Baivanhay “Đứa bé muốn hái sao, cô độc là môn học bắt buộc của chúng..."

Baivanhay  “Đứa bé muốn hái sao, cô độc là môn học bắt buộc của chúng..."

Đề bài: Nêu suy nghĩ của em về câu nói: “Đứa bé muốn hái sao, cô độc là môn học bắt buộc của chúng, ta không sợ chính mình nỗ lực rồi không ưu tú, ta chỉ sợ người ưu tú hơn ta còn nỗ lực hơn ta”
Bài làm
Hải lưu cuộc đời là một dòng nước xiết chuyển động liên tục không ngừng lại. Dường như chúng ta chỉ như những giọt nước bé nhỏ cuốn theo lưu tốc của dòng chảy ấy mà tìm về đến bến bờ ước định. Nhưng đi đến đâu để tìm nhìn thấy bến đỗ mơ ước? Điều gì đang đón chờ chúng ta nơi cuối con đường kia? Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ trong lòng tôi chưa tìm được lời hồi đáp cho đến khi được tôi được gặp diễn giả Lư Tư Hạo qua những trang sách “Bạn phải tin rằng, không có chuyện ngày mai không đến được”, tâm hồn tôi như được dẫn lối đến với chân trời mới qua lời văn đầy ấm áp “Đứa bé muốn hái sao, cô độc là môn học bắt buộc của chúng, ta không sợ chính mình nỗ lực rồi không ưu tú, ta chỉ sợ người ưu tú hơn ta còn nỗ lực hơn ta”. Một câu văn dung lượng không dài nhưng hàm chứa cả kho báu về giá trị nhận thức. Ta có thể là những đứa trẻ cô đơn trong cuộc đời nhưng không bao giờ bỏ cuộc, nỗ lực là cái tên được chọn để gọi thành công của chúng ta. “Hái sao”- phép ẩn dụ độc đáo cho ước mơ trong trái tim con người được nhen nhóm thành ngưỡng vọng, khao khát sở hữu. Trên hành trình chạm vào vì tinh tú sáng nhất trong bầu trời đêm ấy, chúng ta buộc phải học một môn học đặc biệt đó là “sự cô độc”- tâm lí buồn tủi, lạc lõng khi bị cô lập trong một mối quan hệ. Người ưu tú là những người có phẩm chất trí tuệ thiên phú vượt trội. Người nỗ lực là những “người chạy bền xuất sắc”, họ vượt lên chướng ngại bằng sự cố gắng và kiên trì của mình. Một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng từ phía diễn giả đến với chúng ta rằng: ta chưa chắc đã trở thành người ưu tú nhất nhưng trên trường đua chạy tới vạch đích “thành đạt” nhất định phải là người nỗ lực nhất. Để “hái sao”, chúng ta phải trải qua vô số bài kiểm tra của trường học khắc nghiệt nhất - trường đời với đôi bàn tay trắng và không hành trang nào trên vai. Chúng ta bắt đầu cuộc trường chinh gian lao, tại đó mỗi người là một tiểu hành tinh nhỏ bé trong dải ngân hà bao la chỉ có duy nhất một vệ tinh đồng hành cùng xoay theo quỹ đạo sống của ta đó là sự cô độc. Từ lâu nó đã trở thành mảnh ghép không thể thiếu trong thước phim toàn cảnh về cuộc đời. Tôi vô cùng yêu thích một câu nói “Dựa núi núi sẽ đổ, dựa người người sẽ chạy, sống trên đời phải luôn nhớ bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất”. Có lẽ chỉ khi chúng ta chấp nhận sự tồn tại của cô độc, ta mới có thể làm quen được cách sống tự lập mà không còn sự ỷ lại, dựa dẫm. Những nấc thang thành công và nền tảng của tự lập sẽ được nâng lên thêm một bậc cao hơn sau mỗi lần chúng ta mạnh mẽ đối diện với nó. Christine Hà - quán quân trong cuộc thi truyền hình thực tế Vua đầu bếp MasterChef 2012 từng phải một mình đối đầu với sự cô độc khi mất đi người mẹ năm cô mười bốn tuổi và mất dần thị lực khi trưởng thành. Nhưng không hề để “cô độc” đánh trượt, Christine Hà bằng tình yêu và tài năng, cô đã vụt lên thành ngôi sao sáng trong lĩnh vực ẩm thực và trở thành người Việt đầu tiên chiến thắng tại MasterChef trên đất Mỹ. Tôi chợt nhớ về một lời tâm sự "Bản chất của văn nghệ sĩ là cô độc". Không chỉ trong ẩm thực ngay cả trong lãnh địa văn chương, bất cứ thi nhân hay văn nhân nào cũng đều phải chấp nhận một hành trình cô độc để thai nghén ra “đứa con tinh thần của mình“Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra”( Picasso). Chỉ trong sa mạc cô đơn của chính mình, tiếng nói sáng tạo riêng của người nghệ sĩ mới được cất lên - một màu giọng riêng mà không thể cất lên từ cổ họng của một người nào khác. Cô độc giúp chúng ta tạo kiến tạo nên một thế giới nhiệm màu mang bản sắc cá nhân không trộn lẫn. Học cách đồng hành cùng “cô độc” trong đời chính là cách để chúng ta được tốt nghiệp đại học “trưởng thành”. Nó không thể làm chúng ta yếu đuối hay mất khả năng miễn dịch với khó khăn. Không chỉ thế, nhà văn họ Lư đã hướng chúng ta đi trên mặt đường khát vọng một cách mạnh mẽ. Khi bắt tay vào một công việc, kết quả chúng ta luôn muốn nhận được là trái ngọt xứng đáng. Nhưng Thượng đệ thật biết trêu người, không phải lúc nào Ngài cũng sẽ thưởng cho ta “trái ngọt” thậm chí thứ ta nhận được những “quả đắng cay chua chát”làm ta chùn bước. Hãy một lần nhìn sang những đối thủ khác trên đường đua, có những người ưu tú sở hữu tố chất đặc biệt họ vẫn đang ngày đêm cố gắng. Tưởng như họ đã sinh ra tại vạch đích chỉ cần đứng yên ở đó, họ vẫn sẽ toả sáng nhưng không những con người ưu tú ấy vẫn nỗ lực họ muốn bứt phá, tìm đến chinh phục đỉnh Everest cao nhất của đời người.Vladimir Ilyich Lenin- ngọn hải đăng vĩ đại soi sáng cuộc đời nhân dân lao động, kể cả khi đã trở thành người lãnh đạo Nga Xô Viết, ông cũng không ngừng “Học, học nữa, học mãi”. Thiên tài của nhân loại - Charles Darwin với trí tuệ siêu việt nhưng ông chưa từng ngừng cố gắng. Với ông “Bác học không có nghĩa là ngừng học”, ông vẫn luôn tìm kiếm, đào sâu kho báu tri thức nhân loại.Chẳng lẽ những con người bình thường như chúng ta lại ngừng phấn đấu? Ông cha ta hay nói “Cần cù bù thông minh”, chúng ta có thể không “ưu tú” được như người khác nhưng nỗ lực khiến chúng ta trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân. Sống bình thường nhưng không hề tầm thường. Kể cả khi chúng ta không chạm tới khát vọng cao nhất vẫn có phần thưởng xứng đáng cho người nỗ lực. Ở cái tuổi sắp chạm ngõ cuộc đời, câu nói của Lư Tư Hạo đã gieo vào mảnh đất tâm hồn của tôi hạt mầm suy tư để rồi tôi nhận ra mình đang trưởng thành hơn. Có lẽ “cô độc” không đáng sợ như tôi nghĩ và hành trình nỗ lực chỉ có trạm nghỉ chân nhưng không tồn tại điểm dừng. Ai trong số chúng ta cũng có một cuộc đời để trở thành vầng hào quang tại một miền đất đầy hứa hẹn nào đó. Bạn đã tìm ra phương hướng tới hái vì sao bạn ấm ủ hay chưa?
1666361384587.png
 
Từ khóa Từ khóa
bài học trưởng thành cô độc nlxh
769
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.