Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 20, 21

Bài Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 20, 21 SGK Ngữ văn 7 bộ Cánh diều tập 2 sẽ giúp các bạn tìm hiểu trước những kiến thức về thơ. Đây là một phần lí thuyết quan trọng sẽ theo các bạn trong suốt chương trình học về sau.
Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 20, 21.png

Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 20, 21 - Cánh diều​

1. Từ ngữ và hình ảnh trong thơ

- Thơ trữ tình thường ngắn gọn nên từ ngữ trong thơ rất cô đọng, hàm súc. Cũng như ngôn ngữ văn học nói chung, từ ngữ trong thơ có tính gợi hình, gợi cảm, đa nghĩa,... Từ ngữ trong thơ thiên về khơi gợi, đòi hỏi người đọc phải chủ động liên tưởng, tưởng tượng để hiểu hết sự phong phú của ý thơ.

- Hình ảnh trong thơ là hình ảnh về con người, cảnh vật,... xuất hiện trong thơ, giúp cho việc diễn đạt nội dung thêm gợi cảm, sinh động. Để khắc hoạ hình ảnh, tác giả thường sử dụng từ ngữ (nhất là những từ gợi tả âm thanh hoặc gợi tả dáng vẻ, trạng thái của sự vật), cách gieo vần, ngắt nhịp và đặc biệt là sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, nhân hoả,...

2. Ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh

- Ngữ cảnh của một yếu tố ngôn ngữ trong câu hoặc văn bản thường được hiểu là:

+ Những từ ngữ, câu đứng trước hoặc đứng sau yếu tố ngôn ngữ đó. Theo nghĩa này, từ ngữ cảnh đồng nghĩa với từ văn cảnh,
+ Hoàn cảnh, tình huống giao tiếp (gồm các yếu tố: chủ thể, đối tượng, mục đích giao tiếp, thời gian, nơi chốn diễn ra hoạt động giao tiếp). Theo nghĩa này, từ ngữ cảnh đồng nghĩa với các từ tình huống, bối cảnh.

- Vai trò quan trọng của ngữ cảnh đối với việc xác định nghĩa của từ ngữ thể hiện ở chỗ:

+ Ngữ cảnh giúp người đọc, người nghe xác định nghĩa cụ thể của các từ đa nghĩa (ví dụ, các nghĩa của từ chạy trong bé chạy, tàu chạy, đồng hồ chạy,...) hoặc từ đồng âm (ví dụ, các nghĩa của những từ bác, tôi trong Bác bác trứng, Tôi tôi vôi).
+ Ngữ cảnh giúp người đọc, người nghe xác định nghĩa hàm ẩn của những từ ngữ được sử dụng trong các biện pháp tu từ, ví dụ: nghĩa hàm ẩn của từ in đậm trong câu thơ: “Mặt Trời của bắp thì nằm trên đồi / Mặt Trời của mẹ, em nằm trên lưng” (Nguyễn Khoa Điềm).
+ Ngữ cảnh giúp người đọc, người nghe hiểu được hàm ý (thái độ, tình cảm) mà người nói thể hiện qua việc lựa chọn, sử dụng các từ xưng hô. Chẳng hạn, trong tác phẩm Tắt đèn (Ngô Tất Tố), nhờ ngữ cảnh (tình huống đối đầu giữa nhân vật chị Dậu và nhân vật cai lệ) mà người đọc hiểu được diễn biến thái độ của chị Dậu đối với tên cai lệ thể hiện qua việc sử dụng các cặp từ xưng hô: cháu - ông (thế hiện thái độ nhún nhường); tôi – ông (thể hiện thái độ tức giận, coi thường); bà – mày (thể hiện thái độ thách thức, khinh bỉ).

3. Dấu chấm lửng

Dấu chấm lửng (dấu lửng) là dấu câu gồm ba dấu chấm liền nhau (...), được dùng để:

- Phối hợp với dấu phẩy, tỏ ý còn nhiều nội dung tương tự chưa được liệt kê hết; ví dụ: “Chiến công của Gióng còn để lại cho quê hương, xứ sở nhiều chứng tích địa danh, sản vật,...” (Bùi Mạnh Nhị).
- Thể hiện lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng vì lí do gì đó, ví dụ: "À... à, lúc nãy tạo sửa xe, rồi bỏ quên trong túi.” (Nguyễn Nhật Ánh).
- Làm giãn nhịp điệu cần thơ, câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm; ví dụ: “Cuốn tiểu thuyết được viết trên... bưu thiếp.” (Báo Hà Nội mới).

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 Cánh diều liên quan tới phần học Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 20, 21: TẠI ĐÂY
 
Từ khóa Từ khóa
dấu chấm lửng hình ảnh trong thơ nghĩa của từ trong ngữ cảnh ngữ cảnh sgk ngữ văn 7 bộ cánh diều tập 2 soạn bài kiến thức ngữ văn trang 20 thơ trữ tình vai trò quan trọng của ngữ cảnh
438
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.