sâu thì càng cao to càng dễ bị quật ngã, nhiều người già đi nhưng không có nghĩa là họ trưởng thành hơn về suy nghĩ và tâm hồn.

Trưởng thành là gì? Người ta thường coi mốc tuổi trưởng thành là 18, khi đó con người phát triển tâm sinh lí đầy đủ cũng có thể có quãng thời gian học tập, tích lũy kha khá để có thể tách khỏi gia đình để tự lập. Nhưng đó còn chưa đủ. Trưởng thành còn là khả năng nhận thức, thích ứng với hoàn cảnh, có những cư xử, phán đoán phù hợp theo hoàn cảnh, địa điểm, văn hóa, dễ dàng được cộng đồng đón nhận.

nhungduatrechetgia.jpg

(Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành? - Không, nếu bạn không tự trau dồi bề rộng về tầm nhìn, bề sâu tâm hồn thì bạn mãi chỉ làđ ứa trẻ nông nổi.)

Nhà văn Nguyễn Bình Phương có một cuốn sách mang tựa đề “ Những đứa trẻ chết già(cuốn này khá khó đọc, theo mình, dù nội dung mỗi người đánh giá khác nhau nhưng tên tiêu đề khiến mình cực kì ưng ý). Đứa trẻ sao lại chết già? Hàm ý mà tác giả muốn nói tới: “đứa trẻ” là về mặt tinh thần, suy nghĩ, trải nghiệm còn chết già là cơ thể, về mặt sinh học. Khẳng định rằng, nhiều người tuy già về thể xác, sống tới tận lúc mất đi vẫn chưa đạt được sự trưởng thành về tâm hồn. Hoặc ta có thể nghe thấy những câu đại khái như “học thức cao, văn hóa lùn”, dù cho người đó có kiến thức về mặt sách vở sâu rộng nhưng về ứng xử cuộc sống, cư xử với người khác lại hết sức tệ hại. Trái với sự điềm tĩnh của một người có tuổi nên có, nhiều người cậy mình đã già để chèn ép người khác, bắt người trẻ tuổi phải nhường nhịn, phải giúp đỡ mình; cậy người khác kính nể mình về tuổi tác lại làm sai pháp luật. Ví như chuyện ông già ấu dâm trẻ em, ví như nhiều kẻ lợi dụng lòng thương người khác nói mình già không ai lo giúp để xin tiền người khác, ví như nhiều người già vu khống người khác đâm vào mình để ăn vạ… Điều này không phải là không có trong cuộc sống. Tuổi tác và tấm bằng, không đại diện cho sự trưởng thành và đó phải là tình thương, lòng bao dung và cách xử sự tinh tế, điềm nhiên khiến người khác dễ chịu, có lí khi giải quyết mọi việc. Và có lẽ, vì vậy mà người Việt Nam xưa nay đều có câu dạy: kính trên nhường dưới; kính lão đắc thọ, vô cùng coi trọng ý kiến người già, trưởng bối.

Vì vậy, để tránh trường hợp “có lớn mà không có khôn”, già mà không nên nết, chúng ta ngoài học tập trên sách vở cũng cần tự học tập trong đời sống và vun đầy trong tâm hồn ta những đức tính tốt đẹp và cư xử văn minh để càng trưởng thành càng tỏa hương thơm, càng bung tỏa ra hương sắc tươi đẹp nhất làm đẹp cho đời, cho mình.

- Trích câu hỏi nghị luận xã hội xuất hiện trong đề thi vào lớp 10 môn Văn Hồ Chí Minh 2022 vừa qua
- Phong Cầm
 
Từ khóa
bạn sẽ trưởng thành những đứa trẻ chết già phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua trưởng thành là gì đề thi vào lớp 10 môn văn hồ chí minh 2022
8K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top