Dự thi Bù đắp nào cho những hi sinh

Dự thi  Bù đắp nào cho những hi sinh

Bài dự thi chủ đề "Người lính trong tim tôi"

Bù đắp nào cho những hi sinh

- Thời tiết dạo này thay đổi, chú đau nhức quá con ơi. Mấy nay không đi làm được gì hết. Mấy đứa nhỏ đói rệu rã rồi.

Tôi ngồi xuống bên cạnh chú,
người lính già năm nào trở về từ chiến trường chống Mỹ. Chú đưa đôi bàn tay gầy gò, xương xẩu bóp bóp đôi chân của mình. Một bên nó đã không còn nữa. Di chứng sau một lần bom đạn Mỹ đánh trúng. Những năm tháng hào hùng nơi chiến trường, nay trở về với đôi nạng gỗ, chú tự ái. Chú nghĩ mình là gánh nặng của gia đình nên từ lúc bước chân vào ngôi nhà ngói ba gian, rộng thênh thang, chú không mảy may nói một lời. Mặc cho mẹ già nước mặt giàn dụa nhìn đứa con tật nguyền trở về sau chiến tranh, niềm vui không trọn vẹn nhưng ít ra bà còn nhìn thấy con mình tồn tại trên cõi đời này. Vợ chú lật đật, chân ống thấp ống cao chạy từ ngoài vườn vào, cô ngã quỵ khi thấy chú đứng giữa căn nhà, câm nín không một lời.

Những năm ở chiến trường, chú để lại mẹ già và một người vợ hiền cho bà. Rồi cứ thế hai mẹ con rau cháo nuôi nhau chờ ngày chú trở về. Nhưng bây giờ, khi gặp lại nhau sau bao
năm tháng xa cách, chú cũng trở nên gượng gạo với chính người vợ đầu ấp tay gối của mình. Ngày chú lên đường nhập ngũ, đôi uyên ương quấn quýt nhau như đôi chim bồ câu không thể tách rời. Vậy mà giờ đây, nỗi đau chiến tranh đã để lại cho họ với ánh mắt xa lạ nhìn nhau.

Rồi, thời gian trôi qua. Khi cuộc sống bắt đầu có tiến triển, chú hòa nhập với hiện tại thì tin dữ lại ập đến. Cô không thể có con. Những tưởng sau bao năm xa cách, khi trở về còn có những đứa con làm chỗ dựa tinh thần. Nhưng có lẽ thời gian đợi chờ chú quá lâu, thanh xuân của cô cũng cứ thế trôi đi một cách lặng lẽ. Ngôi nhà luôn im lìm bởi bóng ba người lớn, không một tiếng trẻ thơ.

Cho tới một ngày cô nhắm mắt, xin cưới vợ cho chồng. Người lính tật nguyền năm nào quỳ thụp xuống chân vợ mà khóc. Chú nghẹn ngào, xin vợ hãy để cho mình những năm tháng bình yên được ở bên mẹ già, bên vợ là được. Nhưng cuộc sống này, vẫn còn dài, và chú là chỗ dựa tinh thần duy nhất cho hai người phụ nữ còn lại trong nhà. Chú ngậm ngùi, nhận lời vợ để mẹ già cũng yên tâm hơn.

Năm mươi tuổi, chú có đứa con gái đầu tiên. Rồi ba năm sau, người con trai thứ hai chào đời. Bằng những đồng lương xòm cõi của một thương binh, chú cùng cô chăm nom cho hai đứa trẻ. Nhưng cứ mỗi khi thời tiết trở trời, chân chú lại đau nhức. Nhiều lần cô thấy chú ôm chân đau đớn. Có hôm chú bảo, hay là cắt bớt một bên cho nó cụt hẳn, khỏi đau đớn. Nhưng nói là nói thế, vết thương chiến tranh mãi mãi là di chứng còn sót lại, đớn đau nhất của mỗi người lính.

Bây giờ thì hai đứa trẻ đã lớn, một đứa học lớp bốn và một đứa học lớp hai. Cả gia đình đều quây quần bên chúng để cố gắng cho chúng một tương lại tốt đẹp hơn. Nhưng tuổi già xộc đến như một cơn gió thổi, bây giờ những đứa trẻ còn thơ dại kia chỉ biết nhờ cậy vào cô, một người phụ nữ quanh năm tần tảo vì chồng. Chưa một ngày được vinh dự làm mẹ một lần.

Hôm nay, nhân dịp ngày lễ của Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi trở lại nhà chú thăm nom, động viên và tặng một phần quà nhỏ tạo động lực để chú và gia đình bước tiếp trên con đường cuộc sống mưu sinh. Thấy chú ngồi bơ vơ, hai đứa nhỏ đi học nhưng nghe đâu sáng cũng nhịn đói đi, vì không có ăn. Mùa màng thất bát, dịch bệnh ập đến như một cơn gió. Tôi thấy chú ngồi buồn rầu bên bậu cửa, mái tóc bạc gần trắng hết cả đầu. Nỗi thương xót cứ ập đến dâng đầy trong mắt. Tôi cứ ước giá như sau cuộc chiến, không có những mất mát đau thương, để bây giờ những người lính như chú khi trở về, sẽ có những tháng ngày bình yên bên gia đình. Ngồi nhớ lại những năm tháng hào hùng của dân tộc để mỉm cười khi mình cũng đã góp một phần nhỏ bé cho Tổ Quốc./.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa Từ khóa
chiến trường người lính già người lính trong tim tôi
2K
2
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.