Thông Báo Ý kiến BGK về tuần đầu cuộc thi viết chủ đề Nhà

Thông Báo  Ý kiến BGK về tuần đầu cuộc thi viết chủ đề Nhà

Thy Việt
Thy Việt
Các tác phẩm dự thi tuần 1

Tổng số 41 bài dự thi, trong đó có 29 tác phẩm hợp lệ (đăng bài cả trên forum và facebook, có tiền tố nhà phân biệt) và 12 tác phẩm không hợp lệ do tác giả đăng chỉ trên facebook không có tại trang chủ.

Cuộc thi có rất nhiều tác phẩm hay, gợi ra được cảm xúc từ bạn đọc, từ ngữ phong phú mượt mà, mà ad có thể nhận xét một số tác phẩm nổi bật trong tuần 1 như sau:

- Quán quân tuần, bài tản văn “Một trăm năm ngọn cỏ hóa mây trời” – Cỏ phong sương là bài viết hoàn chỉnh nhất về cả nội dung (có thơ ấu, có quê hương, gia đình, có cảm xúc) và trình bày. Cách dùng từ như thơ, khắc họa hình ảnh bằng ngôn từ vô cùng xuất sắc. Đọc lên vừa khiến người ta chìm đắm trong cảnh sắc nước non quê hương, trong những vui vầy tuổi thơ nghịch ngợm vô lo, vừa thổn thức về kiếp người phù du, nay được mai mất, từng đau đớn nhớ nhung đến dần thản nhiên đối mặt. Tản văn này tròn vẹn nhất trong số tác phẩm dự thi.

- Truyện ngắn “Nhà vẫn luôn là nhà”, dùng từ rất phổ thông, cốt truyện cũng đơn giản, nhưng tác giả đã rất khéo léo xây dựng chi tiết có điểm nhấn, như cảnh cô Kiều dắt con về đoàn tụ cha mẹ, cảnh trong lớp học, cảnh gói bánh chưng để tiết lộ dần về tính cách, hoàn cảnh các nhân vật. Không khí truyện cũng được xây dựng rất vui tươi, có sâu lắng vừa đủ, khi bạn đọc nghẹn ngào trước cảnh gặp lại của gia đình cô Kiều thì lập tức bật cười trước sự ngốc nghếch của cô bé Linh. Tính cánh nhân vật được dựng đầy đủ, đủ để bạn đọc mường tượng ra.

- Bài thơ “Giận hờn” của Hải Liên: Đây là đời thường hóa thơ, đọc bài thơ mà bất kì người phụ nữ nào cũng thấy đồng cảm, thấy bóng hình quen thuộc của gia đình mình trong đó. Bài thơ cũng là tiếng lòng của những người phụ nữ:

Em yêu nhiều sợ néo già tình đứt
Nên anh à, Mình hòa nhé, được không?
Mớ giận hờn em trút biển đổ sông
Bên nhau mãi nhà nồng hương hạnh phúc


Giận đấy mà thương đấy, chịu nhiều thiệt thòi, tủi hờn đấy nhưng vẫn giữ vai trò của người giữ lửa ấm gia đình. Cách gieo vần, dùng từ, truyền cảm xúc từ bài thơ đều hợp lí, rất xứng đáng nhận giải.

***Ngoài ra, có những tác phẩm viết rất hay nhưng bị mắc vài lỗi, dù nhỏ nhưng lại ảnh hưởng bài viết rất nhiều.

+ Đầu tiên là bài Cây xoài mùa rụng lá của Tấn Huy. Tấn Huy là một cây bút trẻ có lối dùng từ rất đặc biệt, rất riêng, rất có tài, dù chỉ đọc qua vài tác phẩm gửi nhuận bút cũng như dự thi của Tấn Huy nhưng có thể nhận ra được chất riêng ấy: sâu lắng, giàu suy nghĩ, đậm nét vùng miền. Nếu đánh giá Tấn Huy, tôi sẽ ví bạn như cây non tươi tốt nhưng cần trải qua sương nắng, cần không gian để trưởng thành, vươn cao, vượt ra khỏi vườn nhỏ của bạn. Nét vùng miền sẽ là một tài sản rất riêng, nhưng nếu sử dụng tần suất không tốt, không kiểm soát về chính tả thì đó lại trở thành một điểm hạn chế, ngăn cản bạn chưa thể vượt “ao làng”: Bổng (bỗng), kìm nén nỗi (nổi), ngã bóng (ngả bóng), lăn xăn (lăng xăng), lặp từ ban sơ.

+Trong lòng tôi, quê hương thế là mất: Đây là một bài viết rất hay, Kim Hoa tỏ ra mình là một người viết khá chuyên nghiệp, nhất là những đoạn chuyển cảm xúc, thế nhưng bài viết này chỉ vì một câu mà làm hỏng cả bài (vì đúng một câu này thôi): “ Quê hương thế là mất”, dù bạn đã thêm tiền tố “trong lòng tôi”. Vì quê hương là sự cộng gộp tình cảm của ông bà, cha mẹ, anh chị họ hàng (tình thân), bạn bè, đồng hương (mối quan hệ xã hội), cảnh sắc non nước (đất hóa tâm hồn)… Nếu như bạn đặt tình huống nhân vật có tình cảnh éo le, đau thương từ nhỏ, bị xa lánh, bỏ rơi và chỉ có bà là ánh sáng thì câu này hợp lí. Nhưng trong bài viết, với môi trường bạn tạo dựng cho nhân vật rồi lại khẳng định quê hương mất thì đó là phủ định đi tất cả những thân nhân khác. (Tôi đoán bạn sẽ phản biện nhưng đó là ý kiến của tôi).

+Nơi nào cho thương nhớ lòng tôi: Không có lỗi gì, viết cũng rất hay, nhưng nếu so sánh với bài của Cỏ phong sương thì ý họa , ý thơ của bạn lại kém hơn. Thế nên thành ra đáng tiếc.

+Đại Việt kiêu hùng: Trong danh sách tác phẩm đáng tiếc mà không nói tới bài này cũng không ổn. Bài thơ có đề tài lịch sử, tự hào dân tộc, gieo vần tốt, nhưng có mắc mấy lỗi về lịch sử (hơi lộn), “Lưu Bá lang băm”, “Đinh Bộ Lĩnh địch nhân liệt là” khá tối nghĩa, không viết hoa tên riêng, viết riêng danh từ chung, không đúng quy tắc chính tả. Bạn cho rằng viết hoa làm tăng chí khí cho câu thơ, nhưng thực ra, chí khí hay cảm hứng hào hùng tạo ra được hay không là do sử dụng từ ngữ thôi, không hề liên quan tới việc viết hoa hay không.

**Còn rất nhiều bài viết khác rất tốt như: Bong bóng trên dòng miệt thứ, Lắng nghe tiếng sóng, Căn gác xép, hai bài thơ của Thái Hòa, thơ của Vũ Thúy, Đã mấy lần…mai con về…. đều là những tác phẩm hay, tuy nhiên do chưa đủ điều kiện hoặc hay nhưng chưa đủ đặc biệt, chưa có điểm mạnh rõ ràng để nhắc tới.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa Từ khóa
dự thi gia đình tác phẩm
765
5
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.