Văn học với những chức năng cao quý

Văn học với những chức năng cao quý

nauyeee
nauyeee
  • Thành Viên 20
Văn học đối với đời sống và con người có những chức năng nhất định. Trong đó, có ba chức năng chính: Nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ. Ngoài ra còn có chức năng giao tiếp. Cụ thể đó là :

5417

1. Chức năng nhận thức:

Văn học là một hình thái ý thức xã hội, văn học bắt nguồn từ đời sống. Chính cuộc sống hiện thực là chất liệu được người nghệ sĩ sử dụng để tạo nên tác phẩm của mình. Trong một tác phẩm văn học, đó là cuộc sống của con người là bất cứ những gì xảy ra xung quanh và có mối liên hệ gắn với con người. Cuộc sống và con người luôn gắn bó với nhau và gắn bó chặt chẽ với văn học.

Văn học khác với các bộ môn nghệ thuật khác, như hội hoạ liên quan đến những đường nét hình khối, điện ảnh thiên về hành động, âm nhạc thiên về âm thanh,... Văn học liên quan đến con người và những mối quan hệ. Văn học gồm các lĩnh vực về lịch sử, địa lí,... nhưng không phải là để nghiên cứu sâu. Văn học nghiên cứu những mối quan hệ "người" trong các lĩnh vực ấy.

Văn học cung cấp cho người đọc một lượng tri thức lớn đến từ đời sống. Đó là những kiến thức, hiểu biết về cuộc sống và con người. Văn học sử dụng ngôn từ để nói về cuộc sống. Ngôn từ là một phương tiện của văn học. " Nhà văn là thư kí trung thành của thời đại " (Banzac). Bởi vậy, văn học là một cuốn bách khoa toàn thư, cung cấp những kiến thức cuộc sống, thời cuộc cho mỗi người. Văn học giúp con người nhận biết được cái ác, cái thiện, điều xấu, điều tốt. Mình đang sống ở thời đại nào ? Và có những thời đại nào ? Mỗi một tác phẩm văn học như là một minh chứng của thời đại ấy. Trong phong kiến, người phụ nữ bất hạnh, không được quyền hạnh phúc. Ở thời ấy, ta phải biết lên án tố cáo chế độ phong kiến thối nát với những định kiến lạc hậu. Lên tiếng đòi quyền bình đẳng và hạnh phúc cho người phụ nữ.

Thế nên, văn học trước tiên là có chức năng nhận thức, giúp con người nhìn nhận về cuộc sống xung quanh mình. Về thế giới quan và cả thế giới hữu hình. Văn học là một không gian rộng, thoả sức tưởng tượng ra những không gian vượt xa hơn. Và với sức mạnh của ngôn từ, sẽ làm phá tung giới hạn hiểu biết của con người.

2. Chức năng giáo dục:

Văn học không chỉ phản ánh hiện thực mà còn khơi dậy ở con người sống hướng tới những điều tốt đẹp. Văn học giúp con người nhận ra cái đẹp và cái xấu, thiện và cái ác (Nhận thức). Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, nó giúp con người phải biết lên án và tố cáo những điều xấu xa tàn ác và sống hướng tới điều thiện. Biết ca ngợi những người sống tốt đẹp.

"Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác, cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những điều tốt đẹp"(Ai-ma-top). Đứng trước sự đối xử bất công thì đòi lại quyền công bằng. Cái ác tồn tại trong cuộc sống này, ta phải biết phản kháng lại nó, bảo vệ điều tốt đẹp. Văn học khơi dậy ở con người " niềm trắc ẩn " ấy, họ luôn đứng về phía những điều tốt đẹp, sẵn sàng đấu tranh chống lại cái ác.

Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, Kiều là một người phụ nữ bị xã hội đối xử bất công. Một người phụ nữ "hồng nhan bạc mệnh", tiếc thay cho số phận éo le ấy. Qua đó, lên án xã hội phong kiến thối nát đã chà đạp lên quyền sống của người phụ nữ nhỏ bé. Đồng thời, thể hiện niềm cảm thông sâu sắc với thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa.

Trong truyện "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân, nhân vật Huấn Cao hiện lên với nhân cách cao đẹp, thiên lương trong sáng. Những điều ấy luôn bất diệt, cả kể trong cái xấu ác nó luôn chiến thắng. Khi thể xác của Huấn Cao không còn trên cõi đời này nhưng tâm hồn của ông vẫn mãi bất diệt và toả sáng. Cả kể ở trong ngục tù tối tăm ấy, ông Huấn Cao vẫn luôn sống trọn với nhân cách cao đẹp của mình. Đồng thời ta lên án, tố cáo thế lực đen tối xấu xa trong cái xã hội bẩn thỉu và tàn bạo ấy.

M.Gorki từng nói: " Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lí". Bời vậy, chức năng giáo dục của văn học quan trọng, nó đã thay đổi niềm tin bên trong mỗi người và quan điểm trước những điều trong cuộc sống.

3. Chức năng thẩm mĩ:

Văn học luôn hướng tới "chân - thiện - mĩ ". " Thẩm mĩ" là cái đẹp của văn học. Văn học bao gồm cái đẹp của con người và của cuộc sống (nội dung).

Con người có những cái đẹp về tâm hồn và tình cảm. Đó là những đức tính cao quý, thiên lương trong sáng và đẹp đẽ. Đó là tình yêu thương sâu sắc. Văn học hướng con người tới những cái đẹp thanh cao ấy. Cái đẹp giúp con người tránh xa những điều xấu xa, tàn ác trong cuộc sống. Con người sống cao đẹp với cuộc sống của mình.

Cái đẹp còn là khung cảnh thiên nhiên, là thế giới xung quanh mình. Những đồ vật tưởng như không có sức hút nhưng khi đi vào văn chương lại trở nên đẹp lạ kì qua ngôn từ.

Không chỉ vậy, cái đẹp của văn học còn là đẹp về hình thức. Cách mà tác giả đi xây dựng tác phẩm của mình về ngôn từ, bố cục, thể thơ, cách ngắt nhịp... Tất cả đều được sắp xếp hài hoà và gắn bó chặt chẽ với nhau. Cái đẹp về nội dung và hình thức luôn đi liền với nhau và tạo nên một chỉnh thể là tác phẩm văn học.

Cái đẹp trong văn học không phải ở đâu xa vời mà ở chính cuộc sống này. Nhà văn phải tìm ra viên ngọc quý trong hàng ngàn những thứ bình thường này. Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ. (Thạch Lam). Một người nghệ sĩ dùng cả tâm hồn mình cảm lấy vẻ đẹp của cuộc sống, đón nhận những thứ bình dị nhất của cuộc đời. Nhiều khi cái đẹp xuất phát từ những thứ bình dị. Với nhà văn Thạch Lam là vẻ đẹp tâm hồn, ước mơ khao khát sống của những con người nghèo khổ nơi phố huyện như chị em Liên. Cô bé Liên sống ở phố huyện nghèo nhưng cô có ước mơ mong muốn thay đổi cuộc sống của mình. "Cái đẹp" của Liên là ước mơ và khát vọng sống, là tâm hồn ngây thơ trong sáng của một cô bé. Đối với Thạch Lam, chính con người và cuộc sống bình dị là cái đẹp mà ông khám phá ra. Cái đẹp ấy có sức hút lạ kì, cuốn con người theo dòng chảy đẹp đẽ nơi tâm hồn. Cái đẹp là tình yêu thương ấm áp những con người trong mùa đông lạnh giá (gió lạnh đầu mùa).

Ngoài ra, văn học còn có chức năng giao tiếp và chức năng giải trí...

4. Chức năng giao tiếp:

Là cuộc đối thoại giữa các nhân vật hoặc giữa tác giả và độc giả.

Tác giả sáng tác ra một tác phẩm đều gửi gắm một điều gì đó muốn truyền tải tới độc giả của mình. Đó là những triết lí nhân sinh hay quan niệm đời sống. Nhà văn muốn gửi thông điệp đó tới người đọc. Và độc giả bày tỏ cảm xúc, một niềm cảm thông sâu sắc cùng với nhà văn và nhân vật trong tác phẩm. Từ đó ở người đọc được khơi dậy thêm những niềm cảm xúc và thế giới quan của mình.

Nhìn chung, các chức năng của văn học luôn gắn bó chặt chẽ và tác động qua lại để tạo nên chỉnh thể tác phẩm. Chức năng này không tách rời, có cái này thì mới có cái kia. Ẩn sâu ở chức năng này xuất hiện chức năng khác. Người nghệ sĩ khi sáng tác ra tác phẩm của mình sẽ phải truyền đi cho độc giả những chức năng ấy. Những tác phẩm của họ phải khơi gợi ở người đọc, làm "thức tỉnh" độc giả của mình. Những tác phẩm ấy sẽ không bao giờ bị thời gian phủi mờ và mãi toả sáng trên diễn đàn văn chương. Lẽ đó, văn học tồn tại trên đời với những chức năng cao cả đối với con người và cuộc sống này.

Văn học đã đem đến cho con người cảm xúc, tình yêu và cả những mảnh đời. Văn học đã khơi dậy ở con người tình thương yêu, hướng con người đi tới chân lí cuộc sống. Văn học muốn làm thay đổi điều gì đó ở bên trong họ. Bằng ngôn từ đã đi sâu vào chính tâm hồn họ, xây dựng cho họ đồng cảm với những cảm xúc. Đau trước nỗi đau người khác, khóc và phẫn nộ trước tiếng lòng oan ức của người khác. Bởi văn học luôn viết về con người, luôn hướng tới con người. "Văn học là nhân học" (M.Gorki).


Tổng hợp: Nguyễn Kim Ngân

Xem thêm: Chức năng của văn học - Lê Lưu Oanh chủ biên
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa
chức năng văn học giáo dục giao tiếp nhận thức thẩm mĩ
577
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top