Đề cương Kiến thức trọng tâm truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

Đề cương Kiến thức trọng tâm truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả


- Kim Lân (1920 – 2007): là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn và thành công về đề tài nông thôn và người nông dân. Ông viết về họ rất chân thật và xúc động.

- Tác phẩm của ông thường đề cập đến cuộc sống của những con người nghèo khổ, thiếu thốn mà yêu đời; thật thà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh.

2. Tác phẩm

Vợ nhặt (in trong tập Con chó xấu xí, 1962) là một chương trong tiểu thuyết Xóm ngụ cư, được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn dở dang và mất bản thảo trong kháng chiến. Sau khi hoà bình lập lại, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ và viết nên truyện ngắn này.

3. Tóm tắt

Tràng là một người dân ở xóm ngụ cư, làm nghề kéo xe bò chở thuê. Chỉ nhờ bốn bát bánh đúc, anh đã nhặt được vợ giữa những ngày đói, người chết như ngả rạ. Khi Tràng đưa vợ qua xóm ngụ cư, mọi người bàn tán xôn xao. Tràng đưa vợ về nhà ra mắt mẹ. Bà cụ Tứ tuy ban đầu xót xa, ai oán nhưng rồi cũng mừng lòng chấp nhận nàng dâu mới.

Sáng hôm sau, cả nhà ăn bữa cháo rau giữa tiếng hờ khóc từ nhà có người chết và tiếng trống thúc thuế dồn dập. Họ vẫn hi vọng vào một tương lai khá hơn, tất cả họ đều hướng đến cuộc sống mới.

Kết thúc truyện, trong óc Tràng hiện lên hình ảnh đám người đi phá kho thóc dưới lá cờ đỏ bay phấp phới.

II. Đọc – hiểu văn bản

1. Nội dung

a. Ý nghĩa nhan đề


- Vợ nhặt nghĩa là nhặt được vợ, có vợ theo, không được cưới xin một cách đàng hoàng. Nhặt vợ như nhặt cái rơm cái rác ngoài đường. Nhan đề ấy, tạo được ấn tượng, kích thích sự chú ý của người đọc vì giá trị của con người trở nên quá rẻ rúng.

- Qua nhan đề, nhà văn đã phản ánh được tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của người nông dân nghèo; tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít đã đẩy nhân dân ta vào nạn đói khủng khiếp; đồng thời thể hiện khao khát sống và khao khát hạnh phúc gia đình mãnh liệt ở họ.

b. Nhân vật Tràng

- Tràng là một người lao động nghèo, tốt bụng và cởi mở (giữa lúc đói, anh sẵn sàng đãi người đàn bà xa lạ).

- Tràng luôn khao khát hạnh phúc và có ý thức xây dựng hạnh phúc. Câu “nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về” đã ẩn chứa niềm khao khát tổ ấm gia đình và Tràng đã “liều” đưa người đàn bà xa lạ về nhà.

- Buổi sáng đầu tiên khi có vợ, thấy nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, Tràng cảm thấy thương yêu và gắn bó, có trách nhiệm đối với gia đình, nhận ra bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Anh cũng nghĩ tới sự đổi thay cho dù vẫn chưa ý thức thật đầy đủ (hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trên đê Sộp).

c. Nhân vật người vợ nhặt

- Là nạn nhân của nạn đói.

- Những xô đẩy dữ dội của hoàn cảnh đã khiến “thị” chao chát, thô tục và chấp nhận làm “vợ nhặt”.

- Tuy nhiên, sâu thẳm trong con người này vẫn khát khao một mái ấm.

- “Thị” là một con người hoàn toàn khác khi trở thành người vợ trong gia đình.

d. Nhân vật bà cụ Tứ

- Là người mẹ nghèo khổ, rất mực thương con.

+ Khi biết con mình có vợ, bà “cúi đầu nín lặng”.

+ Trong lòng bà “vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp của đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gã chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con, đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì...”.

+ “Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà chẳng lo lắng được cho con...May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ”.

ª Con dẫn vợ về ra mắt trong hoàn cảnh đói khát, bà không giận hờn, trách móc mà chỉ có tâm trạng ngạc nhiên, buồn, vui, lo, âu ...lẫn lộn cho cuộc đời của đứa con mình.

- Là người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung và giàu lòng vị tha.

+ Bà nhìn thị và nghĩ: “người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ...”.

+ Bà nhẹ nhàng nói với nàng dâu mới: “thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...”.

+ “Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót”.

+ “Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này...Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá …”.

ª Với người con dâu, bà không rẻ rúng mà tỏ ra gần gũi, chân tình.

- Một con người lạc quan, có niềm tin tương lai, hạnh phúc tươi sáng.

+ “may mà ông trời cho khá...Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ?”.

+ Cùng với sự đổi thay của nàng dâu mới, bà “cũng nhẹ nhỏm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”(tr 30).

+ Bà “vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này”.

=>Bà cụ Tứ là người mẹ thương con, giàu lòng vị tha, bao dung và có niềm tin vào tương lai tươi sáng. Đó là vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ nông thôn Việt Nam.

Tóm lại: Ba nhân vật có niềm khao khát sống và hạnh phúc, niềm tin và hi vọng vào tương lai tươi sáng ở cả những thời khắc khó khăn nhất, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Qua các nhân vật nhà văn muốn thể hiện tư tưởng: “dù kề bên cái đói, cái chết, người ta vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng ở tương lai”.

2. Nghệ thuật

- Xây dựng tình huống truyện độc đáo:

+ Tràng nghèo, xấu, lại là dân ngụ cư, giữa lúc đói khát nhất, khi cái chết đang cận kề lại nhặt được vợ, có vợ theo.

+ Chính tình huống này đã tạo hoàn cảnh để các nhân vật bộc lộ tính cách của mình; đồng thời cũng tác động đến tâm trạng, hành động các nhân vật và thể hiện chủ đề của truyện.

- Cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn; dựng cảnh sinh động, có nhiều chi tiết đặc sắc,...

- Nhân vật được khắc hoạ sinh động, đối thoại hấp dẫn, ấn tượng, thể hiện tâm lí tinh tế.

- Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng chắc lọc và giàu sức gợi.

3. Ý nghĩa văn bản

Tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945 và khẳng định: ngay trên bờ vực của cái chết, con người vẫn hướng về sự sống, tin tưởng ở tương lai, khao khát tổ ấm gia đình và yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

III. Tổng kết

Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay bên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khao khát tổ ấm gia đình và yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nội dung nhân đạo sâu sắc và cảm động đó được thể hiện qua một tình huống truyện độc đáo, cách kể chuyện hấp dẫn, miêu tả tâm lí khá tinh tế, dựng đối thoại sinh động.
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
ôn thi 12 ôn văn 12 triều anh trọng tâm kiến thức văn 12 vo nhat
2K
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top