"Sóng" - nỗi khát khao cháy bỏng của môt người "đàn bà yêu và làm thơ" - Trương Văn Hà

"Sóng" - nỗi khát khao cháy bỏng của môt người "đàn bà yêu và làm thơ" - Trương Văn Hà

Tình yêu luôn là đề tài quen thuộc trong thi ca từ cổ chí kim. Đề tài muôn thuở này đi vào thi ca vốn rất đa dạng, phong phú về các trạng thái cung bậc, cảm xúc khác nhau và bao giờ cũng luôn mới mẻ, bất tận đối với người cầm bút. Trên thi đàn Việt Nam, độc giả vốn đã rất thuộc, thuộc “nằm lòng” nhiều thi phẩm tuyệt diệu viết về tình yêu của Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh,…và nhiều người khác nữa. Nhưng với tôi, một chàng trai đang yêu, mỗi lần có dịp “nhâm nhi” lại thi phẩm “Sóng” của ''người đàn bà yêu và làm thơ'' Xuân Quỳnh, tôi lại phát hiện ra thêm một vài điều mới lạ…

1672528395060.jpeg


Mượn hình tượng sóng để diễn tả các cung bậc khác nhau của tình yêu là điều không phải quá mới trong thi ca. Trước đây, khi viết về xúc cảm dạt dào, mãnh liệt, đắm say của chàng Kim, nàng Kiều trong cái buổi đầu tiên vừa mới "nhìn thấy mặt nhau", đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng có một câu tuyệt bút để đời: " Sóng tình dường đã xiêu xiêu". Hay "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu cũng đã từng mượn hình tượng sóng để diễn tả nỗi khắc khoải, da diết và sự khao khát được yêu, hiến dâng và tận hưởng sự hiến dâng đó đến cháy bỏng, mãnh liệt, nhiệt cuồng của kẻ đang yêu khi nói về tình yêu: "Anh xin làm sóng biếc/Hôn mãi cát vàng em"...

Không giống như cái cuống quýt, vồ vập, gấp gáp, vội vàng chạy đua với thời gian, chạy đua với cuộc đời bởi vì số phận quá hữu hạn của con người trên nhân gian như trong thơ Xuân Diệu, tình yêu giữa “anh” và “em” trong “Sóng” của Xuân Quỳnh lại vừa đằm thắm, chân thành, nữ tính, nhưng cũng không hề thua kém phần cháy bỏng, đê mê, say nồng và mãnh liệt đến “tận cùng”…

Sóng là hiện tượng hết sức tự nhiên của đất trời. Sóng vỗ trên mặt nước, sóng vỗ ập òa, quay quắt và tung bọt trắng xóa vào bãi bờ là quy luật thường tình, muôn đời của tạo hoá. Ở đây, Xuân Quỳnh đã mượn sóng làm hình tượng ẩn dụ - là sự hóa thân cái - tôi - trữ - tình - của một người phụ nữ đang yêu để tỏ bày tình cảm của trái tim của mình.

"Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ". Quy luật tự nhiên của biển là vậy, sóng là vậy đó. Mỗi bận biển có bão giông, sóng sẽ trở nên "ồn ào""dữ dội". Còn những lúc biển vắng lặng, biển hiền hoà, sóng biển lại "dịu êm""lặng lẽ". Và tình yêu của “em”, của “anh, tình yêu “của chúng mình”, của tất thảy những ai đang yêu, sẽ yêu và “đã yêu xong rồi” ở trên cõi đời này cũng vậy, cũng rất nhiều những cung bậc, trạng thái, cảm xúc khác nhau, có lúc là trái ngược nhau như thế đó:“dữ dội” - giận dỗi, hờn ghen, xa cách nhau; hay “dịu êm” – hiền hòa, say sưa quấn quýt tựa hồ như những đôi sam bám chặt lấy nhau...

"Sông không hiểu nỗi mình/Sóng tìm ra tận bể". Không chỉ ở bể rộng, mà cả sông, suối, ao, hồ,...cũng đều có sóng...Muôn đời nay, “sóng” ở đâu cũng thế, “sóng” bào giờ cũng muốn bứt phá, muốn thoát ra cái khoảng không gian chật hẹp, nhỏ nhoi, tầm thường để tìm đến vẫy vùng ở những nơi bao la hơn, rộng lớn, vô cùng, vô tận hơn. Đó là bản chất ngàn đời của tình yêu. Tình yêu đích thực là thứ tình cảm thiêng liêng, ngọt ngào, trong trắng nhất, nó phải tự mình đơm hoa, kết nhụy bằng nguồn dưỡng chất từ những trái tim đang cháy bỏng khao khát yêu đương, nhưng lúc nào cũng bao dung, cao thượng, chẳng bao giờ tính toán thiệt hơn, hay so hơn kém...

"Ôi con sóng ngày xưa/Và ngày sau vẫn thế/Nỗi khát vọng tình yêu/Bồi hồi trong ngực trẻ". Khi có biển, khi có đất trời là có sóng. Và khi có “anh”, có “em” trên cõi đời này là đã có tình yêu. Tình yêu là thứ men say ngây ngất, ngọt ngào nhất mà tạo hoá đã ban tặng cho chúng sinh. Bởi vì, "Cuộc sống thiếu tình yêu không phải là sống mà chỉ là sự tồn tại. Không thể sống thiếu tình yêu vì con người sinh ra có một tâm hồn để mà yêu" (M.Gorki). Tình yêu không hề có tuổi, nhưng tình yêu của tuổi trẻ vẫn là thứ tình cảm đẹp nhất, trong sáng, tinh khôi, nồng cháy nhất, tựa hồ như những giọt sương ban mai long lanh trên kẽ lá, nó vốn dễ bị vỡ tan mỗi khi có ánh dương hé rạng. Nhưng, nếu ta biết hứng lấy nó, nâng niu nó trong chiếc bình pha lê, thì những giọt sương kia sẽ - là - trường - cữu…

“Sóng bắt đầu từ gió/Gió bắt đầu từ đâu?/Em cũng không biết nữa/Khi nào ta yêu nhau”…Sự diệu kỳ của tình yêu, nhất là của mối tình đầu tiên, của cái nhìn đầu tiên, nụ hôn e ấp, ngượng nghịu nhưng ngọt ngào đầu tiên, xưa nay vẫn là một điều bí ẩn, “đóng dấu” vĩnh hằng trong ký ức, trong trái tim của những lứa đôi yêu nhau. Cả “em’, cả “anh” - “chúng ta” và cả nhân gian này cũng đều mãi mãi không thể nào lý giải được cội nguồn của nó. Có chăng, người ta mới chỉ lý giải được "Sóng bắt đầu từ gió..." mà thôi, phải không anh ?

Sang đến đoạn thơ thứ ba là những nỗi niềm, cảm xúc có chút gì đó ưu tư, trăn trở: "Trước muôn trùng sóng bể/Em nghĩ về anh, em/Em nghĩ về biển lớn/Tự nơi nào sóng lên". Yêu anh, em luôn nghĩ về anh, nghĩ về em và nghĩ về tình yêu mà chúng mình đang có “với nhau”. Và em cũng còn nghĩ đến những điều lớn lao hơn thế nữa: "Em nghĩ về biển lớn" – từ hạnh phúc riêng tư của hai đứa, em nghĩ đến niềm hạnh phúc chung mà mọi người trên nhân gian đang tìm đến...

Đứng trước biển vô cùng, người phụ nữ ấy còn cảm nhận được một chân lý vĩnh hằng, hàng ngàn con sóng ở ngoài xa cứ vỗ hoài, vỗ mãi, vỗ vào bãi bờ đêm ngày không ngơi nghỉ: "Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước/Ôi con sóng nhớ bờ/Ngày đêm không ngủ được/Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức". Giống như “em” của “anh” cũng thế, yêu “anh”, “em” bao giờ cũng nhớ đến “anh”, nhớ khôn nguôi, nhớ cồn cào, da diết "cả trong mơ, còn thức"..., như cái ngày xửa, ngày xưa có ai đó đã từng “than thở”: "Nhớ ai bổi hổi, bổi, bổi hồi/Như đứng đống lửa, như ngồi đống than...".

“Sóng nhớ bờ”- “anh nhớ em”
cả ngày, lẫn đêm, “cả trong mơ, còn thức”. Nỗi nhớ đó còn là sự minh chứng cho một tình yêu chung thuỷ, sắt son, vẹn tròn, vĩnh cữu đến muôn đời mà chẳng có gì chia cắt được. Cho dù: "Dẫu xuôi về phươngBắc/ Dẫu ngược về phương Nam/Nơi nào em cũng nghĩ/Hướng về anh - một phương".

"Cuộc đời tuy dài thế/Năm tháng vẫn qua đi/Như biển kia dẫu rộng/Mây vẫn bay về xa/Làm sao được tan ra/Thành trăm con sóng nhỏ/Giữa biển lớn tình yêu/Để nghìn năm còn vỗ".
Tình yêu là vĩnh cửu nhưng cuộc đời thì hữu hạn. Biển mênh mông là thế, nhưng biển cũng có bờ. Ý thức được cái quy luật nghiệt ngã đó, cho nên “người đàn bà yêu và làm thơ” đó bao giờ cũng khao khát cháy bỏng là tình yêu và cuộc đời sẽ mãi mãi vĩnh hằng, để mình được sống, được yêu đương, được hiến dâng trọn vẹn, đủ đầy cho nó....

Để đạt được điều đó, ngay cái lúc này đây, khi tình yêu hãy còn đắm say, nồng nàn, “người đàn bà” ấy bao giờ cũng khát khao "Làm sao được tan ra/Thành trăm con sóng nhỏ/Giữa biển lớn tình yêu/Để nghìn năm còn vỗ". Có lẽ đó không chỉ là khao khát riêng có của nàng, mà tôi, bạn và chúng ta cũng vẫn hằng khao khát: "Chỉ một ước mơ thôi/Ngày ngày anh lặp lại/Sau khi anh chết rồi/Tình yêu còn mãi mãi" (Hai – rích Hai – nơ).

Bởi vì: "Thời gian trôi quá chậm đối với ai đang chờ đợi, trôi nhanh đối với ai sợ hãi, quá dài đối với ai phiền não, quá ngắn đối với ai hân hoan. Nhưng đối với kẻ đang yêu, thời gian là vĩnh cửu" (Henry van Dyke) phải không bạn ?

Ảnh: Sưu tầm từ trang https://aokieudep.com/doc/loi-bai-tho-song-cua-xuan-quynh/
 
Từ khóa Từ khóa
song tinh yeu xuan quynh
747
5
3
Trả lời
Tác giả đã phân tích thật tài tình cái đẹp rất bình dị của những vần thơ mà bất cứ ai cũng đã nghe, đã đọc nhưng không phải ai cũng nhận ra cái tinh tế của từ ngữ và hình ảnh trong thơ.
 
  • Like
Reactions: Trương Văn Hà

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.