Văn học trẻ: những suy nghĩ và đánh giá

Văn học trẻ: những suy nghĩ và đánh giá

Vanhoctre
Vanhoctre
  • Thành viên BQT
  • Văn Học Trẻ đến từ Việt Nam
Ở bất cứ thời đại nào thì những người viết trẻ vẫn luôn nhận được sự quan tâm và chú ý, bởi họ chính là những người hứa hẹn sẽ tạo nên diện mạo cho văn chương nước nhà. Dễ dàng nhận thấy, nắm giữ vị trí chủ lực của văn học trẻ hiện nay là những tác giả thuộc thế hệ 8X và 9X. Sáng tác được chia thành hai xu hướng, với một bên là văn chương đại chúng và bên còn lại là văn chương truyền thống.


Nhà phê bình trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê từng chia sẻ quan niệm của mình trên một số diễn đàn, rằng văn học đại chúng viết bởi những người trẻ hiện nay là một hiện tượng “bội thực những nỗi đau riêng”, chỉ chăm chăm nhìn về vết thương của riêng mình mà ít khi ngó ngàng đến những nỗi đau phổ quát hơn, rộng lớn hơn. Theo Minh Khuê, đó là một hạn chế lớn của những tác giả trẻ thuộc dòng văn chương đại chúng.

Nhà văn trẻ Kai Hoàng thừa nhận, một số tác giả trẻ hiện nay đang tự “cường điệu hóa nỗi đau” của chính mình và dễ dàng nhận được sự đồng cảm từ một bộ phận không nhỏ người đọc chưa có nhiều trải nghiệm. Tuy nhiên, theo anh, nói sáng tác của những người viết trẻ hiện nay đang xa rời cuộc sống là chưa đúng. Anh chia sẻ: “Vẫn còn rất nhiều những người viết trẻ đang nghiêm túc dấn thân vào những lát cắt của xã hội và truyền tải thành tác phẩm của chính mình. Qua thời gian, những gì hào nhoáng bóng bẩy sẽ bị đào thải, còn những ý nghĩa tích cực vẫn giữ nguyên giá trị của nó”.

Ở chiều hướng ngược lại, trong khuynh hướng văn chương đề cao những thể nghiệm nghệ thuật mới mẻ, người trẻ cũng là thế hệ dẫn đầu xu hướng với không ít những đóng góp vượt bậc, nhất là trong việc nối chúng ta gần hơn với đời sống, nhịp độ và bước đi của văn học toàn cầu. Điểm chung của những tác phẩm trong khuynh hướng này là số lượng in không nhiều, mỗi đầu sách chỉ vào khoảng 1.000 - 2.000 cuốn. Những tác giả này không ồn ào, không tuyên ngôn mà thường lặng lẽ, bền bỉ viết và sáng tạo. Nhà văn Trần Nhã Thụy nhìn nhận sự tương đồng giữa các bạn viết trẻ ngày nay với thế hệ của anh: “Các bạn tập trung vào trang viết nhiều hơn là “mất sức” cho những khía cạnh ngoài trang viết. Như vậy, thời nào cũng có những người viết thầm lặng. Những người viết biết cách “vắng mặt” để cho tác phẩm thật sự cất tiếng”.

Dòng văn chương đại chúng với những tác phẩm ngôn tình, sướt mướt, đơn giản, triết lý vụn vặt đang có xu hướng chững lại. Bằng chứng là những tác phẩm trong dòng văn chương này giờ đây đã có sự “dè chừng” trong số lượng in.

Thực tế cho thấy, sự quan tâm của độc giả hiện nay đang chuyển hướng sang các mảng sách hướng nghiệp, khởi nghiệp hướng dẫn kỹ năng sống, sách nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam… Trong nội hàm của văn học trẻ, sự quan tâm, chú ý của độc giả cũng đang có sự dịch chuyển sang những tác phẩm có chiều sâu, sáng tạo, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ.
Nhà phê bình trẻ Minh Khuê bày tỏ sự lạc quan: “Dòng văn chương truyền thống khắc phục được những hạn chế của dòng văn chương đại chúng rất hiệu quả. Thậm chí, đôi khi họ còn khiến cho độc giả phải bất ngờ khi có khả năng bao quát được và nhìn nhận một cách sâu sắc cả những vấn đề lớn, mang tầm vóc nhân loại.

Sáng tác là một hành trình tự thân và đơn độc. Vậy nên, người viết trẻ rất cần sự quan tâm và hỗ trợ để giữ lửa và tạo động lực với tình yêu văn chương.

“Hiện nay vẫn còn quá ít những cuộc thi văn học bám sát cuộc sống cũng như trải nghiệm của những người trẻ. Theo tôi, cần có những đề tài thiết thực để có thể lắng nghe và phát huy sự sáng tạo của những người viết trẻ trong bối cảnh hiện nay, thay vì những đề tài đã đi vào lối mòn và không phù hợp với cuộc sống của những người trẻ”.

Nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ chân tình: “Các bạn phải thật sự lao động. Lao động càng nhiều thì kết quả càng tốt. Ai cũng có thể viết sách, cũng như ai cũng có thể trồng hoa. Nhưng lao động khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Đừng quá lười biếng mà đòi thu hoạch bội thu”.

Vài ghi chép về văn học trẻ
Nguồn: mạng
 
Từ khóa
cây viết trẻ người viết trẻ nhà văn nhà văn trẻ sáng tác van chuong văn chương truyền thống văn chương đại chúng văn học trẻ văn học trẻ hiện nay
690
0
1

Vanhoctre

Văn Học Trẻ
Thành viên BQT
19/8/19
804
680
362,999
Việt Nam
vanhoctre.com
Xu
1,334,766
Văn học trẻ đang thiếu đi diễn đàn lí luận và phê bình

Cây bút trẻ hay ngôi sao?

Ngày nay, có nhiều cây bút trẻ mỗi khi ra mắt là kéo theo hàng loạt fan tung hô, y như một nghệ sĩ. Nhiều người trong số họ có lượng sách bán rất chạy, kéo theo hệ lụy đánh giá chất lượng văn chương theo số lượng độc giả.

Theo thầy Trần Xuân Tiến - giảng viên Đại học Văn Hiến, ngày càng nhiều nhà văn trẻ được độc giả biết đến, cảm mến và ái mộ không khác gì một minh tinh màn ảnh. Thế nhưng, với phương cách quảng bá văn học nặng về truyền thông đại chúng như thế, nhiều căn bệnh từng được xem là chỉ xuất hiện khu biệt ở giới showbiz giờ đây cũng lây lan ngày càng trầm trọng trong giới viết lách. Đình đám nhất là gần đây, để cảm ơn độc giả đã mua sách ủng hộ mình với số lượng khá lớn, một cây viết trẻ đã đăng trên trang cá nhân của mình hình ảnh khỏa thân cùng lời nhắn gửi “tụt quần để cảm ơn”. Nhiều độc giả chỉ biết ngán ngẩm với màn kịch vụng về kiểu viết chữ khoe thân này. Một cây bút trẻ khác thì thường xuyên lên trang cá nhân phê phán những điều chưa hay trong xã hội không phải mang tính chất xây dựng mà bằng những câu văng tục, chửi bới hết sức phản cảm.

Nhận xét về nội dung văn học trẻ, tác giả Nguyễn Đình Minh Khuê cho rằng: “Văn học trẻ đang “bội thực” những nỗi đau riêng. Có người bảo văn chương của các bạn trẻ 8x, 9x như Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Hamlet Trương, Iris Cao, Gào, Phan Ý Yên, Nồng Nàn Phố… gần như thiếu hẳn đi những cảm xúc vui vẻ, rộn ràng và tin yêu của tuổi trẻ, nhưng lại thừa thãi những buồn chán, thất vọng và cô đơn. Điều đáng nói ở đây là, vết thương trong văn chương của những người trẻ và cách họ nói về những vết thương ấy, hiện nay, hình như rất có vấn đề.

Đọc sách của những người trẻ Việt, ta dường như bị kéo vào trong một mớ bòng bong của những cảm xúc tuổi trẻ, từ say nắng, yêu thầm đến tuyệt vọng, thất tình, cô đơn rồi hoang mang tìm cách buông bỏ những hỗn độn trong tình cảm. Một bộ phận không nhỏ các cây viết trẻ hiện nay muốn chọn cho mình hướng đi “an toàn”. Nghĩa là họ chưa sẵn sàng dấn thân, nhập cuộc vào đời sống thực đang diễn ra trước mắt”.

Theo Nhật Phi - tác giả đoạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5 với tiểu thuyết “Người ngủ thuê”, nhà văn trẻ luôn phải đi và viết. Nhưng cái sự đi cũng không thể hời hợt, bên ngoài. “Có những người đi rất nhiều, nước ta, nước ngoài, Á Âu - Đông Tây đủ cả, nhưng họ thể hiện gì trong những trang viết? Đi, một cách vật lý, là cần thiết chứ, nhưng nó sẽ chỉ có ý nghĩa với sáng tạo, với nhận thức khi mở được cái đầu của mình ra trước nhất. Hành trình lớn nhất cần phải là hành trình đi ra khỏi hay đào sâu hơn vào cái tôi của mình. Cũng như Modiano cả văn nghiệp chỉ viết một cuốn sách duy nhất: Paris. Cũng như Franz Kafka sống cuộc đời một công chức, luôn dằn vặt vì không đủ thời gian viết, đừng nói là đi đâu tung tăng. Cũng như tác gia mà tôi yêu thích - Dazai Osamu, mãi mãi ngập trong nỗi ám ảnh mất tư cách làm người. Khám phá hay sáng tạo lắm khi cũng chỉ cần là như thế thôi”.

Thiếu “bà đỡ” cho văn trẻ

Cũng theo thầy Trần Xuân Tiến, hiện nay đang thiếu bà đỡ cho những tác phẩm thực sự. Các đơn vị xuất bản thì chăm chăm chạy theo các tác phẩm thị trường, dễ lòng chiều theo thị hiếu số đông mà khước từ những tác phẩm có chất văn chương đúng nghĩa, phản ánh sâu sắc những hiện tượng đời sống xã hội. Tương tự, các đơn vị phát hành cũng dồn sức quảng bá cho các tác phẩm đại chúng bán chạy, còn những tác phẩm tinh hoa thì xếp gọn vào những kệ sách trong góc khuất của các cửa hàng. Điều này ngoài việc vì xu hướng chạy theo lợi nhuận còn là do nhận thức sai lầm về giá trị của tác phẩm văn học. Người ta đã lầm tưởng khi lấy sự hâm mộ của số đông để làm thước đo cho chuẩn giá trị của một tác phẩm nào đó.

“Thế mạnh của giới trẻ là tìm tòi và thể nghiệm với bút pháp mới, tư duy mới. Tác phẩm của họ thể hiện những trải nghiệm của tuổi trẻ, những nghĩ suy về cuộc sống với những xúc cảm trẻ trung và chân thật. Song, có một thực tế không thể phủ nhận là dù cho có rất nhiều sách văn học bán chạy trên thị trường, nhưng dường như văn học trẻ còn thiếu vắng những tác phẩm có tác động đến đời sống xã hội, những tác phẩm khiến người đọc phải trăn trở về thực tế cuộc sống” - tác giả Vĩnh Thông chia sẻ.

Theo Minh Thi/Lao động
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top