Các nhà thơ trào phúng tiêu biểu của Nam Bộ nửa cuối thế kỉ XIX -Triều Anh

Các nhà thơ trào phúng tiêu biểu của Nam Bộ nửa cuối thế kỉ XIX -Triều Anh

Triều Anh
Triều AnhTriều Anh đã được xác minh
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
e78f1c436d7bb525ec6a.jpg

Ảnh: Triều Anh


Bùi Hữu Nghĩa (1807 - 1872), quê Long Tuyền, đi học ở Biên Hòa, đậu Giải nguyên tại trường thi Gia Định. Ông làm quan trải các chức vụ tri phủ Phước Long (Biên Hòa), sau đổi sang Trà Vang (Vĩnh Long). Vốn có tính cương trực, liêm khiết, luôn thấu hiểu, cảm thông và bênh vực người nghèo khó nên Bùi Hữu Nghĩa đã bị vu khống tội làm phản. Ông lãnh án đày đến đồn Vĩnh Thông (Châu Đốc) làm lính, sau lên phó quản đồn. Chán nản quan trường thối nát, Bùi Hữu Nghĩa xin từ quan về làng cũ dạy học, làm thơ. Ông sáng tác nhiều, đa dạng về thể loại: tuồng, văn tế, thơ...

Huỳnh Mẫn Đạt (1807 - 1883), quê gốc làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh), đậu cử nhân khoa thi Hương năm Tân Mão (1831), làm quan dưới triều Tự Đức, giữ chức Án Sát Định Tường, rồi Tuần phủ Hà Tiên. Ông làm quan thanh liêm, luôn chăm lo những việc ích nước lợi dân nên ở đâu cũng được nhân dân yêu mến và kính trọng. Về thơ, Huỳnh Mẫn Đạt sáng tác không nhiều. Hiện chỉ còn lại một số bài: Ngộ Hữu, Đĩ già đi tu, Chó già, Cây dừa, Mưa đêm, Trời chiều, Chiêu Quân xuất tái...

Phan Văn Trị (1830 - 1910) quê làng Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh - nay thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Khoa thi hương năm Tự Đức thứ 3 (1849) ông đã đỗ Cử nhân. Từ đó nhân dân thường gọi ông là Cử Trị. Giặc lấn chiếm các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Phan Văn Trị lánh nạn về Vĩnh Long sau đó dời về làng Nhơn Ái (nay là xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) bốc thuốc, dạy học. Ông hăng hái đứng về phe chủ chiến cùng với các bạn đồng tâm ngày đêm bàn mưu đánh đuổi giặc, vận động người dân đứng lên vì nghĩa. Phan Văn Trị sáng tác nhiều thơ văn mang tinh thần yêu nước đả kích mạnh mẽ thực dân Pháp và bọn tay sai. Tác phẩm còn lưu giữ lại khoảng 50 bài.

Đỗ Minh Tâm/ Nhiêu Tâm (1840 - 1911) người tỉnh Vĩnh Long, cùng thời với Học Lạc. Là người học giỏi nhưng Nhiêu Tâm thi mãi vẫn không đỗ đạt. Ông sống bằng nghề dạy học và bốc thuốc, giữ tiết tháo của một nhà nho cho đến cuối đời. Thực dân Pháp xâm lược, Nhiêu Tâm không đứng về phe thỏa hiệp, đầu hàng. Thế nhưng cũng giống như Học Lạc, dù trưởng thành trong thời buổi thực dân Pháp đã đóng chiếm các tỉnh miền Nam, tuyệt nhiên chưa thấy bất kỳ bài thơ nào của Nhiêu Tâm thể hiện tư tưởng đối kháng mạnh mẽ lại bọn thực dân Pháp. Thơ ông thường xuất hiện những bài thơ tức sự, hóm hỉnh phẩm bình chuyện người chuyện đời. Những bài thơ tiêu biểu: Nói con chị cưới con em, Vợ chệt khóc chồng chết đuối, Hóm hỉnh vịnh Kiều, Ghẹo gái bán cau, Bần phú luận...

Nguyễn Hữu Huân (1841 - 1875), người làng Tịnh Hà, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Chưa đầy 20 tuổi đã đỗ thủ khoa nên thường gọi là thủ khoa Huân. Dù đỗ thủ khoa kì thi Hương tại Gia Định nhưng Nguyễn Hữu Huân không ra làm quan, chỉ giữ chức Giáo thụ. Năm 1861, ông đứng ra tổ chức nghĩa quân ở các tỉnh Định Tường, Kiên Giang, Hà Tiên, Châu Đốc để chống Pháp. Lúc này số người yêu nước thương nòi cảm tấm lòng “vì nước vong thân” của thủ khoa Huân mà ủng hộ mạnh mẽ. Năm 1863, ông bị Pháp bắt. Năm 1874 sau khi Nam triều đã nhường sáu tỉnh miền Đông cho Pháp, ông được tha về, nhưng rồi cũng lại tổ chức nghĩa quân. Năm 1875, ông lại bị Pháp bắt và bị hành hình lúc 35 tuổi. Sinh thời, Nguyễn Hữu Huân nổi tiếng là bậc kỳ tài, giỏi thơ văn, hay chữ nghĩa. Thế nhưng, do thân phận đặc biệt của mình, thơ của ông còn lại không nhiều. Trong đó có hai bài mang nội dung trào phúng còn lại đều tỏ rõ ý chí bền bỉ đấu tranh vì nhân dân vì đất nước.

Nguyễn Văn Lạc/ Học Lạc (1842 - 1915), quê làng Mỹ Chánh, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ông là một người rất uyên bác, tinh thông nghề thuốc, nghề bói Dịch. Dù học giỏi nhưng gặp thời ly loạn, nên con đường khoa cử của Học Lạc đành bỏ dở. Không có cơ hội đi thi, Học Lạc chỉ sống đạm bạc ở quê nhà bằng nghề dạy học. Khi giặc Pháp đánh chiếm Mỹ Tho, ông dời về xã Thuộc Nhiêu (nay thuộc thành phố Mỹ Tho) và ở đây cho đến lúc mất. Với tính người vui vẻ, cương trực và trọng nghĩa khinh tài, Học Lạc thường bộc lộ sự ngạo thế, biếm đời. Vì vậy, ông nổi tiếng với những vần thơ trào phúng sâu cay. Nhiều sáng tác thơ của Học Lạc đã thể hiện tâm sự thời thế, thâm thúy trong mỉa đời, mỉa người. Thơ ông còn lại không nhiều, nổi tiếng hơn cả là các bài thơ: Con tôm, Tạ hương đảng, Ngồi trăng, Chó chết trôi, Ông làng hát bội, Tức cảnh ban chiều,...

Lê Quang Chiểu (1853 - 1924) quê ở Nhơn Ái, huyện Phong Điền, Cần Thơ. Ông là học trò của Phan Văn Trị. Lê Quang Chiểu từng làm việc cho Pháp, giữ chức Cai tổng, nhưng sau đó xin thôi. Ông có làm mười bài thất ngôn bát cú liên hoàn có tên là Tự Thuật giải chức để giãi bày. Rảnh rỗi, ông sáng tác thơ. Trong số sáng tác ấy, có nhiều bài viết chỉ trích Tôn Thọ Tường, Trần Bá Lộc, Huỳnh Công Miên,...và một số bài vịnh sử, vịnh vật khá nổi tiếng. Ông cũng có công sưu tập thơ của Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt...và gom góp thơ của ông làm thành tập thơ Quốc âm thi hợp tuyển, in tại Sài Gòn năm 1903 (Nxb Claude & Cie). Năm 1912 ông cho in vở tuồng hát bội Lý Thiên Long ra chữ Quốc ngữ.

Về tác phẩm, thơ trào phúng Nam Bộ cuối thế kỷ XIX mạnh về số lượng, có những bài có tác giả, có những bài khuyết danh, có những bài chưa rõ năm sáng tác. Trong khuôn khổ của đề tài luận văn, chúng tôi thực hiện khảo sát chủ yếu dựa vào các tác phẩm tiêu biểu của các tác giả từ những hợp tuyển của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Văn Hầu, Bảo Định Giang, Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Quảng Tuân,...
Tác giả: Dương Thuý Phượng
 
Từ khóa Từ khóa
các tác giả thơ trào phúng thơ trào phúng thơ trào phúng nam bộ cuối thế kỷ xix triều anh văn học nam bộ
  • Like
Reactions: Vanhoctre
338
1
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.