Ý nghĩa "tiếng chửi" Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

Ý nghĩa "tiếng chửi" Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

4127

Nếu với Nguyễn Công Hoan, đời là mảnh ghép của nghịch cảnh; với Thạch Lam, đời là tấm áo cũ nhưng vẫn còn nguyên vẹn; thì với Nam Cao, đời là miếng áo cũ bị xé rách tả tơi từ cái làng Vũ Đại cho đến mỗi gia đình, mỗi số phận. "Chí Phèo" - một đứa con tinh thần sinh sau đẻ muộn của Nam Cao nhưng đã gióng lên hồi chuông thống thiết đòi quyền làm người trong xã hội.

Một lần nữa, nếu như trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố đã chỉ ra cái cơ hàn, khổ nhục của nông dân, điển hình là chị Dậu - chị phải bán con, bán luôn cả dòng sữa ngọt ngào của người mẹ, cứ ngỡ đây sẽ là bức tượng đài vĩ đại của sự khốn cùng của người nông dân nhưng từ khi "Chí Phèo" ngật ngưỡng bước ra từ trang sách của Nam Cao thì ta mới nhận ra rằng đây mới chính là hiện thân đầy đủ nhất những gì là khốn khổ, tủi nhục của người nông dân bị hủy hoại từ nhân hình đến nhân tính, sinh ra làm người nhưng không được coi là người.

Mở đầu cho tác phẩm "Chí Phèo", Nam Cao đã hướng ngòi bút của mình đến những điều chưa từng có trong văn đàn, đó là "tiếng chửi" của nhân vật chính. Đây là chi tiết nghệ thuật đặc sắc đầu tiên để mở ra bi kịch của Chí. Chí Phèo "chửi trời", "chửi đời", "chửi cả làng Vũ Đại", "chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn", "chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn". Tiếng chửi vọng từ xa đến gần, từ ảo đến thực. Có thể nói, đây là một hình ảnh vừa lạ vừa quen, quen vì tiếng chửi của một thằng say rượu, lạ vì không một ai đáp lại "chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu". Mọi người xung quanh đối với tiếng chửi của Chí thì vẫn thờ ơ, dửng dưng "chắc nó trừ mình ra". Có thể nói, đó là một thái độ khinh bạc, đẩy Chí ra khỏi cuộc sống mặc dù thân xác anh vẫn ở đây, ở ngay làng Vũ Đại.

Nam Cao đã dùng thái độ bần hèn nhất đối với Chí, đó là dùng tiếng chửi để cho nhân vật mình được giao tiếp với mọi người nhưng tất cả chỉ là một con số không tròn trĩnh. Tiếng chửi nghe xót xa đến nghẹn ngào thể hiện sự bất lực đến vô cùng cực, một con người đứng bên rìa xã hội, cách biệt hoàn toàn với thế giới loài người. Đó là nhận thức đắng cay về thân phận của chính mình, khát khao được mọi người để ý dù chỉ một chút nhưng định kiến của xã hội phong kiến, người dân làng Vũ Đại đã khước từ anh, đóng sập cánh cửa làm người của Chí. Và chính điều đó đã biến Chí thành "con quỷ dữ" của làng Vũ Đại.

Chỉ bằng một vài dòng văn ngắn, Nam Cao đã đưa Chí Phèo bước ra văn đàn như một làn gió mới. Đó chính là tài năng và cái tâm bao dung của tác giả. Liệu có bao nhiêu người để ý đến những kẻ lưu manh như Chí Phèo hay thái độ của chúng ta cũng là đại diện cho một nhóm người phổ biến như người dân làng Vũ Đại thờ ơ, lãnh cảm? Duy chỉ có Nam Cao hướng ngòi bút của mình đến những người như vậy, con người lưu manh hóa và tìm ra cái chất "người" trong anh. Có thể nói, nếu vắng "Chí Phèo" sẽ là một khoảng trống lớn khó có thể lắp đầy trong văn đàn văn học Việt Nam.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa
chi pheo tiếng chửi văn học 11
639
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top