Hướng dẫn Tóm tắt các văn bản truyện (văn học Việt Nam) - Ngữ văn 9 (đầy đủ nhất)

Hướng dẫn Tóm tắt các văn bản truyện (văn học Việt Nam) - Ngữ văn 9 (đầy đủ nhất)

Để phục vụ tốt nhất cho việc tổng ôn thi và đảm bảo hệ thống ngữ liệu cơ bản để nắm vững tóm tắt các văn truyện (văn học Việt Nam) của chương trình Ngữ văn 9, Văn học trẻ xin gửi đến các bạn bài viết này. Đây được xem như một tài liệu cung cấp cơ sở dữ liệu để các bạn tham khảo nhé!

Tóm tắt các văn bản truyện (văn học Việt Nam) - Ngữ văn 9 (đầy đủ nhất).png


1. Chuyện người con gái Nam Xương

Ngày xưa có chàng Trương Sinh vừa cưới vợ xong phải đi lính, để lại người mẹ già và người vợ trẻ là Vũ Thị Thiết (còn gọi là Vũ Nương) đang mang thai. Vũ Nương ở nhà sinh con, nuôi con, phụng dưỡng mẹ chồng rất chu tất. Khi mẹ Trương Sinh ốm mất, Vũ Nương làm ma chay chu đáo.

Giặc tan, Trương Sinh về nhà nghe lời con trẻ nghi vợ không chung thuỷ. Vũ Nương oan tủi, gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Một đêm, Trương Sinh cùng con trai ngồi bên đèn, đứa con chỉ chiếc bóng trên tường bảo đó là “cha” của mình, là người hay đến hằng đêm. Lúc đó, Trương Sinh mới hiểu vợ bị hàm oan.

Phan Lang - người cùng làng với Vũ Nương, do cứu mạng thần rùa Linh Phi, vợ vua Nam Hải, nên khi chạy loạn chết đuối ở biển đã được Linh Phi cứu sống để tạ ơn - tình cờ gặp Vũ Nương dưới thuỷ cung. Khi Phan Lang trở về trần gian, Vũ Nương gửi chiếc hoa vàng và lời nhắn cho Trương Sinh. Trương Sinh liền lập đàn giải oan trên bến Hoàng Giang. Vũ Nương ngồi trên kiệu hoa đứng giữa dòng lúc ẩn lúc hiện rồi biến mất.

2. Làng

Truyện "Làng" xoay quanh câu chuyện về ông Hai - một lão nông rất cần cù chất phát, ông rất yêu làng của ông. Vì cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Hai phải dời làng tản cư đến sinh sống vùng khác, xa làng ông rất nhớ và yêu làng, luôn theo dõi các tin tức về làng mình. Ông Hai đi đâu cũng khoe về làng Chợ Dầu giàu đẹp luôn sẵn sàng kháng chiến của mình.

Ở nơi tản cư, tin chiến thắng của quân ta đang rầm rộ khiến ai cũng vui vẻ nhưng bổng ông Hai nghe được một tin dữ là dân làng Chợ Dầu trở thành Việt gian theo Tây. Ông vô cùng xấu hổ, cảm thấy cụt hứng, và nhục nhã. Ông suốt ngày quanh quẩn ở nhà, chẳng dám đi đâu, lúc nào cũng buồn chán, mụ chủ nhà khiến ông bế tắc, lo sợ hơn khi mụn muốn đuổi gia đình ông đi không cho ông ở nhờ nhà nữa vì ông là người ở làng Việt gian. Hằng ngày, ông chỉ biết trút bầu tâm sự của mình với đứa con trai nhỏ, đó thật ra chính là ông tự nói với lòng mình: "phải theo kháng chiến, theo cụ Hồ chứ không theo bọn giặc hại nước, còn làng theo giặc thì phải thù làng".

3. Lặng lẽ Sa pa

Truyện Lặng lẽ Sa Pa là kết quả của một chuyến đi thực tế ở Lào Cai của Nguyễn Thành Long vào mùa hè năm 1970. Tác phẩm có cốt truyện đơn giản: một họa sĩ già trong một chuyến đi từ Hà nội lên Sa Pa gặp cô kĩ sư mới ra trường lên Sa Pa nhận công tác và họ đã trở thành những người bạn đồng hành trên một chuyến xe. Họ được bác lái xe kể cho nghe về anh thanh niên - “một trong những người cô độc nhất thế gian” ở đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Và sau đó là cuộc gặp gỡ nói chuyện giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư với anh thanh niên tại nơi anh ở và làm việc. Anh thanh niên 27 tuổi, quê ở Lào Cai. Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất và dự báo thời tiết hàng ngày để phục vụ sản xuất. Một ngày anh phải báo về trung tâm bốn lần: bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, một giờ sáng. Công việc của anh đòi hỏi tính chính xác, kiên trì nhưng anh vẫn luôn yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Anh tự tạo cho mình một cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ. Anh có một căn nhà ngăn nắp, gọn gàng, có vườn rau, vườn hoa và có sách là bạn. Anh tặng vợ bác lái xe củ tam thất, tặng cô kĩ sư bó hoa, tặng ông họa sĩ một giỏ trứng. Ông họa sĩ cảm nhận được nét đẹp của anh thanh niên. Ông muốn vẽ anh những anh từ chối và giới thiệu những người khác đáng vẽ hơn đó là ông kĩ sư ở vườn rau xu hào, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong ba mươi phút nhưng anh thanh niên đã để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp cho cô gái và ông họa sĩ về những con người làm việc hăng say mà thầm lặng cho đất nước trong cái lặng lẽ của Sa Pa - nơi mà người ta tưởng như chỉ có sự nghỉ ngơi.

4. Chiếc lược ngà

Câu chuyện kể về ông Sáu - một người đồng chí của nhân vật tôi, trong những ngày nghỉ phép được về thăm nhà sau hơn tám năm xa cách. Lúc ông đi kháng chiến, con gái ông, cô bé Thu đầy cá tính, vẫn còn đỏ hỏn, còn bế trên tay nên lần gặp gỡ đầu tiên của hai cha con khi bé Thu đã lớn không được như mong đợi. Cô bé sợ hãi và né tránh hoàn toàn đối lập với tâm trạng hồi hộp chờ đợi của ông Sáu. Bé Thu kiên quyết không gọi ông Sáu là ba, mặc cho mẹ nó dụ dỗ hay người ta dỗ dành nó thế nào. Ba ngày nghỉ phép, ông Sáu không đi đâu cả, chỉ luẩn quẩn ở bên cạnh con. Ông mong con bé sẽ gọi một tiếng cha nhưng con bé không chịu gọi. Trong bữa cơm, ông Sáu gắp cho bé Thu một cái trứng cá vào bát nhưng con bé hất tung lên khiến cơm vương vãi khắp cả mâm. Giận quá, ông Sáu đã đánh bé Thu còn bé Thu thì gắp cái trứng cá vào bát, đứng lên bỏ sang nhà ngoại nó và nằm khóc ở bên đấy. Tối hôm ấy, bà ngoại gặng hỏi mãi mới biết Thu không nhận ba nó vì vết thẹo dài trên mặt ông Sáu. Bà ngoại giải thích cho Thu về nguồn gốc của vết thẹo ấy bấy giờ Thu mới nhận ra ba mình. Sáng hôm sau, ông Sáu và bác Ba (nhân vật tôi) phải lên đường để trở về đơn vị. Bé Thu cuối cùng cũng chịu gọi ống Sáu là "ba" rồi kiên quyết không cho ông Sáu đi nữa. Bà con hàng xóm chứng kiến cảnh ấy không ai cầm được nước mắt. Bà ngoại và mọi người khuyên bé Thu, cả ông Sáu cũng dỗ dành nên bé Thu đồng ý với lời hứa sẽ làm cho con một cây lược ngà.

Trở lại chiến trường, ông Sáu tỉ mẩn, cẩn thận làm chiếc lược ngà cho con gái. Lược đã làm xong, càng nhìn ngắm nó ông lại càng nhớ và mong được gặp con. Trong một trận càn quét lớn của địch, ông Sáu đã hi sinh. Ông trao lại cây lược cho bác Ba, người bạn thân thiết, cũng là người đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện. Chỉ khi nhận được lời hứa của bác Ba sẽ đưa tận tay bé Thu cây lược ông Sáu mới yên lòng nhắm mắt.

Sau này, trong một chuyến đi công tác, bác Ba gặp lại bé Thu, giờ đã là một cô giao liên dũng cảm. Bác đã trao lại cho cô cây lược ngà mà ông Sáu đã trao gửi, hoàn thành tâm nguyện của người bạn đã mất. Giữa bác Ba và bé Thu nảy nở một thứ tình cảm như là tình cha con.

5. Bến quê

Truyện kể về nhân vật Nhĩ là người khi còn trẻ đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, xa gia đình nhưng khi về già lại mắc phải một căn bệnh trầm trọng không thể tự mình ra khỏi giường. Ông được sự chăm sóc của Liên - người vợ đã tần tảo chịu đựng gian khổ, hi sinh cả cuộc đời vì chồng vì con. Ông nằm trên giường bệnh và ngắm nhìn cảnh bên kia bờ sông và ông chợt nhận ra cả cuộc đời đi khắp mọi nơi mà đến bây giờ lại không thể sang được bến sông nơi quê nhà. Ông sai người con trai tên Tuấn làm thay mình một nhiệm vụ cuối của cuộc đời là bắt chuyến đò để sang bên kia bờ sông. Nhưng vì ván cờ thế nên Tuấn đã bỏ lỡ chuyến đò của ngày hôm đó và không hoàn thành được ước nguyện của người cha. Nhĩ chợt nhận ra rằng người con có thể lỡ chuyến đò hôm nay nhưng mai lại có thể bắt được chuyến đò khác còn mình thì mãi mãi không thể tự rời khỏi giường bệnh. Chính vì vậy ông đã nhận ra được những giá trị của cuộc sống ở xung quanh mình mà bấy lâu nay ông không biết.

6. Những ngôi sao xa xôi

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” kể về cuộc sống và chiến đấu của ba cô thanh niên xung phong – tổ trinh sát mặt đường – gồm Phương Định, Nho và chị Thao. Họ sống trong một cái hang, trên cao điểm tại một vùng trọng điểm ở tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mỹ. Công việc của họ là quan sát máy bay địch ném bom, đo khối lượng đất đá để san lấp hố bom do địch gây ra, đánh dấu những quả bom chưa nổ và phá bom.

Công việc nguy hiểm, luôn phải đối mặt với cái chết, nhưng cuộc sống của họ vẫn không mất đi niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thảnh thơi, thơ mộng. Họ rất gắn bó, yêu thương nhau dù mỗi người một cá tính.

Phương Định là nhân vật được khắc họa nổi bậc nhất. Cô là cô gái Hà nội xinh đẹp, luôn nhận thức rõ về bản thân. Nơi chiến trường đầy thử thách, ý chí chiến đấu, lòng dũng cảm, tình yêu tổ quốc của phương Định không ngừng được nuôi dưỡng, tăng cường, khởi sáng.

Trong một lần phá bom, Nho bị thương, hai người đồng đội hết lòng lo lắng và chăm sóc cho Nho. Một cơn mưa đá vụt đến và vụt đi đã gợi trong lòng Phương Định bao hoài niệm, khát khao.

Các bạn vừa xem qua phần tóm tắt các tác phẩm truyện được tuyển chọn. Các bạn có thể đóng góp thêm ý kiến bằng cách bình luận dưới bài viết này nhé!
 
392
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top