Đề cương  Đầy đủ nhất về bài thơ Ánh trăng - Nguyễn Duy

kiến thức cơ bản, phân tích bài thơ Ánh trăng, suy nghĩ về ánh trăng, đạo lí uống nước nhớ nguồn, lòng bao dung qua bài thơ
Văn bản: Ánh trăng (Nguyễn Duy)

I, Kiến thức cơ bản

1, Tác giả- Tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, quê ở Thanh Hóa.
- Ông thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước:
+ Trước đổi mới: ND tập trung viết về đề tài chiến tranh và quê hương với khuynh hướng phi sử thi, phản ánh những vẻ đẹp đơn sơ, bình dị, những mất mát, hi sinh và cuộc sống lam lũ của người nông dân.
+ Sau đổi mới: Nguyễn Duy mạnh mẽ, táo bạo, dám phơi bày những bất cập của xã hội đương thời.
- Phong cách sáng tác: Có sự thống nhất của nhiều yếu tố đối lập: mộc mạc, dân dã mà tinh tế sâu sắc; ngang tàng, tếu táo mà thiết tha sâu lắng, nhân tình; tự nhiên ngẫu hứng mà trau truốt công phu.
2, Văn bản* Hoàn cảnh sáng tác:
- Được sáng tác năm 1978, ba năm sau khi đất nước được thống nhất. Lúc này tác giả đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Xuất xứ: In trong tập thơ Ánh trăng.
* Thể thơ: 5 chữ, chữ cái đầu dòng không viết hoa. Toàn bài chỉ có một dấu phẩy và một dấu chấm kết bài -> tạo cho cảm xúc liền mạch, sâu lắng.

* PTBĐ: Tự sư kết hợp với biểu cảm
* Mạch cảm xúc
Bài thơ là một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ tới hiện tại, gắn các mốc sự kiện trong cuộc đời con người. Theo dòng tự sự ấy, mạch cảm xúc đi từ quá khứ tới hiện tại và lắng kết trong cái giật mình ở cuối bài thơ
*Bố cục:
- Phần 1: 2 khổ đầu: Vầng trăng trong quá khứ
- Phần 2: Hai khổ tiếp: Vầng trăng trong hiện tại
- Phần 3: 2 khổ còn lại: cảm xúc và suy ngẫm của nhân vật trữ tình.
Nghệ thuật, nội dung của văn bản:
* Nghệ thuật:

- Giọng điệu tâm tình, tự nhiên, kết hợp với yếu tố trữ tình, tự sự khiến bài thơ như một lời tự bạch chân thành, sâu sắc.
- Hình ảnh giàu tính biểu cảm và biểu tượng.
* Nội dung: Với giọng điệu tâm tình, bài thơ như là một lời tâm sự của tác giả về những năm tháng gian khổ đã đi qua với những tình cảm bình dị và hiền hậu. Đồng thời bài thơ còn gửi gắm đến chúng ta về một thái độ sống tích cực: ‘uống nước nhớ nguồn”.
3, Ý nghĩa nhan đề- Nhan đề “ Ánh trăng” trước hết là một phần của thiên nhiên với tất cả những gì gần gũi, thân thuộc nhất
- “ Ánh trăng” là biểu tượng cho quá nhứ nghĩa tình, thủy chung gắn bó với lịch sử hào hùng của dân tộc.
- Gợi cho ta liên tưởng đến những con người giản dị mà thủy chung nghĩa tình: nhân dân , đồng đội.


II, Đọc- hiểu văn bản


1, Vầng trăng trong quá khứ.
Trong hai khổ thơ đầu, tác giả gợi lại những kỉ niệm đẹp, tình cảm gắn bó giữa con người và vầng trăng trong quá khứ:
“Hồi nhỏ sống với rừng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ

Trần trịu với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa”
- Những câu thơ ngắn với giọng tâm tình, thủ thỉ (hồi nhỏ, hồi chiến tranh) cộng với biện pháp tu từ liệt kê (đồng, sông, bể) đã gợi lại một tuổi thơ sống gắn bó, gần gũi với thiên nhiên
- Điệp từ “với” được lặp lại ba lần để nhấn mạnh sự gắn bó, thân thiết giữa con người với thiên nhiên.
- Hình ảnh “Hồi chiến tranh ở rừng” :
+ Gợi liên tưởng đến sự trưởng thành của nhân vật trữ tình, từ cậu bé thiếu niên nay đã vác súng ra chiến trường.
+ Gợi về những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến tranh.
- Nghệ thuật nhân hóa “Vầng trăng thành tri kỉ”:
+ Gợi liên tưởng đến những năm tháng hành quân hay phiên gác giữa rừng, có vầng trăng chiếu rọi.
+ Trăng như trở thành người bạn thân thiết, tri âm, tri kỉ, luôn đồng cam cộng khổ để chia sẻ những vui buồn đời lính.
- Hình ảnh so sánh, ẩn dụ: “Trần trụi với thiên nhiên”, “hồn nhiên như cây cỏ”:
+ Gợi vẻ đẹp bình dị, vô tư, trong sáng của vầng trăng.
+ Đó cũng là cốt cách, vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc trong tâm hồn của người lính
=>Trăng hiện diện như hình ảnh của quá khứ, là hiện thân của kí ức chan hòa tình nghĩa. Bởi sự gắn bó tình nghĩa ấy, nhân vật trữ tình đã tự tâm nguyện “sẽ không bao giờ quên”.
-
Từ “ngỡ” như báo hiệu sự chuyển biến trong câu chuyện cững như trong tình cảm của con người.
  • Trong quá khứ, dẫu hoàn cảnh đầy khó khăn, khắc nghiệt, trăng vẫn đồng hành trên mọi bước đường và trở thành người bạn tri kỉ để chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn. Vầng trăng đã trở thành biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình thủy chung.
2, Vầng trăng trong hiện tại.
- Song, trước sự xoay vần của thời gian, sự biến đổi của hoàn cảnh đã khiến cho mọi thứ trở nên thay đổi:
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
+ Tác giả đã tạo ra sự đối lập trong hoàn cảnh sống của con người giữa hiện tại và quá khứ: Từ những nhà tranh, vách nứa chốn rừng sâu, nước độc, nay trở về trong những tòa nhà khang trang, hiện đại của thành phố.
+ “quen ánh điện cửa gương” là cách nói hoán dụ để tô đậm cuộc sống đầy đủ tiện nghi, khép kín trong căn phòng hiện đại, xa rời thiên nhiên.
+ Hình ảnh nhân hóa, so sánh: “vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường” diễn tả sự thay đổi trong tình cảm của con người: Vầng trăng thì vẫn còn đấy, thủy chung tình, nghĩa nhưng con người thì hững hờ, thờ ơ không nhận ra
Câu thơ mang một ý nghĩa khái quát: Khi hoàn cảnh sống thay đổi thì con người ta có thể phản bội lại chính mình, dễ dàng lãng quên đi những gian khổ, nhọc nhằn của một thời đã qua. Song, cái sự quên ấy cũng là lẽ thường tình bởi những lo toan thường nhật từ cuộc sống
Tác giả đặt con người vào một tình huống bất ngờ:
“Thìng lình đèn điện tắt
phòng buyn – đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
vột ngột vầng trăng tròn”

+ Hai từ “thình lình”, “đột ngột” và cách đảo trật tự cú pháp đã ghóp phần diễn tả thật chính xác, ấn tượng về một sự việc đột ngột, bất thường “đèn điện tắt... tối om”
+ Ba động từ mạnh “vội, bật, tung” đã diễn tả hành động khẩn trương, vội vàng của nhân vật trữ tình.
+ Hình ảnh “vầng trăng tròn” đột ngột xuất hiện chiếu rọi vào căn phòng tối om đã tạo nên một sự đối lập: giữa ánh sáng và bóng tối. Chính khoảnh khắc bất ngờ ấy đã tạo nên bước ngoặt trong mạch cảm xúc và sự “bừng tỉnh” trong nhận thức của nhân vật trữ tình: vầng trăng kia vẫn tròn, “đồng, bể, rừng” kia đâu có mắt, tất cả vẫn đồng hành cùng con người, chỉ có điều con người có nhận ra hay không.
Đây là khổ thơ quan trọng trong cấu tứ toàn bài, là sự chuyển biến có ý nghĩa bước ngoặt trong mạch cảm xúc, góp phần bộc lộ tư tưởng và mở ra những suy ngẫm của nhà thơ.
3, Cảm xúc và suy ngẫm của nhân vật trữ tình
Từ tình huống bất ngờ, đã mở ra những dòng cảm xúc mãnh liệt của nhân vật trữ tình:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì dưng dưng”
  • Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” là tư thề tập trung chú ý, mặt đối mặt
  • Từ “mặt” ở cuối câu thơ là từ nhiều nghĩa, tạo nên sự đa dạng cho ý câu thơ
+ Khuôn mặt đó là khuôn mặt của tri kỉ mà nhân vật trữ tình đã bị lãng quên.
+ Mặt đối mặt đó còn là quá khứ đối diện với hiện tại, tình nghĩa thủy chung đối diện với vô tình lãng quên.
  • Cuộc đối thoại không lời trong khoảnh khắc, phút chốc ấy đã khiến cho cảm xúc dâng trào. Cụm từ “rưng rưng” đã diễn tả nỗi xúc động đến nghẹn ngào, thổn thức trong cảm xúc của nhân vật trữ tình
Giọt nước mắt như khiến con người ta trở nên thân thiết hơn, trong sáng hơn để rửa trôi đi những ý nghĩ, lo toan thường nhật để kỉ niệm ùa về:
“như là đồng là bể
Như là sông là rừng”
  • Cấu trúc song hành (như là... là), cộng với biện pháp tu từ so sánh (như), điệp ngữ (như là, là) và liệt kê (đồng, bể, sông, rừng) diễn tả những dòng kí ức về một thời gắn bó, chan hòa với thiên nhiên bỗng từ từ ùa về.
Khổ thơ cuối những suy ngẫm và triết lí sâu sắc của nhà thơ:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
k chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
  • Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh”:
+ Diễn tả vầng trăng tròn đầy, tỏa sáng giữa thiên nhiên bao la
+ Bên cạnh đó, còn tượng trưng cho vẻ đẹp của quá khứ nghĩa tình, vẫn tròn đầy, tron vẹn mặc cho con người thay đổi, vô tình.
  • Nghệ thuật nhân hóa “ánh trăng im phăng phắc” gợi đến một cái nhìn nghiêm khắc song cũng đầy bao dung độ lượng. Sự im lặng ấy khiến chi nhân vật trữ tình “giật mình” thức tỉnh.
  • Từ “giật mình” chính là một sự sáng tạo của Nguyễn Duy trong ý thơ:
+ Giật mình là cảm giác tâm lí của một người biết suy nghĩ chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, nông nổi trong cách sống của mình.
+ Giật mình là để nhớ lại quá khứ, để ăn năn tự trách, tự thấy cần phải thay đổi cách sống
+ Giật mình cũng là để tự nhắc nhở bản thân phải trân trọng những gì đã qua để làm bước đệm cho ngày hôm nay
  • Bài thơ “ánh trăng”, mà đặc biệt là ở khổ thơ cuối đã dồn nén biết bao tâm sự, suy ngẫm, triết lí sâu sắc. Qua đó, nhà thơ muốn gửi gắm đến mọi người lời nhắc nhở về đạo lí sống, về đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung.
III, LUYỆN TẬP

A) ĐẠNG ĐỀ ĐỌC- HIỂU




Cho câu thơ: “ Hồi nhỏ sống với đồng”
1. Hãy chép chính xác những câu thơ tiếp theo để hoàn thành hai khổ thơ? Nêu nội dung chính của hai khổ thơ em vừa chép?
2. Hai khổ thơ em vừa chép của tác giả nào? Hãy giới thiệu đôi nét về tác giả đó và hoàn cảnh sáng tác bài thơ? Hoàn cảnh sáng tác đó có ảnh hưởng gì đến chủ đề bài thơ?
3. Trong khổ thơ đầu tác giả sử dụng những biên pháp tu từ gì? Nêu tác dụng?
4. Em hiểu nghĩa câu thơ “vầng trăng thành tri kỉ” như thế nào?. Chép lại câu thơ có từ tri kỉ trong chương trình ngữ văn 9, ghi rõ tên tác giả và tác phẩm?
5. Em hiểu như thế nào về hai dòng thơ đầu của khổ thơ thứ hai? Việc tác giả sử dụng từ “ngỡ” ở cuối khổ thơ thứ hai có tác dụng gì?
6. Em hãy viết đoạn văn khoảng 10 đến 12 câu theo cách diễn dịch, sử dụng lời dẫn trực tiếp và một câu ghép để làm rõ nội dung hai khổ thơ em vừa chép?
Gợi ý:

1.
Hs chép chính xác hai khổ thơ. Nội dung chính: Hai đoạn thơ đã ghi lại những kỉ niệm đẹp, tình cảm gắn bó giữa con người và vầng trăng trong quá khứ.

2. Tác giả Nguyễn Duy:

- Tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, quê ở Thanh Hóa.

- Ông thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước:

+ Trước đổi mới: ND tập trung viết về đề tài chiến tranh và quê hương với khuynh hướng phi sử thi, phản ánh những vẻ đẹp đơn sơ, bình dị, những mất mát, hi sinh và cuộc sống lam lũ của người nông dân.

+ Sau đổi mới: Nguyễn Duy mạnh mẽ, táo bạo, dám phơi bày những bất cập của xã hội đương thời.

- Phong cách sáng tác: Có sự thống nhất của nhiều yếu tố đối lập: mộc mạc, dân dã mà tinh tế sâu sắc; ngang tàng, tếu táo mà thiết tha sâu lắng, nhân tình; tự nhiên ngẫu hứng mà trau truốt công phu.

* Hoàn cảnh sáng tác:

- Được sáng tác năm 1978, ba năm sau khi đất nước được thống nhất. Lúc này tác giả đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.

-Thời điểm đó, có những người từng trải qua thử thách gian khổ, từng gắn bó với thiên nhiên, nhân dân, đồng đội, sau khi ra khỏi thời đạn bom, được sống trong hòa bình, giữa những tiện nghi hiện đại…đã quên đi những nghĩa tình của thời đã qua. Trước hiện tượng đó, nhà thơ viết bài thơ như lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao xưa. Đồng thời, bài thơ còn có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.

3. Biện pháp tu từ ở khổ thơ 1:

- Điệp ngữ và liệt kê: Từ “ với” được lặp lại cùng phép liệt kê( đồng, sông, bể, rừng) nhấn mạnh sự gắn bó gần gũi, chan hòa giữa con người và thiên nhiên qua các khong gian sống khác nhau.

- Nhân hóa: “ Vầng trăng” được nhân hóa thành “ tri kỉ”, thể hiện sự gắn bó thấu hiểu giữa con người và vầng trăng.

4. Nghĩa của câu thơ “Vầng trăng thành tri kỉ”: vầng trăng là bạn bè thân thiết với con người.

“ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”( Đồng chí- Chính Hữu)

5.
- Hai dòng đầu của khổ thơ thứ hai miêu tả những kí ức đẹp của người lính- đó là những năm tháng được sống hồn nhiên, tâm hồn rộng mở.

+ “Trần trụi…”: giữa con người và thiên nhiên không còn khoảng cách

+ So sánh “hồn nhiên như cây cỏ”: con người hoàn toàn vô tư, không tính toán.

- “ Ngỡ” có nghĩa là tưởng vậy mà không phải vậy, diễn tả một sự ngộ nhận. Xuất hiện trong câu thơ cuối khổ thơ thứ hai, nó báo hiệu những chuyển biến của câu chuyện cũng như trong tình cảm của con người với vầng trăng.

6. Gồm các ý cơ bản sau:

Câu chủ đề: Hai đoạn thơ đã ghi lại những kỉ niệm đẹp, tình cảm gắn bó giữa con người và vầng trăng trong quá khứ.

Các câu khai triển:

  • Thời thơ ấu con người gắn bó với vầng trăng, gắn liền với những hình ảnh “đồng, sông, bể”
  • Khi trưởng thành, trở thành người lính, người và vầng trăng vẫn là những người bạn thân thiết
  • Tình bạn giữa người và vầng trăng tròn /hồn nhiên, vô tư
  • ;trăng và người /có nhiều kỉ niệm đẹp trong quá khứ.( câu ghép)
- Điệp ngữ và liệt kê: Từ “ với” được lặp lại cùng phép liệt kê( đồng, sông, bể, rừng) nhấn mạnh sự gắn bó gần gũi, chan hòa giữa con người và thiên nhiên qua các khong gian sống khác nhau.

- Nhân hóa: “ Vầng trăng” được nhân hóa thành “ tri kỉ”, thể hiện sự gắn bó thấu hiểu giữa con người và vầng trăng.

- Hai dòng đầu của khổ thơ thứ hai miêu tả những kí ức đẹp của người lính- đó là những năm tháng được sống hồn nhiên, tâm hồn rộng mở.

+ “Trần trụi…”: giữa con người và thiên nhiên không còn khoảng cách

+ So sánh “hồn nhiên như cây cỏ”: con người hoàn toàn vô tư, không tính toán.

- “ Ngỡ” có nghĩa là tưởng vậy mà không phải vậy, diễn tả một sự ngộ nhận. Xuất hiện trong câu thơ cuối khổ thơ thứ hai, nó báo hiệu những chuyển biến của câu chuyện cũng như trong tình cảm của con người với vầng trăng.

- Liên hệ: Đoạn thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên sâu sắc

- Bài học: Mỗi chúng ta phải biết sống yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, từ đó mỗi người phải làm cho thiên nhiên ngày một đẹp hơn.

Câu kết: Tóm lại, với việc sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật điệp ngữ, liệt kê, ẩn dụ, so sánh, hai khổ thơ đã làm hiện kên những kỉ niệm trong quá khứ đầy lãng mạn và đẹp đẽ giữa con người và vầng trăng.

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2

Cho câu thơ: “Từ hồi về thành phố”
1. Hãy chép tiếp những câu thơ tiếp theo để hoàn thiện hai khổ thơ? Nêu nội dung chính hai khổ thơ đó?
2. Cả bài thơ chỉ có duy nhất một dấu chấm cuối bài. Điều đó có tác dụng gì?
3 Chỉ ra và nêu tác dụng của các phép tu từ được sử dụng ở khổ thơ 3?
4. Ghi lại các từ láy và nêu tác dụng của chúng trong hai khổ thơ em vừa chép?
5. Nhận xét về cách sử dụng từ ngữ trong câu thơ “vội bật tung cửa sổ”. Câu thơ cho thấy điều gì về nhân vật trữ tình?
Gợi ý:

1. Chép chính xác hai khổ thơ 3,4 của bài thơ. Nội dùng chính: Hai đoạn thơ đã ghi lại những cảm xúc và suy nghĩ của tác giả về vầng trăng trong hiện tại.

2. Cả bài thơ chỉ có duy nhất một dấu chấm cuối bài, làm cho cảm xúc thơ được liền mạch, đồng thời khiến bài thơ như một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian.

3.
- Hoán dụ “ ánh điện, của gương” tượng trưng cho cuộc sống đầy đủ tiện nghi nơi phố thị. Phép hoán dụ đã làm rõ sự thay đổi về hoàn cảnh sống của con người từ hồi về thành phố: khép kín, tách biệt và xa rời thiên nhiên. Đó là một trong những lí do dẫn đến sự thay đổi trong thái độ, tình cảm của con người với vầng trăng.

- Hình ảnh nhân hóa, so sánh: “vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường” diễn tả sự thay đổi trong tình cảm của con người: Vầng trăng thì vẫn còn đấy, thủy chung tình, nghĩa nhưng con người thì hững hờ, thờ ơ không nhận ra.

-> Các phép tu từ ở khổ 3 đã vẽ lên chân dung người lính năm nào, nay là một con người bội bạc, quay lưng lại với quá khứ.

4.

- Các từ “ thình lình, đột ngột”

+ Từ láy “ thình lình” diễn tả sự bất ngờ của tình huống đèn điện tắt.

+ Từ láy “đột ngột” diễn tả sự bất ngờ của cuộc gặp gỡ giữa người và trăng cũng như tâm trạng thảng thốt của con người khi gặp lại người bạn tình nghĩa năm nào mà mình đã lãng quên.

5. Cách sử dụng từ ngữ trong câu thơ “ vội bật tung của sổ”: Tính từ “vội” và động từ mạnh “ bật tung” đi liền nhau, diễn tả sự gấp gáp vội vàng, cho thấy sự ngột ngạt của một con người ( đã quen với tiện nghi, sung sướng) khi đứng trước bóng tối. Hành động đó gợi giây phút tâm hồn con người khao khát dược thoát khỏi không gian tù túng, chật hẹp.

- Câu thơ cho ta thấy sự vội vàng, khẩn trương của con nguwoif khi đi tìm nguồn sống.

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 3

Chép thuộc lòng đoạn kết bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy
1. Giải thích nghĩa của hai từ “mặt” trong câu thơ “ Ngửa mặt lên nhìn mặt”. Từ nào được dùng theo nghĩa gốc? Từ nào được dừng theo nghĩa chuyển? Chỉ ra phương thức chuyển nghĩa trong trường hợp này? Phân tích cái hay của việc sử dụng từ “ mặt”?
2. Từ “ rưng rưng” thuộc kiểu từ gì xét theo cấu tạo ? Nó biểu lộ tâm trạng gì của nhân vật trữ tình?
3, Chỉ ra và nêu tác dụng của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai khổ thơ em vừa chép?
4. Nêu cảm nhận của em về hình ảnh “ Vầng trăng tròn” và “ Trăng cứ tròn vành vạnh”
5 Tìm các từ láy trong hai khổ thơ em vừa chép và nêu tác dụng?
6, Hình ảnh “Vầng trăng” trong bài thơ có ý nghĩa gì? Tại sao suốt bài thơ tác giả có tới 4 lần gọi là “vầng trăng” mà nhan đề và khổ thơ cuối lại viết “ánh trăng”
7. Em hiểu thế nào về cái “giật mình” của nhân vật trữ tình? Viết một câu khái quát nhất về cái giật mình của người trong thơ?
8. Đọc bài thơ “Ánh trăng” em cảm nhận được bài học sâu sắc nào? Viết đoạn văn từ ba đến năm câu ?
9. Nêu chủ đề của bài thơ. Cảm nhận về đoạn thơ cuối của bài từ 8 đến 10câu ( sử dụng thành phần tình thái và phụ thái)
10. Trăng còn xuất hiện ở trong một số bài thơ trong chương trình NV9 mà em đã học. Ghi lại từ đó hãy phân tích và so sánh trăng trong những bài trên?
Gợi ý:

1.
- Giải thích: từ “mặt” thứ nhất chỉ một bộ phận trên cơ thể người, tính từ trán xuống cằm( nghĩa gốc). Từ “ mặt” thứ hai chỉ mặt trăng( nghĩa chuyển)
- Từ “mặt” thứ hai được chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ
- Phân tích cái hay của từ “mặt”:

+ Từ “mặt” (thứ 2) mang ý nghĩa ẩn dụ sâu xa, gợi cái hồn, tinh thần của sự vật :
+ “Mặt” gợi hình ảnh mặt trăng, thiên nhiên tươi mát, là gương mặt người bạn tri kỉ, quá khứ nghĩa tình, lương tâm của chính mình (tự vấn).
+ Hai từ “mặt” trong cùng 1 câu thơ tạo tư thế mặt đối mặt, đối diện đàm tâm giữa người và trăng, thức tỉnh mọi người hướng tới lối sống cao đẹp: ân nghĩa thủy chung, bao dung, độ lượng.
2.
- Xét theo cấu tạo từ “ rưng rưng” thuộc kiểu từ láy, diễn tả sự xúc động nghẹn ngào của con người khi gặp lại vẩng trăng. “ Rưng rưng” là khoảnh khắc đầu tiên của sự thức tỉnh.
3,
- Nghệ thuật điệp ngữ “ như là” và phép liệt kê” đồng, sông, bể, rừng” cho thấy những kỉ niệm trong quá khứ đang ùa về đồng hiện trong tâm trí người lính cũng như niềm xúc động của người lính khi gặp lại vầng trăng- người bạn tình nghĩa năm nào
  • Nghệ thuật nhân hóa “ánh trăng im phăng phắc” gợi đến một cái nhìn nghiêm khắc song cũng đầy bao dung độ lượng. Sự im lặng ấy khiến chi nhân vật trữ tình “giật mình” thức tỉnh.
4. - Hình ảnh “ Vầng trăng tròn” và “ Trăng cứ tròn vành vạnh” nói lên sự tròn đầy cũng như sự vẹn nguyên, thủy chung, không thay đổi của quá khứ.
5 .
- Từ láy “vành vạnh” miêu tả sự tròn đầy của vầng trăng, cho thấy sự vẹn nguyên của quá khứ.
- Từ láy “phăng phắc” miêu tả sự im lặng tuyệt đối, gợi cái nhìn nghiêm khắc mà bao dung độ lượng của vầng trăng, đủ khiến con người giật mình thức tỉnh.

6,
- Ý nghĩa “vầng trăng”: Vầng trăng trong bài thơ là một hình ảnh đa nghĩa
+) Vầng trăng là hình ảnh thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát, là người bạn suốt thời tuổi thơ, rồi thời chiến tranh ở rừng.

+) Vầng trăng tượng trưng cho quá khứ vẹn nguyên, chẳng thể phai mờ, là người bạn, là nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và mỗi chúng ta. Con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng vầng trăng trong quá khứ thì luôn tràn đầy, bất diệt
  • Trong bài thơ, bốn lần tác giả viết là “vầng trăng” trong khi nhan đề và khổ thơ cuối lại là “ánh trăng” vì
+) Đối với tác giả, “vầng trăng” là người bạn tri ân tri kỉ, từ hồi thơ ấu và khi ở chiến trường. Vì thế xuyên suốt bài thơ là hình ảnh “vầng trăng”

+) Còn hình ảnh “ánh trăng” là ánh sáng của vầng trăng, quầng sáng của vầng trăng, là sự tinh tế, nhẹ nhàng ở thiên nhiên. Vầng trăng có lúc tròn, lúc khuyết nhưng ánh trăng luôn có màu vàng không đổi, soi sáng, tỏa mát xuống cõi lòng con người làm cho con người thêm thanh thản, nhẹ nhàng. Ánh trăng còn là ánh sáng trong mỗi tâm hồn con người. Hình ảnh ánh trăng mang ý nghĩa rộng hơn hình ảnh vầng trăng.

+) Tác giả đã rất tinh tế trong việc dùng ánh trăng thay vì vầng trăng trong nhan đề và khổ thơ cuối. Đó cũng là sáng tạo độc đáo của thơ góp phần làm cho bài thơ “ánh trăng” có giá trị về nội dung và nghệ thuật.
7.
- Cái “ giật mình” của con người là sự thức tỉnh, thể hiện sự ăn năn, hối lỗi, tự đấu tranh để sống tốt đẹp hơn, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp.

- Nhận ra những cám dỗ vật chất khiến con người đánh mất đi những giá trị tinh thần đẹp đẽ.

- Nhận ra bài học không được lãng quên quá khứ, thờ ơ, bội bạc với nghĩa tình sâu nặng, thiêng liêng phải biết nâng niu, trân trọng quá khứ, sống ân nghãi thủy chung

=> Với khoảnh khắc “giật mình”, nhà thơ đã gieo vào lòng người đọc niềm tin và sức sống mạnh liệt của lương tri con người.

Câu khái quát nhất về cái “giật mình” của những con người: Giật mình để con người tự hoàn thiện mình.

8. Từ bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã cho em một bài học sâu sắc:

- Thiên nhiên không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người, mỗi chúng ta phải yêu quý và hòa hợp với thiên nhiên. Không chỉ thế bài thơ còn cho ta thấy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” , ân nghĩa thủy chung – đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chúng ta phải luôn biết ơn quá khứ, biết ơn những người đã biết ơn xây dựng đất nước.

- Bên cạnh đó, bài thơ còn cho ta thêm một bài học, cuộc sống phải biết bao dung độ lượng, biết nhận ra lỗi lầm và sửa chữa lỗi lầm để cuộc sống tốt đẹp hơn

9, Chủ đề bài thơ (nội dung bài ánh trăng): Bài thơ là tiếng lòng, là những suy ngẫm thấm thía, nhắc nhở ta về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ, gian lao, nghĩa tình đối với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa nhắc nhở củng cố người đọc thái độ sáng “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa cùng quá khứ.

- Câu mở đoạn: Đoạn thơ được trích trong bài “Ánh trăng” của Nguyễn Duy - một nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Kĩ cứu nước- đã thể hiện tình cảm, thái độ của vầng trăng và cái giật mình, hối hận của con người .

- Các câu khai triển:
  • Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh”:
+ Diễn tả vầng trăng tròn đầy, tỏa sáng giữa thiên nhiên bao la
+ Bên cạnh đó, còn tượng trưng cho vẻ đẹp của quá khứ nghĩa tình, vẫn tròn đầy, tron vẹn mặc cho con người thay đổi, vô tình.
  • Nghệ thuật nhân hóa “ánh trăng im phăng phắc” gợi đến một cái nhìn nghiêm khắc song cũng đầy bao dung độ lượng. Sự im lặng ấy khiến chi nhân vật trữ tình “giật mình” thức tỉnh.
  • Từ “giật mình” chính là một sự sáng tạo của Nguyễn Duy trong ý thơ:
+ Giật mình là cảm giác tâm lí của một người biết suy nghĩ chợt nhận ra sự vô tình, bạc bẽo, nông nổi trong cách sống của mình.
+ Giật mình là để nhớ lại quá khứ, để ăn năn tự trách, tự thấy cần phải thay đổi cách sống
+ Giật mình cũng là để tự nhắc nhở bản thân phải trân trọng những gì đã qua để làm bước đệm cho ngày hôm nay.
  • Trăng vẫn thủy chung, vẹn nguyên, tình cảm không phai mờ. Sự bao dung, độ lượng và nghiêm khắc của vầng trăng đã làm cho con người “giật mình”. Cái “giật mình” của sự hối hận trước những tình cảm thay đổi của con người. Có lẽ, đó cũng là cái giật mình của mỗi chúng ta?
  • - Câu kết đoạn: Bằng nghệ thuật nhân hóa cùng với thể thơ năm chữ, Nguyễn Duy đã cho chúng ta một bài học sâu sắc về lẽ sống: sự chung thủy, biết ơn quá khứ, ân nghĩa thủy chung là một lối sống đẹp đáng để chúng ta suy ngẫm.
10.
Trong chương trình ngữ văn lớp 9 em đã học, một số bài thơ có hình ảnh vầng trăng là:
+”Đoàn thuyền đánh cá” – Huy Cận
Câu thơ: “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”
+”Đồng chí” – Chính Hữu – Câu thơ “Đầu súng trăng treo”
  • Phân tích và so sánh trăng trong 3 câu thơ
  • Trăng trong bài thơ “Ánh Trăng” của Nguyễn Duy là một người bạn ân nghĩa, thủy chung, tình cảm luôn vẹn nguyên.
  • Còn ánh trăng trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận lại chỉ vẻ đẹp của biển cả với nhiều màu sắc rực rỡ.
  • Trăng trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu lại là 1 hình ảnh lãng mạn. Trăng cho thấy đêm đã về khuya,trăng xuống thấp dần như chạm vào đầu ngọn súng tạo cảm giác trăng treo đầu súng. Trăng ở đây còn thể hiện 1 ước mơ hòa bình, một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
*Như vậy Trăng trong cả 3 bài thơ có sự khác nhau nhưng mỗi sự khác nhau ấy là một vẻ đẹp của cuộc sống: vẻ đẹp của tình người, vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp của sự ước mơ.


B) DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

Đề 1: Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

1, Mở bài:
- Giới thiệu tác giả.
- Giới thiệu văn bản.
- Nêu nội dung chính của văn bản.

Tham khảo mở bài:

  • Nguyễn Duy là gương mặt nhà thơ trẻ, trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ Nguyễn Duy trẻ trung, linh hoạt, bất ngờ trong cấu tứ ngôn từ, đậm aam hưởng dân ca đồng quê nhưng cũng giàu màu sắc chiết lí, giàu chiêm nghiệm khiến người đọc phỉa giật mình suy nghĩ
  • Bài thơ Ánh trăng được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978 tại thành phô Hồ Chí Minh, in trong tập thơ cùng tên. Bài thơ như một lời nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Từ đó nhắc nhở mỗi chúng ta về tình cảm uống nước nhớ nguồn, ân tình thủy chung với quá khứ, với những người đã khuất và cả đối với chính mình
2, Thân bài: Cần phân tích để làm rõ những luận điểm sau:
a, Vầng trăng trong hoài niệm

  • Thời thơ ấu: trăng là vẻ đẹp của thiên nhiên vĩnh hằng, là bầu bạn của tuổi thơ, trăng ngập tràn trên cánh đồng, dòng sông, bãi bể ... người đi đâu, làm gì cũng có vầng trăng làm bạn. Trăng đã nuôi lớn tâm hồn tuổi ấu thơ
  • Khi trưởng thành: người lính chiến đấu ở rừng sâu, vầng trăng thành tri kỉ. Trăng là ánh sáng trong những đêm tối chiến tranh. Trăng đến làm bạn với người chân thành, vô tư, tình cảm giữa người với trăng vốn đã đẹp nay lại càng đẹp hơn.
Trong hoài niệm, người và trăng đến với nhau tự nhiên, chân thành, tình nghĩa, không dễ gì chia cắt được khiến người : ngỡ không bao giờ quên suốt những năm tháng từ tuổi ấu thơ ở quê nhà đến hồi chiến tranh ở rừng. Trăng là biểu tượng cho vẻ đẹp bình dị và vĩnh hằng của đời sống

b, Vầng trăng thời hiện tại
  • Chiến tranh qua đi, cuộc sống bình yên trở lại, người lính may mắn từ rừng sâu trở về nơi thành phố. Cuộc sống thị thành đủ đầy, hiện đại văn minh với ánh điện, cửa gương, phòng buyn – đinh, ... đối lập hoàn toàn với quá khứ khi xưa. Cuộc sống đổi thay, lòng người cũng thay đổi. Mối quan hệ giữa người và trăng không còn như xưa nữa:
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Trăng vẫn như xưa, vẫn ngày ngày qua ngõ, vẫn dõi theo người nhưng người đã ngoảnh mặt lằm ngơ, coi trăng như người xa lạ. Sự vô tình đến mức tàn nhẫn
  • Tình huống bất ngờ xảy ra:
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn – đinh tối om


Giữa bóng tối của màn đêm là ánh sáng rực rỡ tràn đầy của vầng trăng. DÙ cuộc gặp gỡ giữa người và trăng không hẹn trước, người vẫn bất ngờ nhận ra “đột ngột vầng trăng tròn”. Phải đến khi đèn tắt, con người mới lại nhìn thấy và nhận ra vầng trăng tròn”. Dù cuộc sống đổi thay, lòng người đổi thay, trăng vẫn thủy chung, tình nghĩa, vẫn là thứ ánh sáng trong ngần như xưa
  • Trong cuộc gặp gỡ đột ngột, bất ngờ, vầng trăng đã làm thức dậy trong tâm trí con người bao cảm xúc:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng


Người ngửa mặt nhìn trăng: “Ngửa mặt lên nhìn mặt” trăng và người đã có cuộc đối diện đàm tâm. Đó là khoảnh khắc bất ngờ gặp lại cố nhân. Nhìn trăng, lòng người xúc động trào dâng: “có cái gi rưng rưng”. Cùng với trạng thái rưng rưng, tất cả những kỉ niệm hồn nhiên tuổi ấu thơ, kỉ niệm nghĩa tình của một thời gian lao chiến đấu nơi rừng sâu cũng ùa về.
Như vậy, vầng trăng hiện tại đánh thức quá khứ tươi đẹp đã ngủ yên trong lòng người “từ hồi về thành phố”. Trăng là hình ảnh tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình chẳng thể mờ phai, luôn tròn đầy, bất diệt.

c, Vầng trăng suy ngẫm
  • Trong niềm xúc động rưng rưng, người lính nhìn trăng và suy ngẫm. Trăng vẫn tròn, vẫn sáng đẹp, vẫn thứ ánh sáng rực rỡ trong ngần, vẫn vẹn nguyên, thủy chung không hề hao khuyết.
+ “Trăng cứ tròn vành vạnh” như tượng trưng cho quá khứ đẹp đẽ,vẹn nguyên chẳng thể phai mờ
+ “Ánh trăng im phăng phắc” : Phép nhân hóa khiến vầng trăng hiện ra như một con người cụ thể, một người bạn, một nhân chứng, rất nghĩa tình chỉ lặng lẽ, vị tha, bao dung nhưng cũng rất nghiêm khắc đang nhắc nhở con người đừng quên đi quá khứ.
  • Sự bao dung nhưng cũng rất nghiêm khắc của vầng trăng đã có sức cảm hóa lớn khiến con người “giật mình” nhìn lại mình, nhận ra sự vô tình không nên có, sự lãng quên đáng trách của mình. Thấy trăng tròn bao nhiêu, người nhận ra mình hao khuyết bấy nhiêu.
Ánh sáng đẹp đẽ, vô nguồn của vầng trăng không chỉ soi tỏ không gian đêm thành phố, soi vào “phòn buyn – đinh tối om”, gọi về những kỉ niệm người đã vô tình quên lãng mà còn cảm hóa, đánh thức lương tri, lẽ sống làm người, nhắc nhở con người phải sống ân tình, thủy chung cùng quá khứ. Ánh trăng là ánh sáng của lương tri, ánh sáng của đạo làm người

3, Kết luận:
  • Với thể thơ năm trữ, ngôn ngữ thơ giản dị mà hàm xúc sâu xa, kết hợp hài hòa giữa tự sự , trữ tình và suy ngẫm sâu lắng, Ánh trăng là một câu chuyện đời thường được kể bằng thơ rất giàu ý nghĩa triết lí
Đề 2 : Đọc bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy và trả lời các câu hỏi sau:

a)Tại sao trong cả bài thơ Ánh trăng tác giả đều dùng từ “Vầng trăng”nhưng đến cuối bài lại viết “ánh trăng”?

b)Hình ảnh : “Ánh trăng im phăng phắc –đủ cho ta giật mình”giúp em biểu gì về nhân vật trữ tình trong bài bài thơ?

c) Trong cuộc đời con người khi nào cần có những cái giật mình như vậy?

*Gợi ý trả lời:

a) Cả bài thơ Ánh trăng tác giả đều dùng từ “Vầng trăng” nhưng đến cuối bài lại viết “ánh trăng”vì:


- vầng trăng: là hình ảnh của tự nhiên vĩnh hằng, tượng trưng cho sự viễn mãn trọn vẹn, không bao giờ đổi thay. Vầng trăng được nhân hóa trở thành người bạn thân của nhân vật trữ tình, thủy chung trong mọi hoàn cảnh

- ánh trăng: là ánh trăng của vầng trăng tỏa xuống trần gian. Ánh sáng ấy không chỉ soi tô không gian nơi thành phố, soi vào phòng buyn – đinh mà còn soi tỏ cả góc khuất trong lòng người, cảm hóa và thức tỉnh con người, giúp người giật mình nhận ra lỗi lầm trong cách cư xử. Đó là ánh sáng của lương tri, của đạo làm người nên nhà thơ đặt nhan đề là ánh trăng

Cả bài thơ dùng từ “vầng trăng” để chỉ đối tượng khách quan và biểu tượng ẩn dụ. Khổ cuối cùng “ánh trăng” với ý nghĩa gọi sự cảm hóa, thức tỉnh con người như một điểm nhấn của toàn bài

B, Qua “ánh trăng im ... giật mình” giúp ta hiểu nhân vật trữ tình:
  • Nhân vật trữ tình là người có chiều sâu nội tâm với những cảm nhận tinh tế sâu sắc về vẻ đẹp của vầng trăng
  • Nhân vật trữ tình luôn có sự nhìn nhận soi chiếu lại mình
  • Nhân vật trữ tình biết sống ân nghĩa: trải qua những biến động của cuộc đời dẫu có lúc lãng quên song anh vẫn không thay đổi bản chất. Sự bao dung độ lượng nghiêm khắc của vầng trăng giúp anh nhận ra lỗi lầm, tự vấn lương để từ đó biết sống đẹp hơn.
c, Trong cuộc đời con người nên có những cái giật mình như vậy:
  • Con người có những lúc giật mình trước, trong và sau khi làm một việc gì đó có ảnh hưởng không tốt đến mọi người, đến cuộc sống. Từ đó, mỗi người rút ra cho mình một lối sống đẹp, biết giật mình đúng lúc để hoàn thiện mình hơn
  • Liên hệ bản thân: đã mắc lỗi gì, đã biết giật mình và sửa chữa như thế nào?

Đề 3: Trong bài thơ Ánh trăng, Nguyễn Duy Viết:

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn – đinh tối om
....
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình

Từ vẻ đẹp của đoạn thơ trên, trình bày những suy nghĩ của em về vấn đề mà đoạn thơ đặt ra
  • Gợi ý trả lời
1, Nguyễn Duy là gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ Ánh trăng được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978 như một thông điệp giàu ý nghĩa nhắc nhở mỗi chúng ta về tình cảm uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa thủy chung với qua khứ gian lao mà tình nghĩa. Trong dòng diễn biến theo thời gian, sự việc bất thường ở khổ thứ tư chính là bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc thể hiện chủ đề của tác phẩm:

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn – đinh tối om
......
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình

2, Cảm nhận về vẻ đẹp của đoạn thơ
  • Thời gian, không gian, sự việc diễn biến bất thường “thình lình đèn điện tắt” là bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề của tác phẩm. Vầng trăng tròn bên ngoài cửa sổ đối lập với “phòng buyn – đinh tối om”. Vầng trăng xuất hiện đột ngột trong hoàn cảnh ấy gợi ra bao cảm xúc trong lòng người.
  • Vầng trăng là một hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát, là người bạn tri kỉ của một thời, trong phút chốc xuất hiện làm dậy lên trong lòng người lính bao kỉ niệm của những năm tháng gian lao, bao hình ảnh của thiên nhiên đất nước bình dị, hiền hậu: “như là đồng là bể - như là sông là rừng”
  • Vầng trăng là hình ảnh của quá khứ tình nghĩa, là vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của cuộc sống. “Trăng cứ tròn vành vạnh” là hình ảnh của quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên chẳng thể mờ phai. Hình ảnh nhân hóa “ánh trăng im phăng phắc” chính là sự vị tha, độ lượng, sự nghiêm khắc nhắc nhở người lính và mỗi người về lẽ sống ở đời. Con người có thể vô tình, có thể lãng quên quá khứ nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì vẫn tròn đầy bất diệt
  • Cái “giật mình” của nhân vật trữ tình ở cuối bài thơ là cái giật mình của lương tri, là lời tự nhắc nhở thấm thía về thía độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa. Đoạn thơ khéo léo gợi ra bài học về đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay
3, Suy nghĩ trước vấn đề mà đoạn thơ đặt ra:
  • Đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành truyền thống tốt đẹp, là nét đẹp nhân văn của người Việt Nam ta xưa nay. Chính nét đẹp đó tạo lên sức mạnh giúp ta vượt qua mọi khó khăn để chiến đấu và chiến thắng, xây dựng và phát triển
  • Trong xã hội hôm nay, khi ta đang dừng bước hội nhập và phát triển, xây dựng một xã hội văn minh, ấm no và hạnh phúc, hành trang ta mang theo còn có cả một quá khứ hào hùng mà cha ông ta để lại, ta không được phép lãng quên. Đó cũng là ý nghĩa sâu xa mà đoạn thơ đã gợi ra.
  • Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại cũng làm con người dễ quên những gian khổ, vất vả, hi sinh đã qua. Nếu ta thờ ơ, quay lưng lại hoặc lãng quên quá khứ thì ta chẳng thể thành người tốt, ta lại nhận được sự phản bội từ thế hệ tương lai

  • C) DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
  • ĐỀ BÀI:
Từ ý nghĩa của bài thơ “Ánh trăng”, cùng với những kiến thức xã hội em có, hãy trình bày suy nghĩ của em về đạo lý sống “Uống nước nhớ nguồn”.

GỢI Ý:


STT​
Thao tác​
Nội dung​
1
Giải thích​
- “Uống nước” là sự thừa hưởng những thành quả vật chất và tinh thần. “Nhớ nguồn” thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân, ghi nhớ những người đã giúp đỡ chúng ta được hưởng những thành quả đó.
- Cả câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” nhắc nhở mỗi người lối sống ân nghĩa, thủy chung; trân trọng và biết ơn với quá khứ, với những thế hệ đi trước.
2
Biểu hiện​
Hiện nay, trên bước đường hội nhập quốc tế, những ngày lễ truyền thống như ngày thương binh liệt sĩ 27/7, ngày 20/11, ngày giỗ tổ Hùng Vương hay ngày Tết âm lịch,…những ngày để thế hệ hiện tại, thế hệ con cháu hướng về quá khứ, hướng về gia đình, thầy cô chưa bao giờ bị lãng quên.
Hay những gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn luôn được sự quan tâm từ cộng đồng, xã hội…
Đó đều là những hành động thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện một tình cảm đẹp, một đạo lí đẹp của dân tộc.
3
Phân tích chứng minh​
Tại sao chúng ta phải “Uống nước nhớ nguồn”?
- Nhỏ bé như hạt gạo, hay lớn lao như cuộc sống hòa bình, tự do chúng ta đang tận hưởng, tất cả đều bắt nguồn từ một quá trình lao động miệt mài và cả sự hi sinh máu xương,tính mạng của thệ hệ đi trước. Không có điều gì tự nhiên mà có, như cây có cội, như sông có nguồn, như con người có tổ tiên, và quá khứ. Bởi vậy chúng ta phải biết quý trọng, biết ơn những người đã giúp đỡ ta, cho ta những gì ta đang có.
- “Uống nước nhớ nguồn” giúp ta đoàn kết gắn bó và yêu thương nhau qua nhiều thế hệ.

( Dẫn chứng: Con cháu thể hiện lòng biết ơn, tình yêu thương với ông bà cha mẹ. Vào những ngày nghỉ lễ, hay dịp Tết, dù bận rộn đến đâu cũng trở về thăm gia đình, đó là việc làm đơn giản nhưng rất có ý nghĩa thể hiện tình yêu thương, lòng nhớ ơn đến các bậc sinh thành )
- Truyền thống đạo lý tốt đẹp sẽ được gìn giữ muôn đời, và tạo nên sức mạnh của dân tộc.
( Dẫn chứng: Trong chiến tranh, thế hệ này ngã xuống thế hệ sau tiếp nối đứng lên để bảo vệ độc lập, tự do đất nước. Và trong hòa bình, chúng ta biết trân trọng, giữ gìn cuộc sống độc lập tự do ấy, tiếp nối truyền thống ngàn đời của cha ông dành cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc )
4
Phê phán​
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn đâu đó một số cá nhân có lối sống ích kỉ, ăn cháo đá bát, vong ân bội nghĩa, lãng quên đi quá khứ, chỉ biết hưởng thụ mà quên mất nguồn cội.
Chúng ta đau lòng trước những tin tức như con bỏ rơi bố mẹ, đối xử không có nhân tính với bố mẹ, cô gái ngồi lên bia mộ chụp ảnh…đó đều là những hành động đáng bị lên án và phê phán.
5
Liên hệ bản thân​
- Thấm nhuần ý nghĩa của câu tục ngữ, ta thấy: "Uống nước nhớ nguồn" là phẩm chất cần có của con người. Mỗi chúng ta cần có trách nhiệm gìn giữ, vun đắp, phát huy truyền thống đạo lí tốt đẹp đó.
- Ở lứa tuổi học sinh, chúng ta chưa làm ra của cải vất chất, tinh thần cho xã hội, do đó hãy bày tỏ lòng biết ơn chân thành với cha mẹ, thầy cô bằng lời nói, việc làm cụ thể của mình: phấn đấu học tập, rèn luyện và tu dưỡng thành con ngoan, trò giỏi để trở thành những công dân có ích cho xã hội sau này .


Bài viết tham khảo:


Đất nước ta trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Trang lịch sử hào hùng đó được viết nên bằng máu và nước mắt của bao nhiêu con người, bao nhiêu thế hệ. Để cho con cháu được tận hưởng “trái ngọt” như ngày hôm nay. Chúng ta những người đi sau cần phải biết phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Bởi nó chính là gốc rễ cội nguồn của mọi giá trị đạo đức nhân văn trong xã hội.

Uống nước nhớ nguồn là một tinh thần đạo đức quý báu của dân tộc ta nó được lưu truyền và tiếp nối qua bao nhiêu thế hệ. Trở thành kim chỉ nam xuyên suốt trong mấy ngàn năm lịch sử. Vậy uống nước nhớ nguồn nghĩa là gì? Uống nước là một hành động thể hiện sự hưởng thụ thành quả. “Nguồn” chính là nơi bắt nguồn của những con sông, con suối, nơi khởi nguồn cho tất cả những mạch nước mát lành nuôi sự sống. Sở dĩ có câu tục ngữ trên vì nó mang ý nghĩa răn đe dạy dỗ con cháu sống phải biết nhớ về quá khứ, nhớ đến cha ông những lớp người đã hi sinh cuộc đời để làm đẹp cho thế hệ mai sau. Đây cũng là một phạm trù đạo đức để đánh giá một con người. Bởi sâu trong tâm khảm ai cũng có trong mình một tư tưởng truyền thống sâu sắc.

Con người không phải ngẫu nhiên mà sinh ra và lớn lên được. Đó là một quá trình dài đằng đẵng nhờ công ơn sinh thành của cha mẹ, công lao dạy dỗ của thầy cô. Chính vì thế chúng ta hãy biết ơn những người thân xung quanh mình, bằng hành động bằng suy nghĩ thực tế trong đời sống hàng ngày. Trên thực tế hiện nay truyền thống uống nước nhớ nguồn đã và đang được lưu truyền và phát huy vô cùng mạnh mẽ bằng những bằng chứng thiết thực như: Mỗi năm vào ngày 27/7 ( ngày thương binh liệt sĩ), toàn dân lại dành những giây phút thiêng liêng để tưởng nhớ những vị anh hùng dân tộc, những con người đã xả thân vì độc lập tự do của tổ quốc. Đó không chỉ là ngày chúng ta nhớ về các anh hùng dân tộc, mà còn là dịp các con cháu ôn lại những trang sử hào hùng bi tráng, những năm tháng “đầy đau thương nhưng cũng đầy vẻ vang”. Không chỉ trong những dịp lễ lớn mang tính dân tộc mà còn ngay trong đời sống gia đình truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cũng được phát huy sâu rộng. Hàng năm chúng ta có rất nhiều những dịp lễ tết, giỗ chạp mà tiêu biểu nhất đó là dịp Tết nguyên đán. Đó không chỉ là thời gian kết thúc một năm cũ mở ra một năm mới với nhiều khởi sắc mà nó còn là những ngày con cháu tưởng nhớ về cội nguồn cha ông của mình.

Các lễ hội truyền thống khắp cả nước diễn ra quanh năm cũng là một cách thức để con cháu thể hiện niềm biết ơn sâu sắc tới những người đã khai hoang mở lối cho thế hệ sau. Thế nhưng bên cạnh những hành động thể hiện truyền thống vô cùng quý báu đó cũng có không ít những cá nhân những con người đang ngày một đi ngược lại với tư tưởng đạo lí. Con đánh cha, cháu mắng chửi ông bà còn diễn ra rất nhiều. Tuy nhiên nó chỉ là những tồn tại rất nhỏ bên trong một tập thể vô cùng nhân văn đó. Nhiệm vụ của con cháu chúng ta những người đi sau hưởng thụ những “trái ngọt” của thế hệ trước là phải biết phát huy và tiếp nối truyền thống quý báu của dân tộc. Bằng những hành động nhỏ nhất hàng ngày như giúp đỡ cha mẹ, ông bà học tập thật tốt, vâng lời thầy cô… Hãy hành động để góp phần khiến cho xã hội này trở nên văn minh hơn và tốt đẹp hơn.

Uống nước nhớ nguồn là một trong những tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc. Nó sẽ mãi mãi lưu truyền và tỏa sáng qua mọi thế hệ. Hãy khiến cho xã hội, cho môi trường sống của chúng ta trở nên văn minh và tốt đẹp hơn bằng những suy nghĩ hành động tích cực nhất

Đề bài:

Bài thơ “Ánh trăng” (Nguyễn Duy) có ý nghĩa thức tỉnh lối sống ân nghĩa trong mỗi người chúng ta. Em hãy viết đoạn tổng – phân – hợp, 2/3 trang giấy thi, bày tỏ suy nghĩ của mình về thế hệ cha ông – những người đã làm nên lịch sử, đã hi sinh cuộc đời mình cho quê hương đất nước.

Bài viết tham khảo:


Bài thơ “Ánh trăng” (Nguyễn Duy) với ý nghĩa thức tỉnh lối sống ân nghĩa trong mỗi người chúng ta đã gợi cho chúng ta nhớ về thế hệ cha ông – những người đã làm nên lịch sử, đã hi sinh cuộc đời mình cho quê hương đất nước. Thế hệ cha ông là tập thể quần chúng nhân dân, những người đi trước, là tổ tiên của chúng ta từ đời nay qua đời khác. Đó là thế hệ đã tạo ra các giá trị vật chất và truyền thống văn hóa tinh thần, tập quán phong tục, văn hiến cho các thế hệ sau kế thừa. Nói cách khác, từ thuở khai thiên lập địa cha ông ta đã thành lập, xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước. Lịch sử 4000 năm của dân tộc ta là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bờ cõi nước nhà liên tục bị ngoại bang nhòm ngó và xâm phạm. Trong cuộc trường chinh vạn dặm bảo vệ bờ cõi, cha ông ta đã đổi bao máu xương. Hành trình viết tên Việt Nam lên bản đồ thế giới là hành trình của mồ hôi, công sức, nước mắt, nhiệt huyết và biết bao nhọc nhằn lam lũ của người dân Việt Nam qua hàng ngàn thế hệ. Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió vẫn vững vàng qua bao cuộc bể dâu bởi:

“Cha ông ta đâu bố trí những binh đoàn
Trên vai đỉnh Trường Sơn, dọc bờ Đông Hải
Tên tổ quốc vang vang ngoài bờ cõi
Ta đội triệu tấn bom để hái mặt trời hồng”


Cha ông ta là những người “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng họ đã làm nên đất nước bằng cách hi sinh, hóa thân cuộc đời mình vào hình sông dáng núi, viết lên lịch sử đáng tự hào của dân tộc. Ý thức được những hi sinh của cha ông trong quá khứ, mỗi chúng ta cần thức tỉnh lối sống ân nghĩa, thủy chung, biết ơn quá khứ, biết ơn những người đi trước. Trong thực tế các phong trào đền ơn đáp nghĩa, ngày kỉ niệm thương binh liệt sĩ, phong tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng,… là cách thế hệ đi sau đã và đang thể hiện và nhắc nhở con cháu lòng biết ơn với tổ tiên. Tuy nhiên, vẫn có một số ít những người sống thờ ơ, ích kỉ, quay lưng với quá khứ, với dân tộc. Ý thức được lối sống ân nghĩa, thủy chung với quá khứ là một biểu hiện của lòng yêu nước, một cách thiết thực nhất với học sinh, thế hệ trẻ là cần cố gắng học tập và rèn luyện để hiểu biết về lịch sử dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, trở thành người có ích, góp phần xây dựng đất nước, sống xứng đáng với những gì đã cho và nhận.

Đề : Suy nghĩ về bao dung (Từ bài “Ánh trăng” – Nguyễn Duy…)

Bài làm:


Con người thường không tránh khỏi những vấp ngã, lỗi lầm trong cuộc sống. Để có thể đứng lên, bước tiếp ngoài nghị lực của bản thân, người ấy cần cả sự bao dung của người khác và của chính bản thân mình. Nói như Pi-e Bê-noa có câu: “Bao dung dung là đức tính đem lợi về cho cả ta lẫn người khác”.

Bao dung là lòng rộng lượng, khoan dung , thương yêu con người, sẵn sàng tha thứ, không khắt khe, không trừng phạt, hoặc sẵn sàng xoá bỏ những lỗi lầm mà người khác thường là người dưới đã phạm phải.

Trong cuộc sống khó tránh khỏi những va chạm, xung đột trong lời nói, hay việc làm, hành động có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc nếu ta không biết nhìn nhận lại chính mình, xem xét khách quan sự việc, chủ động giảng hòa, sẵn sàng tha thứ, bắt tay cởi bỏ oán thù.

Tha thứ cho lỗi lầm của người khác có tác dụng cảm hóa người phạm phải sai lầm. Họ thấy lòng bao dung của ta mà ăn năn, hối hận, sửa chữa lỗi lầm. Lòng khoan dung của một người còn có thể tiếp thêm nghị lực sống cho nhiều người khác. “Sự khoan dung là món trang sức của đức hạnh”. Trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của V.Huy-go, chẳng phải tấm lòng bao dung đức độ của Cha xứ như một tia sáng soi rõ, giúp Giăng-văng-giăng tìm lại được con người thật của mình trước khi bị chính cái tòa án với những bản án khắc nghiệt điên rồ biến ông thành kẻ trộm cắp xấu xa, một người tù khổ sai khốn cùng. Và rồi ông đã bắt đầu lại cuộc đời dựa trên chính lòng bao dung mà ông đã được con người cao thượng kia trao tặng trở thành một ngài thị trưởng đáng kính được người người tán thưởng. Rồi: “đem đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân để thay cường bạo” những câu thơ hùng hồn đó chẳng phải đã in sâu vào lòng người Việt ta từ bao đời nay, đã trở thành phẩm chất quý giá, tài sản, dũng khí sắc bén thể hiện qua từng cuộc chiến thắng giặc ngoại xâm?

Một người có tấm lòng bao dung sẽ không bao giờ chấp nhặt những chuyện cỏn con mà người khác đã gây ra cho mình. Đó là cách ứng xử rộng lượng, có văn hóa, vị tha. Vì vậy, cuộc sống của họ trở nên thoải mái, họ thấy nhẹ lòng, tránh xa những suy nghĩ tiêu cực, không hẹp hòi hay có những suy nghĩ việc làm trả thù, độc ác và họ sống chan hòa với mọi người xung quanh mà không hề để tâm những mâu thuẫn, xung đột xảy ra. Nhờ thế mà họ sẽ được nhiều người yêu quý, cảm mến. “Người hạnh phúc nhất là người không bao giờ giận”.

Thói xấu của con người trong cuộc sống (ấn tượng, thành kiến, ích kỉ, hẹp hòi,…). Nếu dùng lòng khoan dung để đối nhân xử thế thì những thói xấu đó sẽ không có cơ hội tồn tại. Trong mối quan hệ xã hội, một điều nhịn bằng chín điều lành, hãy thử đặt mình vài địa vị đối phương, sẵn lòng bỏ qua những thiếu xót và cùng nhau bắt tay làm lại, mọi việc nhờ đó sẽ thuận buồm xuôi gió. Trong mối quan hệ thứ bậc, giả dụ như không có lòng khoan dung cao cả, tấm lòng vị tha to lớn vì thương yêu con cái, dù chúng có làm gì sai trái đi chăng nữa, cha mẹ vẫn luôn sẵn dang rộng cánh tay chào đón chúng trở về, con cái nhờ đó biết được tình thương yêu sâu rộng của đấng sinh thành luôn dành trọn cho mình, rồi biết chọn cho mình đường mình sẽ bước, rằng con cũng sẽ cho đi và chia sẻ với cả mọi người lòng khoan dung cha mẹ đã dành cho con; rồi trong mối quan hệ giữa anh em trong nhà, nhường nhịn nhau, luôn hòa thuận, luôn biết đùm bọc nhau mà sống thì ngoài trời dù tuyết rơi nhưng trong nhà vẫn ấm. Trong mối quan hệ vợ chồng “Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Có thế thì con người mới được sống trong sự bình an, sung sướng được.

Trong thực tế, chúng ta cần lên án những người sống nhỏ nhen, ích kỉ, không biết khoan dung và chúng ta cũng không nên khoan dung với cái xấu, cái ác.

Như vậy, nhận thức được bao dung là niềm vui to lớn, đích thực để trước hết là mình thanh thản, mỗi chúng ta phải rèn luyện lòng khoan dung, đối xử với người khác bằng tình yêu thương, biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác cũng như chính bản thân mình. Khi người ta biết bao dung, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, tâm hồn mỗi người cũng trở nên thanh thản hơn, cuộc sống vì thế cũng trở nên đáng sống hơn. Hãy luôn nhớ “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung”.
 
  • trang1.jpg
    trang1.jpg
    43.6 KB · Lượt xem: 124
Từ khóa Từ khóa
bài thơ ánh trăng lối sống ân nghĩa lòng bao dung nguyễn duy phân tích hình ảnh ánh trăng thơ hiện đại 9 tổng hợp kiến tích uống nước nhớ nguồn
  • Like
Reactions: Trần Ngọc 2021
2K
1
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.