Dự thi Cảm nhận "Ánh trăng bạc" - Kì Phong

Dự thi Cảm nhận "Ánh trăng bạc" - Kì Phong

Mỗi lần đọc truyện ngắn của Kì Phong là mỗi lần độc giả được dịp thưởng thức một câu chuyện chỉn chu, mực thước. Chỉn chu trước hết ở ngôn từ, cách xây dựng nhân vật cũng như sắp xếp các tình tiết trong truyện một cách lớp lang, hợp lý. Hòa mình vào cuộc thi “Mùa hè của tôi”, sau truyện ngắn đồng thoại “Đêm trắng”, Kì Phong lại tâm huyết gửi đến một tác phẩm mới sau nhiều lần thai nghén – Ánh trăng bạc. Ở “Ánh trăng bạc”, người ta bắt gặp một Kì Phong vừa quen vừa lạ, vẫn xuôi mình trong dòng chảy mùa hè nhưng có gì đó nghẹn lại nơi cổ họng.

Mở đầu truyện, tác giả miêu tả khung cảnh mùa hè khiến người đọc cảm thấy bỏng rát “một cái lòng chảo bốc khói nóng hầm hập.” Men theo con đường Phú Lộc, độc giả cảm nhận điều nhiều số phận bi thương từ những linh hồn vô danh, cũng từ đó gợi mở ra khung cảnh của một cái nghĩa trang – dấu hiệu bắt đầu một mối liên hệ với nhân vật chính của câu chuyện.

Khác với những nhân vật mà chúng ta từng được Kì Phong giới thiệu trước đây, Nguyệt là một cô gái khiến độc giả phải thương cảm ngay từ giây phút đầu tiên gặp mặt – một người bị bệnh đao. Chẳng cần biết tác giả sẽ kể câu chuyện gì, người đọc ắt hẳn cảm nhận được số phận bi thương của cô gái này. Nếu tinh ý, bạn có thể nhận ra tác giả lặp lại hình ảnh Nguyệt đi thăm mộ đến hai lần trong truyện. Phải chăng đây là cách Kì Phong đưa Nguyệt đến với bạn đọc khiến họ đồng cảm rồi “tàn nhẫn” giải thoát cho cô chăng?

Nguyệt là kết quả của một cuộc hôn nhân không trọn vẹn, cũng có thể nói cô là nạn nhân của bạo lực gia đình ở góc độ khác. Mẹ Nguyệt – bà Thủy bị người chồng vô liêm sỉ, bỉ ổi, dâng vợ cho cấp trên, làm thảm lót đường cho công cuộc thăng quan tiến chức của hắn ta. Một người sẵn sàng bán rẻ gia đình mình ắt hẳn là một kẻ ích kỷ, không có tình người. Dù chỉ lướt qua nhưng chúng ta đều cảm nhận được cái khổ của Nguyệt đến từ hai yếu tố: tự nhiên và nhân tạo. Một cô gái với vẻ ngoài xinh xắn, đang ở độ tuổi đôi mươi nhưng bị bệnh đao, và phải sống với một người cha dượng xấu tính, nghiện rượu, mẹ thì mắc bệnh ung thư sắp chết, chẳng một ai quan tâm, lo lắng. Mọi chuyện càng thê lương hơn khi bà Thủy qua đời, để lại mình Nguyệt bơ vơ trên cõi đời này, không một ai bảo bọc, che chở hay trò chuyện.

Sau cái chết của bà Thủy, người cha dượng có thay đổi nhưng nó chỉ mang yếu tố nhất thời. Rốt cuộc ngựa vẫn quen đường cũ, ông ném tiền vào rượu chè, còn mang thêm người phụ nữ khác về nhà. Với một cô gái bị hạn chế về mặt nhận thức như Nguyệt, hẳn đây cũng là một điều may mắn chăng? Người ta nói không hy vọng thì không phải thất vọng, không nhận ra tính chất của vấn đề thì không phải suy nghĩ nhiều. Ở một khía cạnh nào đó, Nguyệt cũng giống như một “ánh trăng bạc” trên bầu trời, sáng nhưng người ta lại không thể cảm nhận được, không thể chạm tới, chơ vơ giữa bầu trời đêm đen kịt.

Cuối hạ, những cơn mưa bắt đầu trút xuống, làm dịu đi cái nóng của mùa hè. Cuộc đời của Nguyệt vẫn thế, vẫn là một vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát. Trong ý nghĩ đơn giản của cô, ngôi mộ của mẹ ở ngoài nghĩa địa kia chính là niềm an ủi duy nhất. Ngoài những cuộc trò chuyện đứt quãng với mẹ khi còn sống, Nguyệt cảm thấy thoải mái hơn khi được “bao bọc, vỗ về” bởi nấm đất ở ngoài bãi tha ma mà không một ai nhớ tới. Hôm nay cũng như mọi ngày, Nguyệt lại ra thăm mộ mẹ khi cha dượng đã ngủ say, không quát mắng cô nữa. Trong làn mưa mong manh ấy, Nguyệt cảm thấy được “mẹ ôm và xoa đầu như lúc trước.” Và rồi cô nở nụ cười, cởi bỏ cái nón tơi, đến bên cạnh bờ hồ rồi từ từ nhấn chìm mình trong dòng nước mát lạnh “nước ngập qua bụng, xoa dịu thềm ngực của cô rồi đến làn tóc. Bồng bềnh, chìm sâu vào lặng yên.”

Có lẽ đối với Nguyệt, khi bà Thủy chết đi thì đồng thời cảm giác ấm áp ít ỏi trong lòng cô cũng theo đó mà mất luôn. Một cô gái mắc bệnh đao nhưng vẫn tha thiết được yêu thương, được vỗ về. Và rồi như một sự giải thoát, linh hồn của bà Thủy đã đến và mang cô đi về một nơi bình yên - ở thế giới không còn bất hạnh, không còn khổ đau và đặc biệt là có người yêu thương mình. Kết thúc truyện, người đọc cứ day dứt mãi không nguôi về số phận của Nguyệt. Trong cuộc sống này, chẳng ai hoàn hảo cả. Vẫn mong rằng khi chúng ta đến thế giới này bằng nụ cười, rời khỏi nó cũng có thể bình yên mà nhắm mắt. Có lẽ, Nguyệt thực sự cảm thấy được giải thoát khi gieo mình xuống sông, trở về với đất mẹ an yên.
Blue Simple Full Moon Good Night Instagram Story (1).png
Nguồn: Canva​
Người viết cảm nhận: Trần Hàn​
 
Từ khóa
#camnhan #muahecuatoi #tranhan
1K
7
11

Phong Cầm

Thạc sĩ lang thang ^^
17/5/21
890
910
363,000
32
Nam Định
forum.vanhoctre.com
Xu
7,469,529
Tận dụng ảnh luôn, dã man.
 
  • Haha
Reactions: Trần Hàn

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top