Nhà Cảm nhận bài "Một trăm năm ngọn cỏ hoá mây trời"

Nhà  Cảm nhận bài "Một trăm năm ngọn cỏ hoá mây trời"

Một chiều, tôi tình cờ đọc được bài viết “Một trăm năm ngọn cỏ hóa mây trời” của tác giả Cỏ phong sương khi xem được lời bình rất hay về bài này trên facebook. Tôi thấy tò mò, vì sao người ta lại khen nhiều thế, phải chăng chỉ để kiếm chác cái giải bình luận do Ban tổ chức đặt ra thôi? (Cuộc thi Nhà của Văn học trẻ có giải cho bình luận). Nhưng tôi vẫn lần tìm đọc thử, tôi đọc một lèo hết bài dự thi đó, quả thực không có lời để chê.

Nếu phải phân tích bài viết thành các phần đoạn như học sinh thường chia văn bản để cảm nhận bài viết cho rành mạch, thì tôi xin chia bài viết thành 2 phần:

Phần 1: kí ức tuổi thơ êm đềm như bước ra từ bức họa sống động về những ngày chăn trâu cắt cỏ, nô đùa, bên cha mẹ bên bà

Phần 2: biến cố, xa quê, tìm về

Kết cấu bài “Một trăm năm ngọn cỏ hóa mây trời” khá rõ nếu bạn đọc nó. Phần đầu được tính tới mốc nhân vật vào cô nhi viện sau khi cha mất, bà cũng không còn, mẹ đi bước nữa. Phần hai là phần còn lại.

Trước tiên tôi sẽ nói về phần mở đầu của tản văn này. Ai đọc xong cũng sẽ đồng quan điểm với tôi là câu chữ trong bài viết đẹp quá. Có những người viết sẽ khiến người đọc tưởng tượng ra diễn biến như một thước phim cũ, còn Cỏ phong sương viết lại hồi ức, có dòng chảy diễn biến của kỉ niệm, song tôi vẫn thấy nó giống như một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp hơn. Một bức họa quê hương ở buổi chiều tà hiển hiện ra trước mắt với lũ trẻ nô đùa kéo trâu về, đàn chim mỏi tìm về tổ ấm, khói lam chiều bay tỏa đâu đây, đặc biệt là ánh sáng vàng loang loáng trên mặt sông:

Khi nắng vàng chỉ còn loang lổ trên mặt dòng sông, những đàn chim mỏi cánh chao nghiêng bay về tổ ấm, đó cũng là lúc chúng tôi lững thững dắt trâu về. Bản đồng dao nhỏ dần vì đứa nào cũng phần nhiều thấm mệt. Khói cơm chiều bảng lảng trên mái rạ khiến chiếc bụng sục sôi với điệu nhảy tango vì cơn đói cồn cào.

Tả mà như thơ như họa, từ ngữ giàu hình ảnh của thơ, vẽ cảnh tuyệt như họa. Chỉ dùng một cụm từ để đánh giá :“vô cùng đặc sắc”. Cả tuổi thơ ùa về với đầy đủ những trò vui chơi ngổ ngáo: rủ nhau chăn trâu, giữa trưa hè chân trần rong chơi cùng lũ bạn, ngụp lặn chơi đùa ở sông quê, nhảy lên xe thồ ra đồng, thèm khát quà bánh, và không thể thiếu đòn roi từ cha mẹ. Ngày tháng tuổi thơ được Cỏ viết lên làm người ta chìm đắm trong sự vui vẻ hồn nhiên ấy, không biết là đắm trong niềm vui của người hay của chính mình.

Nhưng nếu bài viết chỉ diễn biến như phần đầu này, đẹp thật đấy, viết xuất sắc thật đấy, nhưng cá nhân tôi sẽ không phải nhấc bút để khen ngợi, bởi giống nhiều ca sĩ hát được nốt cao đầy nghệ thuật nhưng chỉ hay, đẹp về giọng ca và kĩ thuật chứ không hề cảm xúc. Phần đầu của Cỏ cũng giống như một giọng hát đầy nội lực nhưng chưa đủ làm tôi rung động, mà phải sang phần hai, cảm xúc cá nhân, phần chân thật trong con tim mới được bộc lộ. Nếu phần một là cái nền, phần hai chính là hồn cốt của bài viết, nhờ cái nền đẹp quá, tuổi thơ đẹp quá nuôi dưỡng nhân vật bởi niềm vui tuổi thơ, bởi câu ca dao bà hát ru đêm hè, bởi những chiều ngóng đợi mẹ về. Kí ức êm đềm đó như suối nguồn của nhân vật, để khi mất đi, nhân vật “như gốc cây khô bị người tiều phu đốn ngã”, như con chim mất tổ, bơ vơ, lạc lõng, vô hồn. Càng có được điều tuyệt vời nhất, thì mất đi càng gây tiếc nuối, tổn thương. Do hoàn cảnh, do sự ra đi đột ngột của bố, rồi bà cũng rời xa, người mẹ đi thêm bước nữa, bỏ lại đứa con nơi nhi viện. Tác giả không hề viết ra một lời trách cứ, song tình cảnh ấy càng khiến ta day dứt khôn nguôi về phận người. Có trách được người mẹ ấy chăng? Chỉ trách số phận an bài khắc nghiệt quá. Biến cố đến vào những lúc ta không ngờ. Đang được làm chú chim nhỏ hạnh phúc, mỏi cánh thì về tổ, ríu rít cùng bầy, bỗng ngày kia cháy rừng, chim mất tổ, tan đàn, biết bay về phương nao?

Cả hai phần viết là hai bước ngoặt có tính tách biệt nhưng lại bổ trợ, hài hòa vào nhau đến kì lạ. Kí ức càng đẹp, khi nhớ về càng nao lòng. Cỏ phong sương khéo léo nói về vai trò của “nhà”, của tình thương gia đình, đó là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ, là nơi để về sau những chuyến phiêu du mỏi mệt, khắc ghi những điều đẹp đẽ nhất trong tim ta để giữa cuộc đời không bị chông chênh. Mất đi “nhà”, thì người ta chỉ có thể: những bước chân phiêu bạt của tôi khi trở về quê cũng chông chênh đến lạ. Mãi đến khi mái đầu đã điểm sương với tâm từ đủ lớn, trên vai đã thôi mang giỏ chất đầy ưu phiền của phàm phu tục tử như những ngày trẻ dại chập chững vào đời…Tôi mới đủ tự tin trở về trong một chiều thu man mác, những mong được ngồi bên hiên nhà nghe lại câu hát à ơi vọng từ xưa cũ.

Nói về quá khứ nhẹ nhàng, nuối tiếc những điều êm đẹp, những thứ đã bay mất như trong mộng cảnh, giống như chỉ chớp mắt một cái mọi ảo cảnh đẹp đẽ đã biến mất, nhân gian vô thường, khi vui sướng khi khổ đau, vượt qua được mọi thứ mới thấu hồng trần, chỉ nơi chân Phật mới có thể xoa dịu. Tôi không biết rõ tác giả đã nhìn thấu tất cả hay do trú ngụ nơi chân Phật đã xoa dịu tâm trí, cảm hóa lòng người chỉ còn lại bình yên. Chỉ biết, đọc những dòng viết ấy, tôi rưng rưng nghẹn ngào.

“Nhà là chốn mẹ quê cha
Ôm con ru những lời ca ngọt ngào
Bây giờ con tuổi đã cao
Chơi vơi giữa cõi xanh xao hồng trần

Trở về tìm đấng song thân
Mới hay người đã gần nơi cửu tuyền
Chắp tay niệm Phật, ngồi thiền
Ngưỡng mong cha mẹ sanh Thiên an lòng

Gửi quê hương những tiếng lòng
Niệm thương chan chứa gửi song thân này
Mai sau cửu phẩm liên đài
Xá chi một chút bi hài nhân gian”

(Dùng câu thơ để làm câu kết thúc, câu thơ rất hợp với hoàn cảnh bài viết, có lẽ bởi chính bởi biến cố khiến Cỏ phong sương mất đi những điều tươi đẹp nâng đỡ, năm tháng đi tìm niềm vui chẳng thấy đã phủ dày lên tấm áo nâu của người tu hành, để kiếm tìm niềm an ủi chốn thanh tịnh cửa Phật )

- Xuân Hòa
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
cỏ phong sương cuộc thi văn học trẻ cuoc thi viet cuộc thi viết chủ đề nhà mot tram nam ngon co hoa may troi
837
4
2
Trả lời
Cảm ơn độc giả Xuân Hòa đã dành tình cảm cho tác phẩm của Cỏ Phong Sương ạ. Đọc những lời cảm nhận của bạn, Cỏ cũng thấy rất xúc động nghẹn ngào. Hẳn là Xuân Hòa đã đọc rất kĩ tác phẩm mới có thể đưa ra cảm nhận sâu sắc chi tiết đến vậy. Mến chúc Xuân Hòa một cuộc đời an yên, hạnh phúc. Mong sẽ nhận được nhiều lời cảm nhận của bạn ở những tác phẩm tiếp theo. Trân quý ^^
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.