Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ, bằng chứng để làm rõ ý nghĩa, giá trị của chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm trữ tình ấy. Cùng Triều Anh tham khảo bài soạn sau:
Ảnh: sưu tầm
I. Tri thức về kiểu bài
1. Kiểu bài
Phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ, bằng chứng để làm rõ ý nghĩa, giá trị của chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm trữ tình ấy.
2. Yêu cầu đối với kiểu bài
Ngoài những yêu cầu về nội dung và kĩ năng nghị luận văn học nói chung, khi thực hiện bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình (thơ/văn xuôi trữ tình), cần nêu và phân tích thỏa đáng những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật theo đặc trưng thể loại của tác phẩm và tác dụng của chúng.
- Với các tác phẩm thơ trữ tình, cần tập trung phân tích, đánh giá các yếu tố như dạng thức xuất hiện của chủ thể trữ tình, cách gieo vần, ngắt nhịp, ngắt dòng, chia đoạn...
- Với các tác phẩm văn xuôi trữ tình như tùy bút, tản văn, cần tập trung phân tích, đánh giá cách thể hiện tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình qua mạch suy tư, cảm xúc; cách sử dụng từ ngữ; hình ảnh; biện pháp tu từ nhằm thể hiện suy tư, cảm xúc ấy,...
3. Bố cục bài viết
Gồm 3 phần:
- Mở bài: giới thiệu tác phẩm, tác giả; nêu nhận xét khái quát về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
- Thân bài: lần lượt phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm.
- Kết bài: khẳng định lại giá trị của chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ về tác phẩm.
II. Đọc ngữ liệu tham khảo
Phân tích, đánh giá tác dụng của biện pháp tu từ trong bài thơ Mây và sóng của Tagore.
Trả lời câu hỏi sgk trang 19
1. Câu 1
- Ngữ liệu trên là một trích đoạn
- Dấu hiệu nhận biết:
+ Ký hiệu [...] ở đầu văn bản.
+ Ký hiệu [...] ở cuối văn bản.
2. Câu 2
Luận điểm được nêu trong ngữ liệu:
- Luận điểm 1/đoạn 1: Hình ảnh mây và sóng ẩn dụ cho thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng đầy hấp dẫn.
- Luận điểm 2/đoạn 2: Biện pháp tu từ điệp ngữ có tác dụng trong việc thể hiện hình ảnh ở đoạn cuối bài thơ Mây và sóng.
- Luận điểm 3/đoạn 3: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một em bé rất đáng yêu với trái tim tràn đầy yêu thương, trí tưởng tượng phong phú và giàu óc sáng tạo.
3. Câu 3
- Luận điểm 1: Hình ảnh mây và sóng ẩn dụ cho thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng đầy hấp dẫn.
+ Luận cứ 1: những kết hợp từ bình minh vàng.
+ Luận cứ 2: vầng trăng bạc.
- Luận điểm 2: Biện pháp tu từ điệp ngữ có tác dụng trong việc thể hiện hình ảnh ở đoạn cuối bài thơ Mây và sóng.
+ Luận cứ 1: Điệp từ con vừa khẳng định vai trò chủ thể của em bé, vừa gợi cảm giác về sự hiếu động, linh lợi, nhanh nhẹn của em trong những trò chơi.
+ Luận cứ 2: Điệp từ lăn gợi hình ảnh em bé vô tư hồn nhiên, tinh nghịch vui chơi bên người mẹ hiền từ, dịu dàng, âu yếm che chở cho con.
- Luận điểm 3: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một em bé rất đáng yêu với trái tim tràn đầy yêu thương, trí tưởng tượng phong phú và giàu óc sáng tạo.
+ Luận cứ 1: Những câu hỏi của em bé hỏi mây và sóng thể hiện niềm yêu thích được vui chơi, tình yêu thiên nhiên, khát vọng được đặt chân đến những thế giới xa xôi, huyền bí để khám phá.
+ Luận cứ 2: Em bé từ chối lời mời của những người trên mây, trong sóng vì em biết mẹ rất yêu thương em, muốn em ở bên và em cũng muốn như vậy.
4. Câu 4
Tác dụng của câu cuối trong ngữ liệu:
- Khẳng định tình cảm của em bé trong bài thơ là tình cảm mang tính bao quát của tất cả con người dành cho mẹ mình.
- Sự gần gũi giữa tình cảm của em bé trong bài thơ đối với mẹ, tình cảm mẫu tử được thể hiện trong ca dao người Việt.
III. Thực hành viết theo quy trình
Đề bài
Hãy viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm thơ hoặc văn xuôi trữ tình.
1. Bước 1: Chuẩn bị viết
- Xác định đề tài và phạm vi yêu cầu của đề bài
Có thể chọn một số đề tài sau:
+ Thơ: Đợi mẹ (Vũ Quần Phương), Sang thu (Hữu Thỉnh), Bếp lửa (Bằng Việt),...
+ Văn xuôi trữ tình: Cốm vòng (Vũ Bằng), Mùa phơi sân trước (Nguyễn Ngọc Tư),..
- Xác định mục đích viết và người đọc
- Thu thập tư liệu
2. Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
a. Tìm ý
Cần trả lời các câu hỏi:
- Trong tác phẩm, cách sử dụng các yếu tố hình thức nào sau đây có thể xem là đặc sắc: chủ thể trữ tình, cách gieo vần, ngắt nhịp, ngắt dòng, chia đoạn, từ ngữ, hình ảnh,...?
- Cách sử dụng các yếu tố đó có tác dụng thế nào trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm?,...
- Chủ đề của tác phẩm này là gì? Chủ đề đó có gì sâu sắc, mới mẻ? Chủ đề đó bao gồm các khía cạnh nào?,...
b. Lập dàn ý
Sắp xếp các ý đã tìm thành một dàn ý. Cần nêu:
- Lần lượt chi tiết hóa từng luận điểm.
- Nêu rõ ý kiến khái quát, đánh giá của người viết về những nét đặc sắc của tác phẩm.
- Làm sang tỏ các ý kiến nhận xét về chủ đề và nghệ thuật bằng việc trích dẫn các hình ảnh, chi tiết, các biện pháp nghệ thuật tiêu biểu trong tác phẩm.
Dàn ý minh hoạ
Viết bài văn nghị luận về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.
* Mở bài
- Giơi thiệu đôi nét khái quát về Bằng Việt.
- Giới thiệu về tác phẩm Bếp lửa.
* Thân bài
- Luận điểm 1: Những nét đặc sắc trong hình thức nghệ thuật trữ tình của bài thơ Bếp lửa.
+ Luận cứ 1: sáng tạo hình ảnh bếp lửa.
+ Luận cứ 2: chuyển hoá hình ảnh bếp lửa từ nghĩa đen sang nghĩa bóng.
- Luận điểm 2: Chủ đề tình bà cháu đã được khơi sâu và làm mới trong Bếp lửa.
+ Luận cứ 1: chủ đề - tình bà cháu.
+ Luận cứ 2: chủ đề tuy quen thuộc nhưng vẫn sâu sắc, mới mẻ nhờ các sáng tạo nghệ thuật của tác giả.
* Kết bài
- Khẳng định khái quát những đặc sắc nghệ thuật và chủ đề của bài thơ Bếp lửa.
- Nêu tác dụng của bài thơ Bếp lửa đối với bản thân.
3. Bước 3: Viết bài
Viết bài văn theo bố cục 3 phần: mở, thân, kết.
4. Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa
Đọc và chỉnh sửa theo gợi ý Bảng kiểm kĩ năng viết văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình (sgk trang 21).
................................
CHÚC CÁC BẠN HỌC TỐT!
Sửa lần cuối: